Nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ từ bánh kẹo giả mạo nhãn hiệu

Thứ năm - 16/11/2023 19:08 264 0

Một điều mà các bậc phụ huynh cần lưu tâm là mùi hương hay vị của kẹo giả, dù có giống kẹo thật đến mấy, không đồng nghĩa với việc kẹo giả được tạo nên từ những nguyên liệu giống hệt như kẹo thật

Tràn lan bánh kẹo giả mạo nhãn hiệu

Hiện nay, các sạp tiệm tạp hóa trước cổng trường, siêu thị mini trong khu dân cư thường là nơi tụ tập của bạn nhỏ sau giờ tan học, những nơi này bày bán đủ chủng loại, màu sắc từ kẹo cay cho đến kẹo mút, kẹo hình thỏi son, kẹo vỉ ngậm, bánh tráng tẩm gia vị, kẹo cân… thậm chí cả loại kẹo giả nhái các thương hiệu nổi tiếng được bày bán tràn lan với giá thành cực rẻ, chỉ từ vài nghìn đồng/chiếc.

Kẹo vị dâu tây Seriously Strawberry có bao bì sẫm màu hơn so với kẹo giả, nhái, trong khi kẹo vị nho Groovy Grape thật có màu tím sáng hơn, trong hơn

Đơn cử như loại kẹo cao su Hubba Bubba (Mỹ) mô phỏng một chiếc thước cuộn được các bạn nhỏ yêu thích. Là hãng kẹo lớn hàng đầu tại Mỹ và có mặt trên thị trường Việt Nam đã từ rất lâu, đây là thương hiệu có độ nhận diện cao đối với phụ huynh và học sinh. Chính vì thế, loại kẹo này bị làm giả rất nhiều với những thủ đoạn tinh vi nhằm đánh lừa người tiêu dùng, đặc biệt là các em nhỏ.

Theo đại diện Hubba Bubba, vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023, trên thị trường Việt Nam xuất hiện một số loại kẹo sử dụng bao bì giống như của Hubba Bubba, còn một số khác thì có tên thương hiệu và hình vẽ trên bao bì gần giống, khiến khách hàng nhầm tưởng rằng đó là kẹo Hubba Bubba thật. Các loại kẹo giả được phát hiện bày bán tại các chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa.

Ngoài sản phẩm kẹo Hubba Bubba, trên thị trường Hà Nội và các tỉnh thành hiện nay, rất nhiều sản phẩm bánh, kẹo có tên na ná với sản phẩm thật như: bim bim Oishi với Oshi, kẹo Alpeliebe Original với Apellebe OY, kẹo Cheng Gum với Chewing Gum... nhưng bên trong là các loại bánh không rõ nguồn gốc.

Đa phần các sản phẩm nhái giá thấp hơn nhiều lần hàng chính hãng. Nhiều gói bánh Choco-Pie bị nhái thành Choco-Pai, bánh kẹo Danisa thành Damisa, Kitkat thành Kitket... khiến người mua khó phân biệt do kích thước và bao bì được thiết kế tinh vi như hàng thật.

Cuối tháng 4/2023, 9 học sinh lớp 4 của một trường tiểu học tại Bình Phước có triệu chứng ngộ độc thực phẩm như sốt, đau bụng, đau đầu, nôn ói sau khi chia nhau gói kẹo vị ổi mua tại cửa hàng tạp hóa trước cổng trường. Vụ một trường tiểu học tại Đông Hà, Quảng Trị, ghi nhận 10 học sinh lớp 4 có các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn, khó thở và đau đầu sau khi ăn một loại kẹo không rõ nguồn gốc khi mua ở cổng trường.

Chia sẻ trên Thanh niên, tiến sĩ Anh Nguyễn - bác sĩ, cố vấn dinh dưỡng đang làm việc tại Anh cho biết: "Nguy cơ nhiễm độc có thể đến từ bất kỳ khâu nào như từ sản xuất kém vệ sinh đến đóng gói liên quan đến chất lượng bao bì và bảo quản, thành phần nguyên liệu như chất bảo quản và tạo màu không an toàn, chất làm ngọt hóa học độc hại, chứa kim loại nặng như chì hay aluminum, nhiễm vi khuẩn nguy hại như salmonella, E.coli và các vi sinh vật có hại khác".

Theo chuyên gia Anh Nguyễn, một điều mà các bậc phụ huynh cần lưu tâm là mùi hương hay vị của kẹo giả, dù có giống kẹo thật đến mấy, không đồng nghĩa với việc kẹo giả được tạo nên từ những nguyên liệu giống hệt như kẹo thật. Thành phần khác nhau thì vẫn có thể tạo ra vị chua, vị ngọt giống nhau. Cùng tạo ra một vị chua, nhưng khi những kẻ sản xuất không có tâm sử dụng thành phần chưa được cấp phép thì vẫn có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như thường.

Ngoài ra, do quy trình sản xuất không đảm bảo vệ sinh hoặc không kiểm soát chất lượng, kẹo giả có nguy cơ cao bị nhiễm kim loại nặng như chì, aluminum cũng như các vi khuẩn như Salmonella, E. coli và nhiều vi sinh vật có hại khác dẫn đến đe dọa sức khỏe, thậm chí là tính mạng trẻ nhỏ.

Chuyên gia Anh Nguyễn cũng cho biết, do hệ miễn dịch của trẻ nhỏ vẫn chưa được hoàn thiện nên các bé là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất cả về ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn lẫn các hợp chất gây hại có trong thực phẩm giả. Cụ thể, cảnh báo từ cơ quan quản lý thực phẩm của Anh gần đây nhấn mạnh về dị ứng liên quan đến kẹo giả. Trẻ có tiền sử bị dị ứng, nếu ăn phải có thể dẫn đến các phản ứng dị ứng thực phẩm, nhẹ thì nổi mẩn đỏ, khó chịu, nặng thì phải nhập viện điều trị. Thường xuyên sử dụng bánh kẹo giả chứa thành phần không an toàn, về lâu dài trẻ có thể tiềm ẩn một bệnh nào đó như ung thư, tim mạch, dị ứng…

Ngoài ra, nguy cơ nhiễm trùng E.coli từ bánh kẹo giả có thể dẫn đến hội chứng tan máu tăng ure máu (HUS) là các rối loạn cấp tính, trầm trọng đặc trưng bởi giảm tiểu cầu, thiếu máu tán máu và tổn thương thận cấp.

Tại sao phải kiểm nghiệm chất lượng bánh kẹo?

Theo Vietq, bánh kẹo là loại thực phẩm rất phổ biến trên thị trường. Đặc biệt, bánh kẹo là mặt hàng được tiêu thụ lớn bởi trẻ em, do đó việc kiểm nghiệm bánh kẹo là cần thiết để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như sức khỏe người tiêu dùng.

Đối với các cơ sở kinh doanh, sản xuất bánh kẹo: Ngày nay, khi ngành kinh doanh bánh kẹo handmade và nhập khẩu ngày càng phát triển và rất được ưa chuộng thì nhu cầu kiểm nghiệm bánh kẹo càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Do đó, để đảm bảo tốt chất lượng, các cơ sở sản xuất bánh kẹo phải đảm bảo kiểm soát tốt quy trình sản xuất ngay từ khâu nhập nguyên liệu, sản xuất, thành phẩm và đưa ra thị trường nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tăng độ tin cậy của người tiêu dùng đối với các sản phẩm của mình.

Đối với các cơ sở quản lý nhà nước: Ngành thực phẩm bánh kẹo có sức tiêu thụ rất lớn trên thị trường làm đặt ra nhiều thách thức đối với các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm.Do đó, kiểm nghiệm bánh kẹo là một việc làm quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước xác định các chỉ số về an toàn thực phẩm từ đó giúp cho đơn vị sản xuất có căn cứ để làm thủ tục tự công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

Vậy làm thế nào để tránh cho trẻ khỏi tiếp xúc với bánh kẹo giả?

Chuyên gia Anh Nguyễn khuyên phụ huynh nên quan sát và quan tâm đến những loại bánh kẹo trẻ ăn hằng ngày để đảm bảo các loại bánh kẹo này là rõ nguồn gốc và đúng chất lượng. Nên mua (và thường xuyên nhắc nhở trẻ nên mua) bánh kẹo từ các cửa hàng uy tín, tránh mua hàng rong hoặc ở những cửa hàng tạp hóa với sản phẩm khó tìm hiểu nguồn gốc. Ngoài ra, phụ huynh nên cho con xem các hình ảnh trực quan về sản phẩm thật - giả do nhà sản xuất công bố.

Bên cạnh đó, cha mẹ hãy chủ động phối hợp với các phụ huynh khác và nhà trường nhằm tạo ra môi trường an toàn thực phẩm xung quanh con. Thống nhất nguyên tắc “không khuyến khích con trẻ ăn trong lớp” trong hội phụ huynh lớp, đồng hành cùng nhà trường và chính quyền địa phương để kiểm soát điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm của các hàng quán xung quanh trường học.

Theo Tiến sĩ Anh Nguyễn, việc trẻ em ăn phải kẹo giả có thể có rất nhiều nguy cơ sức khỏe tùy vào mức độ trẻ ăn, thành phần nguyên liệu và vệ sinh của sản phẩm. Phổ biến là các triệu chứng ngộ độc thực phẩm như đau bụng, nôn ói, sốt do nhiễm khuẩn; gặp các vấn đề về dị ứng, hô hấp. Trường hợp sản phẩm chứa vi khuẩn E.coli có thể gây bệnh kiết lị, tiêu chảy. Về lâu dài, thường xuyên sử dụng những chất bảo quản và phẩm màu không an toàn, hoặc acesulfame K có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí là nguy cơ ung thư.

Quốc Anh (t/h)

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: treemvietnam.net.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây