Lan toả phong trào “Toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy”

Thứ sáu - 04/10/2024 11:29 26 0

Phong trào “Toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy” (PCCC) trên địa bàn tỉnh ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại do cháy, nổ gây ra; bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, được mọi người đồng thuận, ủng hộ và tạo sức lan toả trong cộng đồng.

Thực tập phương án PCCC với sự tham gia của nhiều lực lượng.

Nâng cao ý thức PCCC trong cộng đồng

Theo Công an tỉnh, trong 9 tháng năm 2024, cả nước xảy ra 3.220 vụ cháy, làm chết 80 người, bị thương 63 người, thiệt hại về tài sản khoảng 157 tỷ đồng và 586 ha rừng; 19 vụ nổ, làm chết 7 người. Điển hình là vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh cho thuê trọ ngày 24.5.2024 tại quận Cầu Giấy, Hà Nội làm chết 14 người, bị thương 3 người… Riêng trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra những vụ cháy nhỏ, gây thiệt hại không lớn. Trong đó, đã xảy ra 17 vụ cháy, không gây thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản khoảng 800 triệu đồng và 4 ha rừng (có 2 vụ chưa thống kê thiệt hại).

Có rất nhiều nguyên nhân để xảy ra cháy, nổ; tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa nhất vẫn là do ý thức chủ quan của người dân không chấp hành đúng các quy định bảo đảm an toàn PCCC như bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, khí gas… Trên 60% nguyên nhân của các vụ cháy đã điều tra làm rõ là do sự cố hệ thống, thiết bị điện.

Đại tá Trần Văn Luận- Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Ban Chỉ đạo PCCC và CNCH tỉnh cho biết, để giảm thiệt hại do cháy, nổ gây ra, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng PCCC và CNCH triển khai nhiều giải pháp như quan tâm tập huấn, tuyên truyền cho người dân, bảo đảm mỗi hộ gia đình có ít nhất 1 người được tập huấn kiến thức và kỹ năng thoát nạn khi gặp sự cố.

Các em học sinh trải nghiệm thực tế công tác PCCC và CNCH.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng PCCC và CNCH các cấp đã tổ chức 598 cuộc tuyên truyền trực tiếp với hơn 57.790 người tham gia; 309 cuộc tuyên truyền lưu động, phát 42.220 tờ rơi, 750 bảng niêm yết mã QR về kiến thức và kỹ năng thoát nạn; quay, phát 25 phóng sự tuyên truyền về công tác PCCC; tổ chức 9 hội thi nghiệp vụ chữa cháy “Tổ liên gia an toàn PCCC” cấp huyện và 1 hội thi cấp tỉnh; tổ chức 191 lớp huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy, CNCH cho lực lượng PCCC các cơ sở với 8.670 người tham gia; thực tập 14 phương án có nhiều lực lượng, phương tiện tham gia.

Ngoài ra, Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng PCCC và CNCH xây dựng 813 Tổ liên gia an toàn PCCC và 41 điểm chữa cháy công cộng; đồng thời, tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an toàn PCCC. Qua đó, đã lập 52 biên bản vi phạm hành chính, tham mưu các cấp ban hành 52 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 711 triệu đồng.

Học sinh trải nghiệm thực tế công tác PCCC và CNCH.

Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là tại các khu tập trung đông người, các hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; chủ các cơ sở còn lơ là, chủ quan, chưa quyết liệt, chính quyền một số nơi còn buông lỏng trong quản lý, kiểm tra, nhất là trong cấp phép xây dựng. Việc xây dựng các mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng”, vận động mỗi hộ gia đình trang bị 1 bình chữa cháy… còn khó khăn, chưa bảo đảm tiêu chuẩn quy định; một số cơ sở còn tồn tại, vi phạm nhưng chậm khắc phục; kinh phí đầu tư cho hoạt động PCCC còn hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ…

Theo Công an tỉnh, nguyên nhân là do một bộ phận người dân còn chủ quan, xem nhẹ công tác PCCC nên không chấp hành đúng quy định về bảo đảm an toàn PCCC. Chính quyền một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ, chưa quan tâm đúng mức đến công tác PCCC và quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp trên, nhất là Kết luận số 02-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị số 01/CT-TTg, Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, do kinh phí đầu tư cho công tác PCCC và CNCH lớn, nên thời gian qua việc trang bị phương tiện cho lực lượng PCCC và CNCH còn hạn chế, nhất là tại Công an cấp huyện…

Thực tập phương án PCCC với sự tham gia của nhiều lực lượng.

Từng bước hình thành kỹ năng PCCC và CNCH cho người dân

Luật Phòng cháy và Chữa cháy năm 2001 quy định ngày 4.10 hằng năm là Ngày toàn dân PCCC. Đây là đợt cao điểm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các đoàn thể, tổ chức và toàn dân tham gia công tác bảo đảm an toàn PCCC. Trong dịp Ngày toàn dân PCCC năm 2024, nhiều hoạt động tuyên truyền ý nghĩa về công tác PCCC đã và đang được diễn ra.

Đại tá Trần Văn Luận- Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, hằng năm, Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành công văn về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân PCCC 4.10”; kế hoạch tổ chức mít tinh, diễu hành hưởng ứng “Ngày toàn dân PCCC 4.10”. 

Bên cạnh đó, Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, huyện, thị xã, thành phố; trong đó, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH là nòng cốt triển khai nhiều hoạt động thiết thực hướng ứng “Ngày toàn dân PCCC” và đẩy mạnh phong toàn dân tham gia PCCC như tổ chức các hội thi “Rung chuông vàng” thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về PCCC; phát cẩm nang, tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn về PCCC tại các khu dân cư, hộ gia đình; tuyên truyền lưu động; thực tập phương án chữa cháy có nhiều lực lượng, phương tiện tham gia tại các khu dân cư, các cơ sở có nguy có cháy, nổ cao…

Lực lượng Công an hướng dẫn người dân sử dụng bình chữa cháy xách tay

Riêng sáng ngày 4.10.2024, UBND tỉnh và các huyện, thị xã sẽ đồng loạt tổ chức lễ mít tinh, diễu hành hưởng ứng “Ngày toàn dân PCCC 4.10” với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp Nhân dân (UBND tỉnh tổ chức tại quảng trường Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tỉnh Tây Ninh với hơn 600 lượt lãnh đạo sở, ngành, học sinh, sinh viên tham dự; mỗi UBND cấp huyện huy động hơn 200 lượt người tham dự).

 Để công tác PCCC trong thời gian tới đạt hiệu quả cao, Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục tham mưu cấp uỷ, UBND cùng cấp chỉ đạo quyết liệt thực hiện công tác PCCC và CNCH. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH làm tốt công tác nắm địa bàn, phân loại cơ sở để kịp thời đưa cơ sở vào diện quản lý PCCC và CNCH đã được phân công, phân cấp; tiếp tục nghiên cứu, đổi mới công tác tuyên truyền sâu rộng đến người dân để công tác PCCC dần trở thành thói quen, văn hoá trong cuộc sống của mỗi người. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng thoát nạn, chữa cháy, xử lý tình huống khi có cháy, nổ xảy ra.

Lực lượng Công an kiểm tra nút báo cháy được trang bị tại nhà người dân.

Nâng cao hiệu quả hoạt động các mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng”, phát động phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”; tăng cường công tác huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ chữa cháy, CNCH; bảo đảm công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và CNCH, kịp thời, hiệu quả, không để cháy lan, cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây