Thông tin từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, trong 5 năm qua, tổ chức công đoàn đã đề xuất tăng mức lương tối thiểu vùng với tổng mức tăng là 25,34%, và Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chấp thuận ở mức tăng là 23,3%.
Tại phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia vào tháng 8 vừa qua, mức đề nghị mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra là tiếp tục tăng 6% (như năm 2022), song Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tìm kiếm đơn hàng, giữ được việc làm cho người lao động là điều quan trọng hơn trong bối cảnh hiện nay.
Tại phiên họp này, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất hoãn thương lượng tăng lương tối thiểu đến cuối năm 2023. Hồi cuối tháng 9, Bộ LĐTB-XH đã báo cáo Chính phủ cho phép lùi thời gian họp thương lượng. Theo ông Tống Văn Lai, Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ LĐTB-XH), dự kiến trong tháng 12 tới, Hội đồng Tiền lương quốc gia mới họp lại để xem xét phương án khuyến nghị tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2024.
Theo tiến độ này, lương tối thiểu vùng khó có thể tăng từ ngày 1-1-2024.
Trong 10 năm qua, lương tối thiểu vùng thường được điều chỉnh vào ngày 1-1 hàng năm, riêng năm 2022 là từ ngày 1-7 và áp dụng đến nay.
Theo Bộ LĐTB-XH, từ năm 2014 đến nay, lương tối thiểu vùng đã trải qua 8 lần điều chỉnh với mức tăng: 15,2% (năm 2014); 14,2% (năm 2015); 12,4% (năm 2016); 7,3% (năm 2017); 6,5% (năm 2018); 5,3% (năm 2019); 5,5% (từ năm 2020 đến tháng 6-2022) và 6% (từ tháng 7-2022).
Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )
Nguồn tin: www.sggp.org.vn
Ý kiến bạn đọc