100% đảng viên đăng ký phấn đấu, giữ vững tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống; thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, thường xuyên soi rọi khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của bản thân...
Trong những năm qua, các tổ chức đảng ở cơ sở đẩy mạnh việc quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI, XII), Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16.6.2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18.5.2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đại đa số cán bộ, đảng viên có chuyển biến rõ nét về nhận thức, trách nhiệm, không có biểu hiện suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống.
Tuy nhiên, vẫn còn có những biểu hiện tư tưởng của cán bộ, đảng viên cần phải có sự kiểm điểm nghiêm túc, khắc phục kịp thời như: “làm cho có”, “làm cho xong”, “cứ làm rồi tính sau”… gây ảnh hưởng tới hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, lãng phí thời gian, công sức.
Để xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, các chi, đảng bộ cơ sở đã thực hiện hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị, thông tin định hướng gắn với công tác quản lý, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa, sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn, nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; chỉ đạo chặt chẽ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
100% đảng viên đăng ký phấn đấu, giữ vững tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống; thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, thường xuyên soi rọi khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của bản thân; tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình, không để xảy ra các biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm”, “nói không đi đôi với làm”... Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ trì các cấp thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương theo quy định.
Tuy nhiên, trong mỗi tổ chức đảng, trong từng cán bộ, đảng viên luôn tồn tại hai mặt tích cực và tiêu cực. Những tiêu cực đó không vi phạm các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, nhưng nó lại gây lãng phí và có tác động tiêu cực đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Một số biểu hiện tiêu cực của số ít cán bộ, đảng viên đã bộc lộ trong thời điểm nhất định, công việc nhất định. Biểu hiện đó cụ thể như:
Cán bộ được giao nhiệm vụ xác định với mình là mới, chưa bao giờ làm hoặc nhiệm vụ khó, điều kiện đơn vị trước mắt khó đáp ứng được theo yêu cầu thì thôi, cứ “làm cho có”. Nó được biểu hiện trong việc sao chép văn bản của người khác, đơn vị khác nhưng không chắt lọc, không gắn với tình hình thực tế của đơn vị mình để chỉnh sửa cho phù hợp, miễn sao có là được.
Hay trong việc triển khai thực hiện các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, thay vì khi vận dụng thực hiện ở đơn vị mình phải căn cứ vào tình hình thực tế, nhưng lại áp dụng một cách máy móc, thiếu linh hoạt, dẫn đến hiệu quả thấp, thậm chí là thất bại.
Đơn cử, trong công tác tăng gia sản xuất, hai đơn vị có chung một bếp ăn, đơn vị bạn có cách trồng 1 loại rau năng suất cao, đơn vị mình áp dụng làm theo đúng như vậy, rau tốt, năng suất cao nhưng không thể tiêu thụ hết phải bỏ đi, gây lãng phí, không đạt hiệu quả. Như vậy, chỉ vì nghĩ một cách đơn giản áp dụng vào “làm cho có” theo phong trào để giống như người ta, không có sự tính toán đến hiệu quả thực hiện.
Có cán bộ, đảng viên được giao nhiệm vụ, tiếp nhận, bắt tay vào thực hiện rất sốt sắng, hoàn thành theo ý của mình rất sớm nhưng chất lượng thấp, vì họ nghĩ rằng chỉ cần “làm cho xong”, còn việc đúng, hay sai, bảo đảm chất lượng hay không sẽ có người khác đóng góp, chỉnh sửa và giúp đỡ. Với biểu hiện này gây không ít khó khăn cho tập thể, cho người lãnh đạo, chỉ huy trong đơn vị; gây lãng phí thời gian, công sức của tập thể và cá nhân liên quan phối hợp thực hiện nhiệm vụ được giao.
Cũng có trường hợp cán bộ chỉ huy, quản lý khi giao nhiệm vụ cho cấp dưới, với nội dung công việc mới hoặc do một số yếu tố khách quan nào đó, cấp dưới nghiên cứu chưa hiểu hết, cần có sự hướng dẫn để thực hiện nhưng lại không thể giải đáp ngay, thì rất dễ nhận được chỉ đạo “cứ làm rồi tính sau”.
Đối với trường hợp này, nếu tất cả số cán bộ, đảng viên cần phải phối hợp thực hiện đều không tìm ra được hướng đi đúng, đáp án của vấn đề thì đương nhiên “cứ làm rồi tính sau” lại quay trở lại biểu hiện “làm cho có”. Gây khó khăn không nhỏ cho công tác quán triệt, triển khai thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị cơ sở.
Những biểu hiện nêu trên của cán bộ, đảng viên do nhiều nguyên nhân, chủ yếu vẫn là do chính cán bộ, đảng viên chưa phát huy cao trách nhiệm, thiếu nỗ lực phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện; luôn bằng lòng với thực tại, ít học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm; thiếu nhiệt huyết cống hiến sự sáng tạo, trí tuệ của mình, trông chờ vào những cái có sẵn để tận dụng, giải quyết công việc cho mình một cách nhanh nhất, đơn giải nhất, không cần biết hiệu quả đến đâu, có gây hậu quả gì hay không.
Để giải quyết những biểu hiện tiêu cực trên, đối với tập thể cấp uỷ, lãnh đạo đơn vị cần quán triệt, triển khai thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận và văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của đảng các cấp, nhất là các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, những điều đảng viên không được làm, chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới…;
Tăng cường giáo dục, thường xuyên sâu sát, kịp thời phát hiện, uốn nắn để đảng viên nhận thức rõ hạn chế, khuyết điểm của mình và khắc phục. Phân công cán bộ, đảng viên kèm cặp, giúp đỡ lẫn nhau thường xuyên theo sở trường từng người với nội dung cụ thể và phù hợp.
Đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng và phong trào thi đua trong đơn vị, kịp thời động viên, khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân xuất sắc, đặc biệt chú trọng xây dựng những mô hình, điển hình tiên tiến giúp cho cán bộ, đảng viên luôn xác định rõ chức trách, nhiệm vụ trên từng cương vị công tác. Kiên quyết trong việc kiểm điểm, xử lý nếu cán bộ, đảng viên có biểu hiện tiêu cực tái diễn nhiều lần, không hoặc chậm khắc phục, sửa chữa.
Mặt khác, sự sâu sát của người lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên là nguồn động viên khích lệ, đồng thời cũng là một biện pháp hiệu quả giải quyết dứt điểm ngay từ khi còn mới manh nha đối với những biểu hiện tiêu cực nêu trên.
Đối với mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội, quy định của đơn vị, địa phương nơi công tác, cư trú; phát huy cao tinh thần trách nhiệm mọi lúc, mọi nơi, trong mọi công việc; luôn nỗ lực học tập, rèn luyện bản thân để nâng cao trình độ về mọi mặt, bảo đảm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; chủ động đăng ký, xây dựng cam kết thực hiện các nghị quyết, quy định của Đảng đúng chức trách, nhiệm vụ, phù hợp để thực hiện, tu dưỡng, rèn luyện bản thân; phát huy cao trách nhiệm, dám nghĩ, dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn thử thách; dám hành động vì lợi ích chung.
Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )
Nguồn tin: Anh Kim/BTNO
Ý kiến bạn đọc