Tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân

Thứ hai - 07/08/2023 10:08 254 0

Mọi chủ trương, chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và khả năng của nhân dân lao động, phải khơi dậy được sự đồng tình, hưởng ứng của quần chúng”; Phải “lấy việc phục vụ con người làm mục đích cao nhất của mọi hoạt động”.

Trong một bài viết từ những năm 80 của thế kỷ XX, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- tác giả cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, đã chỉ ra tình trạng cán bộ, lãnh đạo quan liêu, coi thường nhân dân. Dẫn một câu trong văn kiện Đại hội Đảng, tác giả nhấn mạnh, Đảng phải lấy con người (nhân dân) làm mục tiêu cao nhất và đưa ra khỏi Đảng những trường hợp vi phạm quyền làm chủ của nhân dân. Cho đến nay, những điều tác giả viết hàng chục năm trước vẫn còn nguyên tính thời sự, thậm chí có phần nóng bỏng hơn.

Không được phụ lòng dân

Tác giả viết: “Nhân dân ta rất cách mạng, có những phẩm chất rất quý báu. Trải qua trên nửa thế kỷ chiến đấu liên tục, chịu đựng biết bao hy sinh, gian khổ, luôn luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lao động cần cù, chiến đấu dũng cảm vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong hoàn cảnh Đảng có sai lầm (tại thời điểm đó), khuyết điểm, nhân dân vẫn thiết tha mong đợi Đảng khắc phục sai lầm, đưa đất nước tiến lên. Đảng ta không thể phụ lòng mong đợi đó của nhân dân...

Mọi chủ trương, chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và khả năng của nhân dân lao động, phải khơi dậy được sự đồng tình, hưởng ứng của quần chúng”; Phải “lấy việc phục vụ con người làm mục đích cao nhất của mọi hoạt động”. Trong điều kiện ngày nay, nếu không chăm lo một cách cụ thể, thiết thực đời sống của nhân dân thì dù có nói bao nhiêu về quan điểm quần chúng, về quyền làm chủ tập thể của quần chúng cũng đều là vô nghĩa và không có sức thuyết phục.

Chúng ta cần nhận thức sâu sắc hơn nữa ý nghĩa quan trọng của vấn đề chăm lo đời sống nhân dân, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, quan điểm của Đảng về vấn đề này, có biện pháp cụ thể và tích cực bảo đảm đời sống nhân dân, trước hết là bảo đảm việc làm, chăm lo cái ăn, cái mặc, sức khoẻ, việc học hành... của nhân dân. Mặt khác, “thẳng tay trừng trị những kẻ làm ăn phi pháp, xâm phạm lợi ích của quần chúng, khôi phục trật tự, kỷ cương trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Có như vậy, mới giúp quần chúng yên tâm và phấn khởi sản xuất, công tác. Không phải ngẫu nhiên mà Bác Hồ thường căn dặn: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”- tác giả trích dẫn.

Thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của quần chúng là một chủ trương chiến lược, một vấn đề cơ bản trong đường lối của Đảng. Trong suốt quá trình cách mạng, Đảng luôn luôn kết hợp chặt chẽ sự lãnh đạo của Đảng với việc phát huy nghị lực sáng tạo của nhân dân, tìm thấy sức mạnh của mình ở mối liên hệ mật thiết với quần chúng, tạo những điều kiện cần thiết để quần chúng sáng tạo ra lịch sử của mình một cách tự giác, có tổ chức. “Đảng đang lãnh đạo xây dựng và thực hiện một cơ chế tổ chức thích hợp để bảo đảm phát huy được quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Ở nhiều nơi đã hình thành nền nếp thường xuyên tổ chức cho quần chúng tham gia thảo luận xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, phương hướng nhiệm vụ công tác của đơn vị; phát động quần chúng phấn đấu thực hiện các quyết định của Đảng; động viên quần chúng tham gia kiểm tra mọi hoạt động của tổ chức Đảng, giám sát, phê bình cán bộ, đảng viên”- điều tác giả - Tổng Bí thư viết gần 40 năm trước.

Không hô khẩu hiệu suông

Tại thời điểm đó, tác giả chỉ thẳng ra rằng, không ít nơi, cấp uỷ đảng chưa quan tâm đến công tác vận động quần chúng, chưa thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng. Một số cán bộ, đảng viên nói đến quyền làm chủ tập thể của quần chúng như hô một khẩu hiệu suông, không có hành động gì thiết thực. Không ít đảng viên có thái độ coi thường quần chúng, không lắng nghe ý kiến, không học hỏi người lao động, không tích cực làm công tác giáo dục, vận động quần chúng. Một số cán bộ, nhân viên trực tiếp có quan hệ với dân thì cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây đủ thứ phiền hà, khó khăn cho dân, thiếu lễ độ với dân. Có người còn ăn chặn của dân, vòi vĩnh đòi quà cáp, biếu xén. Một số người có chức, có quyền giữ tác phong quan cách gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào, thì như một “ông vua con” ở đấy. Thậm chí có những cá nhân và tập thể trù dập, ức hiếp quần chúng, đánh đập cả những người dân lương thiện vì tư thù. Những hành động đó tuy không phải là phổ biến nhưng rất nghiêm trọng. Nó làm tổn thương tình cảm và niềm tin của quần chúng đối với Đảng. Nếu không chấm dứt những biểu hiện này thì không thể củng cố được lòng tin của quần chúng, không thể tăng cường được mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng, cần kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những người vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, bị quần chúng oán ghét.

Theo tác giả, thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động thực chất là tôn trọng con người, phát huy sức sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân, hướng sự sáng tạo đó vào sự nghiệp xây dựng xã hội mới. Cùng với việc chăm lo đời sống nhân dân, tôn trọng và bảo đảm những quyền công dân đã được Hiến pháp quy định, các cấp uỷ đảng, các cơ quan nhà nước động viên quần chúng tham gia rộng rãi và thường xuyên vào các công việc quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Xoá bỏ nhận thức sai lầm cho rằng, công tác vận động quần chúng chỉ là biện pháp tổ chức, động viên nhân dân thực hiện chính sách của Đảng. Đối với những chủ trương có quan hệ trực tiếp tới đời sống nhân dân, cấp uỷ đảng cần trưng cầu ý kiến nhân dân trước khi quyết định. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” phải trở thành khẩu hiệu hành động, thành phương châm công tác vận động quần chúng. Phải thực hiện đúng nguyên tắc: Chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và trình độ của nhân dân. Ngay cả trường hợp chính sách đúng rồi mà dân chưa hiểu, chưa đồng tình thì phải ra sức giáo dục, giải thích cho dân, biết chờ đợi dân, có khi phải điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tế và với trình độ của quần chúng. V.I. Lênin đã nhấn mạnh: Một chính sách mà không phù hợp với trình độ quần chúng “là một chính sách phiêu lưu”.

Câu chuyện hôm qua, vấn đề hôm nay

Một vấn đề hết sức quan trọng, tác giả chỉ ra: phải khẩn trương làm trong sạch đội ngũ của Đảng, khắc phục các hiện tượng sa sút, thoái hoá về phẩm chất, lối sống của cán bộ, đảng viên. Phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là vấn đề có ảnh hưởng quyết định đến uy tín, danh dự của Đảng, tác động trực tiếp đến mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng. Quần chúng nhìn nhận, đánh giá Đảng nhiều khi thông qua phẩm chất, tư cách, lối sống của cán bộ, đảng viên. Nói quần chúng giảm sút lòng tin đối với Đảng không phải là giảm sút lòng tin đối với lý tưởng, sự nghiệp của Đảng, mà là đối với những cán bộ, đảng viên đã hư hỏng, sa đoạ, đối với những tổ chức đảng đã rệu rã, không còn sức chiến đấu.

Hiện tượng cán bộ, đảng viên sa sút phẩm chất, thoái hoá, hư hỏng có chiều hướng tăng lên và ngày càng nghiêm trọng. Không ít đảng viên vào Đảng không phải để phấn đấu hy sinh cho lý tưởng của Đảng, cho hạnh phúc của nhân dân, mà là để mưu cầu danh lợi. Một số người chẳng những không gương mẫu trước quần chúng, mà còn nêu gương xấu trước quần chúng. Có những phần tử đã hoàn toàn biến chất, sống xa hoa, không còn một chút gì là tư cách đảng viên. Đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng chân chính hết sức bất bình trước những hiện tượng đó.

“Nhìn thẳng vào sự thật đó, chúng ta phải làm trong sạch hàng ngũ của Đảng. Chỉ có như vậy mới lấy lại được lòng tin của quần chúng đối với Đảng, tăng cường được mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng”.

Theo dõi, đối chiếu với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong những năm gần đây mới thấy, từ rất sớm, tác giả - Tổng Bí thư đã nhận thấy những vấn đề hết sức cấp bách trong xây dựng Đảng. Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khoá XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Trung ương thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Trong đó nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường đi lên xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin, nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; thậm chí sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ hoạ theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc. Không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách nhiệm vụ được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân.

Đ.V

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây