Hiệp hội Du lịch Tây Ninh: Đóng góp tích cực cho ngành công nghiệp không khói

Thứ tư - 30/10/2024 10:45 8 0

Nhiệm kỳ 2018-2023, Hiệp hội Du lịch Tây Ninh đã vượt qua chặng đường đầy khó khăn để vươn lên hoàn thành xuất sắc mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách trên đỉnh núi Bà Đen.

Tăng cường xúc tiến du lịch

Những năm gần đây, Tây Ninh khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về tài nguyên hiện có, phát triển liên kết vùng với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ để tạo đà bứt phá, thu hút khách du lịch. Trong đó, tỉnh định hướng phát triển kết nối đồng bộ nhóm các điểm tham quan trọng điểm gồm: Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, Toà thánh Cao Đài Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng, Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, cùng với nhóm các điểm tham quan có vai trò kết nối, lan toả (Vườn di sản ASEAN - Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát) và hệ thống các di tích trên địa bàn mang đậm nét đặc trưng văn hoá, lịch sử riêng. Đặc biệt, Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen được tỉnh xác định sẽ làm trọng tâm phát triển, dẫn dắt du lịch của địa phương. 

Hiện nay, Tây Ninh triển khai nhiều đề án, kế hoạch về phát triển du lịch, nhất là kế hoạch quảng bá điểm đến du lịch và các sản phẩm du lịch. Ngoài ra, tỉnh cũng thu hút đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch chất lượng cao như: khách sạn từ 3-5 sao, các trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí, hệ thống cơ sở ăn uống đạt tiêu chuẩn. Tây Ninh cũng tăng cường thêm các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, điểm đến du lịch an toàn, kích cầu du lịch nội địa, liên kết tour, tuyến du lịch giữa các tỉnh, thành phố; từng bước thu hút, mở rộng thị trường du lịch quốc tế.

Góp phần cùng sự phát triển du lịch của tỉnh nhà, thời gian qua, Hiệp hội Du lịch Tây Ninh tổ chức và tham gia nhiều sự kiện quảng bá du lịch trong nước cũng như quốc tế, tạo cơ hội hợp tác và phát triển du lịch. Trong đó, Công ty TNHH Du lịch Saco, một trong những thành viên của Hiệp hội Du lịch tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình kết nối, phát triển du lịch giữa Tây Ninh với các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ, như: kết nối du lịch Bình Phước với Tây Ninh – “một cung đường hai điểm đến”, kết nối du lịch Bình Dương - Bình Phước - Tây Ninh – “một cung đường ba điểm đến”.

Ông Nguyễn Trường Vũ - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Saco chi nhánh Tây Ninh cho biết: “Công ty đang triển khai nhiều kế hoạch để phát triển “Một cung đường, hai điểm đến”, đó là đầu tư một đội ngũ nhà xe limousine, cung đường từ hướng Thành phố Hồ Chí Minh đến Tây Ninh; từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Bình Dương, Bình Phước kết nối với Tây Ninh và ngược lại. Chúng tôi kỳ vọng rằng sẽ góp phần xây dựng thêm nhiều chương trình liên kết, kết nối tuyến, điểm tham quan giữa các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh với các sản phẩm đặc thù của 3 địa phương".

Ông Trần Anh Minh- Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: Ngoài những liên kết giữa các cơ quan Nhà nước với nhau, Sở còn liên kết giữa các doanh nghiệp trong cụm, ngành và doanh nghiệp giữa các địa phương, nhận diện các thế mạnh, xây dựng hình ảnh, nâng cao chất lượng phục vụ du khách đến với từng vùng. Mỗi một doanh nghiệp phải có một nhiệm vụ xây dựng hình ảnh của mình và nâng cao chất lượng phục vụ du lịch để du khách đến với từng vùng, từng địa phương ngày càng tốt hơn.

Trong giai đoạn 2018-2023, Hiệp hội Du lịch tỉnh nhà cũng tích cực triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch như: tham gia tổ chức Tuần lễ văn hoá, du lịch Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng; tham gia các hội chợ triển lãm trong nước; tham gia tổ chức Ngày Tây Ninh tại Hà Nội; phối hợp Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Tây Ninh xây dựng kế hoạch và tổ chức chương trình Famtrip và Presstrip; tham gia tổ chức hội thảo “Phát triển sản phẩm liên kết kích cầu du lịch” và hội nghị “Liên kết phát triển du lịch” vùng Đông Nam Bộ; tham gia gian hàng quảng bá du lịch tại Giải chạy BaDen Moutain Marathon tỉnh Tây Ninh.

Ngoài ra, Hiệp hội còn tổ chức các đoàn xúc tiến tại Campuchia, tập trung vào việc mở rộng thị trường và kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài. Thông qua hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tại các sự kiện không chỉ giúp du khách tiếp cận, hiểu thêm về du lịch Tây Ninh mà còn tạo điều kiện để các thành viên Ban Chấp hành của Hiệp hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong hoạt động du lịch, tạo mối liên kết giữa du lịch Tây Ninh với các tỉnh bạn. Đồng thời, các doanh nghiệp tham gia có cơ hội giao lưu, trao đổi văn hoá giữa các địa phương với nhau, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác cùng phát triển du lịch giữa Tây Ninh với các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ và cả nước, mở ra cơ hội hợp tác phát triển thị trường du lịch quốc tế.

Đoàn khảo sát của Hiệp hội Du lịch khảo sát tại Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen.

Tận dụng cơ hội tạo đột phá

Trong giai đoạn tới, Hiệp hội Du lịch tỉnh định hướng tiếp tục phát triển hội viên mới, nâng cao chất lượng và cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch. Tăng cường quảng bá và xúc tiến du lịch, mở rộng thị trường, đặc biệt là trong khu vực Đông Nam Á. Phối hợp với các trường đại học, cao đẳng để đào tạo, nâng cao năng lực cho nhân sự ngành du lịch. Tăng cường liên kết và hợp tác với các Hiệp hội Du lịch khác, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng các chuỗi sản phẩm du lịch và quảng bá hình ảnh Tây Ninh.

Định hướng đến năm 2030, du lịch Tây Ninh là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trên 10% GRDP, thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác. Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh cam kết hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; tập trung thực hiện các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp; tăng cường kiểm tra công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quản lý Nhà nước.

Giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh tập trung quy hoạch mạng lưới giao thông đồng bộ, mở ra cơ hội liên kết cho tỉnh Tây Ninh với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Nhiều dự án cao tốc mang tầm quốc gia đã được phê duyệt, chuẩn bị khởi công, hứa hẹn tăng tính kết nối từ Tây Ninh đến các vùng kinh tế trọng điểm. Cụ thể như cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài,  cao tốc Gò Dầu – Xa Mát, hành lang kết nối liên vùng giữa Bình Phước và Campuchia theo hướng Đông-Tây, kết nối các tuyến quốc lộ 13, 14 và sân bay Long Thành gắn với tuyến đường N2 và quốc lộ 22.

Tây Ninh cũng đang triển khai đầu tư đường liên tuyến N8-787; hoàn thành, đưa vào khai thác ĐT.782 - ĐT.784, ĐT.795, ĐT.794 đoạn từ ngã ba Kà Tum đến cầu Sài Gòn, đường Đất Sét - Bến Củi… kết nối giữa Tây Ninh với Bình Dương, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh.

Với những tiềm năng, thế mạnh về quỹ đất, vị trí chiến lược kết nối vùng, hạ tầng phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ du lịch… và đặc biệt quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt với những định hướng phát triển rõ ràng, Tây Ninh sẵn sàng đón dòng vốn đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh, phù hợp với quy hoạch.

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây