Văn Cao - tượng đài nghệ thuật thế kỷ XX

Thứ tư - 15/11/2023 12:48 86 0

Trong lịch sử văn học, nghệ thuật Việt Nam thế kỷ XX có một tượng đài âm nhạc - thơ - họa mang tên Văn Cao.

Văn Cao sinh ngày 15/11/1923, trong một gia đình công nhân nghèo tại Hải Phòng. Ông học tiểu học tại Trường Bonnal (nay là Trường Cấp II Ngô Quyền, Hải Phòng), sau chuyển sang Trường dòng San Joseph, học đến lớp đệ nhị Thành chung thì ông bỏ học vì hoàn cảnh gia đình sa sút. Tại Trường dòng, ông học được một chút kiến thức về mĩ thuật và âm nhạc. Văn Cao tự học là chính. Những năm đầu sáng tác âm nhạc, Văn Cao học nhạc sĩ Hoàng Thoại và nhờ ông chỉ bảo cho một số sáng tác âm nhạc của mình. Văn Cao nhờ nhạc sĩ Tạ Phước chỉ dẫn dạy phối khí hòa thanh. Tạ Phước cho Văn Cao mượn nhiều sách nhạc, Văn Cao tự kẻ từng dòng nhạc vào những cuốn sổ nhỏ, chép tổng phổ của các tác giả âm nhạc cận đại nổi tiếng thế giới như: Beethoven, Verdi, Mendelssohn... Và ông tự học cách phối khí dàn nhạc giao hưởng (từng nhạc cụ của dàn nhạc). Ông học đến đâu sáng tác đến đấy.

Cuối những năm 30 của thế kỷ XX, tân nhạc Việt Nam đã ra đời, cùng với các nhạc sĩ như Lê Thương, Tô Vũ, Canh Thân, Hoàng Quý… Văn Cao tham gia vào nhóm Đồng Vọng của Hoàng Quý. Bài hát đầu tiên của ông là “Buồn tàn thu” (1939), lúc đó Văn Cao mới 16 tuổi. Điều đặc biệt là tuy học nhạc phương Tây nhưng Văn Cao ít chịu ảnh hưởng của âm nhạc lãng mạn Pháp mà hướng giai điệu các bài hát của mình gần với âm nhạc dân tộc, màu sắc ngũ cung (khác với bảy âm trưởng - thứ (major - minor) của phương Tây), lấy chất liệu từ chèo, quan họ, xẩm, ca trù… để sáng tác những ca khúc đầu đời như: “Thu cô liêu”, “Suối mơ”, “Trương Chi”, “Thiên Thai” (1941)... Đó là những nhạc phẩm trở thành đỉnh cao của nền tân nhạc nước nhà, được công chúng yêu thích và có sức sống lâu bền.

Nhạc sĩ Văn Cao (1923-1995) - hình do nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán chụp.

Sau những tác phẩm giai đoạn đầu mang nặng chất trữ tình, lãng mạn, bồng lai thì từ những năm đầu thập kỷ 40, nhất là khi ông rời Hải Phòng lên Hà Nội, trong ông xuất hiện một giọng điệu âm nhạc mới, khỏe khoắn, cứng cỏi, hướng về lịch sử dân tộc như “Gò Đống Đa” (1940), “Hò kéo gỗ Bạch Đằng Giang” (1941). Có thể coi đây là những ca khúc bước chuyển để chuẩn bị cho một thể loại mới trong âm nhạc Văn Cao. Đó là thể loại hành khúc. Cuối năm 1944, Văn Cao gặp lại Vũ Quý - một cán bộ cách mạng và được thuyết phục tham gia Việt Minh, với nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một ca khúc, Văn Cao đã viết những khuôn nhạc hành khúc đầu tiên trong những ngày tại căn gác số 171 phố Mongrant và đặt tên cho tác phẩm là “Tiến quân ca”.

Bằng bài hát lừng danh “Tiến quân ca”, Văn Cao đã có bước chuyển lớn lao từ phong cách lãng mạn, trữ tình và cả hiện thực phê phán sang phong cách cách mạng - kháng chiến cả trong nhạc, họa và thơ. Từ năm 1945 trở đi, ông viết “Bắc Sơn”, và “Chiến sĩ Việt Nam”, “Công nhân Việt Nam”, “Làng tôi”, “Ngày mùa”, “Hải quân Việt Nam”, “Không quân Việt Nam”, “Trường ca Sông Lô”, “Tiến về Hà Nội”, “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”… Tất cả tràn ngập âm hưởng hào hùng, lạc quan, giàu sức khám phá và khả năng tiên tri về công cuộc kháng chiến và hành trình dân tộc. Sự nghiệp âm nhạc vĩ đại của Văn Cao còn nối dài đến 1975 với tác phẩm “Mùa xuân đầu tiên” như một sự đón đợi kỳ diệu niềm vui đoàn tụ của hai miền Nam Bắc sau 20 năm bị chia cắt; dẫu phải đến thập niên 1990 công chúng mới được biết đến. Như vậy, nói âm nhạc của Văn Cao là nói một sự nghiệp ở tầm cao, rất cao của một tài năng lớn.

Bên cạnh tư cách một nhạc sĩ lớn của dân tộc, Văn Cao còn là một nhà thơ lớn. Trong lĩnh vực thi ca, Văn Cao viết không nhiều. Sinh thời, ông chỉ cho xuất bản duy nhất tập “Lá” gồm 28 bài, và sau ngày ông mất, “Tuyển tập Văn Cao Thơ” cũng chỉ có 59 bài. Nhưng di sản nghệ thuật Văn Cao có khả năng tồn tại lâu dài bởi đó là sự kết tinh về chất chứ không phải áp đảo về lượng. Nhưng sáng tác của ông thể hiện sự coi trọng tính tư tưởng và chất suy tư trong ngôn ngữ và thi pháp nghệ thuật của người cầm bút. Văn Cao đã nhận ra tính tư tưởng là vấn đề cốt yếu nhất để thơ có thể trường tồn theo thời gian và thực hiện sứ mệnh thiêng liêng. Văn Cao đã tạo cho riêng mình một thế giới thơ bằng trí tưởng tượng phong phú và sự sắp đặt ngôn từ một cách tài hoa, đánh thức mọi giác quan của bạn đọc khi tiếp nhận tác phẩm.

 

 

Một số tranh minh họa và bìa sách của nhạc sĩ Văn Cao.

Sau thơ, còn là văn - là văn xuôi, với các truyện ngắn mà một số đã được đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy - năm 1943, như “Dọn nhà”, “Siêu nước nóng”… góp một sắc màu riêng vào trào lưu văn học hiện thực cuối mùa bên Bùi Hiển, Mạnh Phú Tư, Kim Lân, Nguyễn Đình Lạp…

Nhưng chưa phải là cuối cùng, Văn Cao còn một sự nghiệp rất đáng ghi nhận về hội họa, trong tư cách một họa sĩ. Năm 1942, Văn Cao đăng ký học lớp dự thính, học cơ bản được một năm ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương; năm sau, ông bày tranh triển lãm. Các tác phẩm hội hoạ nổi bật của ông phải kể đến: “Chân dung bà Băng”, “Cổng làng”, “Phố Nguyễn Du”, “Cây đàn đỏ”, “Cô gái và đàn dương cầm”… Ông còn vẽ hàng trăm bìa sách, hàng trăm bức minh họa, đồ họa Báo Văn nghệ.

Bấy nhiêu điều về một nghệ sĩ lớn, với đóng góp trên nhiều lĩnh vực thơ văn, nhạc, họa; và ở lĩnh vực nào cũng đạt đỉnh cao, hoặc để lại dấu ấn sâu đậm đã khẳng định Văn Cao là một con người đa tài, đa diện. Mơ mộng, hoài cổ, đắm chìm trong thế giới thuần khiết của mộng ước nhưng cũng có lúc hòa vào dòng chảy cuồn cuộn của lịch sử với khí thế hào hùng của cách mạng, của chiến tranh.

Những sáng tác của Văn Cao tạo dấu ấn mạnh mẽ về chất lượng, có tác dụng khai mở, định hướng và đặt nền cho sự phát triển của đời sống văn nghệ Việt Nam hiện đại. Với tài năng đa dạng, độc đáo, nhiều chiều kích, tích hợp nhuần nhuyễn giữa tư duy, thẩm mỹ, bút pháp; giữa hiện thực đời sống, sự cảm nhận, tri nhận và nghệ thuật biểu đạt; giữa âm nhạc - hội họa - thơ văn, Văn Cao được nhiều người khẳng định là một hiện tượng hết sức đặc biệt và hiếm có trong lịch sử văn nghệ Việt Nam hiện đại. Gọi ông là nghệ sỹ thiên tài cũng không có gì là ngoa ngôn, quá lời.

Bằng tài năng như là thiên bẩm, bằng sự tự học, tự rèn, đổi mới, sáng tạo, bứt phá, Văn Cao đã có những cống hiến to lớn đối với nền văn hóa, văn nghệ nước nhà. Ông được Nhà nước ta trao tặng các phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật (đợt 1, năm 1996). Tên ông cũng được đặt cho nhiều đường phố ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Huế, Đà Nẵng...

N.K

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo điện tử ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây