Tuổi trẻ chung tay quảng bá du lịch Tây Ninh

Thứ hai - 23/10/2023 15:00 263 0

Tăng cường chia sẻ thông tin, cung cấp mã QR trên fanpage Đoàn Thanh niên các cấp để đoàn viên, thanh niên và người dân, du khách ngày càng biết đến các danh lam, di tích tại địa phương

Đoàn diễu hành Hành trình văn hoá, lịch sử đến với Nhà văn hoá dân tộc Khmer xã Trường Tây

Bài 1: Từ hành trình văn hoá, lịch sử đến số hoá di tích

Thời gian qua, du lịch tỉnh Tây Ninh ngày một phát triển nhờ vào sự đầu tư của các doanh nghiệp, sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng và sự chung tay, đồng lòng góp sức của nhân dân Tây Ninh. Trong đó, không thể không nói đến vai trò của tuổi trẻ Tây Ninh trong việc quảng bá hình ảnh đẹp về văn hoá, danh lam thắng cảnh, con người Tây Ninh rộng khắp trong và ngoài nước bằng những cách làm hay, mô hình thiết thực, ý nghĩa.

Hành trình văn hoá, lịch sử gắn kết với du lịch

Hành trình văn hoá, lịch sử của tuổi trẻ thị xã Hoà Thành là một trong những mô hình nổi bật, thể hiện vai trò của đoàn viên, thanh niên trong việc quảng bá hình ảnh Tây Ninh. Với quan niệm mỗi đoàn viên, thanh niên là một tuyên truyền viên du lịch, hành trình văn hoá, lịch sử của tuổi trẻ thị xã Hoà Thành đã góp phần tạo nên lớp người trẻ hiểu biết về văn hoá, lịch sử dân tộc; đồng thời, đẩy mạnh mô hình du lịch Stay Location (du lịch tại chỗ) của người dân Tây Ninh, cũng như quảng bá hình ảnh du lịch qua các miền di tích lịch sử, văn hoá đến du khách các tỉnh, thành trên cả nước.

Đoàn viên, thanh niên Hoà Thành tham quan cơ sở làm nhang và nghe trình bày về cách sản xuất nhang

Khởi động từ tháng 5.2023, mô hình Hành trình văn hoá, lịch sử do Thị đoàn Hoà Thành tổ chức đã trải qua 4 chặng đường, đi đến 13 địa điểm di tích văn hoá, cơ sở nghề truyền thống của địa phương, như mộ Ông Voi, dinh ông Huỳnh Công Nghệ, đình Long Thành; Nhà văn hoá dân tộc Khmer xã Trường Tây; Toà thánh Cao Đài Tây Ninh... và một số cơ sở nghề truyền thống nổi tiếng của địa phương như se nhang, làm bột khoai, bột báng thuộc xã Trường Tây; nghề làm muối tôm, đặc sản Tây Ninh tại phường Long Hoa; nghề làm heo đất thuộc xã Trường Đông. Mô hình đã đưa các bạn đoàn viên, thanh niên địa phương ngược dòng lịch sử, tìm về các di tích văn hoá, hiểu thêm nét đẹp, con người nơi mình sinh sống.

Mô hình do Thị đoàn Hoà Thành phối hợp Công ty TNHH Hoà Bình Minh - Chi nhánh thị xã Hoà Thành tổ chức với hình thức Roadshow, diễu hành bằng xe máy tuyên truyền về các di tích lịch sử, văn hoá của địa phương. Theo đó, đoàn viên, thanh niên Hoà Thành trên những chiếc xe máy cùng băng-rôn thiết kế bắt mắt diễu hành quanh các đường phố đã thu hút sự chú ý của người đi đường, tạo ấn tượng với người dân và du khách khi đến Tây Ninh.

Thị đoàn Hoà Thành tổ chức cuộc thi tìm hiểu văn hoá, lịch sử ngay tại các khu di tích

Bên cạnh đó, ban tổ chức còn chuẩn bị các hoạt động bên lề thú vị, tạo sự hứng thú cho đoàn viên tham gia như: giao lưu cùng các nhân chứng lịch sử - Mẹ Việt Nam anh hùng; giao lưu với chủ cơ sở nghề truyền thống; thưởng thức các món ăn đặc sản của quê hương; trải nghiệm làm nghề truyền thống; tham gia các trò chơi đội, nhóm như cuộc thi Rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về văn hoá, lịch sử địa phương; thi thuyết trình về vai trò và trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, lịch sử; chụp ảnh lưu niệm quảng bá hình ảnh đặc trưng văn hoá, lịch sử của quê hương Hoà Thành.

Kết thúc mỗi hành trình, đọng lại trong lòng những người tham gia không chỉ là kiến thức về văn hoá, lịch sử mà còn là sự tự hào về địa phương nơi mình sinh sống. Em Phạm Thanh Tú- đoàn viên Xã đoàn Trường Đông, thị xã Hoà Thành chia sẻ: "Sau 4 chặng của chương trình, em trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, từ vui vẻ, ngạc nhiên cho đến tự hào... Sau khi tham gia Hành trình văn hoá, lịch sử, em có thể tự tin giới thiệu các địa điểm di tích, văn hoá, làng nghề truyền thống đến bạn bè của mình".

Tani Location - Bản đồ di tích, địa chỉ đỏ trong tầm tay

Thực hiện chủ đề công tác năm 2023- “Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn”, ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Huyện đoàn Tân Biên đã khảo sát nội dung, đồng thời phối hợp với Phòng Văn hoá - Thông tin thực hiện mô hình “Chuyển đổi số trong giới thiệu di tích lịch sử, văn hoá, địa chỉ đỏ” trên địa bàn huyện.

Đoàn viên, thanh niên Tân Biên giới thiệu về mô hình chuyển đổi số trong giới thiệu di tích lịch sử, văn hoá, địa chỉ đỏ trên địa bàn huyện 

Tani Location nằm trong chương trình đột phá nhiệm kỳ của Tỉnh đoàn Tây Ninh. Đây là mô hình số hoá thông tin các điểm di tích, lịch sử, văn hoá, địa chỉ đỏ trên địa bàn huyện theo hình thức mã QR. Khách tham quan chỉ cần quét mã sẽ nhận được đầy đủ thông tin, hình ảnh về địa điểm mình đặt chân tới, có những trải nghiệm tốt và hiểu hơn về giá trị lịch sử của điểm di tích mà không cần có người thuyết minh. Mô hình này thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của tuổi trẻ trong quảng bá văn hoá, lịch sử, truyền thống cách mạng của quê hương thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin; không chỉ góp phần lưu trữ những tư liệu, hình ảnh quý mà còn giúp khách tham quan thêm hiểu, thêm yêu truyền thống cách mạng anh hùng của mảnh đất Tân Biên.

Để triển khai mô hình, các cấp bộ Đoàn thu thập thông tin, biên tập các bài viết giới thiệu về các điểm di tích, lịch sử, văn hoá, các địa chỉ đỏ trên địa bàn huyện; thiết kế infographic của từng địa điểm, số hoá mã QR; khảo sát, lắp đặt các điểm quét mã tại các địa điểm... Song song đó, Huyện đoàn Tân Biên tăng cường công tác tuyên truyền mô hình qua các nền tảng số, website chính thống của tổ chức Đoàn, quảng bá mô hình đến rộng rãi đoàn viên, thanh niên, du khách trong và ngoài tỉnh.

Được triển khai từ tháng 4.2023, đến nay, Huyện đoàn Tân Biên đã phối hợp thực hiện số hoá và gắn mã QR của 12 di tích lịch sử, văn hoá tại địa phương, gồm 7 di tích cấp quốc gia (Khu Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, Ban Dân y Trung ương Cục miền Nam, Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam, Ban Kiểm tra Trung ương Cục miền Nam, Đảng uỷ các cơ quan Dân Chính Đảng Trung ương Cục miền Nam, Ban Dân vận Trung ương Cục miền Nam, Khu lưu niệm Trường Sĩ quan Lục quân 2) và 5 di tích cấp tỉnh (Khu chứng tích tội ác Khmer đỏ, lăng mộ Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản, đền thờ Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản, tháp cổ Chót Mạt). Dự kiến, mô hình được hoàn thiện và khánh thành vào tháng 12.2023.

Chị Nguyễn Thị Cúc- Bí thư Huyện đoàn Tân Biên cho biết, cùng với việc số hoá thông tin các di tích, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn huyện sẽ tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về văn hoá truyền thống cho đoàn viên, thanh niên, từ đó nâng lên thành niềm tự hào, ý thức trách nhiệm, quyết tâm hành động của tuổi trẻ trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá dân tộc.

Để phát triển mô hình, Huyện đoàn sẽ tiếp tục nghiên cứu, đổi mới việc số hoá thông tin di tích, có thể áp dụng công nghệ hỗ trợ tìm kiếm thông tin, giọng đọc bằng trí tuệ nhân tạo và hỏi đáp trực tuyến để người dân, du khách tiếp cận danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử theo hướng đa dạng, cung cấp thông tin trực quan, sinh động và dễ hiểu hơn; tăng cường chia sẻ thông tin, cung cấp mã QR trên fanpage Đoàn Thanh niên các cấp để đoàn viên, thanh niên và người dân, du khách ngày càng biết đến các danh lam, di tích tại địa phương.

Ngọc Bích

(còn tiếp)

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây