Ngày 18/8/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 117-QĐ/TW về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan, được dư luận đặc biệt quan tâm đánh giá cao về văn hóa Đảng. Đây là quy định mà Đảng ta đã cụ thể hóa quan điểm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác kiểm tra giám sát, kỷ luật Đảng.
Quan điểm của Đảng và Hồ Chí Minh
Xin lỗi là hành động tự nhận khuyết điểm, sai lầm về mình, đồng thời là sự đồng cảm, sẻ chia với người bị làm tổn thương, thiệt hại. Lời xin lỗi được xem là cách chứng tỏ lòng kính trọng và thiện cảm với người bị oan.
Đến chuyện trong Đảng cũng có những sai lầm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, trong xử lý thi hành kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên oan cũng cần phải xin lỗi và phục hồi quyền lợi. Bởi vậy, xin lỗi thể hiện tính nhân văn cao trong hoạt động của Đảng, có ý nghĩa to lớn tạo sự đồng cảm và sẻ chia với người bị oan.
Văn hóa xin lỗi là nét đẹp nhân văn của một đảng cầm quyền. Việc nhận ra sai sót và chân thành xin lỗi sẽ làm cho dân chủ trong Đảng thực chất hơn, minh bạch, công khai hơn thể hiện chia sẻ nỗi oan của tổ chức đảng và đảng viên.
Trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng có những lúc và những thời điểm Đảng ta cũng có khuyết điểm là không thể tránh khỏi. Câu chuyện trong cải cách ruộng đất ở nước ta là một ví dụ. Khi đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thẳng thắn nhận khuyết điểm, chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân và chúng ta tiến hành sửa sai.
Với tinh thần tự phê bình và phê bình nghiêm túc, ngày 25/8/1956, phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 10 (mở rộng) Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khóa II (họp từ 25/8 đến 24/9/1956) nhận định các nguyên nhân đưa đến sai lầm, và thi hành biện pháp kỷ luật đối với Ban lãnh đạo chương trình cải cách ruộng đất và chấn chỉnh tổ chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh tự phê bình một cách nghiêm túc: “Vì ta thiếu dân chủ nên nghe ít, thấy ít, nên bây giờ ta phải dân chủ. Tôi nhận trách nhiệm trong lúc sóng gió này. Tất cả Trung ương phải nghe, thấy, nghĩ và làm như thế. Bài học đau xót này sẽ thúc đẩy chúng ta”. (Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Tập 6, NXB Chính trị Quốc gia, H.2008, tr.326).
Người tiếp thu ý kiến phê bình Bộ Chính trị và đề nghị: Hội nghị xét sai và sửa sai cấp tốc, không được cầu toàn; trên cơ sở thi hành kỷ luật nghiêm minh mà bảo vệ Đảng; phương châm tiến hành sửa sai là lấy giáo dục làm chính, đoàn kết cán bộ, đoàn kết toàn Đảng và phải bảo vệ uy tín của lãnh đạo, của chế độ.
Sự nghiệp cách mạng là muôn vàn khó khăn, Đảng có sai thì phải xin lỗi, xin lỗi để sửa lỗi. Việc đó không có gì xấu hổ mà chính là một cử chỉ rất văn hóa, đó là văn hóa xin lỗi, sửa lỗi của cán bộ, đảng viên. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy khăn lau nước mắt khiến chúng ta chạnh lòng xót xa, cảm động, sẵn lòng bao dung và càng thương Bác hơn, tin Đảng nhiều hơn. Bởi đó là lời xin lỗi chân thành, được thốt lên từ trái tim của một người suốt cả cuộc đời chỉ biết hy sinh, một lòng vì dân, vì nước!
Vấn đề đảng viên bị kỷ luật oan đã được đặt ra từ nhiều khóa trước, nay Trung ương khóa XIII quyết định tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các qui định, qui chế nhằm giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Do đó để hoàn thiện thể chế của Đảng cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ không chỉ về nhận thức mà còn đề cập đến trách nhiệm và quyết tâm chính trị của toàn Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.
Việc ban hành Qui định 117 về xin lỗi, bồi thường phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan chính là để hoàn thiện thể chế kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Sao cho quy định vừa nghiêm khắc, nghiêm minh nhưng thấm đượm giá trị văn hóa, nhân văn tình đồng chí.
Quy định 117 thể hiện văn hóa Đảng
Đây là quy định đầu tiên của Đảng về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan, cụ thể hóa quan điểm này được nhiều lần đề ra, mà gần nhất là trong Quy định 22/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
Quy định 117 có 4 chương, 15 điều, đề cập cụ thể từ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc, căn cứ, trình tự thủ tục, thời hạn giải quyết việc xin lỗi và phục hồi quyền lợi… cũng như những trường hợp bị oan thật nhưng không được xin lỗi, phục hồi quyền lợi.
Theo đó, căn cứ để xác định một đảng viên hoặc tổ chức đảng bị oan gồm: Kết luận hoặc quyết định của tổ chức đảng có thẩm quyền xác định tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan. Kết luận, quyết định, bản án của cơ quan pháp luật xác định đảng viên bị điều tra, truy tố, xét xử oan dẫn đến tổ chức đảng quyết định kỷ luật oan.
Về nguyên tắc là việc xin lỗi, phục hồi quyền lợi cho tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan phải thực hiện kịp thời, công khai, khách quan và do chính tổ chức đảng đã ra quyết định gây oan chịu trách nhiệm thực hiện. Cùng với đó là bãi bỏ, thu hồi quyết định kỷ luật oan; xem xét trách nhiệm của tổ chức, đảng viên tham mưu, quyết định kỷ luật oan. Giải quyết oan phải triệt để. Kể cả khi người bị oan đã qua đời thì vẫn phải tổ chức xin lỗi với thân nhân đảng viên.
Theo đó bồi thường về vật chất và các lợi ích hợp pháp khác cho người bị oan thì Quy định 117 yêu cầu thực hiện theo pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Quy định 117 của Bộ Chính trị nêu rõ kết luận, quyết định xác định việc kỷ luật oan phải được gửi ngay đến tổ chức, cá nhân liên quan.
Trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được các kết luận, quyết định này, tổ chức đảng đã ra quyết định kỷ luật oan có trách nhiệm chủ động thông báo bằng văn bản đến tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan (hoặc thân nhân đảng viên) về việc tổ chức xin lỗi và phục hồi quyền lợi.
Chủ động thu hồi, bãi bỏ quyết định kỷ luật oan; đồng thời gửi đến cơ quan, tổ chức nơi đảng viên đang công tác, sinh hoạt để thu hồi, xoá bỏ quyết định kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể đối với đảng viên (nếu có). Chủ động phục hồi quyền lợi hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền phục hồi quyền lợi của tổ chức, đảng viên bị kỷ luật oan.
Với đảng viên, tổ chức đảng bị kỷ luật oan, trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được kết luận, quyết định minh oan thì gửi văn bản đề nghị xin lỗi, phục hồi quyền lợi đến tổ chức đảng đã ra quyết định kỷ luật oan cho mình.
Việc xin lỗi được tổ chức dưới hình thức hội nghị tại chi bộ hoặc cấp ủy, ban thường vụ đang trực tiếp quản lý đảng viên, hoặc tại tổ chức đảng nơi đảng viên đó từng là thành viên.
Tổ chức hội nghị, thành phần dự hội nghị gồm các đại diện của tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật oan; của tổ chức đảng giải quyết, xác định kỷ luật oan; đảng viên bị kỷ luật oan hoặc thân nhân của họ cùng đại diện tổ chức đảng nơi người đó là thành viên khi bị kỷ luật oan.
Ngoài ra còn có đại diện tổ chức đảng đang quản lý đảng viên bị oan cũng như đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức mà người đó đang công tác và đại diện chi bộ nơi người bị oan cư trú.
Tổ chức đã quyết định kỷ luật oan công bố nội dung xin lỗi gửi các tổ chức đảng trực thuộc; đăng công khai trên báo chí của địa phương, trang thông tin điện tử (nếu có) của cấp uỷ cơ quan, đơn vị nơi tổ chức đảng, đảng viên đã bị kỷ luật oan, nơi đang cư trú hoặc làm việc.
Có thể nói Quy định 117 của Đảng về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan là một giá trị nhân văn trong việc thực hành văn hóa Đảng. Xin lỗi tổ chức đảng và đảng viên bị kỷ luật oan góp phần xoa dịu tinh thần của đảng viên, giúp họ tạo được niềm tin với Đảng cầm quyền. Do đó đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các cơ quan, đơn vị phải đề cao và thực hiện thật tốt văn hoá xin lỗi khi phát hiện có oan, sai. Xin lỗi đối với tổ chức đảng và đảng viên phải công khai, minh bạch để cho đảng viên thấy được thành ý của việc xin lỗi. Tổ chức, đảng viên không được coi việc xin lỗi là biện pháp, đối sách để trốn tránh trách nhiệm hay làm giảm nhẹ phần trách nhiệm của mình; không viện dẫn bất cứ lý do gì để biện minh trong xin lỗi mà xin lỗi phải kèm theo những hành động, biện pháp cụ thể để chấn chỉnh, khắc phục trong thời gian sớm nhất. Đó là cách xin lỗi chân thành.
Có như thế và chỉ khi nào làm được như thế thì đảng viên mới trân trọng, tin tưởng, hết lòng ủng hộ tổ chức đảng và những người đồng chí của mình. Xin lỗi phải xuất phát từ cái tâm trong sáng, với tất cả thiện chí, tình thương và trách nhiệm. Đó là văn hoá xin lỗi.
Trong mối quan hệ giữa tổ chức đảng và đảng viên, xin lỗi phải được coi như một quy trình trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Xin lỗi cần tỏ rõ thái độ cầu thị, cách hành xử văn hoá trong lãnh đạo, quản lý.
Làm được như vậy chính là góp phần xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh. Thực hành xin lỗi - đó chính là văn hoá Đảng./.
VM
Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )
Nguồn tin: Báo điện tử ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Ý kiến bạn đọc