Vi khuẩn H.P gây viêm dạ dày lây qua đường nào?

Thứ sáu - 01/03/2024 12:29 114 0

Vi khuẩn H.P - Helicobacter pylori là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng viêm loét dạ dày, tá tràng đặc biệt là ung thư dạ dày. Tuy nhiên, trên 80% những người bị nhiễm H.P trong dạ dày không có biểu hiện triệu chứng. Vậy, vi khuẩn H.P có lây không, dễ lây nhiễm qua đường nào?

Con đường lây nhiễm vi khuẩn H.P

Cho đến nay, việc chính xác bị nhiễm H.P như thế nào người ta cũng chưa biết rõ. Nhưng vi khuẩn H.P lây truyền từ người này qua người khác qua con đường trực tiếp qua miệng- miệng ở những thành viên trong gia đình và lây truyền qua phân, do thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm bẩn.

Các ghi nhận cho thấy các vi khuẩn H.P đã được phát hiện có trong phân, nước bọt và trong cao răng của người. Có thể việc nhai cơm và mớm cơm cho con ở một số nước trong đó có Việt Nam trước đây cũng là nguyên nhân trực tiếp lây truyền H.P. Hoặc có thể lây từ người này qua người khác thông qua việc dùng chung các đồ vệ sinh cá nhân, răng miệng, dùng chung bát, đũa…

Ở các nước đã phát triển, việc vệ sinh chung rất tốt, thì lây truyền chủ yếu là từ các thành viên trong gia đình với nhau, còn các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam có thể lây truyền do mắc từ cộng đồng.

Như vậy, có thể nói rằng môi trường sống được cho là lý tưởng nhất đối với vi khuẩn H.P chính là niêm mạc của dạ dày. Thực chất nó là một vi khuẩn kị khí, vì vậy nó chỉ tồn tại được ở trong môi trường thiếu oxy, đồng thời nó còn sản sinh ra catalase – một loại chất có khả năng phá hủy thành niêm mạc của dạ dày. Cuộc sống tập trung đông người, điều kiện vệ sinh, chăm sóc y tế, phòng dịch kém với nguồn nước bị ô nhiễm là những nguyên nhân gây nhiễm H.P.

Vi khuẩn HP - Helicobacter pylori là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng viêm loét dạ dày, tá tràng đặc biệt là ung thư dạ dày.

Trên thực tế không phải người bệnh nào bị viêm dạ dày cũng bởi nguyên nhân từ sự tấn công của vi khuẩn H.P, tuy nhiên tỷ lệ bệnh có nguồn gốc từ vi khuẩn này thường được cho là phổ biến hơn cả. Ở Việt Nam tỷ lệ nhiễm H.P khoảng 70-80% tùy theo từng nghiên cứu.

Các nghiên cứu cho thấy rằng nhiễm vi khuẩn H.P là nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng mạn tính. Mặc dù vi khuẩn H.P rất dễ lây nhiễm qua nhiều con đường khác nhau, nhưng nếu biết cách phòng tránh hoàn toàn có thể tránh xa được loại vi khuẩn này.

Làm sao để biết mình nhiễm vi khuẩn HP?

Các triệu chứng ở người nhiễm vi khuẩn H.P thường thầm lặng, không rõ ràng. Thông thường bệnh gây ra những cơn đau bụng vùng thượng vị, đầy bụng, khó tiêu, rối loạn phân,... Trong trường hợp gặp những cơn đau như vậy, tốt nhất nên đi thăm khám tại bệnh viện để biết được kết quả chính xác nhất.

Có rất nhiều cách phát hiện có bị nhiễm vi khuẩn H.P trong dạ dày hay không trong đó có thể các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp qua nội soi dạ dày: sinh thiết cấy tìm vi khuẩn H.P, làm xét nghiệm giải phẫu bệnh tìm vi khuẩn H.P, làm test nhanh urease.

Các phương pháp không cần nội soi dạ dày để xác định H.P là test thở C13, C14, xét nghiệm kháng thể IgG trong huyết thanh, xét nghiệm kháng nguyên vi khuẩn H.P trong phân. Tổ chức Tiêu hóa thế giới khuyến cáo trong thực tiễn khám và điều trị H.P hay dùng hai phương pháp đó: test thở C13, C14 và làm test nhanh urease.

Có cần điều trị diệt vi khuẩn H.P ?

Nhiều người cho rằng cứ nhiễm vi khuẩn H.P là bị ung thư dạ dày. Tuy nhiên, vi khuẩn H.P là một trong những nguyên nhân dẫn đến ung thư dạ dày chứ không phải ai mắc vi khuẩn H.P cũng bị ung thư dạ dày.

Khi mắc vi khuẩn H.P, bệnh nhân có thể làm xét nghiệm vi khuẩn H.P thuộc nhóm có độc lực mang gen CagA hay không. Trên thực tế, tỷ lệ nhiễm H.P trong dân số chung lên đến 60 – 70%, nhưng chỉ có một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân có triệu chứng và tổn thương trên nội soi, những bệnh nhân này mới cần thiết phải điều trị.

Các triệu chứng ở người nhiễm vi khuẩn HP thường thầm lặng, không rõ ràng.

Theo khuyến cáo những trường hợp dưới đây có nhiễm H.P thì cần điều trị tiêu diệt H.P:

1. Người bị loét dạ dày; Loét hành tá tràng

2.Người bị mắc chứng khó tiêu: Đầy bụng sau ăn, ăn nhanh no, nóng rát vùng thượng vị, đau vùng thượng vị

3. Bị thiếu máu thiếu sắt

4. Xuất huyết giảm tiểu cầu không không rõ căn nguyên

5. Ung thư dạ dày muộn đã phẫu thuật

6. Ung thư dạ dày sớm được cắt hớt (Endoscopic Mucosal Resection- EMR) hoặc cắt tách niêm mạc qua nội soi (Endoscopic Sumucosal Dissection- ESD)

7. Những người có bố, mẹ, anh em ruột bị ung thư dạ dày

8. Khối u dạ dày: adenoma, polyp tăng sản, đã cắt hớt niêm mạc

9. Viêm teo toàn bộ niêm mạc dạ dày

10. Người làm ở môi trường có nguy cơ ung thư dạ dày: khai thác than, quặng….

Tóm lại: Vi khuẩn H.P là nguyên nhân chủ yếu gây loét dạ dày tá tràng và ung thư dạ dày. Tuy nhiên, không phải tất cả những người bị nhiễm vi khuẩn H.P đều bị bệnh, vì thế cần điều trị diệt H.P đúng chỉ định để tránh không gây lãng phí không cần thiết.

Để phòng ngừa nhiễm vi khuẩn H.P, cần chủ động vệ sinh, phòng dịch nơi sinh sống: vệ sinh nguồn nước, thực phẩm, nơi ở. Rửa tay sạch sẽ khi ăn uống. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh dạ dày do vi khuẩn H.P, nên tiến hành cách ly, không dùng chung đồ ăn, vệ sinh bát đũa sạch sẽ, tránh lây nhiễm.

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Sức khỏe và Đời sống

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây