Tạo hành lang pháp lý để lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở thực hiện nhiệm vụ

Thứ hai - 01/01/2024 17:10 132 0

Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được kiện toàn từ lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và đội trưởng, đội phó đội dân phòng

Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở (ảnh minh hoạ)

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở được thông qua là cơ sở pháp lý quan trọng, khẳng định vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ quan trọng của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở địa bàn cơ sở, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng này, giải quyết kịp thời các vụ việc liên quan đến ANTT, giữ bình yên cho nhân dân.

Dự án Luật được thông qua gồm 5 chương, 33 điều. Nổi bật là việc xác định đây là lực lượng do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ Công an cấp xã giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ ANTT, xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được kiện toàn từ lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và đội trưởng, đội phó đội dân phòng hoặc được tuyển chọn theo quy định của Luật này. Lực lượng được bố trí thành Tổ bảo vệ ANTT gồm có tổ trưởng, tổ phó và tổ viên, địa bàn phụ trách tại một hoặc một số thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc tại huyện không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.

Nhiệm vụ chủ yếu là hỗ trợ Công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở như: hỗ trợ nắm tình hình về ANTT; xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; quản lý hành chính về trật tự xã hội; vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở; tuần tra bảo đảm ANTT, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT khi được điều động.

Trường hợp xảy ra tình huống phức tạp về ANTT ngoài địa bàn phụ trách, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở có thể được cấp có thẩm quyền điều động để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT. Việc sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trong trường hợp điều động được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Lực lượng bảo vệ dân phố cùng tham gia tuyên truyền pháp luật cho người dân.

Hiện nay, về tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, chế độ chính sách… của các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đang được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở để pháp điển hoá nhiệm vụ, hoạt động, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Qua đó cụ thể hoá đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; thống nhất tổ chức, hoạt động của các lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách, dân phòng, duy trì, củng cố, phát huy vai trò của các lực lượng này trong công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở.

Luật có quy định rõ nguyên tắc tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Đó là tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; dựa vào nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân. Chịu sự lãnh đạo toàn diện của cấp uỷ Đảng, sự quản lý của UBND cấp xã; sự hướng dẫn, phân công, kiểm tra của Công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật này. Đáp ứng yêu cầu bảo vệ ANTT; phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương. Không phân biệt đối xử về giới trong lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Các hành vi bị nghiêm cấm được quy định cụ thể tại Điều 6 gồm: sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trái quy định của Luật này hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; giả danh lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; xúc phạm, đe doạ, cản trở, chống đối lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trong khi thực hiện nhiệm vụ; sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng, chiếm giữ trái phép, làm giả, cầm cố trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Trước thông tin Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được thông qua, nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình, mong chờ đến khi luật chính thức có hiệu lực để áp dụng vào thực tiễn những quy định cụ thể về chế độ, chính sách tương xứng với tính chất công việc và những đóng góp của lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở đã và đang thực hiện. Từ đó nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước về ANTT, phục vụ hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024. Pháp lệnh Công an xã số 06/2008/PL-UBTVQH12 hết hiệu lực từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

An Đông

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây