Thắng lợi tại Hội nghị Geneve: Mở ra cục diện mới, thời kỳ cách mạng mới

Thứ bảy - 20/07/2024 10:12 101 0

Thắng lợi trong đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Geneve với việc ký kết Hiệp định đình chiến ở Việt Nam, Lào, Campuchia đã mở ra một cục diện mới, một thời kỳ cách mạng mới - thời kỳ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng lúc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cách đây 70 năm (1954-2024), quân và dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đó là đỉnh cao thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; là sự kết tinh sức mạnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. 

Sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là yếu tố quyết định

Thắng lợi đó tạo nên bước ngoặt quan trọng trong lịch sử dân tộc, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneve (21/7/1954) về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, tạo cơ sở, nền tảng vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Thắng lợi của việc ký kết Hiệp định Geneve bắt nguồn từ nhiều yếu tố, trong đó sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là yếu tố quyết định, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu đối với quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay.

Thắng lợi tại Hội nghị Geneve: Mở ra cục diện mới, thời kỳ cách mạng mới- Ảnh 1.

Hội nghị Geneve bàn về lập lại hòa bình ở Đông Dương - Ảnh tư liệu Bộ Ngoại giao

Ngay sau thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 8/5/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ Mặt trận Điện Biên Phủ: "Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ, Bác và Chính phủ thân ái gửi lời ngợi khen cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang. Thắng lợi này tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng lợi mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để tranh độc lập, thống nhất, dân chủ, hoà bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn…"[1].

Trước đó, nửa cuối năm 1953, Tổng chỉ huy Navarre trước khi sang Đông Dương đã được Thủ tướng Pháp Réne Maye, giao nhiệm vụ "tìm một lối thoát trong danh dự"[2]. Ngày 12/11/1953, Thủ tướng Pháp Lanien khẳng định: "…nếu một giải pháp danh dự xuất hiện trong khung cảnh địa phương hoặc khung cảnh quốc tế, thì cũng như Hoa Kỳ ở Triều Tiên, nước Pháp sẽ vui lòng đón nhận một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột"[3].

Trong bối cảnh quốc tế có những thuận lợi để giải quyết cuộc chiến tranh bằng đàm phán, Đảng chủ trương mở cuộc tiến công trên mặt trận ngoại giao để phối hợp với kế hoạch tác chiến trong Đông Xuân 1953-1954, làm thất bại âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh của Mỹ và Pháp. Ngày 26/11/1953, trả lời phỏng vấn báo Expressen (Thuỵ Điển) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "…Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thực sự của nước Việt Nam… Nếu có những nước trung lập nào muốn cố gắng để xúc tiến việc chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam bằng cách thương lượng, thì sẽ được hoan nghênh, nhưng việc thương lượng đình chiến chủ yếu là một việc giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với Chính phủ Pháp"[4].

Ngày 27/12/1953, Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Thông tri gửi Trung ương Cục miền Nam, các liên khu uỷ giải thích rõ thêm tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhà báo Thuỵ Điển: "Trong lịch sử, có nhiều cuộc chiến tranh do thương lượng hoà bình mà đi đến đình chiến. Chiến tranh Triều Tiên là một thí dụ. Hơn nữa, hiện nay đường lối chung của phe ta trên thế giới là: Dùng mọi cách để tăng cường hoà hoãn quốc tế, gìn giữ và củng cố hoà bình thế giới và tình hữu nghị giữa các dân tộc… Nhân dân ta chiến đấu chống bọn xâm lược là vì độc lập dân tộc, mà cũng vì hoà bình thế giới… Hồ Chủ tịch nói hoà bình, không phải để tuyên truyền đối ngoại mà chính vì vấn đề Việt Nam cũng như các vấn đề tranh chấp khác trên thế giới có thể giải quyết bằng cách thương lượng hoà bình"[5].

Ban Bí thư Trung ương Đảng khẳng định: "Ngọn cờ hoà bình phải do ta nắm lấy và giương cao lên… Chúng ta tuyệt đối không nên có ảo tưởng rằng hoà bình sẽ đến một cách mau chóng và dễ dàng. Hoà bình cũng như độc lập phải đấu tranh gian khổ mới giành được… Căn cứ vào lực lượng so sánh giữa ta và địch lúc này, điều kiện thương lượng hoà bình chưa chín muồi. Ta phải đẩy mạnh kháng chiến, tiêu diệt cho thật nhiều sinh lực địch hơn nữa, thì địch mới chịu nhận thương lượng để giải quyết hoà bình vấn đề Việt Nam, tôn trọng quyền tự do, độc lập của dân tộc ta"[6].

Những tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sẵn sàng đàm phán hoà bình đã gây tiếng vang lớn. Nhân dân Pháp và nhân dân thế giới bày tỏ thái độ đồng tình quan điểm của Việt Nam, đòi Chính phủ Pháp phải nghiêm túc xem xét, đáp ứng. Chính phủ Pháp cho biết, tham gia Hội nghị Bốn nước lớn (Tứ cường), sẽ tổ chức tại Berlin (Đức) vào cuối tháng 1/1954 để bàn về vấn đề của nước Đức, Áo, về vấn đề của Triều Tiên và xem xét vấn đề Đông Dương.

Ngày 25/1/1954, Hội nghị Tứ cường, gồm Bộ trưởng ngoại giao của các nước: Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp đã họp ở Berlin. Tại Hội nghị, trong khi đoàn Mỹ phản đối Hội nghị 5 nước (không muốn có sự tham gia của Trung Quốc) và trong bối cảnh các nước tham dự Hội nghị Tứ cường chưa nhất trí về việc mời Trung Quốc tham gia Hội nghị ở Geneve vào cuối tháng 4/1954, thì Liên Xô cho rằng, Trung Quốc có liên quan trực tiếp và sâu sắc đến cả hai cuộc xung đột ở Triều Tiên và Đông Dương, nếu muốn Hội nghị đi đến kết quả cụ thể thì cần phải có sự tham gia của Trung Quốc. Cuối cùng, ngày 18/2/1954, các nước đi đến thoả thuận mời Trung Quốc tham dự Hội nghị.

Trong lúc các sự kiện chính trị, ngoại giao diễn tiến tương đối thuận lợi, thì tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị vây chặt, thế chủ động trên các chiến trường nằm trong tay Việt Minh. Trước tình hình đó, ngày 26/1/1954, Chính phủ Pháp quyết định cử một phái đoàn, do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pleven sang nghiên cứu tình hình Đông Dương. Sau khi nắm bắt tình hình chiến sự trên chiến trường Đông Dương, Pleven cảnh báo: Nếu Chính phủ Pháp cứ chần chừ không quyết định đàm phán thì tình hình sẽ ngày càng tồi tệ, cần lợi dụng Hội nghị Geneve để chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, bản thân Navarre lại phản đối gay gắt ý định thương lượng của Chính phủ Pháp và cho rằng: "…Quyết định tai hại về việc họp Hội nghị Geneve vào một thời điểm bất lợi nhất - tức là vào lúc ván bài của ta không kịp điều chỉnh gì nữa, đã hoàn toàn làm thay đổi mọi căn cứ của vấn đề"[7]. Mặc dù có sự phản ứng mạnh mẽ của Tổng chỉ huy Navarre, Thủ tướng Laniel đã chấp nhận những kết luận và khuyến cáo của Pleven, Blanc. Ngày 5/3/1954, Thủ tướng Pháp tuyên bố trước Quốc hội dứt khoát "dàn xếp cuộc xung đột bằng con đường thương lượng". Ngày 10/3/1954, Quốc hội Pháp ra nghị quyết hoan nghênh việc triệu tập Hội nghị Geneve để tìm kiếm một giải pháp nhanh chóng chấm dứt chiến tranh, bảo đảm hoà bình, an ninh của các quốc gia liên kết trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp[8]. Vấn đề tham gia Hội nghị Chính phủ ba nước Đông Dương (thân Pháp) và của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cũng được các bên thoả thuận sau đó[9].

Sau khi nhận lời tham dự Hội nghị Geneve, tại Hội nghị Ban Thường trực Liên Việt mở rộng, từ 31/3 đến 2/4/1954, Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam Trường Chinh khẳng định: "Trước hết lập trường bất di bất dịch của ta là độc lập, thống nhất, dân chủ và hoà bình… Độc lập là độc lập thật sự và hoàn toàn của dân tộc. Thống nhất là thống nhất quốc gia, toàn bộ lãnh thổ nước ta là của ta (Miên - Lào cũng vậy, vì ta với Miên - Lào cũng thống nhất trong độc lập và hoà bình). Dân chủ, trong nước thì nhân dân có quyền tự do dân chủ. Chế độ dân chủ cộng hoà có tính chất dân chủ mới, không thể xâm phạm được… Hoà bình là hoà bình chân chính. Tức là không phải những điều kiện hoà bình mà Laniel bắt ta phải chịu... Hoà bình của ta là hoà bình chân chính, không tách rời khỏi độc lập dân tộc. Không thể có hoà bình mà lại không có độc lập dân tộc, chỉ có độc lập chân chính khi hoà bình được tôn trọng"[10].

Đường lối ngoại giao khôn khéo, mềm mỏng về sách lược, vững vàng về nguyên tắc

Đồng chí Trường Chinh xác định phương châm chính sách ngoại giao của Việt Nam: Thứ nhất, mục đích của ta không thay đổi, tức là độc lập, thống nhất, dân chủ, hoà bình. Thứ hai, nguyên tắc phải nắm cho vững. Tôn trọng chủ quyền, bình đẳng, tự nguyện, có lợi cho cả hai bên. Thứ ba, lực lượng chủ quan là điều kiện căn bản đi đến thắng lợi. Sự ủng hộ của bên ngoài rất quan trọng, không thể xem nhẹ nhưng chỉ là thứ yếu. Thứ tư, luôn đặt lợi ích của Việt Nam trong lợi ích của phong trào hoà bình, dân chủ. Cần mềm mỏng về sách lược, vững vàng về nguyên tắc.

Hội nghị Geneve diễn ra từ ngày 8/5 đến 21/7/1954, với 3 giai đoạn chủ yếu:

Giai đoạn 1 (từ 8/5/1954 đến 19/6/1954): Các bên tập trung thúc đẩy lập trường, quan điểm của mình. Theo đó, Pháp nhấn mạnh, chỉ giải quyết vấn đề quân sự, không đề cập vấn đề chính trị, đồng thời tách vấn đề Lào, Campuchia ra khỏi vấn đề Việt Nam; Mỹ ủng hộ quan điểm của Pháp. Trong khi đó, đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa yêu cầu phải có đại diện kháng chiến Lào và Campuchia tham dự; khẳng định lập trường giải quyết đồng thời cả hai vấn đề quân sự và chính trị và cả ba vấn đề Việt Nam, Lào, Campuchia. Việt Nam yêu cầu Pháp phải thừa nhận quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia. Đặc biệt, Việt Nam nêu cơ sở quan trọng nhất cho chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương là quân đội nước ngoài phải rút quân khỏi ba nước Đông Dương. Trung Quốc, Liên Xô ủng hộ lập trường của Việt Nam. Trưởng đoàn Trung Quốc Chu Ân Lai đưa ra hai điều kiện để lập lại hòa bình ở Đông Dương: Pháp chấm dứt chiến tranh thực dân, Hoa Kỳ chấm dứt can thiệp vào Đông Dương.

Giai đoạn 2 (từ 20/6/1954 đến 10/7/1954): Đây là giai đoạn đấu trí căng thẳng giữa các bên. Trong giai đoạn này, các bên liên quan tiến hành nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc riêng, thảo luận nhiều vấn đề quan trọng. Trong đó, Trung Quốc và Pháp tập trung thảo luận về vấn đề lấy vĩ tuyến nào để chia cắt Việt Nam. Sau cuộc gặp giữa Trưởng đoàn Trung Quốc Chu Ân Lai và Thủ tướng Pháp Mendes France ngày 23/6/1954, Pháp chuyển trọng tâm đàm phán sang vấn đề chia cắt Việt Nam và nêu vấn đề chia cắt ở vĩ tuyến 19 với Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Từ ngày 3 đến 5/7/1954, tại Liễu Châu (Trung Quốc), Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Trưởng đoàn Trung Quốc Chu Ân Lai để bàn về các vấn đề phân vùng, thời hạn tổng tuyển cử, vấn đề Lào và Campuchia, song hai bên còn những khác biệt. Theo đó, Phái đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muốn lấy vĩ tuyến 16, phía Trung Quốc đề nghị vĩ tuyến 17; về thời hạn tổng tuyển cử, ta nêu 6 tháng, phía Trung Quốc đề nghị hai năm.

Đến ngày 9/7/1954, tại cuộc họp tiểu ban quân sự, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Pháp tiếp tục không đạt được sự đồng thuận về vấn đề chia cắt vĩ tuyến. Đến ngày 10/7/1954, Trưởng đoàn Trung Quốc Chu Ân Lai điện khuyên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nên nhượng bộ về vấn đề vĩ tuyến, về vấn đề đình chiến ở Lào và về Ủy ban kiểm soát và giám sát quốc tế để sớm đạt được Hiệp định. Như vậy, cuộc họp hẹp ở Geneve trong giai đoạn này không có bước đột phá đáng kể.

Giai đoạn 3 (từ 11 đến 21/7/1954): Trong 10 ngày cuối cùng của Hội nghị Geneve đã diễn ra nhiều cuộc trao đổi, đàm phán tay đôi, tay ba cũng như giữa nhiều bên. Đây cũng là giai đoạn gay cấn nhất, căng thẳng nhất để đi đến thỏa thuận cuối cùng. Trong giai đoạn này, các đoàn đã làm việc hết sức khẩn trương để giải quyết những vấn đề then chốt. Trong đó, đáng chú ý là quá trình đàm phán gay cấn giữa đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đoàn Pháp về vấn đề phân chia vĩ tuyến, thời hạn tổ chức tổng tuyển cử, vấn đề đình chiến ở Lào và Campuchia...

Trong 10 ngày cuối của Hội nghị (từ 10 đến 20/7/1954), Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, có sự hỗ trợ của Liên Xô, Trung Quốc, đã lần lượt đưa ra các vấn đề: Xác định vị trí của giới tuyến quân sự tạm thời; xác định thời hạn tổng tuyển cử; xác định thành phần của Uỷ ban giám sát quốc tế; yêu cầu Pháp tuyên bố công nhận vùng tập kết của bộ đội Pathét Lào; tuyên bố công nhận và tôn trọng quyền độc lập, tự chủ, nền thống nhất quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Việt, Miên, Lào; thừa nhận nguyên tắc rút quân đội ra khỏi ba nước, không đem vũ khí, quân đội vào thêm và không tham gia các liên minh quân sự …

Trong bối cảnh khẩn trương của Hội nghị Geneve, với nhiều vấn đề còn ngổn ngang cần có giải pháp gấp rút, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lần thứ 6 (khoá II), họp từ 15 đến 17/7/1954, sau khi đánh giá, nhận định tình hình trong nước, quốc tế; âm mưu, hành động của Pháp, Mỹ; thái độ của các nước liên quan đến cuộc chiến tranh ở Đông Dương và cuộc đàm phán ở Geneve; căn cứ vào so sánh lực lượng, Hội nghị xác định phương châm, sách lược đấu tranh trong giai đoạn mới là: "Chĩa mũi nhọn đấu tranh vào đế quốc Mỹ và hiếu chiến Pháp, dựa trên cơ sở những thắng lợi đã đạt được mà phấn đấu để thực hiện hoà bình ở Đông Dương, phá tan âm mưu của đế quốc Mỹ kéo dài và mở rộng chiến tranh Đông Dương…"[11]. Nhiệm vụ chính trước mắt của quân và dân cả nước là: Tranh thủ và củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong toàn quốc…Hội nghị kêu gọi: "Cũng như kháng chiến, đấu tranh để giành lấy và củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong toàn quốc là một quá trình đấu tranh gian khổ và phức tạp. Chúng ta phải luôn tỉnh táo trước mọi âm mưu của đế quốc Mỹ, hiếu chiến Pháp và phe lũ. Chúng ta phải ra sức đấu tranh đến cùng, luôn bồi dưỡng và nâng cao tinh thần phấn đấu, nắm vững ngọn cờ hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ…"[12].

Nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế

Sau 75 ngày thương lượng, với 31 phiên họp, trong đó có 8 phiên toàn thể và 23 phiên họp hẹp cấp Trưởng đoàn cùng với nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương và đa phương bên lề Hội nghị, rạng sáng ngày 21/7/1954, ba hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia lần lượt được ký kết[13]. Cùng ngày 21/7/1954, Hội nghị họp phiên bế mạc và thông qua "Tuyên bố cuối cùng" về Hiệp định lập lại hòa bình ở Đông Dương gồm 13 điểm, trong đó khẳng định sự hài lòng của các bên tham gia Hội nghị về việc chấm dứt chiến sự ở các nước Đông Dương; khẳng định các bên tham gia Hội nghị thừa nhận về nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; đồng thời quy định việc quân đội Pháp rút khỏi các nước Đông Dương,...[14]. Phái đoàn Mỹ không tham gia vào bản tuyên bố của Hội nghị và ra một bản Tuyên bố riêng.

Hiệp định Geneve 1954 được ký kết trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp và bị chi phối bởi ý đồ chiến lược, lợi ích của 5 nước lớn tham gia Hội nghị nên giải pháp Geneve chưa phản ánh đầy đủ thắng lợi của nhân dân Việt Nam trên chiến trường, chưa đáp ứng được các yêu cầu chính trị của giải pháp do đoàn Việt Nam đề ra, chưa phản ánh đúng thắng lợi cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. 

Tuy vậy, việc ký kết Hiệp định đã chấm dứt chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương, đẩy được quân Pháp ra khỏi Việt Nam, phá tan âm mưu kéo dài chiến tranh của Mỹ, nâng cao được vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; giải phóng miền Bắc, giúp miền Bắc tranh thủ hòa bình để hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và từng bước phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng miền Bắc trở hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam, đủ sức đánh bại 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và cùng nhân dân cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với Hiệp định Geneve, tuy chưa thật trọn vẹn nhưng phản ánh tương quan lực lượng của hai phe và là thắng lợi to lớn mà nhân dân Việt Nam giành được sau 9 năm kháng chiến gian khổ và anh hùng.

* * *

Thắng lợi trong đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Geneve với việc ký kết Hiệp định đình chiến ở Việt Nam, Lào, Campuchia là bước tiếp nối, có ý nghĩa chiến lược của thắng lợi quân sự trên chiến trường, đã đưa đến thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất vẻ vang, tự hào của quân và dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thắng lợi này đã mở ra một cục diện mới, một thời kỳ cách mạng mới - thời kỳ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng lúc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam nhằm huy động toàn lực sức người, sức của để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước./.

PGS.TS. Nguyễn Danh Tiên

Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh


[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 8, tr. 466.

[2] H.Navarre, Thời điểm của những sự thật, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.17.

[3] Yve Gras, Lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương, Plon, Paris, 1979 (bản dịch tiếng Việt), tr. 956.

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 8, tr. 340-341.

[5] Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tập 14, tr. 555.

[6] Văn kiện Đảng toàn tập, sđd, tập 14, tr. 556.

[7] Yve Gras, Lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương, sđd, tr. 962.

[8] Võ Nguyên Giáp, Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, 2006, tr. 986 viết: Ngày 10-3-1954, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã chính thức nhận lời mời tham dự Hội nghị Giơnevơ bàn về chiến tranh Triều Tiên và Đông Dương, sẽ khai mạc vào 26-4-1954.

[9] Võ Nguyên Giáp, Tổng tập Hồi ký, sđd, tr. 986 viết: Ngày 10-3-1954, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã chính thức nhận lời mời tham dự Hội nghị Giơnevơ bàn về chiến tranh Triều Tiên và Đông Dương, sẽ khai mạc vào 26-4-1954.

[10] Văn kiện Đảng về Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơnevơ, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014, tr. 360-361.

[11] Văn kiện Đảng toàn tập, sđd, tập 15, tr. 225-227.

[13] Các Hiệp định Genève về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam và Lào được ký kết vào lúc 2 giờ 45 phút sáng ngày 21-7-1954. Riêng Hiệp định đình chiến tại Campuchia được ký kết vào lúc 11 giờ ngày 21-7-1954. Nhưng vì để giúp cho Chính phủ Mendes France giữ được lời hứa với Quốc hội và nhân dân Pháp là hòa bình nhất định sẽ lập lại trong một tháng, không sẽ từ chức, nên các bên tham gia Hội nghị thống nhất ghi thời gian ở Hiệp định là ngày 20-7-1954.

[14] Chiến thắng Điện Biên Phủ - Những vấn đề lịch sử, Tập 4, Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2014, tr.158-159.

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây