Quán chè Cây Điều

Thứ hai - 01/01/2024 16:40 102 0

Cho dù là sinh nhật, họp mặt cuối tuần hay khao đám bạn khi được nhận học bổng, hoặc bất cứ một lý do nào mà được mời đi ăn là chúng tôi lại nghĩ ngay đến quán Cây Điều như một lập trình sẵn trong não của chúng tôi vậy.

Sinh viên Trường CĐSP Tây Ninh. Ảnh: Lý Tầm Ninh

Nếu ai đã từng là sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh (toạ lạc tại ngã ba Lâm Vồ, thuộc phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh) từ năm học 2000-2001 trở về sau này, mỗi khi nghe ai đó nhắc đến quán chè Cây Điều trước trường là bao ký ức thân thương chợt ùa về, như gợi lại một cảm giác rất quen thuộc và rất đỗi gắn bó trong suốt quãng đời sinh viên ngày hai buổi đến trường.

Quán chè Cây Điều - không mang bảng hiệu như những quán khác. Mà thực ra, đó chỉ là cái tên dễ thương do bọn sinh viên chúng tôi thường gọi, vì nó chỉ là một quán nhỏ, không tên nằm ven đường được bao trùm bởi một tán điều cổ thụ to lớn, xanh mát quanh năm.

Nhìn từ xa, nó như một chiếc ô khổng lồ, chở che cho quán qua bao mùa mưa nắng. Qua bao năm tháng thăng trầm, bọn chúng tôi không ai nhớ rõ vì sao lại có sự góp mặt của nó và năm nay nó đã được bao nhiêu tuổi. Mà chỉ nhớ rõ một điều, đó là nơi lưu giữ đầy ắp những kỷ niệm của một thời để nhớ, để thương.

Thời đó, quán chưa có nhiều món như bây giờ, chỉ có đơn giản hai món chính: chè đậu và chè thái. Tôi thích nhất là món chè đậu. Vì tôi ghiền vị bùi bùi của đậu được hầm đúng lửa cùng vị béo ngậy của nước cốt dừa, hương đậu thơm mát hoà quyện với hương sầu riêng nồng nàn tạo nên một hương vị độc đáo cho món chè đậu mà tôi không thể nhầm lẫn với bất cứ món chè nào và cũng không thể bắt gặp ở bất cứ một nơi nào khác.

Tốt nghiệp THPT, để thực hiện mơ ước còn dang dở của ba, tôi khăn gói xa nhà đi trọ học. Sinh viên chúng tôi, đa số là những đứa trẻ lớn lên từ những vùng quê xa xôi, hẻo lánh. Phần vì mới xa rời vòng tay ba mẹ, phải một thân, một mình; phần vì còn lạ lẫm trước cuộc sống mới, môi trường sống bị thay đổi đột ngột, nên chúng tôi rất yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, sẵn sàng giúp nhau trong học tập cũng như trong cuộc sống hằng ngày. Chúng tôi quây quần, tíu tít như một gia đình.

Đã xác định xa nhà đi tìm con chữ để mai này mang con chữ đến với các em nên chúng tôi học hành rất nghiêm túc. Ngoài mỗi ngày hai buổi lên giảng đường, tối còn học bài để chuẩn bị cho ngày học hôm sau nên thời gian giải lao rất ngắn ngủi, nhiều lắm cũng chỉ là dắt nhau ra quán Cây Điều vừa ăn chè, vừa trải lòng mình cùng bè bạn. Lâu dần thành quen, quán chè Cây Điều trở thành điểm kết nối, chia sẻ yêu thương của chúng tôi lúc nào cũng không hay. Cho dù là sinh nhật, họp mặt cuối tuần hay khao đám bạn khi được nhận học bổng, hoặc bất cứ một lý do nào mà được mời đi ăn là chúng tôi lại nghĩ ngay đến quán Cây Điều như một lập trình sẵn trong não của chúng tôi vậy.

Quán bắt đầu bán vào buổi trưa cho đến tối muộn nên ngoại trừ giờ học, cho dù là lúc nào, hễ có nhu cầu là chúng tôi í ới gọi nhau ra quán. Có nhiều bữa, trưa tan trường về, đi bộ dưới cái nắng của xứ Tây Ninh như nung người, chúng tôi vừa đói, vừa khát, lại vừa mệt. Thế là chúng tôi liền ào vào quán, mỗi đứa một ly chè, vừa ăn vừa trò chuyện rôm rả, huyên náo cả một góc quá vắng, vui ơi là vui!

 Chiều rơi chầm chậm trên hàng phượng già nua, cằn cỗi, vươn những cánh tay mềm mại, uốn lượn đủ hình, đủ dạng trông thật ngộ nghĩnh. Vài sợi nắng cuối ngày vàng vọt vắt qua tán điều, ngời xanh màu ngọc bích, cũng là lúc trường tan. Đây là thời điểm mà chúng tôi thường rủ nhau ghé vào quán để tận hưởng những giây phút giải lao ít ỏi sau một ngày dài học tập mệt mỏi đến rã rời.

Rồi có những đêm mưa, nằm nhớ mẹ, nhớ ba, nhớ nhà, nhớ quê da diết. Chúng tôi lại dắt nhau ra quán, ngồi lần lượt kể cho nhau nghe về thời thơ ấu của mình. Được sống chuỗi ngày đong đầy hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của ba mẹ giữa xóm làng bình yên.

Thư là người mau nước mắt nhất cả bọn, mà cũng đúng vì Thư vốn mồ côi mẹ từ bé. Nên mỗi lần nhắc về thời thơ ấu là Thư rơi lệ, hai giọt nước mắt lăn dài trên đôi má bầu bĩnh, đáng yêu của Thư. Tiếp đến là tôi, rồi cả bọn cứ ngồi thút thít khóc, không gian như chùng xuống, đêm đó là một đêm thật dài...

Thế rồi ngày 20 tháng 11 cũng đến. Sau khi làm lễ, lớp chúng tôi được thầy Trần Quang Cường- giáo viên dạy môn Âm nhạc thưởng cho một bữa ăn chè Cây Điều thoả thích vì lớp tôi đã cùng với gần 200 sinh viên CĐSP Tây Ninh tham gia hội thi đồng ca hợp xướng với các ban, ngành đạt giải Nhất với bài “Làng tôi” của cố nhạc sĩ Văn Cao. Chúng tôi vừa ăn chè vừa say sưa ngồi nghe thầy kể chuyện về hành trình đi tìm con chữ của thầy, về những chuyến đò mà thầy đã vững tay chèo lái, bao lần cập bến vẹn nguyên. Chính thầy là người đã truyền lửa, tiếp sức cho chúng tôi vững bước trên con đường mà mình đã chọn để mai sau dệt tiếp ước mơ mang con chữ đến cho các em - những thế hệ tương lai của đất nước…

Thời gian vụt trôi nhanh, mới đó đã gần 20 năm trôi qua. Chúng tôi lần lượt trưởng thành và góp chút sức mình đi xây dựng quê hương trên mọi miền đất nước. Ngôi trường thân yêu ngày nào vẫn trầm mặc với thời gian. Quán chè Cây Điều vẫn không có gì thay đổi. Mỗi lần quay về thăm lại chốn xưa, bên tai tôi như nghe văng vẳng đâu đó giọng thầy thật đầm ấm, tiếng cười nói tíu tít của các bạn ngày nào. Lòng luôn thầm ước được một lần quay lại với tuổi thơ xưa…

Tín Chi

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây