Kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023)

Thứ ba - 18/07/2023 10:42 80 0

Theo Quyết định số 52-QĐ/TW ngày 5/2/1985 của Ban Bí thư lấy ngày 21/6 hàng năm là Ngày Báo chí Việt Nam, nhằm kỷ niệm, tri ân các nhà báo đã cống hiến trí tuệ, sự nhiệt thành, đôi khi cả là máu và nước mắt để độc giả có những bài báo hay sự kiện nóng hổi, chân thật. Ngày 21/6/2000, nhân dịp kỉ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Điểm lại thời kỳ lịch sử, ngày 21/6/1925, Cơ quan ngôn luận của tổ chức “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội” - Báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã ra số đầu tiên, đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta. Từ khi có báo “Thanh niên”, báo chí Việt Nam giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Ngày 02/6/1950, Chính phủ quyết định cho thành lập Hội "Những người viết báo Việt Nam" (nay là Hội Nhà Báo Việt Nam). Đến tháng 7/1950, Tổ chức Báo chí quốc tế (OIJ) đã công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức.

Ngày 05/02/1985, theo Quyết định số 52-QĐ/TW của Ban Bí thư, lấy ngày 21/6 hằng năm là Ngày Báo chí Việt Nam, nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, kỷ niệm, tri ân các nhà báo đã cống hiến trí tuệ, sự nhiệt thành để độc giả có những bài báo hay sự kiện nóng hổi, chân thật.

Ngày 21/6/1985, lần đầu tiên tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Báo chí Việt Nam và kỷ niệm 60 năm Báo Thanh Niên xuất bản số đầu tiên.

Ngày 21/6/2000, nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi Ngày báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Cùng với quá trình lịch sử vẻ vang của Báo chí cách mạng Việt Nam, đội ngũ người làm báo đã đồng hành cùng dân tộc suốt hơn chín thập kỷ qua và có nhiều đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Những đóng góp quan trọng, những thành tích nổi bật của đội ngũ những người làm báo trong 98 năm qua đã làm ngời sáng truyền thống vẻ vang của báo chí và đội ngũ người làm báo cách mạng. Ðó là tinh thần đoàn kết, là sự gắn bó máu thịt với Nhân dân, trung thành tuyệt đối với Ðảng, với Tổ quốc và dân tộc. Ðó là tinh thần chiến đấu và phẩm chất tiên phong, luôn có mặt nơi đầu sóng ngọn gió và sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng, kiên quyết bảo vệ công lý và lẽ phải. Luôn đổi mới sáng tạo, phát hiện cái mới, khẳng định và bảo vệ cái mới, cố gắng cập nhật kiến thức, rèn luyện kỹ năng để tác nghiệp trên tất cả các loại hình báo chí, sử dụng công nghệ làm báo tiên tiến, hiện đại.

Trong thời kỳ phát triển, hội nhập và đổi mới, báo chí đã đi sâu vào thực tiễn đời sống, phát hiện, giới thiệu, cổ vũ các mô hình kinh tế mới, cách làm ăn mới, nhân tố mới, người tốt, việc tốt. Báo chí đã thể hiện rõ quan điểm bảo vệ và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, tuyên truyền cổ vũ toàn dân phát huy có chọn lọc nền văn hóa tiên tiến của các nước trên thế giới, góp phần nâng cao dân trí, ngăn chặn văn hóa xấu len lỏi vào Việt Nam. Báo chí đã tổ chức khơi dậy và biến nhiều hoạt động xã hội từ thiện trở thành phong trào của toàn xã hội. Báo chí đã quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời báo chí cũng là vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch của cách mạng, đấu tranh chống tiêu cực bảo vệ lợi ích của nhân dân.

Báo chí là công cụ đấu tranh xã hội, đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp. Báo chí cách mạng không chỉ là phương tiện thông tin thuần túy, càng không phải là công cụ giải trí đơn thuần, mà nó có chức năng tuyên truyền, cổ động, tập hợp và tổ chức quần chúng tiến hành cách mạng, giáo dục và hướng dẫn hành động của các tầng lớp xã hội. Trong cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là chiến sĩ cách mạng kiên cường vừa là nhà báo tiên phong mẫu mực, có công lao to lớn trong việc khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam. Làm báo đối với Người chưa bao giờ là hoạt động nghề nghiệp thuần túy mà là phương tiện để làm cách mạng. 

Trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng Đảng đã được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII xác định, vai trò của báo chí được nhấn mạnh:  Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Chủ động định hướng, cung cấp thông tin thường xuyên hoặc đột xuất; chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt.

Đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới với quyết tâm, hào khí mới, đưa các chủ trương, định hướng, mục tiêu nhiệm vụ được đề ra tại Đại hội XIII của Đảng đi vào cuộc sống, thành hiện thực. Trong khi đó, các thế lực thù địch trong nước và nước ngoài đã và đang cấu kết chặt chẽ với nhau, lợi dụng quyền dân chủ trong thông tin, khai thác sâu công nghệ truyền thông, “mở mặt trận” tuyên truyền những nội dung thông tin sai trái, xuyên tạc sự thật, vu khống, bôi nhọ, nói xấu chế độ, chủ trương, đường lối, quyết sách của Đảng, Nhà nước, gây tâm lý hoang mang trong quần chúng, nhân dân. Âm mưu, phương thức, thủ đoạn mà chúng sử dụng hiện nay hết sức tinh vi và nham hiểm. Hoạt động chống phá cũng diễn ra có bài bản, được che đậy một cách khéo léo, tinh vi. Để góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội đất nước, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng, Nhà nước ta xác định là một việc quan trọng, cấp thiết. Đảng ta đã đề ra yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng với các giải pháp cơ bản, đồng bộ, trong đó trọng tâm là phải ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta xác định đang là thời kỳ chuyển từ giai đoạn “phòng ngự” sang “tiến công”, khẳng định quyết tâm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, liên tục và ngày càng quyết liệt hơn”. Trong xu thế, dòng chảy đó, báo chí cần bám sát, tiếp tục phát huy hiệu quả chức năng tư tưởng; định hướng; giáo dục; quản lý, giám sát xã hội; chức năng giải trí. Thông qua đó truyền bá hệ tư tưởng của Đảng, đó là chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời truyền bá Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng; chủ động, tích cực phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức về hệ tư tưởng của Đảng, từ đó không ngừng nâng cao giác ngộ cách mạng, tự giác cách mạng, đồng thời bồi dưỡng niềm tin, tình cảm cách mạng và cổ vũ hành động cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; đấu tranh vạch trần âm mưu, thủ đoạn và phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch; định hướng, tác động, giúp đỡ để công chúng hiểu đúng các chủ trương, chính sách, các sự kiện, hiện tượng xảy ra trong xã hội, để có thái độ, hành vi đúng đắn, phù hợp.

Báo chí Cách mạng Việt Nam là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Báo chí tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Báo chí cũng là một vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch của cách mạng, đấu tranh chống tiêu cực bảo vệ lợi ích của nhân dân. Trong 98 năm qua, kể từ số báo Thanh niên đầu tiên (21/6/1925), báo chí Việt Nam không ngừng phát triển phong phú, đa dạng; đang hiện đại hóa kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao hóa trở nên hoàn thiện hơn và dần dần toàn diện để đồng bộ “Báo chí đa phương tiện”. Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 là dịp tri ân các thế hệ nhà báo đã cống hiến trí tuệ, sự nhiệt thành, và, nhiều khi là cả máu và nước mắt để độc giả có được những bài báo hay phản ánh chân thực các sự kiện nóng hổi, các vấn đề đời sống, văn hóa, xã hội, những câu chuyện truyền cảm hứng và những tấm gương đáng tôn vinh.

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây