Tây Ninh nỗ lực cải thiện các chỉ số cải cách hành chính

Thứ sáu - 11/08/2023 17:21 58 0

Sở Thông tin và Truyền thông vừa có báo cáo đánh giá những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và đề xuất giải pháp cụ thể khắc phục đối với các chỉ số cải cách hành chính của Tây Ninh theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Quan tâm hơn “Tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin”

Đối với chỉ số PCI, Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, sau khi nghiên cứu kỹ các báo cáo, phân tích về chỉ số PCI năm 2022, có 5 xu hướng chính về chất lượng điều hành kinh tế địa phương cần quan tâm, gồm: Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tiếp tục xu hướng cải thiện qua thời gian dù các doanh nghiệp vẫn báo cáo tình trạng phiền hà ở một số lĩnh vực chủ chốt. Chất lượng thực thi chính sách ở cấp sở, ngành và cấp huyện còn nhiều không gian để cải thiện; Tình trạng trả chi phí không chính thức duy trì xu hướng giảm.

Tiếp cận đất đai vẫn là điểm nghẽn lớn, đòi hỏi những nỗ lực cải cách quyết liệt hơn trong thời gian tới. Nhiều loại thông tin và tài liệu đã minh bạch hơn so với trước đây nhưng các doanh nghiệp kỳ vọng khả năng tiếp cận thông tin được cải thiện hơn nữa trong thời gian tới.

Trong 5 xu hướng đó, Sở Thông tin và Truyền thông đi sâu phân tích nội dung “Tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin” là một trong những chỉ số thành phần quan trọng của PCI. Chỉ số thành phần này đo lường liệu các doanh nghiệp có dễ dàng tiếp cận với các loại thông tin và tài liệu cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh; liệu việc tiếp cận thông tin, tài liệu đó có công bằng; chính sách pháp luật và việc thực thi pháp luật có thể dự đoán được hay bất ổn định; và mức độ hiệu quả của việc phổ biến thông tin qua cổng thông tin điện tử và hệ thống trang web ở các địa phương.

Đối với các doanh nghiệp, thông tin minh bạch hơn có thể giúp giảm rủi ro và sự bất định trong hoạt động kinh doanh từ đó giảm thiểu việc phải tìm hiểu và thích nghi với quy định pháp luật mới. Khi đó, doanh nghiệp có thể tiết kiệm được chi phí và có động cơ để xây dựng các kế hoạch kinh doanh trong dài hạn.

Trong số các khía cạnh về quản trị công cấp địa phương, tính minh bạch có liên hệ chặt chẽ với đầu tư tư nhân. Một địa phương tại Việt Nam nếu cải thiện tính minh bạch có thể thúc đẩy đáng kể việc gia tăng đầu tư tư nhân. Việc công khai, minh bạch các tài liệu quy hoạch của địa phương có tác động đáng kể đến thu hút đầu tư tư nhân vào địa phương đó.

Mức độ dễ dàng tiếp cận thông tin với hai nhóm tài liệu phổ biến ở địa phương gồm tài liệu quy hoạch và tài liệu pháp lý. Tài liệu quy hoạch gồm các báo cáo về thu, chi ngân sách và kế hoạch phân bổ ngân sách của tỉnh; các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mới; các kế hoạch đầu tư công; bản đồ, quy hoạch sử dụng đất; và quy hoạch phát triển các ngành hoặc vùng nguyên liệu.

Tài liệu pháp lý gồm các văn bản luật, pháp lệnh, nghị định của cơ quan trung ương; các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành; các văn bản pháp luật do cấp tỉnh ban hành; các chính sách ưu đãi đầu tư và các biểu mẫu thủ tục hành chính.

Hạn chế về việc cung cấp thông tin

Trên cơ sở phân tích trên, Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng, hiện nay, việc cung cấp thông tin của tỉnh còn thiếu, chưa đồng bộ, nằm rải rác ở một số nơi nên doanh nghiệp, nhà đầu tư khó tìm kiếm. Một số địa phương cấp huyện chưa cung cấp đủ thông tin hoặc khi cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử đưa vào file nén gây khó khăn cho người xem, thông tin có khi không đầy đủ, không có chữ ký…

Một ví dụ điển hình là theo báo cáo kết quả của dự án “Nghiên cứu thực chứng hướng tới thúc đẩy việc tiếp cận thông tin đất đai của người dân” do UNDP tại Việt Nam và CEPEW phối hợp thực hiện tại trang https://congkhaithongtindatdai.info cho thấy, một số vấn đề cần quan tâm là việc cung cấp thông tin công khai theo Luật Đất đai năm 2013 và Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 vẫn còn hạn chế.

Cụ thể như quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2022 cần công khai trên Cổng thông tin điện tử thì có những địa phương chưa công khai như thành phố Tây Ninh, huyện Châu Thành và Gò Dầu. Các địa phương như Bến Cầu, Tân Châu, Dương Minh Châu có công khai nhưng nén file rar nên khó xem. Các địa phương còn lại có công khai, dễ xem file pdf.

Một số giải pháp khắc phục

Trên cơ sở phân tích và tham khảo một số địa phương có chỉ số về công khai, minh bạch thông tin tốt, Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất tỉnh chỉ đạo bảo đảm “Tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin”, nhất là thực thi hiệu quả quyền tiếp cận thông tin đất đai của người dân, từ đó góp phần thúc đẩy quản trị tốt đất đai và giảm thiểu xung đột đất đai. Cụ thể, cần bổ sung quy trình cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân vào bộ thủ tục hành chính hiện hành; cần bổ sung quy định cụ thể về các hình thức và các kênh công bố công khai thông tin; cần xây dựng cổng dữ liệu mở.

Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cần thực hiện công khai thông tin đất đai theo hướng đăng tải đầy đủ các tài liệu có liên quan đến một bộ hồ sơ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hay bảng giá đất vào một chuyên mục cụ thể theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016. Ví dụ, đối với bộ hồ sơ kế hoạch sử dụng đất cần đăng tải tập trung cả thông báo công khai thông tin, quyết định phê duyệt, báo cáo thuyết minh và bản đồ kế hoạch sử dụng đất.

Các cơ quan nhà nước cũng cần áp dụng quy định tại Thông tư số 26/2020/TT-BTTTT của Bộ Thông tin Truyền thông để đăng tải thông tin theo hướng dễ tiếp cận đối với người khuyết tật, người cao tuổi và người dân, dễ sử dụng thay vì đăng trong các tệp nén RAR, ZIP như hiện nay…; cải thiện chức năng tìm kiếm trên các cổng/trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước và có hướng dẫn cụ thể về việc đăng tải tài liệu dành cho các cơ quan nhà nước; xây dựng hệ thống thông tin giám sát và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Tây Ninh để tổng hợp thống nhất tất cả các thông tin cần thiết cho nhà đầu tư theo khuyến nghị trong bảng phân tích, báo cáo PCI 2022.

Sở Thông tin và Truyền thông cũng kiến nghị UBND tỉnh phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, địa phương như: Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì quản lý nội dung, theo dõi, đôn đốc các ngành, địa phương liên quan cập nhật kịp thời, đầy đủ thông tin lên hệ thống, bảo đảm thông tin phải thuận tiện cho người xem; các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp cung cấp, cập nhật thông tin liên quan đến ngành, lĩnh vực và địa phương mình.

Theo Luật Đất đai năm 2013 và Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, quy hoạch đất đai và kế hoạch sử dụng đất của địa phương phải được đăng tải công khai bằng các hình thức khác nhau, kể cả trực tuyến, để công chúng biết.

An Khang

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây