Việt Nam tích cực, chủ động triển khai bài bản các cam kết tại COP2

Thứ sáu - 01/12/2023 15:00 88 0

Việt Nam đang tích cực, chủ động triển khai một cách bài bản các cam kết quốc tế, đặc biệt là các cam kết kể từ Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) đến nay và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Tập trung phát triển năng lượng sạch, năng lượng xanh là một trong những nỗ lực của Việt Nam để triển khai các cam kết tại COP26.
Tập trung phát triển năng lượng sạch, năng lượng xanh là một trong những nỗ lực của Việt Nam để triển khai các cam kết tại COP26.

Báo cáo về tình hình triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tại COP26, Việt Nam đã cùng 147 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ; cùng với 103 quốc gia tham gia Cam kết giảm phát thải khí methanol toàn cầu; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu.

Việt Nam đang tích cực, chủ động triển khai một cách bài bản các cam kết quốc tế, đặc biệt là các cam kết kể từ Hội nghị COP26 đến nay và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Sau COP26 và COP27, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia đã triển khai thực hiện cam kết; các bộ, ngành, cơ quan liên quan đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều đề án, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch hành động.

Lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành cũng đã làm việc với lãnh đạo của các tổ chức quốc tế, các quốc gia và các định chế tài chính quốc tế để thúc đẩy tiếp cận các nguồn lực tài chính, tri thức và công nghệ, mở nhiều cơ hội hợp tác phát triển, hướng tới chuyển đổi xanh, phát thải carbon thấp.

Các bộ, ngành nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính

Từ các cam kết tại COP26, các bộ có đối tượng phải giảm phát thải khí nhà kính như: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tổ chức xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực; đánh giá, kiểm kê phát thải khí nhà kính của các doanh nghiệp, cơ sở nhằm gắn trách nhiệm thực hiện giảm phát thải; xây dựng văn bản quy định kỹ thuật kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho cấp lĩnh vực và cơ sở; xây dựng hệ thống báo cáo kiểm kê khí nhà kính trực tuyến.

Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện và công bố Báo cáo tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển phục vụ phát triển năng lượng tái tạo, các dự án điện gió ngoài khơi; hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2016/NĐ-CP và Nghị định số 11/2021/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.

Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành danh mục phân loại xanh quốc gia làm cơ sở phân loại dự án ưu tiên cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Ban hành Thông tư quy định chi tiết kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực chất thải.

Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2022, bao gồm mục tiêu giảm phát thải đối với từng lĩnh vực và thích ứng với biến đổi khí hậu với các biện pháp thực hiện; phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam; phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và hoàn thành Đề án triển khai Tuyên bố JETP…

Về lĩnh vực năng lượng, Bộ Công Thương xây dựng chương trình giảm sử dụng năng lượng hóa thạch trong ngành năng lượng, lồng ghép vào Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia; dự thảo cơ chế xác định giá bán điện gió và điện mặt trời thực hiện theo cơ chế thị trường; hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với nhóm khách hàng có nhu cầu sử dụng điện lớn.

Đối với nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và ban hành Kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính (bao gồm khí methanol) ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Kế hoạch triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất; rà soát các dự án trao đổi tín chỉ carbon rừng thực hiện các sáng kiến đã tham gia tại COP26.

Đặc biệt, Bộ đã triển khai Thỏa thuận chi trả/mua bán giảm phát thải khí nhà kính (ERPA) từ rừng vùng Bắc Trung Bộ và đang đàm phán cho vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Các đơn vị cũng thúc đẩy trồng khoảng 244.000 ha rừng (gồm 7.451 ha rừng phòng hộ; 1.448 ha rừng đặc dụng; 221.694 ha rừng sản xuất) với 33.255 ha trồng rừng gỗ lớn, 130.714 ha khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, 1.900 ha rừng ngập mặn và 1.130 ha rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát ven biển; hỗ trợ phát triển, mở rộng các dịch vụ hệ sinh thái rừng có sự tham gia của cộng đồng...

Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methanol của ngành giao thông vận tải; xây dựng cơ chế, chính sách và lộ trình phát triển phương tiện giao thông điện (E-mobility) cho cấp quốc gia và thành phố; thực hiện nâng cao năng lực quản lý và giảm phát thải khí nhà kính; xây dựng Hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) giảm phát thải khí nhà kính cho các cơ sở phát thải ngành giao thông vận tải.

Bộ Xây dựng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị triển khai cam kết tại COP26 và Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh; xây dựng quy định chi tiết về kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) lĩnh vực xây dựng; triển khai nghiên cứu, đề xuất lộ trình phát triển hạ tầng đô thị xanh; đào tạo, tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xi măng thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính cấp cơ sở.

Địa phương chủ động các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng

Cùng với các bộ, ngành, các địa phương cũng đã vào cuộc tổ chức quán triệt các cam kết COP26; triển khai các chiến lược, kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tổ chức đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở trên địa bàn thuộc đối tượng phải kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ xây dựng kế hoạch, lộ trình giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh; rà soát, cập nhật danh mục cơ sở trên địa bàn.

Một số địa phương đã chủ động thực hiện các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng, xây dựng đề án thí điểm trao đổi tín chỉ carbon rừng (Quảng Nam, Sơn La, Lào Cai…). Nhiều địa phương đã thực hiện các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong nông nghiệp; kêu gọi đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, điện gió trên địa bàn.

Các địa phương có biển đã tiến hành giao các khu vực biển để thực hiện các dự án điện gió gần bờ theo thẩm quyền như Cà Mau 8 dự án; Bạc Liêu 3 dự án; Trà Vinh 5 dự án; Sóc Trăng 3 dự án; Bến Tre 4 dự án; Tiền Giang 1 dự án… đồng thời xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn quản lý.

Phát triển giao thông công cộng, giao thông xanh để cải thiện chất lượng không khí, giảm phát thải một cách bền vững.

Doanh nghiệp tích cực chuyển đổi xanh

Thời gian qua, nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã có những hành động đồng hành cùng Chính phủ, triển khai nghiên cứu và giảm dần các nguồn năng lượng hóa thạch, xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính.

Có thể kể đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã rà soát, đề xuất sửa đổi văn quy phạm pháp luật và cập nhật, bổ sung cơ chế chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển của từng ngành, lĩnh vực phù hợp với cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050; xây dựng hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính cho cơ sở; ban hành Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030; xây dựng mô hình phát triển ngân hàng xanh; khuyến khích các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tài trợ, cho vay ưu đãi đối với các dự án thuộc phân loại xanh

Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã xây dựng kế hoạch, kiểm soát nhu cầu khai thác và sử dụng nhiên liệu than thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng sạch theo lộ trình phù hợp với cam kết; không phát triển thêm nguồn nhiệt điện than mới sau năm 2030.

TKV cũng triển khai kiểm kê thải khí nhà kính tại các cơ sở phát thải khí nhà kính thuộc Tập đoàn; kiểm soát khí thải từ các nhà máy nhiệt điện, luyện kim, sản xuất xi măng; nâng cao năng lực xử lý bụi ở các bãi thải, kho than, bến cảng; tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp nhận công nghệ xử lý rác thải, nước thải; nghiên cứu thử nghiệm trồng cây trên khu vực sau khai thác mỏ tại Tây Nguyên; áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí methanol trong các hoạt động.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đưa ra thị trường các sản phẩm xăng dầu có tiêu chuẩn khí thải thấp, xăng dầu sinh học; tham gia thị trường hạ tầng năng lượng cho xe điện (cuối năm 2022 đã phối hợp với Vinfast lắp đặt 100 trạm sạc điện tại các cửa hàng xăng dầu Petrolimex); tổ chức nghiên cứu chiến lược các dòng sản phẩm mới như hydrogen, eFuels để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch trong tương lai.

Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam tiếp tục triển khai một số dự án phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối; xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và được Hội đồng quản trị rừng thế giới cấp chứng chỉ quản lý rừng theo tiêu chuẩn FSC cho 4/9 đơn vị lâm nghiệp; đẩy mạnh trồng rừng mới để nâng cao độ che phủ hấp thụ khí nhà kính, chấm dứt trợ cấp cho ngành công nghiệp sử dụng nhiên liệu hóa thạch; có chính sách hoàn trả carbon dành riêng các ngành công nghiệp hoặc nông nghiệp khó cắt giảm khí thải.

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã triển khai xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn nhập khẩu, sản xuất, đóng mới, chuyển đổi, hoán cải phương tiện giao thông vận tải đường sắt sử dụng điện, năng lượng xanh; xây dựng các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất, vận tải trong quá trình chuyển đổi từ phương tiện, trang thiết bị sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh.

Một số tập đoàn, tổng công ty lớn đang triển khai xây dựng đề án nghiên cứu, phát triển năng lượng mới như hydrogen… theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các tập đoàn đa quốc gia như Nestle, Equinor, Grab… sẵn sàng hợp tác với các cơ quan thuộc Chính phủ để thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Sau COP26 và COP27, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia đã triển khai thực hiện cam kết tại COP26. Các bộ, ngành đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều Đề án, Chiến lược, Kế hoạch hành động.

Cụ thể: Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methal ngành giao thông vận tải; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030; thông qua Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022 phù hợp với các cam kết của Việt Nam tại COP26 để gửi Ban Thư ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu...

Thu Cúc

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây