Trước ngày thi vào lớp 10 (đầu tháng 6), lãnh đạo Sở GD&ĐT trao đổi với báo chí trong tỉnh những thông tin mới nhất về tuyển sinh đầu cấp.
Ngày 2.4.2024, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Quyết định số 1724 về việc giao chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 cho các trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên năm học 2024-2025. Trước ngày thi vào lớp 10 (đầu tháng 6), lãnh đạo Sở GD&ĐT trao đổi với báo chí trong tỉnh những thông tin mới nhất về tuyển sinh đầu cấp.
Học sinh Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha.
Tuyển gần 76% học sinh lớp 9 vào lớp 10
Số liệu thống kê cho thấy, năm học này, toàn tỉnh có 16.665 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trong số đó có 12.558 học sinh được tuyển vào các trường THPT, trung tâm GDNN-GDTX.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, việc giao chỉ tiêu tuyển sinh THPT dựa trên tiêu chí bảo đảm về điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự phục vụ công tác giảng dạy tại các cơ sở giáo dục và số lượng học sinh được tốt nghiệp THCS trong năm học 2023-2024. Vậy, chỉ tiêu này có góp phần thực hiện mục tiêu phân luồng học sinh không? Trả lời câu hỏi, lãnh đạo Sở thông tin, năm 2018, Chính phủ phê duyệt đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%. Như vậy, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025 là 75,36% đang trong giai đoạn tiến tới đạt được mục tiêu phân luồng học sinh sau THCS của Chính phủ.
Tuy nhiên, nếu thực hiện 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp sẽ gặp một số khó khăn. Cho nên, việc phân luồng học sinh sau THCS và điều chỉnh giảm số chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 công lập cần phải có lộ trình phù hợp, giảm dần qua từng năm, tránh xáo trộn, gây lo lắng, hoang mang cho phụ huynh, học sinh. Hiện nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp trên địa bàn tỉnh chưa nhiều, chưa đầu tư đúng mức, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên còn thiếu… nên chưa thu hút được học sinh vào học; quy mô không đủ khả năng để đào tạo nghề cho 40% học sinh không trúng tuyển vào các trường THPT.
Đánh giá hiệu quả của chủ trương phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, lãnh đạo Sở nhìn nhận, việc phân luồng học sinh là chủ trương đúng đắn, đã được khẳng định trong các văn kiện của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; mặc dù đã được quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả đáng kể nhưng hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân của việc này, thứ nhất, ở nước ta, tâm lý “chạy theo” bằng cấp còn nặng nề. Đa số các bậc phụ huynh đều mong muốn con em mình vào học các trường THPT để sau này thi tuyển sinh, học tập và lấy tấm bằng đại học, chứ không phải là vào học các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Nguyên nhân thứ hai, hệ thống trường nghề trên địa bàn Tây Ninh còn ít, không đủ đáp ứng việc tuyển sinh đối với những học sinh còn dư sau khi tuyển sinh vào lớp 10. Do đó, Tây Ninh vẫn tiếp tục thực hiện chủ trương phân luồng học sinh phù hợp với thực tế của tỉnh ta. Việc này là vì quyền lợi của chính các em và cũng mang lại nhiều lợi ích cho xã hội.
Vì sao thi Tiếng Anh?
Giải thích cho việc chọn môn Tiếng Anh trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, lãnh đạo Sở thông tin, Tiếng Anh là môn ngoại ngữ bắt buộc trong chương trình GDPT 2018 ở cấp THPT. Việc lựa chọn thi môn Tiếng Anh là một bước chuẩn bị, tạo nền tảng cho học sinh học tập môn ngoại ngữ tốt hơn ở bậc học THPT. Hiện nay, Việt Nam đang trong thời kỳ kỷ nguyên số 4.0, hội nhập sâu rộng với quốc tế. Vì vậy, việc trang bị ngoại ngữ được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới là môn Tiếng Anh sẽ góp phần giúp cho các em có cơ hội trở thành công dân toàn cầu, tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế.
Tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến, là nền tảng để các em lên học tại các cơ sở giáo dục ở bậc đại học, cao đẳng, cần thiết cho tương lai nghề nghiệp của học sinh. Môn Tiếng Anh đã và đang ngày càng được phụ huynh, học sinh quan tâm nhiều hơn. Các em có nhiều điều kiện để học tập tại các trung tâm hoặc học online.
Thí sinh thi vào Trường THPT Tây Ninh, năm học 2023 - 2024.
Vì sao lại quy định mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng, nguyên tắc xét tuyển này có ưu điểm gì? Lãnh đạo Sở giải thích, mỗi thí sinh dự tuyển có tối đa 3 nguyện vọng được xếp theo thứ tự ưu tiên nguyện vọng dự tuyển từ cao xuống thấp. Cụ thể: nguyện vọng 1 của thí sinh được xét trước tiên, nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1, thí sinh được tiếp tục xét đến nguyện vọng 2; nếu nguyện vọng 2 không trúng tuyển sẽ tiếp tục xét đến nguyện vọng 3. Thí sinh đã trúng tuyển ở nguyện vọng 1 không được xét ở nguyện vọng 2, 3. Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 2 cũng không được xét tiếp ở nguyện vọng 3. Thí sinh không trúng tuyển vào Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha và có đăng ký dự tuyển vào các trường THPT công lập sẽ được xét tuyển vào các trường THPT công lập theo tối đa 3 nguyện vọng đã đăng ký. Nguyên tắc xét tuyển mỗi thí sinh có tối đa 3 nguyện vọng nhằm giúp thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển và bảo đảm hiệu quả phân luồng học sinh.
Trường THPT chuyên không tuyển lớp nguồn
Năm học 2024-2025, Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha không tuyển lớp nguồn, theo quy định mới. Thông tư số 05 của Bộ GD&ĐT quy định không tổ chức lớp nguồn trong trường THPT chuyên kể từ năm học 2024-2025 nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Lớp học trong trường chuyên được tổ chức theo môn học trong chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành, gồm: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ, Toán, Tin học, Vật lý, Hoá học, Sinh học. Mỗi lớp chuyên có không quá 35 học sinh.
Đối với Trường phổ thông Dân tộc nội trú, lãnh đạo Sở cho biết, trường này tuyển sinh theo phương thức xét tuyển. UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo trong công tác giáo dục đối với học sinh người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh có đầy đủ biên chế và cơ sở vật chất để bảo đảm công tác giảng dạy, giáo dục. Tuy nhiên, nhà trường đang gặp khó khăn trong tuyển sinh. Theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 04/2023/TT-BGDĐT ngày 23.2.2023 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đối tượng tuyển sinh, địa bàn tuyển sinh của Trường phổ thông Dân tộc nội trú ngày càng bó hẹp. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Tây Ninh đã có nhiều xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nên không còn thuộc diện xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nếu so với quy định thì công tác tuyển sinh thời gian tới sẽ gặp rất nhiều trở ngại do nhiều học sinh người dân tộc thiểu số không thoả mãn được điều kiện để được tuyển vào Trường phổ thông Dân tộc nội trú.
Tại Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha, ông Ngô Khắc Đức- Hiệu trưởng nhà trường cho biết, chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025, trường đã thông tin chi tiết về đối tượng tuyển sinh, hồ sơ tuyển sinh, đăng ký dự thi, thay đổi nguyện vọng, lịch thi, các lớp chuyên, chỉ tiêu tuyển sinh từng lớp để các em học sinh và phụ huynh học sinh nắm rõ.
Nhà trường cũng đã tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về nhận hồ sơ, nhập liệu trên phần mềm tuyển sinh bảo đảm tính chính xác, đầy đủ của hồ sơ, dữ liệu trên hệ thống. Về chất lượng dạy và học của nhà trường, trong 3 năm học vừa qua, tính từ năm 2021-2022 đến nay, chất lượng tuyển sinh có chuyển biến tích cực. Số học sinh đăng ký tăng qua các năm, điểm chuẩn tăng. Một số môn số lượng học sinh đăng ký rất đông, tỷ lệ chọi cũng khá cao, có những môn tỷ lệ chọi đến 1/5, rất áp lực cho học sinh. Năm học 2024-2025, nhà trường không còn tuyển sinh lớp nguồn, tập trung vào các lớp chuyên.
Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )
Nguồn tin: Báo Tây Ninh Online
Ý kiến bạn đọc