Quỹ phòng, chống thiên tai được chi cho các hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó có nội dung hỗ trợ tu sửa, xử lý và xây dựng khẩn cấp công trình phòng, chống thiên tai và không có nội dung quy định việc hỗ trợ phải công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai.
Tại Khoản 1 Điều 16 Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 1/8/2021 của Chính phủ về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai có nội dung:
"b) Cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai: Cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh, sách vở, phương tiện học tập và các nhu cầu cấp thiết khác cho đối tượng bị thiệt hại do thiên tai; hỗ trợ tu sửa nhà ở, cơ sở y tế, trường học, xử lý vệ sinh môi trường vùng thiên tai, tu sửa nhà kết hợp làm địa điểm sơ tán phòng tránh thiên tai; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai; tháo bỏ hạng mục, vật cản gây nguy cơ rủi ro thiên tai; hỗ trợ xử lý đảm bảo giao thông thông suốt cho những đoạn tuyến giao thông đường bộ, đường sắt quan trọng trên địa bàn bị sụt trượt, sạt lở; hỗ trợ kinh phí tu sửa, xử lý khẩn cấp và xây dựng công trình phòng, chống thiên tai tối đa không quá 03 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư 01 công trình".
Ông Nguyễn Phong (Gia Lai) hỏi, đối với việc tu sửa, xử lý khẩn cấp công trình theo Điều 16 Nghị định số 78/2021/NĐ-CP nêu trên có cần Chủ tịch UBND tỉnh công bố tình trạng khẩn cấp theo Điều 12 Nghị định số 66/2021/NĐ-CP và Điều 58 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP hay không?
Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời vấn đề này như sau:
Công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai: Tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 6/7/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều quy định, tình huống khẩn cấp về thiên tai là các tình huống thiên tai đã hoặc đang xảy ra đã gây ảnh hưởng hoặc có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, sức khỏe, nhà ở của nhiều người dân và các công trình đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai... cần tổ chức triển khai ngay các biện pháp ứng phó khẩn cấp để kịp thời ngăn chặn hậu quả và khắc phục nhanh hậu quả, được công bố bằng quyết định của người có thẩm quyền.
Thẩm quyền công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai: Tại Điểm a Khoản 3 Điều 12 Nghị định số 66/2021/NĐ-CP quy định, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xảy ra trên địa bàn cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý. Đồng thời có trách nhiệm huy động các nguồn lực để ứng phó với các tình huống khẩn cấp, trong đó có nguồn lực từ Quỹ phòng, chống thiên tai để xử lý khẩn cấp sự cố công trình phòng, chống thiên tai.
Quỹ phòng, chống thiên tai là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Tại Điểm b Khoản 1 Điều 16 Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 1/8/2021 của Chính phủ về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai quy định, Quỹ phòng, chống thiên tai được chi cho các hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó có nội dung hỗ trợ tu sửa, xử lý và xây dựng khẩn cấp công trình phòng, chống thiên tai và không có nội dung quy định việc hỗ trợ phải công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai.
Thẩm quyền chi Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh được quy định tại Điều 17 Nghị định số 78/2021/NĐ-CP.
Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )
Nguồn tin: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Ý kiến bạn đọc