Những năm gần đây, nhiều trang trại nuôi vịt tập trung đã xuất hiện, có nhiều trại nuôi theo hướng an toàn sinh học, nuôi vịt trên sàn đệm lót sinh học, điều này khắc phục được tình trạng dịch bệnh lây lan trên đàn vịt, nhất là dịch cùm gia cầm xảy ra theo chu kỳ.
Trước đây, đất nông nghiệp khu vực ven kênh Tây thuộc địa bàn Tp Tây Ninh chuyên canh tác cây lúa, cây ăn trái hoặc rau màu các loại. Những năm gần đây, khu vực ven bờ kênh đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi, trong có nuôi tôm, nuôi cá các loại… Một số nơi có mô hình chăn nuôi vịt có kinh tế cao hơn các loại cây trồng.
Gà, vịt là vật nuôi truyền thống của người dân qua hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, với quy mô gia đình. Từ lâu, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều đàn vịt với quy mô hàng ngàn con, có thể nuôi theo hình thức chạy đồng, hoặc nuôi bán tập trung trong chuồng trại.
Những năm gần đây, nhiều trang trại nuôi vịt tập trung đã xuất hiện, có nhiều trại nuôi theo hướng an toàn sinh học, nuôi vịt trên sàn đệm lót sinh học, điều này khắc phục được tình trạng dịch bệnh lây lan trên đàn vịt, nhất là dịch cùm gia cầm xảy ra theo chu kỳ.
Chăn nuôi vịt trên sàn.
Qua giai đoạn giá cả trứng vịt, thịt vịt bấp bênh, một số trại giảm đàn hoặc tạm ngừng chăn nuôi, thì trại nuôi vịt của anh Võ Văn Thanh ở phường Ninh Sơn, Tp Tây Ninh vẫn phát triển hiệu quả với mô hình nuôi vịt để bán trứng tươi, sơ chế trứng tươi thành trứng bách thảo, trứng muối, trứng vịt lộn.
Biết cách đa dạng hoá các sản phẩm từ trứng, nên trại vịt của ông Thanh luôn có đủ hàng hoá cung cấp cho thị trường mỗi ngày, từ đó trại nuôi vịt được duy trì và mở rộng quy mô nuôi đến ngày nay. Hiện tại, trại của ông Thanh với quy mô 8.000 con vịt, nuôi với hình thức cho vịt đẻ lấy trứng.
Trại vịt của ông Thanh luôn có đủ hàng hoá cung cấp cho thị trường mỗi ngày.
Ông Thanh cho biết, do cây lúa bình quân hàng năm thu nhập thấp, nên từ năm 2012 ông mạnh dạn chuyển đổi cây lúa sang hướng chăn nuôi vịt khép kín kết hợp lấy trứng tươi làm trứng bách thảo đạt hiệu quả cho đến nay.
Nhớ lại giai đoạn đầu lập nghiệp vất vả, ông Thanh chia sẻ, Từ năm 2012 ông ra riêng với 3.000m2 đất gò cây tạp, sau thời gian khai khẩn từ mảnh đất thô sơ anh đã cải tạo thành mảnh đất màu mỡ để làm lúa, do điều kiện thời tiết diện tích đất gần kênh tây, với diện tích ít, một năm ông chỉ làm hai vụ lúa. Ông nhận thấy chỉ đủ sống cho cả năm mà không đủ chi phí để sinh hoạt gia đình, do còn nhiều khó khăn, nên ông còn làm mướn thêm lo cho gia đình.
Mô hình nuôi vịt đẻ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Thanh cho biết thêm, đến cuối năm 2012, nhờ học hỏi và tìm hiểu thêm trên báo đài, ông thấy nghề chăn nuôi vịt đẻ lấy trứng lợi nhuận cao, chi phí thấp và tận dụng phần đất của ông gần sông nên quyết định đổi chuyển sản xuất lúa sang chăn nuôi vịt siêu đẻ để lấy trứng kinh doanh.
Nhận thấy nuôi có hiệu quả kinh tế cao nên ông mạnh dạn tiếp tục mở rộng diện tích thêm 1ha, được sự quan tâm của Hội nông dân phường Ninh Sơn, các lớp hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật, trong đó có mô hình chăn nuôi áp dụng theo công nghệ hiện đại nhưng bảo đảm chất lượng và an toàn, quá trình tổ chức sản xuất phát triển kinh tế. Đặc biệt ông còn áp dụng mô hình nhân rộng chăn nuôi kết hợp làm trứng bách thảo đạt hiệu quả kinh tế cao.
Từ 3.000 m2 đất vườn, ông Thanh dần mở rộng thêm 3ha chuồng trại nuôi vịt. Qua nhiều năm chăn nuôi, thêm nhiều kinh nghiệm trong nghề, ông Thanh luôn chú ý đến sức khoẻ đàn vật nuôi, cảnh giác với dịch bệnh, tổ chức tiêm phòng đúng định kỳ, đặc biệt trong khâu vệ sinh chuồng trại, nguồn thức ăn cho vịt luôn được chọn lựa rất kỹ, sao cho có lợi cho đàn vịt, nhưng với chi phí hợp lý nhất
Thời gian đầu thu hoạch trứng hàng ngày khoảng 3.300 trứng, ông Thanh vừa bán trứng tươi, vừa cho trứng vào máy ấp để bán trứng vịt lộn, khi tồn đọng hàng, ông làm trứng bách thảo. Loại trứng bách thảo bảo quản được lâu hơn, giá bán cao và thu lãi nhiều hơn. Trứng bách thảo và trứng muối có giá 2.600 đồng/trứng, trứng lộn có giá 3.000 đồng/trứng, trứng tươi có giá 2.000 đồng/trứng.
Đa dạng hoá nhiều loại mặt hàng, từ trứng vịt của đàn vật nuôi, các mặt hàng này có thể điều tiết số lượng qua lại, bảo đảm nhu cầu của thị trường trong từng thời điểm. Đây cũng là ưu điểm để trại nuôi của ông Thanh tồn tại trong lúc nghề chăn nuôi vịt gặp khó khăn.
Hội nông dân Tp Tây Ninh tham quan mô hình ấp trứng vịt lộn trại trại nuôi vịt của ông Thanh.
Ông Huỳnh Quốc Tuấn – Chủ tịch Hội nông dân Tp Tây Ninh cho biết, đây là mô hình hình có quy mô được chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường xung quanh. Mô hình hoạt động hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho người dân lao động tại địa phương.
Trong thời gian tới, Hội phối hợp với các ngành chức năng tạo điều kiện cho ông Thanh cũng như các hội viên tiếp cận khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, để mô hình được phát triển bền vững.
Hội cũng mong muốn, mô hình sẽ được áp dụng rộng rãi ở nhiều địa phương, giúp nhiều hộ gia đình có được hướng đi đúng đắn trong phát triển kinh tế, tạo thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng đời sống và góp phần xây dựng nông thôn mới.
Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )
Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử
Ý kiến bạn đọc