Tại Tây Ninh, nhờ xây dựng và phát triển các mô hình trong PCCC&CNCH tại chỗ hiệu quả, mỗi người dân trở thành một chiến sĩ góp phần hạn chế thiệt hại khi xảy ra cháy nổ.
Thực hiện “4 tại chỗ” trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) là yếu tố quan trọng nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra cháy nổ. Tại Tây Ninh, nhờ xây dựng và phát triển các mô hình trong PCCC&CNCH tại chỗ hiệu quả, mỗi người dân trở thành một chiến sĩ góp phần hạn chế thiệt hại khi xảy ra cháy nổ.
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Tây Ninh.
Thực hiện “4 tại chỗ” trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) là yếu tố quan trọng nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra cháy nổ. Tại Tây Ninh, nhờ xây dựng và phát triển các mô hình trong PCCC&CNCH tại chỗ hiệu quả, mỗi người dân trở thành một chiến sĩ góp phần hạn chế thiệt hại khi xảy ra cháy nổ.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH- Công an tỉnh Tây Ninh, thời điểm “vàng” để triển khai công tác chữa cháy đạt hiệu quả cao nhất là từ 3-5 phút đầu kể từ khi đám cháy bùng phát. Lực lượng chữa cháy tại chỗ nếu đủ năng lực sẽ khống chế được đám cháy trước khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến.
Do đó, thời gian qua, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh và các địa phương xây dựng các mô hình bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy tại chỗ- nhất là tại các khu dân cư, hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh, nơi có nguy cơ cháy nổ cao. Trên địa bàn thành phố Tây Ninh, qua rà soát, hiện có trên 3.000 hộ gia đình tận dụng nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Để hạn chế thiệt hại khi chẳng may xảy ra hoả hoạn, UBND Thành phố đã chỉ đạo các xã, phường vận động 22 hộ gia đình mở lối thoát hiểm thứ hai; đồng thời, thành lập 77 “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” cùng 3 điểm chữa cháy công cộng.
Ông Nguyễn Thanh Bình (45 tuổi, ngụ phường 2, thành phố Tây Ninh) cho biết, từ khi triển khai mô hình, những gia đình thuộc Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy đã được trang bị phương tiện cảnh báo cháy sớm, dụng cụ chữa cháy ban đầu cũng như nâng cao kiến thức về phòng cháy, chữa cháy để kịp thời xử lý hiệu quả những vụ cháy nổ ngay từ khi mới phát sinh, không để cháy lan, cháy lớn, gây thiệt hại về người và tài sản. Các hộ dân chia sẻ thông tin, nắm bắt tình hình, cảnh báo sớm nguy cơ, góp phần kéo giảm số vụ cháy, từ đó lan toả ý thức trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy tại địa phương.
Kỹ năng phòng cháy, chữa cháy của người dân ngày càng được nâng cao.
Tại thị xã Hoà Thành- một trong những địa phương trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, có 919 cơ sở thuộc diện quản lý, trên 2.000 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; 27 khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao. Để ngăn ngừa, hạn chế thiệt hại về người và tài sản có thể xảy ra, thị xã Hoà Thành đã thành lập 39 đội dân phòng, 625 đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở; xây dựng 78 Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy. Nhờ đó, những năm qua, trên địa bàn Thị xã không để xảy ra cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Sau hơn 1 năm triển khai và xây dựng 800 mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng cho biết, cách làm này đã phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Các mô hình bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, tạo sự chuyển biến về nhận thức của người dân; có ý nghĩa rất lớn trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy. Thời gian tới, Tây Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng mô hình.
Ngoài 800 Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy, trên địa bàn tỉnh còn có 545 đội phòng cháy, chữa cháy dân phòng với trên 5.000 đội viên tại 94 xã, phường, thị trấn. Trong công tác PCCC&CNCH, lực lượng này còn phối hợp, hỗ trợ Cảnh sát PCCC&CNCH hướng dẫn người dân thoát nạn, thoát hiểm trong những vụ việc đơn giản; di chuyển và bảo vệ tài sản, giữ gìn an ninh trật tự.
Người dân tham gia chữa cháy trong Hội thi phòng cháy chữa cháy do Công an tỉnh Tây Ninh tổ chức.
Liên quan đến công tác này, Đại tá Trần Văn Luận- Phó Giám đốc Công an tỉnh thông tin, sắp tới, lực lượng Công an các huyện, thị xã, thành phố và lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH toàn tỉnh sẽ tham mưu chính quyền địa phương rà soát, kiện toàn và nhân rộng mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy và điểm chữa cháy công cộng tại các khu dân cư, hộ gia đình, địa bàn cơ sở nơi có nguy cơ cháy nổ cao; tăng cường phổ biến kiến thức, tập huấn kỹ năng an toàn phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, thoát nạn cho người dân.
Phó Giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh, năm 2024 phấn đấu mỗi hộ gia đình phải có ít nhất 1 người được tập huấn kỹ năng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy và dụng cụ phá dỡ; vận động hộ gia đình có nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất kinh doanh mở lối thoát thứ hai. Thành viên Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy sẽ tăng cường phối hợp và hỗ trợ các gia đình, tạo mạng lưới an toàn chung, cùng thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tại nơi sinh sống.
Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )
Nguồn tin: Báo Tây Ninh Online
Ý kiến bạn đọc