Sau gần 02 năm triển khai Thông tư số 23/2021/TT-BTC, công tác quản lý thuế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, như: hiện đại hóa việc tra cứu, quản lý, sử dụng tem điện tử trên ứng dụng, cổng thông tin điện tử của Tổng cục thuế; thuận lợi trong kiểm tra, thanh tra do vừa chứa dữ liệu điện tử, lại dễ dàng nhận biết bằng mắt thường và chống làm giả cao; nâng cao hiệu lực, đổi mới phương pháp quản lý thuế, chống thất thu thuế, đảm bảo công bằng trong thực thi pháp luật thuế; ngoài ra dữ liệu tem điện tử được khai thác, tra cứu qua mã QR vừa phục vụ cho người tiêu dùng, vừa hỗ trợ quản trị doanh nghiệp thông qua công tác kế hoạch, xác định được nhu cầu in, sử dụng tem, lượng thành phẩm hoàn thành nhập kho.
Bên cạnh đó, qua khảo sát công tác quản lý, sử dụng tem điện tử đối với sản phẩm rượu, thuốc lá cho thấy còn một số hạn chế trong việc quản lý tem. Biểu hiện là còn có nhiều sản phẩm, nhất là rượu thủ công bày bán công khai, tiêu thụ trên thị trường trong tỉnh/TP, liên tỉnh/TP nhưng không đăng ký, dán tem. Nguyên nhân chủ yếu là công tác phối hợp giữa các cấp ngành tại phương với cơ quan thuế trong việc rà soát thực tế hoạt động sản xuất, quản lý cấp phép để xác định tổ chức, cá nhân thuộc diện quản lý sử dụng tem chưa được chặt chẽ, thường xuyên; chưa có quy chế phối hợp giải pháp đồng bộ quản lý, sử dụng tem điện tử đối với hoạt động sản xuất rượu, thuốc lá trên địa bàn; công tác tuyên truyền chưa thực sự định hướng và tác động mạnh mẽ đến ý thức tuân thủ của tổ chức, cá nhân sản xuất rượu, thuốc lá, cũng như quyền lợi và nâng cao trách nhiệm của người tiêu dùng, nhân dân, tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn trong việc quán triệt sử dụng sản phẩm đã dán tem theo quy định.
Thực tế, trên thị trường có khoảng 70% rượu thủ công, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan quản lý, tại nhiều tỉnh, thành, nhiều hộ nấu rượu thủ công hoặc bán lẻ rượu chủ yếu sử dụng gạo để nấu rượu bán lẻ quanh thôn, xóm, số lượng không đáng kể và chỉ nấu theo kinh nghiệm, chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... Điều này gây thất thu thuế hàng trăm triệu USD, chiếm đến 30% tổng tổn thất về thuế từ khu vực phi chính thức như kinh doanh rượu thủ công, rượu nhập lậu, rượu giả… Do đó, rất khó để yêu cầu các cá nhân này thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính theo quy định về sản xuất, kinh doanh rượu.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong việc quản lý tem điện tử đối với sản phẩm rượu và sản phẩm thuốc lá sản xuất tiêu thụ trong nước, góp phần quản lý sản lượng tiêu thụ, chống thất thu, tăng thu cho ngân sách nhà nước, Tổng cục Thuế đã có công văn gửi cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tăng cường giải pháp quản lý tem điện tử thuốc lá, rượu sản xuất trong nước. Trong đó, cần thực hiện rà soát và đánh giá toàn bộ các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu và thuốc lá đang hoạt động trên địa bàn. Các tổ chức và cá nhân đủ điều kiện sản xuất, tiêu thụ ổn định cần phải đăng ký và được xem xét cấp phép theo quy định hoặc bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, các tổ chức và cá nhân cần phải thực hiện đăng ký nộp thuế, đồng thời áp dụng việc sử dụng tem điện tử theo quy định. Việc này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý mà còn góp phần quan trọng vào việc đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Đồng thời, khuyến cáo người dân không nên sử dụng rượu và thuốc lá không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Việc tiêu thụ các sản phẩm này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn góp phần vào sự phát triển của thị trường phi chính thức, gây thiệt hại cho nền kinh tế và ảnh hưởng đến lợi ích chung của cộng đồng. Việc tuân thủ các quy định pháp luật là cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )
Nguồn tin: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh
Ý kiến bạn đọc