Nâng cao ý thức của người tham gia giao thông

Thứ hai - 11/12/2023 07:52 89 0

Ý thức và trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn luôn là yếu tố đặt lên hàng đầu đối với mỗi người khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn nhiều người thiếu kiến thức và ý thức chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, dẫn đến nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản.

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông.

Từ ngày 15.12.2022 – 14.9.2023, toàn tỉnh xảy ra 109 vụ tai nạn giao thông, làm chết 76 người, bị thương 45 người. So với cùng kỳ năm 2022 tăng 60 vụ, tăng 54 người chết, tăng 9 người bị thương. Nguyên nhân gây tai nạn chủ yếu do lỗi đi không đúng phần đường; vi phạm quy định khi chuyển hướng; không nhường đường; không chú ý quan sát; đi ngược chiều…

Công tác tuyên truyền pháp luật về ATGT, tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm dù đã được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh chú trọng triển khai thực hiện nhưng ý thức tự giác chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông vẫn còn hạn chế, dẫn đến vi phạm và tai nạn tăng cao.

Sự lơ là, chủ quan của một bộ phận người tham giao thông có thể gây ra những thiệt hại không gì bù đắp được cho một cá nhân, gia đình và xã hội. Do bị một người điều khiển phương tiện không chú ý quan sát, anh T.Q.C, sinh năm 1990, ngụ thị xã Hoà Thành đã ra đi mãi mãi, bỏ lại người vợ và ba đứa con nhỏ.

Theo người thân anh C kể lại, vợ chồng anh chị đi làm công nhân ở khu công nghiệp, cả hai sống hạnh phúc, cố gắng nuôi dạy các con. Hôm đó, anh C đang điều khiển xe chạy về nhà, bất ngờ có phương tiện chuyển hướng đột ngột khiến anh thắng gấp, trượt té xuống đường, không qua khỏi.

Hay trường hợp của bà C.T.S, sinh năm 1953, ngụ xã Thạnh Tân, TP.Tây Ninh không may bị tai nạn giao thông và mất. Con gái bà S cho biết: “Hơn 2 tháng trước, tôi chở mẹ đi khám mắt ở bệnh viện, trên đường về nhà thì xảy ra va chạm với xe ô tô tải. Vụ việc khiến mẹ té xuống đường, bị chấn thương sọ não và mất. Trong gia đình, ba của tôi bị bệnh không thể làm việc nặng, tất cả công việc đều do mẹ đảm đương, mẹ làm nghề chạy xe ôm, ươm mãng cầu để bán cho người ta kiếm tiền nuôi gia đình”.

Ban An toàn giao thông tỉnh đến thăm hỏi, động viên người bị tai nạn giao thông.

Chị Lâm Thị Reo, con dâu của bà C.T.S nghẹn ngào nói: “Sự ra đi của mẹ khiến chúng tôi vô cùng đau lòng, gia đình chia lìa, không ngờ rằng người vừa ra khỏi nhà nhưng vĩnh viễn không thể trở về chỉ vì tai nạn giao thông”.

Thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều trường hợp cảm thấy bất an mỗi khi lưu thông trên đường. Ông T.T.H, ngụ thị xã Hoà Thành nói: “Từ ngày vợ mất do tai nạn giao thông, tôi luôn cảm thấy lo lắng, thường xuyên giật mình mỗi khi chạy xe trên đường. Bản thân không dám chạy gần các loại xe ô tô lớn, bởi nó khiến tôi nhớ lại cảnh tượng khủng khiếp vào ngày vợ bị xe tải tông trúng”.

Tại nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh, không khó bắt gặp những hành vi điều khiển phương tiện lấn làn, lấn tuyến, chen ngang, chạy quá tốc độ, đi ngược chiều, không đội nón bảo hiểm, sử dụng điện thoại khi lái xe… Các lỗi vi phạm vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương, bất kể thành thị hay nông thôn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Trong 9 tháng, lực lượng chức năng bố trí hơn 23.800 tổ tuần tra kiểm soát, phát hiện, lập biên bản 29.147 trường hợp vi phạm (23.294 môtô, 5.853 ôtô), tạm giữ 15.455 phương tiện; ra quyết định xử phạt 23.686 trường hợp, tước giấy phép lái xe có thời hạn 5.810 trường hợp. 

Kết quả xử lý một số chuyên đề như: vi phạm nồng độ cồn hơn 10.700 trường hợp; quá tốc độ trên 4.800 trường hợp; chở hàng hóa quá tải, cơi nới thành thùng xe hơn 500 trường hợp; không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông gần 1.230 trường hợp; chuyển hướng không tín hiệu báo hướng rẽ 984 trường hợp; không đội mũ bảo hiểm 1.318 trường hợp.

Ban An toàn giao thông tỉnh thăm hỏi gia đình, thắp nhang cho nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông.

Với mục tiêu nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật giao thông cho người lái xe, ngoài việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông, cơ quan, ban, ngành tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đường bộ, đường thuỷ nội địa; nguyên nhân gây tai nạn và biện pháp phòng tránh; phối hợp với ngành giáo dục thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật và kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên.

Việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông là mục tiêu quan trọng trong công tác bảo đảm TTATGT, tiến tới xây dựng văn hoá giao thông an toàn, giảm thiểu tai nạn. Cùng với các quy định của pháp luật, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của người tham gia giao thông; giáo dục kỹ năng lái xe và bảo đảm an toàn sử dụng phương tiện. Lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các lỗi là nguyên nhân gây tai nạn, nhất là ở khu vực đông người, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông.

An Đông

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây