"Gửi niềm tin về cuộc “nội soi” trong Đảng" - Bài 2: “Không phải đảng viên nhưng tôi kỳ vọng lớn vào Đảng”

Chủ nhật - 29/09/2024 10:16 36 0

Là đảng duy nhất cầm quyền, Đảng ý thức sâu sắc về sự tự đổi mới, tự chỉnh đốn, không ngừng nâng cao trình độ và phẩm chất mọi mặt của mình.

Bài 1: “Chúng tôi không mất niềm tin”

hững tiếng nói dưới đây gồm nhiều thành phần, địa vị khác nhau. Có người không phải đảng viên nhưng họ biết rằng, vận mệnh dân tộc đã trao cho Đảng Cộng sản Việt Nam sứ mệnh lãnh đạo đất nước. Là đảng duy nhất cầm quyền, Đảng ý thức sâu sắc về sự tự đổi mới, tự chỉnh đốn, không ngừng nâng cao trình độ và phẩm chất mọi mặt của mình. Chăm lo xây dựng Đảng, củng cố nâng cao sức mạnh của Đảng là một bảo đảm cơ bản quyết định con đường đi đúng đắn của dân tộc. Cùng lắng nghe tiếng nói của họ.

Đại diện các dân tộc, tôn giáo, các tầng lớp nhân dân tỉnh Tây Ninh chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 (Ảnh: Tâm Giang)

Minh bạch và trách nhiệm

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, ông Nguyễn Bá Hùng- Phó Chủ tịch Uỷ ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Tây Ninh bày tỏ, Đảng chủ trương xây dựng, chỉnh đốn tổ chức, phòng chống tham nhũng, tiêu cực là đúng và trúng. “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại những di sản quý về công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Trong công cuộc chỉnh đốn tổ chức, Đảng cần xử lý nghiêm khắc những đảng viên tham nhũng, tiêu cực, vì nếu để lâu “bệnh nặng khó chữa”. Tổng Bí thư là người hết lòng vì đất nước, vì dân, công cuộc chống tham nhũng của ngài rất tốt, đất nước phát triển. Là một chức sắc đạo Công giáo, cũng là một cựu thanh niên xung phong trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, tôi thấy bộ mặt nông thôn, đô thị, mức sống của người dân không ngừng cải thiện, rất nhiều thay đổi. Mọi người tự do tìm việc làm, bất kỳ ai siêng năng, chăm chỉ đều có cơ hội, không phân biệt giữa người có đạo hay không có đạo, bình đẳng phát triển. Điều đó minh chứng tính đúng đắn trong chính sách cởi mở, đường lối nhất quán của Đảng”- ông Nguyễn Bá Hùng phát biểu.

Là một trí thức người dân tộc thiểu số, cô có suy nghĩ gì về công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay? Trả lời câu hỏi, cô giáo Thạch Thị Thảo- người dân tộc Khmer, giáo viên tiếng Anh, công tác tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Tây Ninh cho biết, điều đó thể hiện nỗ lực của Đảng trong việc nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, thay đổi nhanh chóng của thế giới. Một trong những vấn đề mà Đảng đang chú trọng là chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ. Đây là một bước tiến quan trọng, bởi tham nhũng không chỉ làm suy yếu lòng tin của người dân, mà còn cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt ở các vùng dân tộc thiểu số. Công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay cần phải hướng đến sự công bằng, minh bạch, bao quát để tất cả các dân tộc trong cộng đồng quốc gia đều cảm nhận được sự công bằng và có động lực đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.

“Không phải đảng viên nhưng tôi nhìn nhận công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng với sự quan tâm và kỳ vọng lớn. Người dân luôn mong muốn Đảng tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả lãnh đạo để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của toàn xã hội, đặc biệt là của các cộng đồng dân tộc thiểu số. Công cuộc này cần phải thể hiện sự nghiêm túc, quyết liệt để xây dựng một Đảng vững mạnh, gắn bó chặt chẽ với nhân dân, luôn đặt lợi ích của dân tộc và quốc gia lên hàng đầu. Để công cuộc này thực sự hiệu quả, Đảng cần thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, trong đó có việc quản lý các nguồn lực và chính sách dành cho các vùng dân tộc thiểu số. Càng công khai, minh bạch và trách nhiệm rõ ràng, niềm tin của nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vào Đảng càng được củng cố”- cô giáo Thạch Thị Thảo phát biểu và “hiến kế”.

Cô giáo Thạch Thị Thảo - người dân tộc Khmer, giáo viên tiếng Anh, công tác tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Tây Ninh

Theo cô giáo Thạch Thị Thảo, Đảng cần chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên từ các dân tộc thiểu số, giúp họ phát triển năng lực, nắm bắt và thực hiện các chính sách một cách hiệu quả. Điều này không chỉ giúp tăng cường sự đại diện của các dân tộc thiểu số trong các cơ quan lãnh đạo mà còn giúp phát huy trí tuệ và khả năng của họ trong công cuộc xây dựng đất nước. Để công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng thực sự mang lại hiệu quả, Đảng cần lắng nghe và thấu hiểu những ý kiến, nguyện vọng từ cơ sở, từ các vùng dân tộc thiểu số, giúp Đảng có thể đưa ra các chính sách phù hợp, đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của mọi tầng lớp nhân dân.

“Không tự đặt mình cao hơn tổ chức”

Đảng bộ tỉnh hiện có gần 40.000 đảng viên, chiếm khoảng 3,3% dân số của tỉnh. Sự lớn mạnh của tổ chức Đảng cũng kèm theo những vấn đề Đảng cần giải quyết, đó là tình trạng suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, nạn tham nhũng và tệ quan liêu của một bộ phận đảng viên làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, ảnh hưởng đến uy tín, thanh danh, vai trò lãnh đạo, thậm chí cả sự tồn vong của Đảng. Công cuộc xây dựng Đảng luôn song hành với chỉnh đốn Đảng và phải chỉnh đốn để xây dựng Đảng. Do đó, cấp uỷ các cấp càng phải chú trọng đổi mới, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng.  

Ông Phan Thành Trọng- Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Huyện uỷ Tân Biên, nói: “Thực tế cho thấy, những cán bộ lãnh đạo đảm nhận các chức vụ có tầm ảnh hưởng và do đó việc xử lý kỷ luật một cán bộ cũng sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều người khác và cả tổ chức, đơn vị nơi làm việc. Chúng ta không chỉ mất đi một cán bộ lãnh đạo, nhiều cán bộ lãnh đạo của tổ chức, đơn vị ấy cũng bị liên đới trách nhiệm. Kéo theo đó là trách nhiệm của tập thể cấp uỷ nơi đó cũng bị kỷ luật, rồi tư tưởng tình cảm của cán bộ, đảng viên cấp dưới cũng bị tác động ảnh hưởng theo”.

Tuy nhiên, ông Trọng cũng thẳng thắn nêu quan điểm, chủ trương của Ban Thường vụ Huyện uỷ khi xử lý kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên phải nghiêm minh. Khi cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, tha hoá biến chất, cho dù ở vị trí công tác nào, cũng kiên quyết xử lý, giữ nghiêm kỷ luật Đảng. Mọi đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu, cán bộ càng có công thì càng phải khiêm tốn, không được “tự đặt mình cao hơn tổ chức, tự cho phép mình đứng ngoài kỷ luật”.

Việc xử lý tổ chức đảng, đảng viên vi phạm trong thời gian qua đã được cấp uỷ, Uỷ ban Kiểm tra Huyện uỷ Tân Biên thực hiện một cách thận trọng, bài bản, rõ người, rõ sai phạm và sai phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó, không còn là “lỗi của tập thể”. Đặc biệt, việc xử lý kỷ luật cán bộ đã công khai trước dư luận, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tân Biên có một tổ chức đảng và 57 đảng viên bị xử lý kỷ luật. Qua thi hành kỷ luật, có 2 đảng viên khiếu nại kỷ luật đảng về nội dung và hình thức kỷ luật trong quyết định kỷ luật của đảng viên nhưng cuối cùng người khiếu nại đã rút đơn.

Ông Nguyễn Chí Hiếu- nguyên Trưởng Ban Dân vận Huyện uỷ Tân Biên (nhân vật xuất hiện trong bài đầu tiên của loạt bài này) nhìn nhận: “Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng bộ tỉnh nói chung và Huyện uỷ Tân Biên nói riêng được thực hiện nghiêm túc, làm tốt ngay cả trước đây lúc chúng tôi còn làm việc và cả bây giờ. Hễ khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm là Uỷ ban Kiểm tra về làm việc liền. Làm việc ở đây không phải soi kiểu “vạch lá tìm sâu” để kỷ luật cho bằng được mà trước hết là làm rõ những khuyết điểm để đảng viên, chi bộ, người đứng đầu cấp uỷ nơi đó kịp thời “tự soi, tự sửa” hoặc trường hợp xác định có vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì sẽ bị xem xét đưa ra kỷ luật, kịp thời răn đe. Để hạ bút kết luận kỷ luật phải cân nhắc rất kỹ lưỡng, xem xét từng nguyên nhân- do khách quan hay do bản thân đảng viên tu dưỡng chưa tới. Thậm chí, có những nguyên nhân được chi bộ, đảng bộ cơ sở xác định, gửi lên nhưng mình vẫn phải tiếp tục cân nhắc, xem xét. Chính vì vậy nên những năm qua, một khi đã kỷ luật thì hầu như không có khiếu nại, bởi cấp uỷ, Uỷ ban Kiểm tra làm kỹ, làm đúng”.

Kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng thực chất là cuộc “nội soi nội bộ”. Đảng bộ tỉnh Tây Ninh đã thực hiện điều đó như thế nào, kết quả ra sao, để xây dựng tổ chức vững mạnh, cần phải làm gì trong thời gian tới?

(còn tiếp)

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây