BTN - Khoảng một tuần nay, Khoa mắt, Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh ghi nhận nhiều trường hợp đến khám bệnh đau mắt đỏ, trong đó phần lớn là trẻ em.
Trẻ mắc bệnh đau mắt đỏ được khám và điều trị tại Khoa mắt Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh.
Không điều trị đúng có thể gây ra các biến chứng
Theo bác sĩ Trịnh Bá Thúc- Trưởng Khoa mắt BVĐK, trung bình một ngày, khoa tiếp nhận khám và điều trị từ 20-30 trường hợp đau mắt đỏ, tăng nhiều so với thời điểm trước đó. Phần lớn những trường hợp mắc bệnh là trẻ từ 3-11 tuổi.
Ông cho biết thêm, bệnh đau mắt đỏ còn có tên là bệnh viêm kết mạc cấp. Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm kết mạc cấp như virus, vi khuẩn, các tác nhân môi trường, hoá chất có thể góp phần làm nặng hơn tình trạng viêm kết mạc. “Thời điểm các em học sinh trở lại trường học cũng là lúc vào mùa dịch.
Biểu hiện ban đầu của bệnh là đỏ mắt, sưng, chảy nước mắt, đổ ghèn. Hiện có một số bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt, điều này không những không có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng”- bác sĩ Thúc nói thêm- “bệnh đau mắt đỏ không phải là bệnh nguy hiểm, nhưng không điều trị đúng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm phải nhập viện”.
Không riêng tại các bệnh viện, cơ sở y tế công lập, lượt khám và điều trị tại các phòng khám mắt tư nhân trên địa bàn thành phố Tây Ninh đang gia tăng. Ghi nhận tại phòng khám mắt bác sĩ Tâm (TP. Tây Ninh) chiều 13.9, nơi này chật kín bệnh nhân nhi, đa phần đến khám vì đau mắt đỏ.
“Mỗi ngày, chúng tôi tiếp nhận hơn 50 bệnh nhân là trẻ em các trường mầm non, học sinh cấp tiểu học có biểu hiện của viêm kết mạc cấp. Ngoài biểu hiện sưng đỏ mắt, đổ ghèn, chảy nước mắt, nổi hạch tai, nhiều trẻ viêm kết mạc cấp còn có biểu hiện của viêm đường hô hấp trên, viêm mũi họng, ho, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi. Người lớn cũng mắc bệnh đau mắt đỏ. Có nhà đến 4-5 người đều mắc do trẻ tiếp xúc với bạn bè bị đau mắt đỏ ở trường học, sau đó lây cho người thân trong gia đình”- bác sĩ Tâm cho hay.
Bác sĩ Tâm cho biết thêm, nhiều trẻ khi đến khám đều có triệu chứng kết mạc cương tụ, mắt đỏ, nóng rát, đau, chảy nước mắt; một số trẻ gặp khó khăn khi mở mắt. Do bệnh không có thuốc đặc hiệu nên việc điều trị chủ yếu là chữa triệu chứng để tránh các nhiễm trùng phối hợp, giúp bệnh nhân bớt khó chịu và rút ngắn thời gian điều trị bệnh.
Virus gây đau mắt đỏ là loại lây truyền qua đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp, đường nước nên rất dễ lây lan và bùng phát thành dịch. Theo bác sĩ Tâm, viêm kết mạc không nguy hiểm, nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng như trầy xước giác mạc hoặc thậm chí mất thị lực. Vì vậy, khi thấy mắt của trẻ biểu hiện có tia đỏ, ngứa cộm, chảy nước mắt, nhiều ghèn, nổi hạch tai, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời, đúng cách, đồng thời phòng bệnh cho chính mình và người khác.
Sở Y tế: Cảnh báo bệnh đau mắt đỏ có chiều hướng gia tăng
Trước tình hình trên, Sở Y tế có văn bản khẩn cảnh báo bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) đang có chiều hướng gia tăng trên cả nước. Tại Tây Ninh, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 12.9.2023, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 1.465 ca mắc tại 9 huyện, thị xã, thành phố.
Để tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng chống, thu dung điều trị bệnh đau mắt đỏ, Sở Y tế đề nghị các cơ sở giáo dục thực hiện các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong nhà trường và thông báo ngay cho các đơn vị y tế dự phòng trên địa bàn (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế, Trạm Y tế) khi phát hiện học sinh mắc bệnh để triển khai xử lý ổ dịch sớm, triệt để; các trường mầm non, mẫu giáo cần bảo đảm vệ sinh trường học tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ huynh về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ.
Khi trẻ có dấu hiệu bệnh đau mắt đỏ, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám kịp thời và điều trị đúng cách.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh đau mắt đỏ của Bộ Y tế tại cộng đồng, nhất là tại các cơ sở giáo dục, mầm non, mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình, cơ sở trông giữ trẻ trên địa bàn. Chỉ đạo Phòng GD&ĐT và các lực lượng địa phương phối hợp với cơ quan y tế tăng cường công tác hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ; nâng cao vai trò của cộng tác viên dân số - y tế - trẻ em trong công tác phát hiện sớm, thông tin cho cơ quan y tế, hướng dẫn xử lý, phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn về mặt chuyên môn trong công tác giám sát, điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch đau mắt đỏ, tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn. Ban hành hướng dẫn triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng.
Tăng cường công tác truyền thông bằng nhiều hình thức, phương tiện, nội dung để người dân tiếp cận được thông tin, hiểu biết các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ để chủ động thực hiện, bảo vệ sức khoẻ gia đình và cộng đồng.
Thường xuyên, chủ động theo dõi, đánh giá tình hình bệnh đau mắt đỏ, trong trường hợp cần thiết, khẩn trương tham mưu Sở Y tế triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh đau mắc đỏ hiệu quả trên địa bàn Thành phố.
Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chủ trì, phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh cập nhật, khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn chẩn đoán, điều trị bệnh đau mắt đỏ đối với các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn, kể cả khối bệnh viện tư nhân (có thể tổ chức tập huấn theo hình thức online bằng các ứng dụng trực tuyến).
Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình bệnh đau mắt đỏ tại địa phương, kịp thời phát hiện, xử lý triệt để ca bệnh, ổ dịch bệnh đau mắt đỏ tại cơ sở y tế, các hộ gia đình, trường học, cộng đồng; không để dịch lan rộng, kéo dài.
Tham mưu UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo, triển khai mạnh mẽ các hoạt động truyền thông, giám sát, xử lý tại cộng đồng, trường học; nâng cao vai trò của cộng tác viên dân số - y tế - trẻ em trong công tác thông tin, báo cáo, hỗ trợ giám sát, hướng dẫn xử lý, phòng chống bệnh đau mắt đỏ.
Chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát các trạm y tế trong công tác kiểm soát, xử lý, phòng chống bệnh đau mắt đỏ, tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn, giáo dục sức khoẻ tại cộng đồng để phòng, chống hiệu quả bệnh đau mắt đỏ. Giám sát các phòng khám tư nhân trên địa bàn, kịp thời báo cáo, đề xuất xử lý để bảo đảm công tác hiệu quả thông tin, báo cáo, xử lý, phòng, chống dịch bệnh.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tổ chức tốt việc khám, phát hiện, tư vấn, điều trị, thông báo kịp thời các biện pháp phòng bệnh, chuẩn bị đầy đủ không để thiếu thuốc, không tăng giá thuốc; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Cập nhật các phát đồ điều trị, tích cực công tác khám bệnh, chữa bệnh, hội chẩn, chuyển tuyến theo quy định; hạn chế đến mức thấp nhất biến chứng nặng liên quan đến bệnh đau mắt đỏ. Thực hiện quy trình thông tin, báo cáo giám sát, xử lý tại hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm và thực hiện các chế độ báo cáo khác theo quy định; bảo đảm báo cáo, chia sẻ thông tin chính xác và kịp thời. Báo cáo, đề xuất Sở Y tế xử lý khi xảy ra tình trạng quá tải và các vấn đề liên quan khác trong quá trình thu dung, điều trị bệnh nhân đau mắt đỏ.
Tâm Giang
Bệnh đau mắt đỏ lây lan tương đối nhanh, đa số trường hợp bệnh tự hết sau 7-14 ngày. Trung gian truyền bệnh là nước mắt hoặc dịch hầu họng của người bệnh đau mắt đỏ có chứa virus. Nhìn nhau không lây đau mắt đỏ. Nếu có dấu hiệu bệnh nên đi thăm khám và tuân thủ theo dõi, điều trị bệnh ở cơ sở y tế có chuyên khoa mắt.
Để phòng tránh, cần hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay. Nếu mắt chảy nhiều nước, có nhiều ghèn rỉ, dùng bông gòn hoặc bông gạc y tế (loại dùng một lần) để lau mắt, không dùng khăn. Cách ly người bệnh 5-7 ngày.
(Bác sĩ Trịnh Bá Thúc- Trưởng Khoa mắt Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh)
Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )
Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử
Ý kiến bạn đọc