TOÀN VĂN: Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính

Thứ ba - 12/12/2023 11:37 156 0

Toàn văn dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính.

Chương I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển đổi giới tính, người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; quy trình, thủ tục đối với người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính, đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; công nhận giới tính nữ hoặc nam đối với người chuyển đổi giới tính; quản lý nhà nước về chuyển đổi giới tính.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người đề nghị thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.2. Người đã thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính từ nữ sang nam hoặc từ nam sang nữ trước khi Luật này có hiệu lực.3. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện can thiệp y học cho người chuyển đổi giới tính.4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc chuyển đổi giới tính.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bản dạng giớilà cảm nhận sâu sắc bên trong và cá nhân của một người về giới của mình là nam hoặc nữ, có thể tương thích hoặc không tương thích với thể chất hoặc giới tính khi sinh của người đó.

2. Can thiệp y học để chuyển đổi giới tính là việc áp dụng một hoặc nhiều biện pháp y khoa nhằm tạo ra sự tương thích giữa hình thể và bản dạng giới của người có mong muốn chuyển đổi giới tính.

3. Giới tính là những đặc điểm sinh học và thể chất khác nhau như bộ phận sinh dục ngoài, cơ quan sinh sản, nhiễm sắc thể giới tính, nội tiết tố, được sử dụng để xác định người mang giới tính nam hay nữ.

4. Giới tính khi sinh là giới tính nam hoặc nữ, được gán cho một đứa trẻ ở thời điểm được sinh ra, chủ yếu dựa trên giải phẫu sinh dục ngoài của đứa trẻ.

5. Người có giới tính sinh học hoàn thiện là người không có sự bất đồng giữa giới tính khi sinh với cơ quan sinh sản, bộ phận sinh dục ngoài và các đặc điểm di truyền giới tính.

6. Người đề nghị chuyển đổi giới tính là người có giới tính sinh học hoàn thiện, có nhận diện giới khác với giới tính khi sinh, được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xác định đủ điều kiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.

7.Người chuyển đổi giới tínhlà người được cơ quan có thẩm quyền công nhận giới tính mới theo quy định tại Luật này.

8. Nội tiết tố sinh dục là nội tiết tố nam do tinh hoàn tiết ra (androgen) và là nội tiết tố nữ do buồng trứng tiết ra (estrogen).

9. Bức bối giớilà tình trạng khó chịu hoặc đau khổ bị gây ra bởi sự không thống nhất giữa bản dạng giới và giới tính khi sinh của một người. Bức bối giới quá mức là tình trạng bức bối giới nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc có những phản ứng tiêu cực về tinh thần và hành vi.

10. Người độc thânlà người hiện đang không có quan hệ hôn nhân theo quy định của pháp luật.

11. Chuyên gia tư vấn tâm lý cho người chuyển đổi giới tính là những người được đào tạo về tâm lý lâm sàng và có hiểu biết về người chuyển giới hoặc người đã chuyển đổi giới tính đang hoạt động tư vấn trong cộng đồng chuyển đổi giới tính;

12. Hội đồng xác định giới tính là Hội đồng được thành lập trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép can thiệp y học để chuyển đổi giới tính để tư vấn, tổ chức can thiệp y học và xác nhận thời điểm và mức độ can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.

Điều 4. Chính sách của Nhà nước về chuyển đổi giới tính

1.Thừa nhận, tôn trọng và bảo đảm quyền, nghĩa vụ công dân của người chuyển đổi giới tính.

2. Tạo điều kiện cho người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính được lựa chọn hình thức thực hiện can thiệp y học phù hợp với sức khỏe, tâm lý, khả năng tài chính và mong muốn của mình.

3. Tạo điều kiện để người chuyển đổi giới tính được thực hiện tư vấn tâm lý, y học và pháp lý kỹ lưỡng trước, trong và sau khi can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.

4. Có chính sách, biện pháp đồng bộ, tạo điều kiện cho người đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính được thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân phù hợp với giới tính mới theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự và luật khác có liên quan. Đảm bảo sự ổn định không làm thay đổi các quyền và nghĩa vụ dân sự mà người đó đã xác lập trước khi được công nhận là người chuyển đổi giới tính và các quyền và nghĩa vụ trong quan hệ cha, mẹ, con về mặt giấy tờ pháp lý, bao gồm cả việc nhận nuôi con nuôi.

5. Khuyến khích bảo hiểm y tế chi trả cho các dịch vụ nhằm chuyển đổi giới tính và các vấn đề về sức khỏe có liên quan đến chuyển đổi giới tính.

6. Nhà nước khuyến khích các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tổ chức, cá nhân hỗ trợ, tư vấn tâm lý và can thiệp y khoa cho người chuyển đổi giới tính.

Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Kỳ thị, phân biệt đối xử, đưa thông tin sai lệch đối với người chuyển đổi giới tính, gia đình và người thân của họ.

2. Vận động, dụ dỗ, thúc ép, bắt buộc người khác chuyển đổi giới tính.

3. Lợi dụng người chuyển đổi giới tính để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục hoặc có các hành vi trái pháp luật khác.

4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác để gây khó khăn cho việc thực hiện quyền công nhận giới tính của người đề nghị chuyển đổi giới tính.

5. Cản trở, gây khó khăn cho việc công nhận giới tính của người đề nghị chuyển đổi giới tính.

6. Thực hiện việc chuyển đổi giới tính nhằm mục đích trục lợi, trốn tránh trách nhiệm, nghĩa vụ, gây rối an ninh trật tự, quấy rối tình dục hoặc vi phạm pháp luật khác.

7. Công dân thực hiện chuyển đổi giới tính 2 lần trở lên trong đời.

8. Triệt sản trong quá trình can thiệp y học mà không được sự đồng ý của người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.

9. Tiết lộ thông tin, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người chuyển đổi giới tính mà không có sự đồng ý của họ.

10. Trục lợi, gây khó khăn đối với việc can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.

11. Thực hiện các phương pháp can thiệp y học và tư vấn khi chưa đủ điều kiện.

12. Thực hiện chuyển đổi giới tính trong thời gian chấp hành các nghĩa vụ với Nhà nước, các bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

13. Không thực hiện đầy đủ quy định của quy trình tư vấn tâm lý trước và trong khi thực hiện can thiệp y học cho người đề nghị chuyển đổi giới tính.

14. Các tổ chức, cá nhân, cơ sở khám chữa bệnh từ chối không có lý do chính đáng việc tư vấn tâm lý, can thiệp y khoa, khám chữa bệnh cho người chuyển đổi giới tính.

Điều 6. Nguyên tắc chuyển đổi giới tính

1. Công dân chỉ được chuyển đổi giới tính một lần trong đời.

2. Chỉ thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính sau khi người đề nghị chuyển đổi giới tính đã được tư vấn tâm lý, y tế, pháp lý.

3. Bảo đảm sự tự nguyện, tự do lựa chọn biện pháp can thiệp y học chuyển đổi giới tính.

Điều 7. Quyền người chuyển đổi giới tính

Người chuyển đổi giới tính có các quyền sau đây:

1. Được công nhận giới tính mới sau khi đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật này;

2. Được lựa chọn phương pháp can thiệp y học để chuyển đổi giới tính phù hợp với sức khỏe, mong muốn và khả năng tài chính của mình;

3. Được tư vấn, hỗ trợ về tâm lý, y tế và pháp lý trước và trong quá trình thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính;

4. Có đầy đủ quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật khác có liên quan;

5. Được giữ nguyên quan hệ cha, mẹ, con cũng như quyền và nghĩa vụ từ quan hệ hôn nhân gia đình trước khi chuyển đổi giới tính bao gồm cả việc nhận nuôi con nuôi;

6. Được lưu giữ tinh trùng, trứng để duy trì nòi giống thông qua các dịch vụ sinh sản phù hợp với đạo lý và pháp luật Việt Nam.

7. Được tham gia các hoạt động hiến máu và các chế phẩm máu, hiến tế bào gốc, hiến mô tạng một cách tự nguyện nếu có đủ sức khỏe và đảm bảo an toàn hiến tặng theo quy định của pháp luật;

8. Được bảo lưu thông tin trên các văn bằng, chứng chỉ đã được cấp trước khi chuyển đổi giới tính;

9. Được công nhận quyền tài sản đối với tài sản tạo lập trước khi chuyển đổi giới tính. Trường hợp trên giấy chứng nhận quyền tài sản có thông tin giới tính thì cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền tài sản có nghĩa vụ điều chỉnh thông tin giới tính theo giới tính được công nhận của người chuyển đổi giới tính;

10. Được hưởng các chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về bảo hiểm xã hội và quy định của pháp luật khác có liên quan phù hợp với giới tính đã chuyển đổi.

11. Được tham gia các hoạt động thể thao, văn hóa, biểu diễn nghệ thuật theo quy định của pháp luật phù hợp với giới tính mới;

12. Được tôn trọng, bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và các quyền riêng tư khác theo quy định của pháp luật;

13. Được thay đổi thông tin giới tính trên các giấy tờ tùy thân sau khi được công nhận là người chuyển đổi giới tính;

14. Được bảo đảm quyền học tập, lao động và hòa nhập gia đình, xã hội theo giới tính đã được công nhận;

15. Được bảo đảm các quyền khác theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Điều 8. Nghĩa vụ của người chuyển đổi giới tính

Người chuyển đổi giới tính có các nghĩa vụ sau đây:

1. Chấp hành tất cả các nghĩa vụ của công dân theo quy định của pháp luật phù hợp theo giới tính mới;

2. Tích cực, chủ động học tập, lao động, hòa nhập gia đình, xã hội với giới tính mới.

Chương II. CAN THIỆP Y HỌC VÀ ĐIỀU KIỆN, HỒ SƠ, THỦ TỤC ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐỀ NGHỊ CAN THIỆP Y HỌC ĐỂ CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH

Điều 9. Các phương pháp thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính

Người đề nghị chuyển đổi giới tính được lựa chọn một trong các phương pháp can thiệp y học sau đây để chuyển đổi giới tính:

1. Sử dụng nội tiết tố sinh dục;

2. Phẫu thuật ngực và cơ quan sinh dục;

3. Phẫu thuật cắt bỏ triệt để các bộ phận có chức năng sinh sản gắn với giới tính cũ;

4. Phối hợp phẫu thuật và sử dụng nội tiết tố sinh dục;

5. Các phương pháp khác để chuyển đổi giới tính được các nước trên thế giới công nhận và phù hợp với Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Điều 10. Điều kiện đối với người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính

1. Độ tuổi thực hiện can thiệp y học được quy định như sau:

a) Người từ đủ 18 tuổi trở lên đối với các phương pháp can thiệp y học quy định tại Điều 9 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

b) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xác nhận có tình trạng bức bối giới quá mức thì được thực hiện phương pháp can thiệp y học quy định tại khoản 1 Điều 9 của Luật này và khi được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

2. Đã được tư vấn pháp lý theo quy định của Luật này.

3. Có năng lực hành vi dân sự.

4. Tình trạng hôn nhân: Có 2 phương án (đề xuất để lựa chọn)

Phương án 1: Độc thân.

Phương án 2: Không quy định tình trạng hôn nhân của người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.

5. Không thuộc trường hợp đang chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ, hình phạt hình sự bổ sung như cấm đi khỏi nơi cư trú và chưa được xóa án tích.

Điều 11. Hồ sơ, quy trình, thủ tục đối với người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính

1. Hồ sơ đề nghị thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính, bao gồm:

a) Đơn đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính gồm các thông tin sau: họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu hoặc giấy khai sinh; địa chỉ theo thông tin tại căn cước công dân; phương pháp can thiệp y học mong muốn được thực hiện.

b) Bản sao hợp lệ của một trong các giấy tờ sau: hộ chiếu, căn cước công dân hoặc giấy tờ tùy thân khác.

c) Phương án 1: Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân độc thân theo quy định của pháp luật.

Phương án 2: Không cần Giấy này.

d) Lý lịch tư pháp.

đ) Giấy xác nhận đã được tư vấn pháp lý về chuyển đổi giới tính.

2. Thủ tục đề nghị thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính được quy định như sau:

a) Người đề nghị thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính nộp 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được phép thực hiện can thiệp y học quy định tại Điều 12 của Luật này;

b) Sau khi tiếp nhận đầy đủ hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thành lập Hội đồng xác định giới tính để thực hiện tư vấn tâm lý cho người đề nghị; xác định người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính có bản dạng giới khác giới tính hoàn thiện; có đủ sức khỏe về tâm thần và thể chất, không chống chỉ định với việc thực hiện phương pháp can thiệp y học để chuyển đổi giới tính;

c) Sau khi xác định người đề nghị đủ điều kiện quy định tại điểm b khoản này, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiến hành can thiệp y học để chuyển đổi giới tính;

d) Trường hợp cơ sở thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính không thể tiếp tục thực hiện phương pháp can thiệp đang áp dụng cho người đề nghị chuyển đổi giới tính hoặc người đó quyết định dừng không tiếp tục can thiệp y học thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có văn bản về việc dừng can thiệp y học và nêu rõ lý do.

Chương III. ĐIỀU KIỆN, HỒ SƠ, THỦ TỤC ĐỐI VỚI CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH THỰC HIỆN CAN THIỆP Y HỌC ĐỂ CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH

Điều 12. Điều kiện đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép can thiệp y học để chuyển đổi giới tính

1. Điều kiện riêng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép can thiệp y học để chuyển đổi giới tính theo phương pháp can thiệp:

a) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép điều trị nội tiết tố sinh dục can thiệp y học để chuyển đổi giới tính khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

- Là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chuyên khoa nội, nội tiết, sản phụ khoa hoặc nam học; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa nhi đã được cấp Giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh;

- Có bác sĩ có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh liên quan đến điều trị nội tiết tố và đã được đào tạo chuyên về điều trị nội tiết tố để chuyển đổi giới tính.

b) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép phẫu thuật ngực để chuyển đổi giới tính khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

- Là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có khoa phẫu thuật tạo hình hoặc phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ đã được cấp Giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh;

- Có bác sĩ có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh về phẫu thuật tạo hình hoặc phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và đã được đào tạo chuyên về phẫu thuật ngực để chuyển đổi giới tính;

c) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép phẫu thuật bộ phận sinh dục để chuyển đổi giới tính khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

- Là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có khoa phẫu thuật tạo hình, tiết niệu hoặc nội tiết, sản phụ khoa hoặc nam học đã được cấp Giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh;

- Có bác sĩ có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh về tiết niệu, sản phụ khoa, phẫu thuật tạo hình hoặc phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và đã được đào tạo chuyên về phẫu thuật bộ phận sinh dục để chuyển đổi giới tính.

2. Điều kiện chung đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép can thiệp y học để chuyển đổi giới tính:

a) Có bác sĩ chuyên khoa tâm thần và chuyên gia tư vấn tâm lý lâm sàng ngay trong cơ sở khám chữa bệnh đó hoặc mời từ các cơ sở khác đến để thành lập Hội đồng xác định giới tính như khoản 1 điều 14 của Luật này. Một chuyên gia có thể tham gia ở nhiều Hội đồng xác định giới tính của cơ sở khám chữa bệnh đó.

b) Thành lập được Hội đồng xác định giới tính:

- Thành phần của Hội đồng gồm 04 người: (1) Bác sĩ chuyên khoa tâm thần; (2) Chuyên gia tư vấn tâm lý cho người chuyển đổi giới tính; (3) Bác sĩ chuyên khoa phù hợp với phương pháp can thiệp y học được đề nghị; (4) Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh làm Chủ tịch Hội đồng;

- Nhiệm vụ của Hội đồng xác định giới tính: Xác định tình trạng tâm thần của người nộp đơn xin chuyển đổi giới tính; khẳng định mong muốn mạnh mẽ được chuyển đổi giới tính của họ; lựa chọn phương pháp can thiệp phù hợp với sức khỏe, khả năng tài chính và nguyện vọng của người làm đơn; tổ chức can thiệp y học và tư vấn sức khỏe cho họ trong suốt quá trình can thiệp y học và xác nhận thời gian và mức độ can thiệp y học theo quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 24 của Luật này để làm cơ sở Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp Giấy xác nhận giới tính mới cho họ.

- Một hội đồng xác định giới tính có thể thực hiện các quy trình như luật định để cấp giấy xác nhận giới tính cho nhiều người có đề nghị can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính trong cùng một đợt.

Điều 13. Hồ sơ, thủ tục đề nghị cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính

1. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị cho phép thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính;

b) Bản sao Giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

c) Bản kê khai nhân sự của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.

2. Thủ tục cho phép thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính:

a) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề nghị cho phép thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính gửi 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này đến Bộ Y tế hoặc Sở Y tế theo thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động.

b) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Y tế hoặc Sở Y tế phải tổ chức thẩm định hồ sơ và bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn về thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Trường hợp không cho phép, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi thẩm định hồ sơ, Bộ Y tế hoặc Sở Y tế phải điều chỉnh Giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho phép thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.

3. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định Mẫu đơn đề nghị thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính và quy định danh mục kỹ thuật thực hiện can thiệp y học.

Điều 14. Trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

1. Thành lập Hội đồng xác định giới tính: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ đề nghị thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép can thiệp y học để chuyển đổi giới tính phải thành lập Hội đồng xác định giới tính với thành phần và nhiệm vụ như quy định ở điểm b khoản 2 Điều 12 của Luật này.

2. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận đã can thiệp y học cho người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính sau khi đã hoàn thành việc can thiệp y học và cấp Giấy xác nhận giới tính mới để làm căn cứ thay đổi hộ tịch cho người chuyển đổi giới tính.

3. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được phép thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính phải thành lập Hội đồng xác định giới tính cho người đã can thiệp y khoa trước khi Luật này có hiệu lực thi hành theo quy định tại Điều 26 của Luật này và cấp giấy xác nhận đã can thiệp y học và Giấy xác nhận giới tính mới của người này để làm căn cứ thay đổi hộ tịch.

4. Hội đồng xác định giới tính tự giải thể sau khi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp Giấy xác nhận giới tính mới.

5. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm bảo đảm quyền của người chuyển đổi giới tính theo quy định tại Luật này, pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và quy định khác của pháp luật có liên quan.

6. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết về Hội đồng xác định giới tính.

Chương IV. TƯ VẤN TÂM LÝ, Y TẾ, PHÁP LÝ CHO NGƯỜIĐỀ NGHỊ CAN THIỆP Y HỌC ĐỂ CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH

Điều 15. Tư vấn tâm lý và xác định Bản dạng giới khác với giới tính sinh học hoàn thiện của người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính trước khi thực hiện can thiệp y học

1. Người từ đủ 18 tuổi trở lên được xác định có bản dạng giới khác với giới tính hiện có khi có ít nhất 02 trong các dấu hiệu sau đây khiến người đó có các bức bối giới đáng kể hoặc ảnh hưởng đến các chức năng trong cuộc sống:

a) Không thống nhất đặc trưng giữa cảm nhận, trải nghiệm, thể hiện giới với các đặc điểm giới tính chính là bộ phận sinh dục ngoài hoặc đặc điểm giới tính phụ là các bộ phận khác trừ cơ quan sinh dục;

b) Mong muốn mạnh mẽ để thoát khỏi đặc điểm giới tính đang có;

c) Mong muốn mạnh mẽ có các đặc điểm của giới tính khác;

d) Mong muốn mạnh mẽ được đối xử như người có giới tính khác;

đ) Niềm tin mãnh liệt rằng mình sở hữu các cảm xúc và phản ứng điển hình của một giới tính khác;

g) Bức bối giới do nhận diện giới khác với giới tính sinh học hiện có;

h) Sẵn sàng thực hiện các phương pháp can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.

2. Việc đánh giá, tư vấn tâm lý, xác định bản dạng giới của người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính được Hội đồng xác định giới tính thực hiện ít nhất 3 lần trong vòng 03 tháng kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 11 của Luật này.

3. Quy trình thực hiện việc tư vấn tâm lý, xác định bản dạng giới của người đề nghị can thiệp y học được thực hiện theo quy định tại Điều 16 của Luật này.

4. Việc tư vấn tâm lý được thực hiện xuyên suốt từ trước và trong quá trình can thiệp y học. Người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính có quyền dừng can thiệp y học bất cứ lúc nào. Việc tư vấn được thực hiện theo quy định tại các điều 18, 19, 20 và 21 của Luật này.

Điều 16. Quy trình thực hiện việc xác định sự phù hợp của đề nghị can thiệp y học của người đề nghị chuyển đổi giới tính

1. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày Hội đồng xác định giới tính được thành lập, bộ phận tiếp nhận hồ sơ phải xác nhận lịch hẹn giữa Hội đồng xác định giới tính và người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.

2. Thành viên Hội đồng xác định giới tính phải xác định sự phù hợp của đề nghị can thiệp y học theo quy trình sau đây:

a) Bác sĩ chuyên khoa tâm thần tiến hành các quy định chuyên môn để xác định trạng thái tâm thần của người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính. Bác sĩ chuyên khoa tâm thần phải có ý kiến kết luận về việc người đề nghị có hoặc không đang mắc rối loạn tâm thần.

- Trường hợp người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính có mắc bệnh tâm thần thì bác sĩ tâm thần chuyển trả kết quả hồ sơ cho người đề nghị.

- Trường hợp kết luận người đề nghị không bị bệnh lý tâm thần thì chuyển hồ sơ đến chuyên gia tâm lý lâm sàng thuộc Hội đồng xác định giới tính.

b) Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được kết luận người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính không có vấn đề về tâm thần do bác sĩ chuyên khoa tâm thần chuyển đến, chuyên gia tâm lý lâm sàng phải xác định bản dạng giới của người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính khác giới tính hiện có. Trong quá trình này, chuyên gia tâm lý lâm sàng có trách nhiệm:

- Cung cấp các kiến thức khoa học tâm lý cần thiết và các tình huống tâm lý mà người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính chưa lường trước được;

- Kết luận về việc người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính không có bản dạng giới khác giới tính hiện có hoặc có bản dạng giới khác với giới tính hiện có;

- Đưa ra phương pháp can thiệp y học cho người đề nghị can thiệp y học chuyển đổi giới tính để lựa chọn. Người đề nghị can thiệp y học chuyển đổi giới tính tự quyết định phương pháp can thiệp phù hợp với thể chất và mong muốn của mình.

c) Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được kết luận của chuyên gia tâm lý lâm sàng về việc người đề nghị phải can thiệp y học để chuyển đổi giới tính có bản dạng giới khác với giới tính hiện có, bác sĩ chuyên khoa chỉ định thực hiện kiểm tra sức khỏe tổng thể và đưa ra phương pháp can thiệp y học phù hợp với sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần, khả năng tài chính và mong muốn của người đề nghị.

Việc thực hiện các phương pháp can thiệp y học phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 10 của Luật này.

3. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày xác định được phương pháp can thiệp y học phù hợp với người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính, Hội đồng xác định giới tính phải kết luận về tình trạng tâm thần, tâm lý, bản dạng giới khác với giới tính sinh học, phương pháp can thiệp y học và thời điểm can thiệp y học. Chủ tịch Hội đồng ra quyết định can thiệp y học cho người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính ngay tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được phép đó theo phương pháp đã lựa chọn theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.

Điều 17. Trách nhiệm tư vấn cho người giám hộ, gia đình của người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính

1. Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi do bức bối giới quá mức, được đề nghị điều trị nội tiết tố sinh dục để chuyển đổi giới tính như điểm b khoản 1 Điều 10 của Luật này, thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện điều trị nội tiết tố sinh dục để chuyển đổi giới tính phải có trách nhiệm tư vấn. Nội dung tư vấn bao gồm:

a) Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi mà có bức bối giới quá mức: Tư vấn để hiểu rõ về bản dạng giới, hỗ trợ đưa ra các lựa chọn can thiệp y học hoặc ngoài can thiệp y học để giải quyết tình trạng bức bối giới, lợi ích và nguy cơ cho từng lựa chọn;

b) Đối với người giám hộ của người có bức bối giới quá mức: Tư vấn về đặc điểm tâm sinh lý của người chuyển đổi giới tính; những tác động tích cực, tiêu cực của các phương pháp can thiệp y học và của tâm lý của người chuyển đổi giới tính; Tầm quan trọng của gia đình, người thân đối với hạnh phúc của người chuyển đổi giới tính.

2. Trường hợp người đề nghị chuyển đổi giới tính bị người trong gia đình, người thân cản trở, gây khó khăn không cho phép thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hỗ trợ thực hiện tư vấn nội dung quy định tại khoản 1 Điều này đối với gia đình, người thân của người đề nghị chuyển đổi giới tính nếu có nhu cầu.

Điều 18. Trách nhiệm tư vấn trước, trong quá trình can thiệp y học để chuyển đổi giới tính

1. Việc tư vấn nhằm giúp cho người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính hiểu rõ tác dụng mong muốn và không mong muốn của việc thực hiện can thiệp y học, xác định việc có thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính hay không, lường trước được hậu quả xảy ra, cân nhắc thấu đáo trước khi đưa ra quyết định chính thức và trang bị các phương án giải quyết với tác dụng không mong muốn của can thiệp y học.

2. Hội đồng xác định giới tính có trách nhiệm tư vấn cho người can thiệp y học để chuyển đổi giới tính trước và trong quá trình can thiệp y học. Nội dung tư vấn thực hiện theo quy định tại Điều 20 và Điều 21 của Luật này. Trong toàn bộ quá trình can thiệp y học, chuyên gia tâm lý lâm sàng thực hiện tham vấn, trị liệu cho các vấn đề tâm lý phát sinh nếu người đề nghị có nhu cầu.

3. Trong quá trình tư vấn, người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính có quyền chấm dứt đề nghị can thiệp y học bất cứ lúc nào.

4. Khuyến khích các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính liên hệ với các tổ chức bảo vệ quyền của người chuyển đổi giới tính, các Nhóm đồng đẳng để cùng hỗ trợ tư vấn cho người đề nghị chuyển đổi giới tính.

Điều 19. Tư vấn sau khi can thiệp y học để chuyển đổi giới tính

Sau khi người thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính thành công, các cơ sở có chức năng tư vấn tâm lý cho người chuyển đổi giới tính, chuyên gia tâm lý có trách nhiệm hỗ trợ tâm lý về các vấn đề sau đây:

1. Trong sinh hoạt, cuộc sống:

a) Làm quen giới tính mới: quần áo, đầu tóc, trang điểm, cử chỉ, dáng đi, sử dụng nhà vệ sinh.

b) Cách ứng phó khi bắt gặp ánh mắt ngạc nhiên, bối rối, giễu cợt hoặc kỳ thị của những người xung quanh.

2. Trong học tập, lao động: thái độ ứng xử khi bị kỳ thị, phân biệt, đối xử trong học tập, lao động.

3. Những việc cần phải làm khi gặp các vấn đề về tâm lý, tâm thần do can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính;

4. Phòng và xử lý các tác dụng phụ các biến chứng do can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính;

5. Các bệnh lý lây qua đường tình dục thường gặp ở những người chuyển đổi giới tính.

Điều 20. Nội dung tư vấn về điều trị nội tiết tố sinh dục

1. Tác dụng mong muốn, không mong muốn của việc điều trị nội tiết tố sinh dục.

2. Những thay đổi có thể đảo ngược, không thể đảo ngược.

3. Thời gian điều trị nội tiết tố sinh dục.

4. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết Điều này; quy định cụ thể về quy trình chuyên môn về điều trị nội tiết tố sinh dục để chuyển đổi giới tính.

Điều 21. Nội dung tư vấn về phẫu thuật ngực, bộ phận sinh dục, cơ quan sinh sản để chuyển đổi giới tính

1. Các phương pháp phẫu thuật, ưu điểm và nhược điểm của từng phương pháp.

2. Các biến chứng có thể xảy ra.

3. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết khoản 1 và khoản 2 Điều này; quy định cụ thể về quy trình chuyên môn về phẫu thuật ngực, bộ phận sinh dục, cơ quan sinh sản để chuyển đổi giới tính.

Điều 22. Tư vấn pháp lý cho người có nhu cầu chuyển đổi giới tính, người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính, người đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính nhưng chưa thực hiện thủ tục hộ tịch, người chuyển đổi giới tính

1. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có trách nhiệm tư vấn pháp lý cho người có nhu cầu chuyển đổi giới tính, người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính, người đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính nhưng chưa thực hiện thủ tục hộ tịch, người chuyển đổi giới tính.

2. Nội dung tư vấn pháp lý cho người có nhu cầu chuyển đổi giới tính, người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính, người đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính nhưng chưa thực hiện thủ tục hộ tịch, người chuyển đổi giới tính bao gồm pháp luật về dân sự, hình sự, căn cước, lao động, hôn nhân và gia đình, nghĩa vụ quân sự, tạm giữ, tạm giam và pháp luật khác có liên quan có quy định về giới tính.

3. Người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính theo quy định của Luật này phải được tư vấn pháp lý trước khi nộp hồ sơ đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.

Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cấp Giấy xác nhận tư vấn pháp lý để chuyển đổi giới tính sau khi tư vấn pháp lý cho người có nhu cầu chuyển đổi giới tính.

4.Tư vấn pháp lý cho người có nhu cầu chuyển đổi giới tính, người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính, người đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính nhưng chưa thực hiện thủ tục hộ tịch, người chuyển đổi giới tính là việc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân và bình đẳng trước pháp luật.

5. Về phí tư vấn pháp lý: Xin đề xuất 2 phương án như sau:

Phương án 1:

Việc tư vấn pháp lý cho người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính là dịch vụ pháp lý miễn phí.

Việc tư vấn pháp lý cho người có nhu cầu chuyển đổi giới tính, người đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính nhưng chưa thực hiện thủ tục hộ tịch, người chuyển đổi giới tính được thu phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí

Phương án 2:

Việc tư vấn pháp lý cho người có nhu cầu chuyển đổi giới tính, người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính, người đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính nhưng chưa thực hiện thủ tục hộ tịch, người chuyển đổi giới tính được thu phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí

6. Bộ Tư pháp quy định mức phí tư vấn pháp lý.

Chương V. CÔNG NHẬN GIỚI TÍNH CỦA NGƯƠÌ ĐÃ CAN THIỆP Y HỌC ĐỂ CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH

Điều 23. Giấy xác nhận giới tính mới

1. Đối tượng được cấp Giấy xác nhận giới tính, nơi cấp Giấy xác nhận giới tính được quy định như sau:

a) Người đã thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính theo quy định của Luật này được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi thực hiện can thiệp y học cấp Giấy xác nhận giới tính mới.

b) Người đã thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính trước ngày Luật này có hiệu lực được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi xác nhận đã có can thiệp y học với thời gian và mức độ đạt được như quy định ở Điều 24 của Luật này thì được cấp Giấy xác nhận giới tính mới.

2. Giấy xác nhận giới tính mới bao gồm các thông tin cơ bản sau đây:

a) Họ và tên của người đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; thông tin về giấy tờ tùy thân của người đã can thiệp y học, bao gồm số định danh công dân hoặc số giấy khai sinh, nơi cấp, ngày cấp; tình trạng hôn nhân là độc thân;

b) Giới tính trước khi can thiệp y học;

c) Giới tính sau khi can thiệp y học.

Điều 24. Thời điểm cấp Giấy xác nhận giới tính mới

1. Thời điểm cấp Giấy xác nhận giới tính mới cho những người Chuyển đổi giới tính quy theo các phương pháp theo quy định tại khoản 1,2,3,4 Điều 8 của Luật này là thời điểm kết thúc quá trình can thiệp y học để chuyển đổi giới tính với thời gian và mức độ can thiệp y học được cho là đạt như sau:

a) Về thời điểm để đánh giá mức độ:

- Đối với phương pháp sử dụng nội tiết tố sinh dục là 12 tháng kể từ ngày đầu tiên sử dụng nội tiết tố sinh dục;

- Đối với phương pháp có phẫu thuật quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 8 của Luật này được thực hiện ngay sau khi kết thúc phẫu thuật.

b) Mức độ can thiệp y học được cho là đạt khi hết bức bối giới và có cảm nhận hài lòng, dễ chịu, thích thú, hạnh phúc với giới tính mới.

2. Đối với phương pháp quy định tại khoản 5 Điều 8 của Luật này được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Điều 25. Điều kiện, hồ sơ để được cấp Giấy xác nhận giới tính mới

1. Điều kiện để được cấp Giấy xác nhận giới tính:

a) Là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi;

b) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

c) Độc thân;

d) Cam kết sống với giới tính đã được chuyển đổi;

đ) Đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính;

e) Không thuộc trường hợp đang chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ, hình phạt hình sự bổ sung như cấm đi khỏi nơi cư trú;

2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy xác nhận giới tính mới:

a) Bản sao có công chứng của một trong các giấy tờ sau: hộ chiếu, căn cước công dân hoặc giấy tờ tùy thân khác.

b) Lý lịch tư pháp;

c) Giấy xác nhận theo quy định của pháp luật tình trạng hôn nhân là độc thân;

d) Đơn cam kết sống với giới tính đã được chuyển đổi;

đ) Giấy xác nhận đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.

Điều 26. Cấp Giấy xác nhận đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính cho các trường hợp đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính trước ngày Luật này có hiệu lực

1. Các trường hợp đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính trước ngày Luật này có hiệu lực, nếu có nhu cầu công nhận giới tính mới thì có thể nộp đơn tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính để được cấpGiấy xác nhận đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.

2. Trong vòng 01 tháng kể từ ngày người đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính trước ngày Luật này có hiệu lực nộp hồ sơ đầy đủ các giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 11 của Luật này, thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép của cơ quan quản lý cho thực hiện can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính phải thành lập Hội đồng xác định giới tính để xem xét về phương pháp, thời gian, mức độ và cảm nhận của người chuyển giới sống với giới tính mới và xác nhận thời gian và mức độ can thiệp y học như quy định ở Điều 24 Luật này và đề nghị Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cho họ Giấy xác nhận đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính.

Những trường hợp không cấp Giấy xác nhận đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính thì phải trả lời bằng văn bản và có nói rõ lý do.

3. Sau khi được cấp Giấy xác nhận đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính người đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính trước ngày Luật này có hiệu lực thực hiện thủ tục để được cấp Giấy xác nhận giới tính mới theo quy định tại Điều 25 của Luật này.

Điều 27. Đăng ký hộ tịch và thay đổi thông tin giới tính, thông tin khác của người chuyển đổi giới tính trên các giấy tờ pháp lý có liên quan

1. Giấy xác nhận giới tính mới là căn cứ để cơ quan đăng ký hộ tịch thực hiện thay đổi hộ tịch của cho người chuyển đổi giới tính.

2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định cụ thể hồ sơ, thủ tục thay đổi giới tính trong các giấy tờ hộ tịch cho người chuyển đổi giới tính.

3. Việc thay đổi thông tin giới tính, thông tin khác của người chuyển đổi giới tính trên các giấy tờ pháp lý có liên quan như căn cước công dân, văn bằng, chứng chỉ, quyền sở hữu tài sản và các giấy tờ pháp lý khác thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Chương VI. QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI VIỆC CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH

Điều 28. Nội dung quản lý nhà nước về chuyển đổi giới tính

1. Quản lý nhà nước về công nhận chuyển đổi giới tính;

2. Quản lý nhà nước về quy trình kỹ thuật nghiệp vụ can thiệp y học cho người có nhu cầu can thiệp y tế để chuyển đổi giới tính;

3. Quản lý nhà nước về chuyển đổi giới tính ở người chuyển giới.

Điều 29. Trách nhiệm quản lý nhà nước đối với người chuyển giới và người đã được công nhận giới tính mới

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người chuyển giới, người chuyển đổi giới tính.

2. Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Y tế và các bộ có liên quan xây dựng văn bản hướng dẫn về đăng ký thay đổi hộ tịch cho người chuyển đổi giới tính và chỉ đạo triển khai thanh tra, kiểm tra việc thực hiện đăng ký thay đổi hộ tịch cho người chuyển đổi giới tính.

3. Bộ Y tế trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau đây:

a) Quy định các quy phạm pháp luật, quy trình kỹ thuật chuyên môn về người chuyển đổi giới tính; khung giá các dịch vụ tư vấn y khoa và các dịch vụ y tế để chuyển đổi giới tính tại các cơ sở y tế công lập. Đề xuất với bảo hiểm y tế để thanh toán cho người chuyển đổi giới tính các dịch vụ nhằm chuyển đổi giới tính và các vấn đề về sức khỏe có liên quan đến chuyển đổi giới tính

b) Tổ chức cấp phép, thanh tra, kiểm tra đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính trên toàn quốc;

c) Tổ chức, cung cấp thông tin khoa học, chính xác các nội dung liên quan đến chuyển đổi giới tính và người chuyển đổi giới tính; Bảo đảm người chuyển đổi giới tính được tiếp cận với các thông tin, các dịch vụ y tế phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình;

d) Có kế hoạch hỗ trợ đào tạo đội ngũ chuyên gia tâm lý để hỗ trợ tư vấn tâm lý cho cá nhân yêu cầu chuyển đổi giới tính và triển khai các chương trình an toàn tình dục cho người chuyển đổi giới tính;

đ) Quản lý nhà nước về các nội dung khác về y tế có liên quan đến chuyển đổi giới tính.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ có liên quan xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định để bảo đảm người chuyển đổi giới tính không bị kỳ thị, phân biệt đối xử trong học tập, lao động, chỉnh sửa các giấy tờ đã được cấp và không bị buộc thôi việc, buộc nghỉ học vì chuyển đổi giới tính.

Điều 30. Trách nhiệm Bộ, cơ quan ngang Bộ và chính quyền địa phương

1. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế thực hiện quản lý nhà nước và triển khai hoạt động bảo vệ quyền của người chuyển đổi giới tính.

2. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền của người chuyển giới, người chuyển đổi giới tính tại địa phương.

Điều 31. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội

1. Tham gia trong việc tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bản dạng giới, công tác bảo đảm thực thi quyền, nghĩa vụ của người chuyển đổi giới tính.

2. Tư vấn cho đoàn viên, hội viên và Nhân dân về các vấn đề liên quan đến bản dạng giới, người chuyển đổi giới tính.

3. Giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về chuyển đổi giới tính, về bảo vệ quyền của người chuyển giới, người chuyển đổi giới tính; phản biện xã hội đối với các chính sách, pháp luật về bản dạng giới, bảo vệ của người chuyển đổi giới tính.

Chương VII. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 32. Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật sau:

1. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 3 của Luật Hộ tịch số 60/2014/QH13 như sau:

“c) Xác định lại giới tính; chuyển đổi giới tính;”.

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 5 của Luật Bình đẳng giới số 73/2006/QH11 như sau:

“2. Giới tính là những đặc điểm sinh học và thể chất khác nhau như cơ quan sinh sản, nhiễm sắc thể giới tính, nội tiết tố, được sử dụng để xác định người mang giới tính nam hay nữ.”.

3. Bổ sung khoản 8 vào sau khoản 7 Điều 7 của Luật Trợ giúp pháp lý số 11/2017/QH14 như sau:

“8. người có nhu cầu chuyển đổi giới tính; người đề nghị can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; người đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính nhưng chưa thực hiện thủ tục hộ tịch; người chuyển đổi giới tính;”.

4. Bổ sung Phụ lục số 01 Danh mục Phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH131. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2

Phương án 1:

Bổ sung số thứ tự 11 vào sau số thứ tự 10 Mục XII Đề mục A Phụ lục số 1 Luật Phí và Lệ phí số 97/2015/QH13.

Phương án 2:

Bổ sung số thứ tự 11 vào sau số thứ tự 10 Mục XII Đề mục A Phụ lục số 1 Luật Phí và Lệ phí số 97/2015/QH13.

Điều 33. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2026.

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây