Dân là gốc - Chân lý của muôn đời

Thứ hai - 04/11/2024 11:39 67 0

“Nước lấy dân làm gốc, nước bình yên xin hãy để dân yên. Dân lấy nước làm lòng, khi có việc dân sẽ ra gánh vác”. Đó là lời tâu của Hoàng Ngũ Phúc, một vị quan sống ở thời Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam.

1. Lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc Việt Nam là lịch sử đấu tranh để bảo vệ Tổ quốc. Cha ông ta đã kiên cường đối chọi với kẻ thù hung bạo mạnh hơn gấp nhiều lần để giữ vững toàn vẹn chủ quyền quốc gia, lãnh thổ và trao truyền lại cho con cháu hôm nay.

Cũng bởi hàng ngàn năm phải chống chọi với ngoại xâm đô hộ, cha ông chúng ta đã thấu hiểu chân lý đơn giản rằng: sức mạnh vĩ đại nhất là lòng dân chứ không phải ở vũ khí tối tân hay ở thành cao, hào sâu.

Vì lẽ ấy, trong suốt chiều dài lịch sử - tuy cũng có lúc này, lúc khác - nhiều triều đại đã ban hành và thực thi những chính sách an dân, chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân. Trước khi qua đời, khi được vua Trần Anh Tông hỏi về kế sách giữ nước lâu dài, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã tâu với vua: “Xin bệ hạ hãy khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”.

Hiểu, chia sẻ nỗi khổ sâu sắc với nhân dân của mình, Nguyễn Trãi suốt đời tâm niệm “Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”, “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Khi được giao soạn nhạc cho triều đình, Nguyễn Trãi đã tâu vua hãy thương yêu nhân dân, chăm lo cho nhân dân để “trong thôn cùng xóm vắng không còn một tiếng hờn giận oán sầu” và ông cho rằng, đó chính là gốc của nhạc.

Vua Duy Tân, người đứng đầu muôn dân trăm họ trong cảnh mất nước đã quyết định chỉ nhận 200/500 đồng tiền lương mỗi tháng, còn lại 300 đồng chuyển lại cho các quan để giúp đỡ người nghèo. Thế kỷ thứ XIII, khi quân Mông - Nguyên làm cỏ hầu như khắp các châu lục thì nhân dân Đại Việt đã 3 lần chiến thắng đội quân hung bạo này.

Tổng kết cả 3 lần chiến thắng ấy, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã đúc kết đó là chiến thắng của “Vua tôi đồng lòng, anh em hoà mục, cả nước giúp sức”. Trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc Việt Nam, chính sức mạnh vĩ đại của nhân dân, chính tinh thần đoàn kết và sự ủng hộ của nhân dân đã làm nên những chiến thắng vĩ đại ấy...

2. Vào ngày 27.5.2016, tại Hội nghị toàn quốc công tác dân vận, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định bài học Dân là gốc là bài học đã được rút ra từ chiều sâu của lịch sử. Cố Tổng Bí thư cũng không quên nhắc lại “Vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định; vương triều nào được lòng dân, cố kết được nhân tâm thì làm nên nghiệp lớn; trái lại, vương triều nào ngược lòng dân thì sớm muộn cũng sẽ bị thất bại”.

Nhìn lại lịch sử, nhà Hồ là triều đại phong kiến đã xây dựng được đội quân đông đảo nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Thế nhưng, đây cũng là triều đình đã để nước Việt Nam mất về tay quân thù nhanh nhất.

Lấy được ngôi từ nhà Trần, nhà Hồ đã để mất lòng dân khi không dựa vào sức mạnh của nhân dân để chống giặc mà lại ỷ vào thành cao hào sâu. Vì vậy, trong suốt cuộc chiến đấu ngắn ngủi ấy, “Nhà Hồ đánh giặc một mình” (lời Nguyễn Trãi). Sau khi nhà Hồ thất bại, Nguyễn Phi Khanh lúc này đang giữ chức Đại lý tự khanh kiêm Trung thư Thị lang bị bắt và giải về Trung Quốc.

Nguyễn Trãi và em là Nguyễn Phi Hùng khóc lóc theo cha lên ải Nam Quan với ý định sang Trung Quốc hầu hạ cha già. Nguyễn Phi Khanh đã khuyên con trai của mình rằng: “Con là người có học phải biết rửa nhục cho nước, trả thù cho cha, như thế mới là đại hiếu”. Hiểu lòng cha, Nguyễn Trãi quyết quay trở lại, đi tìm minh chủ phò tá để đánh đuổi kẻ thù.

Trên đường trở về, đi ngang qua cửa biển Bạch Đằng, nơi ghi dấu những chiến công lừng lẫy của cha ông thuở trước, Ức Trai tiên sinh ngậm ngùi suy tư về vận nước để rồi cảm thán mà viết ra bài “Quan hải” (Cửa biển) nổi tiếng với những lời từ gan ruột: “Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật/ Anh hùng di hận kỷ thiên niên/ …

Phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ” (Hoạ phúc không phải chỉ ngày một ngày hai/ Anh hùng đừng để hận đến ngàn năm… Lật thuyền mới biết sức dân mạnh như nước). Dẫu nhà Hồ có thành cao hào sâu, có vũ khí tối tân là súng thần công của Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng sáng chế thì cũng không thể ngăn được quân thù. Bởi như chính vị Tả tướng quốc ấy đã phát biểu trước ba quân tướng sĩ rằng: “Tôi không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi”.

Thua trận rồi mới hiểu cái gì là gốc, cái gì là ngọn. Có lẽ thấu hiểu sâu sắc điều này nên trong một bài viết với tiêu đề “Cứ đem lòng dân mà đo vận nước”, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã viết: “Con đường đi tới quyền lực và đưa đất nước lên tới đỉnh cao hưng thịnh của các triều đại rất khác nhau, nhưng nguyên nhân suy vong thì chẳng khác nhau là mấy. Đó là do tài năng yếu kém và đạo đức suy đồi của những người cầm quyền”.

3. Hồ chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, mang trong mình truyền thống yêu nước của dân tộc, tiếp thu, kế thừa, phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” cũng như bài học lấy “Dân làm gốc” của dân tộc, Người luôn đặc biệt coi trọng sức mạnh của nhân dân. Sinh thời, Người khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân”, “Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”, “Dân là gốc của một nước, nước lấy dân làm gốc”, “Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”.

Nhân dân, trong tư tưởng của Người không phải chỉ là lực lượng của cách mạng mà đã trở thành đối tượng để ngợi ca, thành đối tượng mà Đảng, Nhà nước phải có trách nhiệm chăm lo mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần. Hồ Chí Minh cho rằng tự do, hạnh phúc là thước đo giá trị của độc lập dân tộc, vì vậy, phải thực hiện làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân có học hành. Và, “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”.

Trong phát biểu tại hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận vào năm 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Tin ở dân, chăm lo cho dân, lấy dân làm gốc là một bài học lớn được rút ra từ chiều sâu lịch sử. Ngay từ thế kỷ XV, bằng vào thực tế của nhiều triều đại phong kiến, Nguyễn Trãi đã đi đến những nhận định rất quan trọng: Vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định; vương triều nào được lòng dân, cố kết được nhân tâm thì làm nên nghiệp lớn; trái lại, vương triều nào đi ngược lại lòng dân thì sớm muộn đều sẽ bị thất bại.

Theo ông, sở dĩ triều Hậu Trần suy vong là do các vua quan Hậu Trần không thực hiện đúng chính sách “thân dân”, “làm kế sâu rễ bền gốc”; họ chỉ lo cuộc sống xa hoa, quyền lợi ích kỷ của mình, bỏ “mặc dân khốn khổ”, “muôn dân oán giận mà không biết, lòng người oán trách mà chẳng kinh”. Còn Hồ Quý Ly bị thất bại nhanh chóng, cơ đồ tan vỡ, nước mất vào tay giặc cũng chỉ vì chính quyền nhà Hồ quá xa rời nhân dân, vì “chính sự phiền hà, để đến nỗi lòng dân oán giận”.

Từ tư tưởng, từ nghị quyết để đi đến hành động cần sự quyết tâm và nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị. Thế nhưng, trước hết, mỗi tổ chức Đảng và đảng viên cần thấm nhuần quan điểm “dân là gốc”. Khi thấm nhuần quan điểm này chắc chắn trong quá trình tham mưu ban hành và thực thi chính sách sẽ luôn xuất phát, đáp ứng được lợi ích và nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, luôn lấy ấm no, hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội nhằm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Còn nhớ, khi quân Nguyên xâm lược nước ta, Thượng hoàng Trần Thánh Tông và hoàng đế Trần Nhân Tông đã triệu tập hội nghị Diên Hồng để hỏi ý kiến các bô lão toàn quốc rằng nên hàng hay nên đánh. Đó là nhà vua muốn đánh nên mới triệu tập các bô lão để hỏi, chứ nếu nhà vua muốn hàng thì chắc hẳn ngài đã quyết định ngay không cần hỏi. Muốn thắng quân thù hung bạo và mạnh gấp nhiều lần thì phải nhận được sự ủng hộ và đồng lòng của nhân dân.

Với truyền thống Việt Nam, người già là người được cộng đồng trọng vọng và xem là “cây cao bóng cả”, nếu các cụ đã quyết đánh thì về địa phương, quê quán các cụ sẽ vận động con em rất dễ dàng. Đó là bài học nóng hổi cho hôm nay để các tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở cần phát huy dân chủ rộng rãi, thực hiện tốt nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” gắn với tăng cường kỷ cương, pháp luật.

Đặc biệt, để nhân dân tin Đảng, đi theo Đảng cần phải lựa chọn và xây đựng được đội ngũ cán bộ thật sự tài năng, tâm huyết; phải chống được quan liêu, tham nhũng, lãng phí thì mới góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng…

Trước đòi hỏi bức thiết của đất nước hôm nay lại vang lên lời thúc giục khẩn thiết, đó là đội ngũ cán bộ, đảng viên hãy trở về với cái “nôi” mà mình đã sinh ra, đã lớn lên trong sự chở che, đùm bọc ấy: NHÂN DÂN.

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây