Bộ trưởng Bộ Y tế phân tích giải pháp để giảm chi cho người bệnh

Thứ sáu - 10/11/2023 12:07 98 0

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, nội dung 'giảm chi tiền túi của nhân dân' liên quan tới mô hình chăm sóc y tế đã được các Nghị quyết của Đảng nêu ra. Đó là, chúng ta tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu, tăng cường công tác dự phòng, giảm bớt chi phí điều trị.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, để giảm chi tiền túi của người bệnh có liên quan đến việc chuyển đổi mô hình chăm sóc bệnh tật bền vững - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 8/11, Quốc hội tiếp tục thực hiện chất vấn liên quan tới nhóm lĩnh vực văn hóa, xã hội.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TPHCM) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Y tế.

Đại biểu nêu, Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới có đề cập đến một mục tiêu khá cụ thể đó là làm thế nào để hạn chế tỷ lệ sử dụng tiền túi của bệnh nhân khi sử dụng dịch vụ y tế. Cụ thể giảm xuống dưới 35% vào năm 2025. Với tình hình hiện nay, đại biểu nhận thấy khó để giảm tỷ lệ này. Vì vậy, "Bộ Y tế và Bộ LĐTB&XH có giải pháp thế nào để giải quyết vấn đề này?", bà Phạm Khánh Phong Lan hỏi.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, nội dung "giảm chi tiền túi của nhân dân" liên quan tới mô hình chăm sóc y tế đã được các Nghị quyết của Đảng nêu ra. Đó là chúng ta tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu, tăng cường công tác dự phòng, giảm bớt chi phí điều trị.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, các mô hình bệnh tật của chúng ta biến đổi rất nhiều, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao. Đặc biệt, nhận thức của người dân thường đến bệnh viện khi đã ốm rồi, bệnh nặng rồi nên dẫn đến chi phí cao.

"Theo báo cáo của Bệnh viện K Trung ương, thường thì bệnh nhân mắc ung thư đến bệnh viện ở giai đoạn muộn dẫn đến chi phí cao, hiệu quả chăm sóc y tế kém", Bộ trưởng lấy ví dụ.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, để giảm chi tiền túi của người bệnh có liên quan đến việc chuyển đổi mô hình chăm sóc bệnh tật bền vững. Đó là tăng cường công tác dự phòng, sàng lọc phát hiện bệnh sớm, tăng cường nhận thức của người dân trong chăm sóc sức khỏe, có mô hình tài chính bền vững và tăng cường độ bao phủ các chính sách Bảo hiểm y tế.

"Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới, tỷ lệ tiền túi người dân bỏ ra cho chăm sóc y tế đạt 30% thì đó mới là hệ thống y tế bền vững. Đây là những giải pháp mang tính chất tổng thể trên toàn diện các lĩnh vực của ngành y tế, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới", Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.

Tránh lạm dụng xét nghiệm

Tranh luận với Bộ trưởng Bộ Y tế trong phiên chất vấn sáng nay, Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) tiếp tục đề cập “bệnh nhân đi viện phải mua thuốc bên ngoài”. “Đây là chuyện cấp thiết vì xảy ra lâu rồi. Thuốc kê mua bên ngoài đắt, không phải ai cũng mua được. Người có điều kiện sẽ khác, nhưng không có điều kiện thì khó khăn. Cần giải pháp kịp thời đảm bảo quyền lợi cho người dân hưởng bảo hiểm y tế, nhất là người nghèo”, đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh, đồng thời đề nghị Chính phủ, các bộ ngành liên quan phối hợp với Bộ Y tế để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, Bộ đã có chỉ đạo cụ thể. Vào chiều qua, Vụ Bảo hiểm Y tế cùng và Bảo hiểm xã hội Việt Nam họp bàn về phương án cụ thể để xin ý kiến các bộ ngành, địa phương. Nội dung liên quan đến điều kiện nào người bệnh được thanh toán, điều kiện nào tránh lạm dụng đẩy người bệnh ra bên ngoài. Cơ sở pháp lý đã có, thể hiện ở Điều 31 của Luật Bảo hiểm y tế nhưng để hiện thực phải có văn bản thông tư của bộ hướng dẫn triển khai trong thực tiễn.

Đề cập vấn đề lạm dụng xét nghiệm được đại biểu Quốc hội nêu ra, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, thiết bị hiện đại trong lĩnh vực y khoa đã hỗ trợ rất nhiều cho thầy thuốc, giúp phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn đầu, tạo cơ hội điều trị tốt hơn. Chính vì vậy, ngành Y tế tăng cường trang thiết bị tốt nhất phục vụ người bệnh.

“Tuy nhiên, khi triển khai có hiện tượng lạm dụng xét nghiệm quá mức cần thiết, gây tốn kém chi phí, tâm lý và bức xúc với người bệnh. Đẩy chi phí xét nghiệm hay sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao quá mức cũng ảnh hưởng quỹ Bảo hiểm y tế", Bộ trưởng Đào Hồng Lan thẳng thắn nêu rõ.

Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ nhóm nguyên nhân chính là nhận thức trình độ của người chỉ định xét nghiệm muốn nhanh, chính xác, điều này đòi hỏi chỉ đạo để có nhận thức xét nghiệm ở hợp lý cao nhất. Ngoài ra việc xã hội hóa liên danh liên kết đòi hỏi thu hồi vốn dẫn đến xét nghiệm nhiều. Mặt khác người bệnh cũng có nhu cầu xét nghiệm.

Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đã có tăng cường chỉ đạo để tránh lạm dụng xét nghiệm, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Mới đây nhất là Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới được thông qua đã có nhiều quy định về vấn đề này.

Bổ sung vi chất vào thực phẩm là vấn đề khó

Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Đỗ Đức Hiển (Đoàn TPHCM) tranh luận liên quan tới việc thanh, kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất muối i ốt. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, liên quan tới Nghị quyết số 19/2018 của Chính phủ về vấn đề sửa đổi Nghị định 09, liên tục từ 2018 đến nay, Bộ Y tế đã có những báo cáo, tờ trình trình lên Chính phủ liên quan tới việc thực hiện Nghị quyết số 19/2018.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế phải đánh giá tác động, có đối thoại với doanh nghiệp để làm sao hài hòa giữa công tác chăm sóc sức khỏe của người dân với quyền lợi của doanh nghiệp. Gần nhất là Công văn số 1526 của Văn phòng Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Y tế, Công Thương, NN&PTNT… theo chức năng nhiệm vụ được giao tiếp tục thông tin tuyên truyền, đối thoại nhằm tăng cường đồng thuận nhất là cộng đồng doanh nghiệp và chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 09/2016 của Chính phủ quy định tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.

"Thực hiện chỉ đạo này, Bộ Y tế đã triển khai, rà soát và đánh giá việc triển khai Nghị quyết 09 và đã có báo cáo 5 năm. Đây là chính sách thay đổi từ bắt buộc sang tự nguyện. Vấn đề đánh giá tác động chính sách liên quan đến các đối tượng thụ hưởng là điều hết sức cần thiết", Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay.

Đồng thời, nhấn mạnh, với số liệu mà Bộ Y tế đã làm từ năm 2020, các tiêu chuẩn về i ốt của chúng ta đều thấp hơn so với tiêu chuẩn chung toàn cầu. Ví dụ tỷ lệ bướu cổ ở trẻ em từ 8-12 tuổi là 9,8% (cao gấp 2 lần so với khuyến nghị WHO); tỷ lệ liên quan đến phụ nữ và trẻ em vẫn còn thiếu hụt i ốt thấp hơn.

"Vấn đề bổ sung vi chất vào thực phẩm là vấn đề khó, đặt ra mối quan hệ và giữa hai bên, đó là lợi ích cộng đồng và lợi ích của doanh nghiệp. Với trách nhiệm của ngành y tế, trong quá trình sửa đổi Nghị định 09 này sẽ tiếp tục bổ sung phần đánh giá tác động liên quan đến các vấn đề để xử lý hợp lý và hài hòa nhất", Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ.

Hải Liên

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây