Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Phân cấp phải khả thi, khó quá anh em sẽ "buông"

Thứ ba - 16/01/2024 16:48 196 0

Ngày 16-1, tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Chính phủ trình Quốc hội khoá XV dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo đó, Chính phủ đã đề xuất 8 cơ chế đặc thù để triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt trong đó là việc thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại tổ ngày 16-1

Phương án 1, chưa thực hiện cơ chế thí điểm ngay trong giai đoạn 2024 - 2025, chỉ quy định nội dung chính sách mang tính chất định hướng cho tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026 - 2030.

Phương án 2, thực hiện cơ chế thí điểm phân cấp ngay trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024 - 2025 như đề xuất trước đó. HĐND cấp tỉnh quyết định lựa chọn 1 huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thảo luận nội dung này tại tổ, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh dự thảo Nghị quyết đã thể hiện các cơ chế đặc thù "chưa từng có". Theo Phó Thủ tướng, 3 chương trình mục tiêu quốc gia tổng hợp từ rất nhiều chính sách, vấn đề, quy định nên cực kỳ phức tạp, đan xen, thậm chí xung đột với nhau. Do đó, nếu không tháo gỡ, không có cơ chế đặc thù thì rất khó làm.

Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, nguyên tắc lớn nhất của 8 cơ chế Chính phủ đang trình Quốc hội lần này là phân cấp mạnh, tăng cường năng lực của cơ sở. Nhưng đồng thời với đó là nâng cao trách nhiệm kiểm tra, giám sát.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý về vấn đề ngân sách

Đối với kiến nghị phân cấp cho cấp huyện, Phó Thủ tướng cho biết có ý kiến băn khoăn liệu cấp huyện có kham nổi công việc này không. "Bởi nếu làm không khéo chúng ta sẽ mất cán bộ. Điện thoại của tôi nhận được rất nhiều tin nhắn của các cán bộ ở huyện, xã về xin Phó Thủ tướng đừng giao cho em. Cho nên ở đâu đó cũng có sự phân vân việc xem xét phân cấp đến đâu"- Phó Thủ tướng nói.

Từ những băn khoăn đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng nguyên tắc của cơ chế, của phân cấp là phải đảm bảo tính khả thi, và cán bộ phải triển khai được công việc. "Giao việc mà căng quá có khi anh em buông"- Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh Chính phủ rất thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng trong việc đề xuất xin các cơ chế, chính sách đặc thù. Dẫn chứng vấn đề liên quan ngân sách nhà nước, ông Trần Lưu Quang nêu rõ dù một đồng cũng phải cực kỳ chặt chẽ, bởi trên thực tế "rất nhiều người đi về nơi xa lắm" vì coi thường việc này.

Về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) cho biết Hội đồng Dân tộc thống nhất lựa chọn phương án 2, quy định "HĐND cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được cấp có thẩm quyền giao; cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung vốn thực hiện các dự án thành phần khác thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025".

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, với phương án này sẽ đảm bảo phân cấp triệt để cho cấp huyện chủ động, linh hoạt trong việc điều hành, quản lý triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, là cơ sở để phục vụ xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia cho giai đoạn 2026 - 2030. Tuy nhiên, đại biểu cũng nhất trí với nhiều đại biểu khác là cần làm rõ tiêu chí lựa chọn huyện, điều kiện để thực hiện cơ chế này.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng kiến nghị thời gian qua, Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết đặc thù và cơ chế thí điểm cho các địa phương, lĩnh vực đặc thù khi triển khai thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc. 

Do đó, đại biểu Cường đề nghị Quốc hội sớm ban hành một Nghị quyết riêng để tháo gỡ những khó khăn này, thay vì ban hành nhiều Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho các địa phương, lĩnh vực khác nhau.

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Người lao động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây