Việt Nam - Campuchia là hai nước láng giềng hữu nghị và thân thiện, Nhân dân sớm có quan hệ đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau trong lịch sử. Trong cuộc kháng chiến chống lại kẻ thù chung là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đáp lại lời kêu gọi của cách mạng Campuchia, Việt Nam sẵn sàng đưa quân tình nguyện sang giúp nước bạn. Thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Campuchia ngày 17/4/1975 cũng là thắng lợi của tình đoàn kết chiến đấu thủy chung, trong sáng giữa ba nước Đông Dương.
Nhân dân Campuchia tiễn các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, lên đường trở về Tổ quốc
Thế nhưng, ngay sau khi lên cầm quyền vào tháng 4/1975, tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary đã lợi dụng thành quả cách mạng, phản bội lại nhân dân Campuchia. Chúng lập nên cái gọi là “nhà nước Campuchia dân chủ", thi hành chế độ diệt chủng, thanh trừng nội bộ, giết hại hàng triệu người dân vô tội, phá hủy hàng trăm nghìn trường học, bệnh viện, chùa chiền...Trong 2 năm (từ 30/4/1975 đến 30/4/1977), Pol Pot phân chia lại đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy chính quyền thôn, xã, huyện, tỉnh theo kiểu quân sự, thanh trừng những người chống đối; chúng xây dựng lực lượng, phát triển quân chủ lực từ 7 sư đoàn khi mới giải phóng lên 12 sư đoàn quân chính quy với đầy đủ thành phần binh chủng, hàng vạn quân địa phương. Pol Pot tuyên bố: “Dù phải diệt thêm một triệu người nữa cũng kiên quyết làm, giết nhầm một kẻ vô tội còn hơn để sót một kẻ chống đối; trong gia đình, nếu một người ra rừng theo chống đối thì sẽ bị giết 3 đời". Lực lượng yêu nước Campuchia đứng trước tình thế vô cùng khó khăn như lời Thủ tướng Campuchia Hun Sen: “Chúng ta chẳng còn gì ngoài hai bàn tay trắng và ngồi chờ cái chết".
Đối với Việt Nam, tập đoàn Pol Pot - Ieng Sari xuyên tạc lịch sử, khiêu khích, kích động hận thù dân tộc; chỉ trong 2 năm (1975 đến 1977), chúng đã điều động 41% quân số và trang thiết bị áp sát biên giới Việt Nam; gây ra những tội ác đẫm máu đối với nhân dân ta, xâm phạm nghiêm trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, chà đạp lên những giá trị tốt đẹp trong mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc.
Ngày 03/5/1975, chúng đánh chiếm đảo Phú Quốc; ngày 10/5/1975, đánh chiếm đảo Thổ Chu, bắt và giết hơn 500 dân thường. Trên đất liền, chúng khiêu khích bộ đội biên phòng ta, cho dân di dời cột mốc biên giới ở một số điểm thuộc các tỉnh Tây Ninh, Kon Tum, Đắk Lắk. Tháng 10/1975, chúng xâm nhập khu vực Pa Chàm (Lổ Cồ), xâm canh các khu vực Mộc Bài, Khuốc, Vạt Sa, Tà Nốt, Tà Bạt. Cuối năm 1975 đầu năm 1976, quân Pol Pot bất ngờ tiến hành một số vụ tấn công xâm nhập vào sâu lãnh thổ Việt Nam, có nơi trên 10km như ở vùng sông Sa Thầy (Gia Lai, Kon Tum). Cuối tháng 2 đầu tháng 3/1976, quân Pol Pot khiêu khích hai đồn biên phòng số 7 và số 8 ở Bu Prăng (Đắk Lắk). Cuối năm 1976, chúng tăng cường các hoạt động khiêu khích, lấn chiếm ở vùng biên giới Tây Nam nước ta. Trên địa bàn Quân khu 7, chúng gây ra 280 vụ khiêu khích, lấn chiếm 20 điểm trên biên giới. Ở địa bàn Quân khu 5 và Quân khu 9, các vụ xâm lấn ngày càng tăng với tính chất ngày càng nghiêm trọng hơn. Trong tháng 3 và 4/1977, quân Pol Pot liên tiếp mở nhiều cuộc hành quân diễn tập dọc biên giới nước ta dưới danh nghĩa “phòng thủ khu vực", “bảo đảm an ninh nội địa", nhưng thực chất đó là các cuộc điều quân. Cuối tháng 4/1977, Pol Pot điều động 5 sư đoàn và hàng trăm khẩu pháo, xe tăng áp sát biên giới Việt Nam, thực hiện âm mưu xâm lược quy mô lớn vào vùng biên giới Tây Nam nước ta.
Để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân, Đảng, Nhà nước ta một mặt chỉ đạo các Quân khu, địa phương, đơn vị tăng cường chuẩn bị lực lượng và thế trận, kiên quyết đập tan các cuộc tiến công xâm lược của địch; mặt khác, kiên trì chủ trương xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, nhiều lần đề nghị đàm phán với Chính phủ Campuchia. Song, Pol Pot-Ieng Sary không những cự tuyệt, khước từ mọi thiện chí của ta mà còn đẩy mạnh hoạt động chống phá, ráo riết chuẩn bị chiến tranh. Đêm ngày 30/4/1977, lợi dụng lúc quân và dân ta kỷ niệm hai năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tập đoàn Pol Pot đã mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới thuộc địa phận tỉnh An Giang, chính thức bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam Việt Nam.
Ngày 30/4/1977, chúng đánh vào 14/16 xã biên giới thuộc tỉnh An Giang, tàn phá các bản làng, trường học, cơ sở sản xuất của ta, bắn pháo vào những nơi đông dân cư ở sát biên giới và vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam. Trước hành động xâm lược trắng trợn của quân Pol Pot, các lực lượng biên phòng và dân quân, du kích đã anh dũng chiến đấu, ngăn chặn địch. Quân đội ta đã sử dụng 1 trung đoàn (thuộc Sư đoàn 330), 1 trung đoàn tàu thuyền và 2 tiểu đoàn địa phương An Giang đánh trả, diệt 300 tên, buộc quân Pol Pot rút về bên kia biên giới.
Ngày 23/5/1977, Quân ủy Trung ương ra chỉ thị cho lực lượng vũ trang ở phía Nam: “Kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của ta, không dung thứ bất cứ sự xâm lấn nào của lực lượng khiêu khích phản động Campuchia vào lãnh thổ ta; đồng thời tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Campuchia". Thực hiện Chỉ thị, các đơn vị quân chủ lực, hậu cần chuẩn bị mọi lực lượng sẵn sàng chiến đấu.
Từ ngày 25/9/1977, quân Pol Pot tập trung 9 sư đoàn chủ lực cùng lực lượng địa phương mở cuộc tiến công lớn thứ 2 đánh sang địa bàn các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp lên hướng Tây Ninh, gây nhiều tội ác đối với Nhân dân Việt Nam. Riêng ở 3 xã thuộc các huyện Tân Biên, Bến Cầu (Tây Ninh), quân Pol Pot đã tàn sát trên một nghìn người dân.
Trước diễn biến mới của cuộc chiến tranh, Bộ Tổng Tham mưu quyết định sử dụng một bộ phận lực lượng chủ lực cơ động đánh lui các cuộc tiến công của quân Pol Pot ở nhiều khu vực trên biên giới, giành lại những khu vực bị lấn chiếm, sau đó lui về củng cố lực lượng.
Phát hiện ta đã lui quân về phía sau, ngày 15/11/1977, quân Pol Pot lại mở cuộc tiến công mới nhằm đánh chiếm thị xã Tây Ninh. Trước tình hình đó, từ 5/12/1977 đến 5/01/1978, quân ta mở đợt phản công trên các hướng đường 7, đường 1, đường 2, truy kích quân Pol Pot làm thiệt hại 5 sư đoàn và thất bại kế hoạch đánh chiếm thị xã Tây Ninh của địch.
Với âm mưu thủ đoạn nham hiểm “vừa ăn cướp, vừa la làng", tập đoàn Pol Pot đưa chiến tranh biên giới ra trước dư luận thế giới: Ngày 31/12/1977, chúng ra tuyên bố vu khống Quân đội Việt Nam “tiến công xâm lược Campuchia dân chủ" nhằm cô lập Việt Nam trên trường quốc tế. Cũng trong ngày 31/12/1977, Chính phủ ta ra tuyên bố về vấn đề biên giới Việt Nam - Campuchia, nêu rõ lập trường và nguyên tắc: Kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; luôn luôn tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia, làm hết sức mình để bảo vệ tình đoàn kết chiến đấu và hữu nghị Việt Nam - Campuchia; vạch trần âm mưu thủ đoạn và những tội ác man rợ của tập đoàn Pol Pot đối với đồng bào ta ở các tỉnh vùng biên giới Tây Nam.
Tuy bị thiệt hại nặng nề, nhưng được hỗ trợ về vũ khí, trang bị và cố vấn quân sự từ bên ngoài, Pol Pot lại tiếp tục chuẩn bị lực lượng, tập trung quân về biên giới Việt Nam. Tháng 01/1978, Pol Pot đưa thêm 2 sư đoàn ra biên giới, tiếp tục gây xung đột, liên tục tiến công lấn chiếm, bắn phá vào những nơi đông dân cư, gây nhiều tội ác với đồng bào ta.
Trước tình hình đó, Bộ Tổng Tham mưu điều động Sư đoàn 341 (Quân đoàn 4) tăng cường cho Quân khu 9, sẵn sàng chiến đấu; đồng thời ra lệnh cho các đơn vị ta trên toàn tuyến biên giới Tây Nam nâng cao cảnh giác, thực hiện phòng ngự tích cực để hỗ trợ cho Đảng, Nhà nước ta thực hiện đấu tranh chính trị và ngoại giao. Ngày 05/02/1978, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra tuyên bố ba điểm: (1) Hai bên chấm dứt mọi hoạt động quân sự, rút lực lượng vũ trang cách biên giới 5km; (2) Hội đàm tiến tới kí hiệp ước hữu nghị và không xâm lược, kí hiệp ước về biên giới; (3) Thoả thuận về một hình thức thích hợp bảo đảm thông lệ quốc tế và giám sát quốc tế.
Phớt lờ thiện chí của ta, quân Pol Pot tiếp tục huy động lực lượng áp sát biên giới và cho quân tiến công, xâm nhập nhiều điểm trên địa phận nước ta; lực lượng của ta đã kiên quyết đánh trả, giành lại các khu vực bị lấn chiếm.
Từ ngày 26/3/1978, các đơn vị quân đội ta chuyển sang tiến công, đẩy quân Pol Pot lùi xa dần biên giới và dồn đối phương vào thế bị động; đồng thời hỗ trợ trực tiếp cho phong trào nổi dậy của lực lượng cách mạng Campuchia phát triển, đỉnh cao là cuộc nổi dậy từ ngày 26/5/1978 ở Quân khu Đông, làm suy yếu một bộ phận lực lượng quân Pol Pot. Quân cách mạng Campuchia đã lập được những khu căn cứ du kích có điều kiện thuận lợi về nhiều mặt, nhất là những khu căn cứ gần Việt Nam, từng bước hình thành sự chỉ đạo thống nhất.
Ngày 15/6/1978, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp bàn về chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của Pol Pot ở biên giới Tây Nam và tình hình căng thẳng ở biên giới phía Bắc; quyết định phát động chiến tranh Nhân dân, kiên quyết phản công và tiến công địch một cách chủ động, liên tục bằng mọi lực lượng, với các quy mô nhỏ, vừa và lớn, đánh địch cả trong và ngoài biên giới; tiêu diệt, tiêu hao và làm tan rã một bộ phận quan trọng sinh lực địch.
Sau cuộc nổi dậy của lực lượng cách mạng Campuchia ở Quân khu Đông ngày 26/5/1978, quân Pol Pot vừa ráo riết thanh trừng nội bộ, vừa phải đối phó với lực lượng cách mạng Campuchia vẫn đang tiếp tục hoạt động ở nhiều nơi. Để hỗ trợ cho lực lượng cách mạng Campuchia tồn tại và phát triển, tạo thế cho hoạt động của ta vào mùa khô 1979, từ ngày 14/6 đến 30/9/1978, ta sử dụng Quân đoàn 3, Quân đoàn 4 và 2 sư đoàn (thuộc Quân khu 7), 2 sư đoàn (thuộc Quân khu 5) mở tiếp đợt tiến công lớn trên các hướng đường 1, đường 7, vùng giáp biên giới Tây Ninh và đường 19 kéo dài nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, tiến tới làm suy yếu một bước lực lượng quân Pol Pot.
Do bị bất ngờ hoàn toàn về thời gian, quy mô và phương thức hoạt động của ta, quân Pol Pot rơi vào thế bị động. Cuộc tiến công của ta đã hỗ trợ kịp thời cho lực lượng cách mạng Campuchia ở Quân khu Đông, buộc quân Pol Pot phải đối phó trên cả mặt trận biên giới và nội địa. Phối hợp với lực lượng cách mạng Campuchia trong đợt tiến công này, ta loại khỏi vòng chiến đấu 6 sư đoàn, làm suy yếu nghiêm trọng lực lượng chủ lực và đẩy lùi hầu hết quân Pol Pot ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 11/1978, Việt Nam đã giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia phát triển được 15 tiểu đoàn, 5 khung tiểu đoàn, 24 đội công tác, xây dựng được các tổ chức đảng, chuẩn bị thành lập mặt trận và bộ máy lãnh đạo. Với sự giúp đỡ của Việt Nam, ngày 2/12/1978, tại vùng giải phóng thuộc vùng giải phóng Snuol, huyện Snuol, tỉnh Kratie (Campuchia), Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia ra mắt nhân dân Campuchia, công bố cương lĩnh cách mạng 11 điểm, trong đó nêu rõ quyết tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng yêu nước nổi dậy đánh đổ tập đoàn phản động Pol Pot, xóa bỏ chế độ diệt chủng tàn ác, thiết lập chế độ dân chủ nhân dân; khẳng định tăng cường tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới; kêu gọi chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế giúp đỡ mọi mặt cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Campuchia.
Trước ý định tập trung 5 sư đoàn và 4 trung đoàn tiến công đánh chiếm Tây Ninh, sau đó sẽ mở rộng địa bàn đánh chiếm lãnh thổ Việt Nam của Pol Pot, ngày 06 và 07/12/1978, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua quyết tâm tổng phản công - tiến công chiến lược tiêu diệt quân địch, hoàn thành cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc; đồng thời sẵn sàng hỗ trợ lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia giành chính quyền về tay nhân dân.
Phát hiện sự chuẩn bị của ta, Pol Pot tập trung phần lớn lực lượng chủ lực bố trí dọc biên giới với Việt Nam, toàn bộ phía sau hầu như trống rỗng. Ngày 23/12/1978, chúng huy động 10 trong số 19 sư đoàn đang bố trí ở biên giới mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam nước ta.
Trước hành động xâm lược của Pol Pot và đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, ngày 23/12/1978, Quân tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia mở cuộc tổng phản công - tiến công trên toàn tuyến biên giới.
Ngày 26/12/1978, toàn bộ hệ thống phòng thủ vòng ngoài của quân Pol Pot bị phá vỡ. Đến ngày 31/12/1978, quân và dân ta đã hoàn thành nhiệm vụ đánh đuổi quân Pol Pot, thu hồi toàn bộ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc bị kẻ thù lấn chiếm. Ngày 02/01/1979, ba cụm quân chủ lực của Pol Pot, mỗi cụm 5 sư đoàn, án ngữ các trục đường tiến về Phnôm Pênh (đường 1, đường 7 và đường 2) cơ bản bị tiêu diệt và tan rã. Ngày 05 và 06 tháng 01/1979, trên tất cả các hướng, Quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia truy kích, tiến sát Thủ đô Phnôm Pênh. Ngày 7/01/1979, Thủ đô Phnôm Pênh hoàn toàn được giải phóng.
Thắng lợi của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc là hành động tự vệ chính đáng và cần thiết của nhân dân Việt Nam nhằm chống lại cuộc chiến tranh xâm lược do tập đoàn Pol Pot - Ieng Sari gây ra. Chiến thắng một lần nữa khẳng định: ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế trong sáng của nhân dân Việt Nam là nguồn sức mạnh to lớn, đập tan bất kỳ âm mưu và hành động chống phá nào của các thế lực phản động, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Đồng thời, đáp lại lời kêu gọi của cách mạng Campuchia, Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, cứu dân tộc Campuchia thoát khỏi họa diệt vong - đó là hành động phù hợp pháp lý và đạo lý, thể hiện tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng, chí nghĩa, chí tình, sẵn sàng hy sinh cả xương máu vì mối quan hệ truyền thống gắn bó thủy chung, lâu đời giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước; là sự tiếp nối truyền thống đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của hai dân tộc. Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định “Nếu không có ngày 07/01/1979, nhân dân Campuchia chúng tôi cũng không thể có được những gì trong ngày hôm nay. Đây là chân lý lịch sử không một thế lực phản động nào có thể phủ nhận";
Chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot cũng đã góp phần giữ vững hoà bình, ổn định ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới; đấu tranh vạch trần bản chất của chế độ phân biệt chủng tộc, sắc tộc, chế độ độc tài và cảnh báo cho nhân loại cảnh giác trước nguy cơ của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và chủ nghĩa phát xít mới.
Sau nhiều năm xét xử với hàng trăm nghìn tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 16/11/2018, Phiên tòa Bất thường trong hệ thống Tòa án của Campuchia dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc đã chính thức ra phán quyết các cựu thủ lĩnh của Tập đoàn diệt chủng Pol Pot phạm tội ác diệt chủng chống lại nhân loại. Dù 45 năm đã trôi qua, phán quyết này đã trả lại công lý cho những nạn nhân vô tội bị tàn sát bởi bè lũ diệt chủng Pol Pot và một lần nữa khẳng định tính chính nghĩa, sự giúp đỡ vô tư, trong sáng của Việt Nam đối với Campuchia.
Sau thắng lợi vĩ đại ngày 7/01/1979, tuy bộ máy thống trị của tập đoàn Pol Pot từ Trung ương đến cơ sở đã bị đánh đổ nhưng tàn quân Pol Pot còn khoảng 4 vạn tên do bọn đầu sỏ chỉ huy rút chạy ẩn náu ở các vùng biên giới phía Tây, Tây Bắc Campuchia và một số nơi trong nội địa, dựa vào sự giúp đỡ của bên ngoài tiếp tục chống phá cách mạng. Chúng đẩy mạnh các hoạt động chính trị, ngoại giao, hòng tạo sức ép đẩy Quân tình nguyện Việt Nam ra khỏi Campuchia trong khi lực lượng cách mạng của nước bạn còn yếu; chúng hy vọng phản công chiếm lại Thủ đô Phnôm Pênh với ảo tưởng lập lại chính quyền diệt chủng.
Ngày 18/02/1979, tại Thủ đô Phnom Penh, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Heng Samrin thay mặt Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia ký Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Hai bên cam kết hết lòng ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt, bằng mọi hình thức cần thiết nhằm tăng cường khả năng bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và công cuộc lao động hòa bình của Nhân dân mỗi nước.
Thực hiện những cam kết ghi trong Hiệp ước, sau ngày chiến thắng, Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam lại tiếp tục sát cánh cùng các lực lượng yêu nước và Nhân dân Campuchia ngăn chặn sự quay trở lại của chế độ diệt chủng, mang lại sự hồi sinh cho đất nước Chùa Tháp, vì hòa bình, ổn định ở khu vực.
Trong 10 năm (1979 - 1989) Việt Nam đồng thời thực hiện 3 nhiệm vụ tại Campuchia: 1) Giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia vừa xây dựng lực lượng, vừa phối hợp chiến đấu truy quét tàn quân Pol Pot ở các vùng biên giới phía Tây, Tây Bắc và nội địa; 2) Giúp bạn xây dựng, củng cố hệ thống chính quyền cách mạng, các tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến địa phương và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp; 3) Cử hàng ngàn cán bộ, chuyên gia cùng với các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam ở lại tiếp tục giúp cách mạng và nhân dân Campuchia ổn đinh, hồi phục trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, giáo dục, giao thông vận tải, y tế… chăm lo đời sống nhân dân.
10 năm làm nhiệm vụ quốc tế cao cả ở Campuchia, cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã thể hiện rõ ý chí kiên cường, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng của nhân dân Campuchia, vượt qua những thử thách cam go, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ; hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã anh dũng hy sinh trên đất bạn vì nghĩa vụ quốc tế cao cả. Người dân Campuchia đã trìu mến gọi những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam là bộ đội nhà Phật. Khi tình hình Campuchia đi vào ổn định, ngày 26/9/1989, trước sự chứng kiến của truyền thông quốc tế, các đơn vị cuối cùng của Quân tình nguyện Việt Nam rút quân về nước trong sự lưu luyến của nhân dân xứ Chùa Tháp.
Ngày quân tình nguyện Việt Nam về nước, báo Pracheachon của Campuchia ra xã luận viết: “Trong những năm cực kỳ bi thảm dưới chế độ diệt chủng Pol Pot, trên thế giới này, có không biết bao nhiêu kẻ mạnh, kẻ giàu nhưng duy nhất chỉ có người bạn láng giềng nghèo Việt Nam đến cứu sống dân tộc ta mà thôi". Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã khẳng định: “Không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì Campuchia không có ngày nay, dứt khoát là thế".
Trong những năm qua, quan hệ Việt Nam - Campuchia đã không ngừng được củng cố và phát triển trên mọi lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác trong khu vực và trên thế giới.
Quan hệ chính trị giữa hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp, lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì các chuyến thăm tiếp xúc và trao đổi dưới nhiều hình thức, kể cả khi dịch đại COVID-19 diễn biến phức tạp. Hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương với các cơ chế hợp tác thiết thực được triển khai ngày càng hiệu quả, đưa quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu. Các hoạt động của Mặt trận, nhóm nghị sĩ hữu nghị, hội hữu nghị, các tổ chức đoàn thể quần chúng hai nước, nhất là tại các tỉnh biên giới diễn ra sôi nổi và rộng khắp, góp phần nâng cao sự hiểu biết của nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước, hai dân tộc.
Hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước nói chung và giữa các tỉnh biên giới nói riêng đạt được kết quả tích cực. Mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 song kim ngạch thương mại hai nước vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 10,57 tỷ USD trong năm 2022, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 11 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại Việt Nam-Campuchia đã đạt gần 8 tỷ USD (dự kiến cả năm 2023 đạt 9 tỷ USD). Hai bên nhất trí phấn đấu đạt mốc kim ngạch thương mại song phương 20 tỷ USD trong thời gian tới. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia (sau Trung Quốc và Mỹ) và là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia trong ASEAN. Đến nay, Việt Nam có 205 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,94 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và là một trong 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia. Đặc biệt, Campuchia đứng thứ 2 trong số 79 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài.
Hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh không ngừng được tăng cường, ngày càng thực chất hiệu quả, là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước. Hai bên luôn khẳng định, không cho phép bất kỳ một thế lực thù địch nào sử dụng lãnh thổ của mình để gây phương hại cho an ninh của nước kia. Trên cơ sở các hiệp ước, hiệp định và thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, các cơ quan chính quyền và nhân dân địa phương biên giới hai bên đang phối hợp tích cực triển khai công tác phân giới cắm mốc trên đất liền. Hai bên đã ký 2 văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc khoảng 84% đường biên giới trên đất liền Việt Nam Campuchia và hiện nay đang nỗ lực đàm phán, giải quyết 16% còn lại để tiếp tục xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.
Các lĩnh vực hợp tác khác về giáo dục, đào tạo, giao thông vận tải, văn hóa, y tế, viễn thông… được quan tâm đẩy mạnh. Chính phủ hai nước luôn tạo điều kiện thuận lợi cho kiều dân hai nước sinh sống trên lãnh thổ của nhau, phù hợp với pháp luật của mỗi nước. Hằng năm Việt Nam cấp hàng trăm suất học bổng dài hạn cho sinh viên Campuchia đang học tại Việt Nam. Cùng với đó, số lượng sinh viên Việt Nam sang học tập tại Campuchia ngày càng nhiều. Hai nước cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, nhất là ở các địa phương giáp biên giới. Việt Nam thường xuyên tổ chức các đoàn bác sĩ tình nguyện sang khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho nhân dân Campuchia. Các bệnh nhân Campuchia khi sang khám và điều trị bệnh tại Việt Nam được hưởng mức lệ phí khám chữa bệnh như người Việt Nam. Bên cạnh đó, hai nước cũng phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế, khu vực và tiểu vùng, góp phần nâng cao vị trí, uy tín của mỗi nước trong khu vực và trên thế giới.
Trong thời gian tới, dù bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường nhưng hai nước, hai dân tộc Việt Nam - Campuchia sẽ cùng nhau cảnh giác, đấu tranh với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chống lại sự bôi nhọ, vu khống, kích động, gây chia rẽ để không ngừng tăng cường hơn nữa mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài" vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên toàn thế giới.
Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )
Nguồn tin: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh
Ý kiến bạn đọc