Để chính sách truyền thông thực sự đi vào cuộc sống: Hiểu đúng, đầu tư đúng

Thứ ba - 30/07/2024 10:16 56 0

Truyền thông chính sách (TTCS) được hiểu là một phần trong hoạt động của Chính phủ nhằm đưa thông tin về các chính sách đến người dân, và nhận thông tin phản hồi để Chính phủ lấy ý kiến nhân dân khi xây dựng các loại chính sách mới hay điều chỉnh chính sách hiện tại, tạo ra sự đồng thuận xã hội.

Đoàn viên chi đoàn Sở Thông tin và Truyền thông ra quân tuyên truyền chuyển đổi số cho người dân

Làm tốt công tác truyền thông chính sách sẽ mở ra những nguồn lực lớn

Mặc dù khái niệm “truyền thông chính sách” khá mới nhưng với tầm quan trọng và tính thiết thực của nó, khái niệm này ngày càng phổ biến hơn. Tại Thông báo số 387/TB-VPCP ngày 22.12.2022 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách: Nhận thức - Hành động - Nguồn lực, nêu rõ: Truyền thông chính sách có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, là một trong những chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Làm tốt công tác truyền thông chính sách sẽ mở ra những nguồn lực lớn, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực thi chính sách. Tiếp đến, ngày 21.3.2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 07 “Về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách”, khẳng định: “Truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc truyền thông chính sách”.

Tại Tây Ninh, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản như: Quyết định 1255/QĐ-UBND ngày 6.6.2022 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”; Kế hoạch số 3668/KH-UBND ngày 13.11.2023 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21.3.2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Thông qua nhiều hình thức, phương tiện khác nhau, từ tuyên truyền miệng, pa-nô, áp-phích, sân khấu hoá, băng-rôn, phim, ảnh, sách... đến truyền thông số trên môi trường mạng xã hội, các cơ quan đơn vị, địa phương triển khai nội dung chính sách bằng các hình thức đa dạng đáp ứng được nhu cầu thông tin ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhiều đơn vị chủ động cung cấp thông tin về các văn bản quy định pháp luật của ngành, các chính sách có tác động rộng rãi đến người dân thông qua nhóm mạng xã hội Zalo, Facebook, cổng thông tin điện tử.

Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đăng tải, phát sóng nhiều tin, bài, phóng sự tuyên truyền các chính sách có tác động lớn đến xã hội của Trung ương, của tỉnh; Cổng thông tin điện tử của tỉnh xây dựng và duy trì nhiều chuyên trang, chuyên mục lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo văn bản để phục vụ cho các hoạt động truyền thông chính sách. 100% dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh; hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh được đăng tải toàn văn trên Cổng thông tin điện tử tỉnh trong thời hạn ít nhất 30 ngày để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến.

Do bám sát thực tế và được thực hiện công khai, minh bạch, đồng thời có nhiều cách làm sáng tạo, đột phá, hiệu quả cao, phù hợp với nội dung tuyên truyền, tình hình, điều kiện và bối cảnh của từng cơ quan, địa phương, đơn vị, nên đã góp phần quan trọng đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và đưa cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính sách, từ đó thống nhất nhận thức, ý chí và hành động trong triển khai thực hiện, tạo đồng thuận cao trong xã hội.

Tăng cường thông tin chính thống kịp thời, chủ động đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thông tin xấu độc, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực” cũng đã góp phần ổn định xã hội, tâm lý người dân, tăng cường niềm tin vào Đảng, Nhà nước. Điển hình là trong công tác phòng, chống dịch bệnh- nhất là dịch Covid-19; thực hiện nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, phòng, chống tham nhũng, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại...

Tặng quà cho người dân.

Một kết quả tích cực đáng lưu ý là việc đẩy mạnh chuyển đổi số là bước tiến rất quan trọng, đưa công tác truyền thông nói chung, truyền thông chính sách nói riêng lên tầm cao mới. Công tác truyền thông kịp thời, chính xác đã góp phần điều tiết, định hướng thông tin dư luận, tạo chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của người dân trong việc tìm hiểu, chấp hành chủ trương, đường lối cuả Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt chức năng góp ý, phản biện trong xây dựng chính sách, pháp luật.

Tuy nhiên, với câu hỏi “Công tác này đã đạt hiệu quả như mong muốn chưa?”, thì cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, dù đã đạt nhiều kết quả nhưng vẫn chưa được như mong muốn. Hiệu quả truyền thông phải được đo lường từ thực tiễn, trong khi đó chúng ta vẫn thấy còn nhiều trường hợp người dân chưa hiểu, chưa thực hiện đúng chính sách pháp luật; thậm chí có trường hợp người dân chưa được tiếp cận đầy đủ thông tin chính sách. Nguyên nhân ở đâu, về khách quan- thì như đã nói ở trên- khái niệm “truyền thông chính sách” còn khá mới mẻ. Còn đánh giá ở khía cạnh chủ quan, nguyên nhân đến từ những vấn đề như sau:

Một là, cấp uỷ, chính quyền- nhất là người đứng đầu một số cơ quan, ban, ngành, địa phương chưa nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của truyền thông chính sách; chưa xem truyền thông chính sách là nhiệm vụ, chức năng của cơ quan, đơn vị, địa phương. Vì thế, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư cơ sở vật chất, con người, tài chính chưa xứng tầm với công tác này; chưa hình thành được đội ngũ truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp.

Hai là, công tác truyền thông chính sách còn thiếu bài bản, vẫn chủ yếu là một chiều, việc điều tra, khảo sát, đánh giá tác động đôi khi còn mang tính hình thức. Công tác dự báo dư luận xã hội, những vấn đề người dân quan tâm trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay chưa được quan tâm thoả đáng.

Truyền thông đóng vai trò quyết định

Chính sách là định hướng, giải pháp của Nhà nước để giải quyết vấn đề của thực tiễn nhằm đạt được mục tiêu nhất định. Như vậy, vấn đề của thực tiễn mà không đi vào cuộc sống thì không thể nào còn gọi là “thực tiễn” được.

Do đó, trước hết cần phải thống nhất hơn nữa về sự cần thiết của truyền thông chính sách. Ở chỗ này, xin phép nói rõ hơn một chút, câu chuyện chính của truyền thông chính sách nằm ở khái niệm “truyền thông”. Truyền thông không phải là tuyên truyền một chiều, mà là hai chiều qua lại, nghĩa là phải có sự tương tác, chia sẻ, trao đổi, phản hồi, tiếp thu, điều chỉnh... Trong truyền thông chính sách, sự hai chiều này càng cần thiết hơn.

Điểm thứ hai cần rõ ràng, truyền thông chính sách là câu chuyện của chính cơ quan, đơn vị mình. Bởi vì mỗi ngành, mỗi địa phương có chức năng, nhiệm vụ riêng, hoặc nói cách khác, chính sách của đơn vị nào thì đơn vị đó hiểu rõ nhất; từ đó, mỗi đơn vị cần chủ động xây dựng kế hoạch truyền thông chính sách cụ thể, đồng bộ từ khi hoạch định chính sách, dự thảo, hoàn thiện đến thực hiện.

Nhận thức rõ điều này thì sẽ xác định, để thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách cần có nguồn lực cả về nhân lực lẫn vật lực. Phải có đội ngũ nhân lực làm công tác truyền thông chính sách có chuyên môn, có kiến thức, có tâm, có tầm và có đủ kinh phí, phương tiện để bảo đảm hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.

Tập huấn sử dụng các ứng dụng trên trên Tây Ninh Smart.

Ngoài ra, có một vấn đề rất đáng quan tâm là, nhiều ý kiến, quan điểm cho rằng truyền thông chính sách là nhiệm vụ chính trị của cơ quan báo chí. Dĩ nhiên điều này không sai, vì báo chí có nhiệm vụ chuyển tải thông tin về quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến nhân dân. Thế nhưng, chính sách là thông tin mang tính đặc thù của chính quyền.

Việc đưa chính sách vào đến được cuộc sống, hoà quyện với cuộc sống không thể thực hiện theo mùa, theo vụ- mà phải là cả một quá trình, thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức khác nhau; trong đó có báo chí- kênh chính thống.

Tuy nhiên, hiện nay, các cơ quan báo chí và cả trung tâm truyền thanh ở địa phương nguồn kinh phí sự nghiệp truyền thông còn đang khó khăn, khó có thể đầu tư tuyên truyền sâu vào trọng tâm, trọng điểm, bài bản, dài hơi cho cả quá trình truyền thông chính sách. Do vậy, việc bố trí ngân sách cho truyền thông chính sách rất cần thiết.

Trong các văn bản từ Trung ương đến địa phương như: Quyết định số 407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”; Chỉ thị 07/CT-TTg về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách; Quyết định 1255 về việc ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”, Kế hoạch số 3668 của UBND tỉnh… đều quy định việc bố trí nguồn kinh phí riêng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ này.

Nguồn lực cho truyền thông chính sách nếu được bố trí đầy đủ, chắc chắn hiệu quả đạt cao hơn rất nhiều. Nếu được vậy, cả chu trình từ ý tưởng, dự thảo, xây dựng, thực hiện và giám sát hậu chính sách đều được truyền thông một cách công khai, minh bạch, đa chiều.

Nhất là với các chủ trương, chính sách quan trọng, có tác động đến đông đảo người dân, để người dân biết, hiểu và thực thi một cách đồng thuận, quyết tâm đúng tinh thần: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Nếu đầu tư không đến nơi đến chốn sẽ có khả năng cao xảy ra tình trạng hiểu sai, hiểu lệch, hiểu lơ mơ… dẫn đến việc thực hiện chính sách không đầy đủ, thậm chí gây nên khủng hoảng truyền thông. Khi ấy, việc huy động nguồn nhân lực, vật lực để giải quyết sự cố, khủng hoảng truyền thông còn tốn kém hơn.

Tóm lại, đầu tư nguồn lực cho truyền thông chính sách đóng vai trò quyết định trong việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách. Đầu tư một cách thích đáng để chính sách thực sự đi vào cuộc sống chắc chắn sẽ tạo ra sự đồng thuận trong xã hội, làm nền tảng, động lực, sức bật cho quá trình đưa chính sách vào cuộc sống, làm cơ sở, bệ phóng để xã hội ổn định và phát triển bền vững.

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây