“Nói Không với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng để bảo vệ thế hệ trẻ”

Thứ hai - 29/05/2023 09:33 234 0

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, nếu chúng ta không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá mạnh mẽ và kịp thời ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới tại Việt Nam thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại.

Ngày 27/5 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (25-31/5/2023) với chủ đề "Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá".

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động. Các tổn thất về sức khỏe và kinh tế do việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới gây ra cũng nghiêm trọng không kém các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường, đặc biệt là các hậu quả về sức khỏe đối với thế hệ trẻ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: T.M

"Đánh giá của hội đồng các chuyên gia y tế công cộng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2020 cho thấy những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do COVID-19 cao hơn so với những người không hút thuốc. Bên cạnh tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội, các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút/mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm" - Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.

Tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết công tác phòng chống tác hại của thuốc lá đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, so với năm 2015, tỷ lệ nam giới hút thuốc năm 2020 đã giảm từ 45,3% xuống 42,3%. Đặc biệt tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể tại các địa điểm như: nơi làm việc, cơ sở giáo dục, trên phương tiện giao thông công cộng và khu vực trong nhà. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong thanh niên độ tuổi 15-24 giảm từ 26% (năm 2015) xuống 13% (năm 2020). Ở lứa tuổi học sinh 13-15 tuổi, tỷ lệ hút thuốc lá cũng giảm từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng nêu rõ, bên cạnh những thành công bước đầu, công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại nước ta vẫn đang gặp phải những khó khăn, thách thức. Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới.

Những năm gần đây xuất hiện các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa. Các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước, tuy nhiên việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng internet.

Theo Thứ trưởng, các sản phẩm này được thiết kế đa dạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị rất hấp dẫn với giới trẻ, điều này dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng nhanh tại nước ta, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh.

Do đó, lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh việc nếu chúng ta không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá mạnh mẽ và kịp thời ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới tại Việt Nam thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại.

"Các tổn thất về sức khỏe và kinh tế do việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới gây ra cũng nghiêm trọng không kém các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường, đặc biệt là các hậu quả về sức khỏe đối với thế hệ trẻ, gây khó khăn trong việc đạt được mục tiêu của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là giảm tỷ lệ hút thuốc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng" - Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.

TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho hay, ở Việt Nam, ít nhất 40.000 người đã bị thuốc lá lấy đi sinh mạng mỗi năm. Để giảm số người tử vong sớm này và để đạt được mục tiêu giảm 30% tỷ lệ hút thuốc vào năm 2030, vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cùng Bộ Y tế và các đối tác phát động một chiến dịch truyền thông mới có tên là “Nói không với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để bảo vệ thế hệ trẻ”. Ảnh: T.M

Theo bà, một ưu tiên tăng thuế và giá thuốc lá vì giá thuốc lá ở Việt Nam hiện thuộc loại rẻ nhất trên thế giới. Điều này khiến những người trẻ tuổi dễ tiếp cận và dễ bắt đầu hút thuốc. Hơn nữa giá thuốc lá thấp sẽ làm cho việc bỏ thuốc của những người đang hút thuốc trở nên khó khăn hơn.

"Chúng ta cũng cần ngăn chặn, kiểm soát việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới. Các sản phẩm hiện vẫn được bán trên thị trường và quảng cáo theo những cách thức gây hiểu lầm đối với những người trẻ tuổi dễ bị tổn thương" - TS. Angela Pratt nói.

Truyền thông đóng một vai trò rất quan trọng trong các nỗ lực kiểm soát thuốc lá. Do đó cần tăng cường nỗ lực tập thể để cảnh báo mọi người ở mọi lứa tuổi về tác hại nghiêm trọng mà việc sử dụng thuốc lá có thể gây ra cho các cá nhân và gia đình, và gánh nặng chi phí đáng kể mà việc này đặt lên các hộ gia đình và hệ thống y tế.

"Tôi rất vui vì hôm nay chúng ta sẽ cùng phát động một chiến dịch truyền thông mới có tên là “Nói không với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để bảo vệ thế hệ trẻ” do Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế, với sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu Vital Strategies và WHO"- TS. Angela Pratt bày tỏ.

Chiến dịch này là một phần trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng thông điệp của WHO kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá và thuốc lá mới tới sức khỏe, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng.

Trong khuôn khổ chiến dịch, nhiều hoạt động truyền thông sẽ được triển khai nhằm nâng cao nhận thức cho đối tượng thanh thiếu niên và cha mẹ có con ở độ tuổi thanh thiếu niên về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Thông qua đó, chiến dịch kêu gọi mọi người không sử dụng các sản phẩm thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Các đoạn video truyền thông mang thông điệp “Nói Không với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng để bảo vệ thế hệ trẻ” được phát sóng trên toàn quốc từ ngày 27/5/2023 đến 16/7/2023 trên các kênh truyền hình Trung ương và địa phương, các hệ thống rạp chiếu phim tại các thành phố lớn, các chung cư, nhà cao tầng và các kênh mạng xã hội, giúp thông điệp tiếp cận được với đông đảo người dân trên toàn quốc.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê, các đại biểu cùng các hoa hậu, diễn viên tham gia đạp xe tuyên truyền về phòng chống tác hại của thuốc lá. Ảnh: T.M

Chia sẻ thêm về thông tin này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá - cho hay, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở nước ta năm 2020 ở cả nam và nữ tăng 18 lần so với năm 2015 (từ 0,2% lên 3,6%). Đặc biệt, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm tuổi 15 - 24 tuổi.

"Vì vậy trong các chương trình truyền thông năm 2023 của Quỹ sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đẩy mạnh truyền thông trên các trang mạng xã hội (Tik Tok, Youtube, Facebook) để cung cấp thông tin kịp thời và huy động sự tham gia của đông đảo thanh niên, sinh viên” - PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.

TS Tom Carroll, Cố vấn cấp cao về Truyền thông và Vận động chính sách của Vital Strategies - tổ chức đã có nhiều năm kinh nghiệm hỗ trợ hoạt động truyền thông phòng, chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam chia sẻ một số thông điệp được sử dụng trong Chiến dịch truyền thông “Nói Không với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để bảo vệ thế hệ trẻ” gồm: Sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có thể gây tổn thương phổi, tim và não, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi; Giống như hút thuốc lá thường, thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử cũng tỏa ra các hóa chất độc hại như nitrosamines và hydrocacbon có trong khói xe ô tô và thuốc trừ sâu gây ung thư; Sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng nhanh chóng gây nghiện nicotine và khó cai nghiện.

Được biết, Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 năm nay, WHO lựa chọn chủ đề "Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá". Thông qua chủ đề này, WHO kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng; đề cập đến mối liên hệ giữa sử dụng, trồng cây thuốc lá và đói nghèo; kêu gọi bỏ thuốc lá để tăng chi cho thực phẩm./.

Minh Hà

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo điện tử ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây