Góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ở Tây Ninh

Thứ hai - 04/11/2024 07:06 73 0

Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Tây Ninh tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Chương trình hành động số 41-CTr/TU, ngày 18/8/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW gắn với các nghị quyết, chỉ thị của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.

Hội yến Diêu Trì Cung. Hội yến Diêu Trì Cung.

Nâng cao chất lượng các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trên địa bàn tỉnh

Tiếp thu chỉ đạo quan trọng của Đảng, đồng thời tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Đảng bộ tỉnh Tây Ninh đã cụ thể hóa trong Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định “nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở, chất lượng các phong trào thi đua, các cuộc vận động, các danh hiệu văn hóa. Đẩy mạnh phát triển thể dục, thể thao toàn dân, thể thao thành tích cao”; tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, quán triệt, tổ chức thực hiện sớm đưa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng liên quan đến lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật vào cuộc sống; coi xây dựng và phát triển văn hóa, con người vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản và lâu dài.

Tỉnh ban hành cơ chế, chính sách về xây dựng và phát triển văn hóa, con người kịp thời, phù hợp, có tính chia sẻ giữa nhà nước và Nhân dân, có tính khả thi cao.

Văn hóa đang trở thành nhiệm vụ trung tâm trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương; các cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư ngân sách, huy động nguồn lực xã hội hóa cho lĩnh vực văn hóa; nâng cao chất lượng các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, phát triển các khu vui chơi, giải trí, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân.

Các giá trị văn hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng thể hiện rõ hơn, đã tác động tích cực đến các lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần vào công cuộc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và xây dựng con người, làm động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có những chuyển biến tích cực, lồng ghép việc tuyên truyền thực hiện vào trong các tiêu chí, tiêu chuẩn bình xét các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Ấp, khu phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn văn hóa”, “Đơn vị văn hóa” đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh vào quy ước khu dân cư… Tính đến cuối năm 2023, đã có 90,91% số hộ được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 99,44% ấp, khu phố được công nhận danh hiệu “Ấp, khu phố văn hóa”; 93,4% cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu “Đơn vị văn hóa”; 65/71 xã được công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”; 17/23 phường, thị trấn đạt danh hiệu “Phường, thị trấn văn minh đô thị”, 380/387 cơ sở Tín ngưỡng - Tôn giáo đạt danh hiệu “Cơ sở Tín ngưỡng - Tôn giáo văn minh”.

Tỉnh quan tâm giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho Nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên. Chú ý đầu tư sáng tác văn học, nghệ thuật về sân khấu truyền thống, nhạc tài tử cải lương, ca khúc tân nhạc mang âm hưởng làn điệu dân ca, về đề tài truyền thống cách mạng, xây dựng nông thôn mới, về xây dựng những đức tính tốt đẹp của con người như lòng nhân ái, nghĩa tình, dũng cảm, giúp đỡ cộng đồng, hy sinh vì nghĩa lớn,… Tích cực, năng động đổi mới hình thức, phương thức các hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm, giới thiệu đưa tác phẩm đến với công chúng. Tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí; liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng, hội diễn liên hoan khu vực và toàn quốc, giao lưu nghệ thuật quần chúng qui mô lớn với sự tham gia của các đội Nghệ thuật quần chúng các dân tộc Kinh, Chăm, Khmer, Hoa… chào mừng “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4”; khuyến khích các địa phương có người dân tộc thiểu số gìn giữ các tiết mục ca múa dân gian, hòa tấu nhạc cụ nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc. Toàn tỉnh có 13 nhà văn hóa dân tộc là nơi sinh hoạt, giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm sản xuất; truyền dạy văn hóa truyền thống, lưu giữ những nét độc đáo, nét riêng của từng dân tộc. Các lễ hội dân gian, tết cổ truyền dân tộc như: Tết Chol Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer, lễ hội Nguyên tiêu (còn gọi là Tiết Thượng nguyên) của dân tộc Hoa... được các ngành, các cấp quan tâm tạo điều kiện và hỗ trợ. Hầu hết các lễ hội tổ chức với không khí phấn khởi, vui tươi; các hoạt động văn hóa của đồng bào dân tộc trong các ngày lễ hội, Tết cổ truyền, được tổ chức theo phong tục, tập quán, phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt loại hình nghệ thuật múa Trống Chhay-dăm của đồng bào dân tộc Khmer Tây Ninh đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2014.

Năm 2022, tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện bản sắc văn hóa và truyền thống gia đình tỉnh Tây Ninh”. Hội thảo được nghe ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu, từ đó làm rõ hơn nội dung bản sắc văn hóa và truyền thống gia đình tỉnh Tây Ninh; đúc kết những giá trị đặc sắc, tiêu biểu nhằm xây dựng hệ thống triết lý, qua đó bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa và truyền thống gia đình tốt đẹp, hạn chế cái xấu, góp phần xây dựng và phát triển con người hướng đến chân - thiện - mỹ. Kết quả của Hội thảo là cơ sở dữ liệu khoa học làm nguồn tham khảo cho cấp có thẩm quyền xây dựng các chủ trương, chính sách về văn hóa, gia đình và là nguồn dữ liệu để xây dựng các sản phẩm du lịch riêng có của Tây Ninh.

Tây Ninh đã thực hiện việc phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể được chú trọng. Toàn tỉnh có 96 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng (gồm 1 di tích quốc gia đặc biệt, 27 di tích cấp quốc gia và 68 di tích cấp tỉnh) là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa của dân tộc, là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, hằng năm các di tích trên địa bàn tỉnh đã đón hàng trăm đoàn, với hàng triệu lượt du khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập… nhất là lực lượng thanh, thiếu niên; nhiều phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số được nghiên cứu, sưu tầm...

Tỉnh hiện có 1 di sản văn hóa phi vật thể được UNESSCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đó là Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ; 07 Di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia (Lễ hội Kỳ yên đình Gia Lộc; Nghệ thuật trình diễn dân gian múa trống Chhay-Dăm (của đồng bào dân tộc Khmer); nghề thủ công truyền thống, nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng; Lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu - Núi Bà Đen; Lễ hội Quan lớn Trà Vong, tỉnh Tây Ninh; Nghệ thuật chế biến món ăn chay; Nghề làm muối ớt Tây Ninh). Phát huy giá trị, nhân tố tích cực trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng với phương châm “tốt đời, đẹp đạo”; thực hiện tốt các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn,…và các giá trị truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, xuất hiện nhiều cách làm hay, hiệu quả, đóng góp thiết thực vào việc nâng cao chất lượng phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa như “Họ đạo Cao Đài xây dựng nếp sống văn minh, an lành, đoàn kết”; ”Vận động nhân dân và tín đồ các tôn giáo xây dựng khu dân cư văn minh và an toàn về an ninh trật tự”; Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”; cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong quân đội”, mô hình “ Vận động Cộng đồng người Khmer giữ gìn môi trường sống xanh – sạch – đẹp”, “Nói không với tàng trữ, sử dụng và lưu hành văn hóa phẩm độc hại”, duy trì “Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân” hằng năm...

Lễ hội Núi Bà Đen 2024.Lễ hội Núi Bà Đen 2024.

Loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ được gìn giữ, phát huy giá trị trở thành loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống mang tính thường xuyên của người dân (trên địa bàn tỉnh có 114 câu lạc bộ, đội, nhóm Đờn ca tài tử được thành lập, sinh hoạt thường xuyên tại các thiết chế văn hóa và 129 tụ điểm sinh hoạt Đờn ca tài tử do người dân tự thành lập).

Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 12/12/2022 về nâng cao chất lượng, hiệu quả các thiết chế văn hóa ở cơ sở trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo tổ chức hiệu quả các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao, trong đó chú trọng các hoạt động của thiết chế văn hóa gắn với văn hóa dân gian (các lễ hội tại các di tích, đình, miếu...), đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sinh hoạt và sáng tạo văn hóa nghệ thuật của người dân, tạo nền móng vững chắc cho việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh từ cấp cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có 424 thiết chế văn hóa, thể thao công lập, trong đó có 301/401 Nhà văn hóa ấp, liên ấp và 13 Nhà văn hóa dân tộc. Các thiết chế ngày càng được tổ chức bài bản, đa dạng các hoạt động, thu hút người dân đến tham gia sinh hoạt, nhiều giá trị văn hóa quý báu của dân tộc như đờn ca tài tử, múa trống Chhay-Dăm, được giữ gìn, nuôi dưỡng, phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Để nâng cao thể lực, tầm vóc con người Việt Nam, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống, các ngành, các cấp đã thường xuyên phối hợp tổ chức các phong trào thể thao quần chúng từ tỉnh đến cơ sở. Đến nay, phong trào thể dục thể thao đã có những chuyển biến, phát triển mạnh mẽ, thu hút sự tập luyện của các tầng lớp nhân nhân thông qua các cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, “Tháng hoạt động Thể dục thể thao cho mọi người và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân”, “Lễ Khai mạc hè, Ngày Olympic trẻ em và Phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước” được tổ chức hằng năm, thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, học sinh tham gia. Nhiều trò chơi, môn thể thao dân gian được tổ chức trong các lễ hội, tạo không gian văn hóa đặc sắc. Phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển rộng khắp, tỷ lệ người dân thường xuyên tập thể dục, thể thao đạt 31,5% dân số của tỉnh; số gia đình thể thao đạt 23,57%; 100% trường học đảm bảo việc thực hiện giáo dục thể chất nội khóa; 90,67% số trường giảng dạy ngoại khóa; 100% cán bộ, chiến sĩ LLVT qua kiểm tra hằng năm đạt tiêu chuẩn chiến sĩ khỏe.

Hoạt động xã hội hóa về văn hóa từng bước được hình thành và mở rộng, tỉnh đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách, góp phần định hướng, tạo điều kiện cho việc xây dựng và phát triển nền văn hóa theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trên địa bàn tỉnh có 578 câu lạc bộ, đội nhóm văn hóa văn nghệ quần chúng và hơn 300 câu lạc bộ, đội, nhóm thể thao được thành lập, hoạt động thường xuyên; hoạt động liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ được tổ chức bình quân 200 cuộc/năm; Đội tuyên truyền lưu động tỉnh, huyện xây dựng chương trình văn nghệ cổ động, kịch bản, tiểu phẩm sân khấu tuyên truyền phục vụ nhân dân từ 250 buổi/năm.

Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật ngày càng phát triển đã thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh nhất là theo hướng phát triển du lịch. Các thiết chế văn hóa ở cơ sở được nâng cao chất lượng, hiệu quả; vai trò chủ thể của người dân trong các hoạt động văn hóa tại cộng đồng được phát huy. Các hoạt động về biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, phục vụ sách báo, trưng bày triển lãm, thông tin cổ động được quan tâm thực hiện, góp phần đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của các tầng lớp Nhân dân, đồng thời thúc đẩy cho việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả. Kết quả đến cuối năm 2023 đã công nhận 65/71 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới đạt tỷ lệ 91,5%; 25/71 xã đạt nông thôn mới nâng cao đạt 33,8%; 03/71 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu đạt tỷ lệ 4,2%.

Tỉnh đã tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 23-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; ban hành Đề án “Phát triển văn học nghệ thuật tỉnh Tây Ninh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh” và Kế hoạch “Phát triển văn học nghệ thuật tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh” và các văn bản có liên quan đến việc xây dựng, bảo tồn, phát triển văn học, nghệ thuật. Tỉnh có Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Hội Văn học nghệ thuật huyện Gò Dầu, 04 chi hội huyện: Dương Minh Châu, Bến Cầu, Tân Châu và thị xã Trảng Bàng, với tổng số 297 hội viên (đảng viên: 127; trẻ, dưới 40 tuổi: 64; hội viên các chuyên ngành Trung ương: 62), sinh hoạt tại 06 chi hội chuyên ngành văn học, văn nghệ dân gian, nhiếp ảnh, mỹ thuật, sân khấu, âm nhạc và múa. Các cấp ủy, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí cho các hội, chi hội hoạt động; khuyến khích, động viên lực lượng văn nghệ sĩ tham gia sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật. Hằng năm, tỉnh đều tổ chức gặp gỡ với giới văn nghệ sĩ, trí thức, những người làm công tác văn hóa, văn nghệ, để thể hiện sự quan tâm, động viên, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những kiến nghị, đề xuất của văn nghệ sĩ. Đồng thời, để ghi nhận, tôn vinh công lao của văn nghệ sĩ, tỉnh đã thành lập Giải thưởng văn học, nghệ thuật Xuân Hồng, 05 năm tổ chức trao giải thưởng một lần; qua 03 lần tổ chức đã ghi nhận được nhiều công sức đóng góp của văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh và thống kê nhiều tác phẩm có giá trị đỉnh cao lưu giữ cho các thế hệ nối tiếp.

Các hoạt động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, tổ chức các cuộc vận động, hội trại sáng tác, các hội thi được thực hiện sôi nổi, tích cực và trách nhiệm. Trong 10 năm qua, đã có 558 tác phẩm đoạt giải thưởng các cấp: Quốc tế, toàn quốc, khu vực, tỉnh và 1.023 tác phẩm được trưng bày triển lãm. Công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật từng bước được nâng cao. Lực lượng văn nghệ sĩ tích cực tham gia Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Kết quả, từ năm 2010 đến 2022 có 336 tác phẩm của 157 tác giả được đề nghị Hội đồng sơ khảo tỉnh xét chọn, khen thưởng.

Hoạt động giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng, góp phần định hướng thẩm mỹ cho công chúng bằng nhiều hình thức. Đặc biệt, tỉnh thực hiện 02 đĩa CD tân, cổ nhạc ca khúc về Đảng, Bác Hồ, về Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, về phòng, chống dịch COVID-19 phát trên các hạ tầng của Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh và phổ biến trên hệ thống phát thanh từ tỉnh, thành phố, huyện, thị và xã, phường, thị trấn trong tỉnh, cùng các hệ thống của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, thông tin - truyền thông, y tế và Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, trong đó có 04 ca khúc của 04 tác giả được Hội Nhạc sĩ Việt Nam chọn đưa vào Tuyển tập Niềm tin gồm 60 ca khúc của nhiều tác giả phát hành trên phạm vi cả nước.

Du lịch về nguồn tại Trung ương Cục miền Nam.Du lịch về nguồn tại Trung ương Cục miền Nam.

Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, nội dung công tác xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua việc liên kết, tổ chức các lễ hội, giải thi đấu thể thao, các sự kiện văn hóa, từ đó đã tạo hiệu ứng tốt việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh con người, vùng đất Tây Ninh. Trong đó nổi bật với các lễ hội, giải thể thao như: Lễ hội kỷ niệm 180 năm Tây Ninh hình thành và phát triển (1836 - 2016); Lễ hội Chiến thắng Tua Hai 26/01/1960 (kỷ niệm 50 năm, 55 năm, 60 năm); Hội thề rừng Rong - An Tịnh, Trảng Bàng (tổ chức hàng năm vào ngày Mùng 7 tháng Giêng Âm lịch); Lễ hội truyền thống Kim Quang - Hòa Thành (tổ chức hàng năm vào ngày 14 tháng Giêng Âm lịch); Lễ hội Xuân núi Bà Tây Ninh (tháng Giêng hằng năm); Lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu - Núi Bà Đen (tổ chức hàng năm vào tháng 5 Âm lịch); Lễ hội tôn giáo của Đạo Cao Đài: Lễ Vía Đức Chí Tôn (tổ chức hàng năm vào ngày Mùng 9 tháng Giêng Âm lịch), Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung (tổ chức hàng năm vào ngày 15 tháng 8 Âm lịch); Giải bóng chuyền nữ quốc tế cúp VTV9 - Bình Điền Long An; Giải bóng chuyền vô địch Quốc gia PV Gas vòng II, bảng A và Chung kết nữ, xếp hạng nam (năm 2017); tổ chức Ngày Tây Ninh tại Hà Nội (năm 2017, năm 2019, 2023); Lễ hội làng nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng (năm 2016, năm 2018, năm 2021, 2022, 2023), Lễ hội Nghệ thuật chế biến món ăn chay tỉnh Tây Ninh lần thứ I… đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh và du khách mọi miền đất nước, khách quốc tế đến với Tây Ninh.

Các hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa được quan tâm nhằm quảng bá giới thiệu hình ảnh, vùng đất, văn hóa con người Tây Ninh đến bạn bè quốc tế, quảng bá du lịch Tây Ninh trên tạp chí Herigate và màn hình TVC của Tổng Công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), qua đó thu hút đầu tư, phát triển du lịch bền vững. Hàng năm, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh tổ chức đoàn đến thăm và chúc Tết cổ truyền dân tộc Khmer tại tỉnh Svay Rieng, Prey Veng, Tboung Khmum Vương quốc Campuchia; tổ chức thường niên các hoạt động giao lưu văn hóa, thể dục thể thao với các tỉnh bạn giáp biên của Vương quốc Campuchia nhân các dịp lễ, Tết cổ truyền của 02 dân tộc.

Tháp Chót Mạt, Tân Biên. Tháp Chót Mạt, Tân Biên.

Góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Chương trình hành động số 41-CTr/TU, ngày 18/8/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW gắn với các nghị quyết, chỉ thị của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, đẩy mạnh hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Kết hợp hài hòa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững.

Xây dựng đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao để tạo điều kiện cho nhân dân tham gia sinh hoạt văn hóa, gắn nhiệm vụ hoàn thiện thiết chế văn hóa, thể thao với phong trào xây dựng nông thôn mới. Đưa việc xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh trở thành ý thức tự giác trong hành động của mỗi cá nhân, tập thể.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa theo hướng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nhu cầu hưởng thụ của nhân dân, ngăn chặn, đầy lùi và từng bước giải quyết các biểu hiện tiêu cực trong văn hóa.

Nâng cao chất lượng các cuộc vận động trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; tập trung nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa, ấp, khu phố văn hóa. Xây dựng và nhân rộng các mô hình người tốt, việc tốt; vận động Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; triển khai nghiêm túc việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

Nâng mức đầu tư cho văn hóa, tương ứng với nhịp độ tăng trưởng kinh tế, trong đó đảm bảo tỷ lệ chi ngân sách cho văn hóa tối thiểu đạt 2% tổng chi ngân sách địa phương theo quy định tại Quyết định số 2215/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương về xã hội hóa các hoạt động văn hóa, huy động mọi nguồn lực cho phát triển văn hóa, gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa trong đó, tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển tiềm năng du lịch khu di tích quốc gia đặc biệt Trung ương cục Miền Nam và các khu di tích lịch sử, di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng nguồn nhân lực làm công tác văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao trong tình hình mới. Thường xuyên rà soát lại nguồn nhân lực, liên kết, phối hợp tổ chức đào tạo, đặc biệt quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn xã, phường, thị trấn, đảm bảo ổn định, đạt chuẩn theo quy định và đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát trển văn hóa.

Tiếp tục đổi mới công tác văn học, nghệ thuật theo Nghị quyết số 23-NQ/TW gắn với chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, trước hết là các cấp ủy về vai trò của văn hóa, văn học, nghệ thuật trong giai đoạn hiện nay.

Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và giới thiệu, quảng bá hình ảnh, văn hóa vùng đất, con người Tây Ninh trong khu vực, toàn quốc và ra quốc tế. Thực hiện hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chiến lược văn hóa đối ngoại trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức giao lưu văn hóa đối ngoại, đặc biệt là các hoạt động đối ngoại với các tỉnh bạn giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia, các hoạt động đối ngoại với các tỉnh, thành trong khu vực, trong nước và quốc tế nhằm quảng bá hình ảnh vùng đất con người Tây Ninh, phát triển du lịch, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Tạp chí Tuyên giáo

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây