Chủ động ngăn chặn dịch bệnh trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan

Thứ ba - 17/09/2024 18:56 53 0

UBND tỉnh vừa ban hành văn bản số 2759/UBND-KT về việc triển khai thực hiện Tháng Tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 2 năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Phun thuốc sát trùng khu vực chăn nuôi.

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến ngày 23.8.2024, cả nước xảy ra 926 ổ dịch bệnh dịch tả heo châu Phi tại 46 tỉnh, thành phố với số heo tiêu hủy là 60.810 con (tăng 3,35 lần so với cùng kỳ năm 2023); 94 ổ dịch viêm da nổi cục tại 18 tỉnh, thành phố với số trâu, bò mắc bệnh là 532 con (tăng 108 con so với cùng kỳ năm trước) trong đó, số trâu, bò bị chết phải tiêu hủy là 111 con; 53 ổ dịch Lở mồm long móng tại 18 tỉnh, số gia súc mắc bệnh là 1.650 con, trong đó, số chết và tiêu hủy là 128 con; 8 ổ dịch Cúm gia cầm A/H5N1 tại 7 tỉnh với số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy gần 14.000 con; phát sinh 192 ổ dịch bệnh Dại trên động vật (tăng 24 ổ dịch so với cùng kỳ năm trước) tại 35 tỉnh, thành phố, có 65 ca tử vong vì bệnh Dại tại 32 tỉnh, thành phố (theo báo cáo của Bộ Y tế, tăng 6 ca so với cùng kỳ năm trước).

Nhằm chủ động ngăn chặn dịch bệnh trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan; đồng thời, ngăn ngừa bệnh lây truyền từ động vật sang người, bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi, ngày 10.9.2024, UBND tỉnh ban hành văn bản số 2759/UBND-KT về việc triển khai thực hiện Tháng Tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 2 năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT xây dựng Kế hoạch triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 2 năm 2024 tại các vùng nguy cơ cao, thường xuyên xuất hiện dịch bệnh để tiêu diệt các loại mầm bệnh; phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Thời gian thực hiện đồng loạt trên địa bàn tỉnh trong tháng 9 và 10.2024;

Cán bộ trạm kiểm dịch động vật phun thuốc sát trùng phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật.

Khuyến cáo các trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ động vật, cơ sở ấp trứng gia cầm… chủ động vật tư, kinh phí, tổ chức thực hiện việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại cơ sở và khu vực xung quanh dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y.

UBND tỉnh yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tăng cường tuyên truyền về mục đích, yêu cầu và nội dung thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm để các hộ, trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, cơ sở ấp trứng, cơ sở sản xuất, kinh doanh động vật và các sản phẩm từ động vật tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường phòng, chống dịch bệnh.

UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện và bố trí nguồn lực, phương tiện, để bảo đảm tổ chức thực hiện đầy đủ và hiệu quả việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc trên địa bàn quản lý; đồng thời, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức các đội làm tổng vệ sinh nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm; phân phát thuốc khử trùng cho khu vực chăn nuôi nông hộ, tổ chức phun khử trùng chợ buôn bán động vật sống ở nông thôn, khu nhốt giữ động vật... (việc phun khử trùng được thực hiện sau khi đã được vệ sinh cơ giới như quét dọn, cọ, rửa sạch).

Riêng các xã khu vực biên giới phối hợp các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ tại cửa khẩu thực hiện các biện pháp vệ sinh, sát trùng các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua cửa khẩu, khu vực đường mòn, lối mở trên địa bàn quản lý.

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Minh Dương/BTNO:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây