Chuyển đổi số thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thứ hai - 11/09/2023 12:26 186 0

Chuyển đổi số là một chủ trương lớn trong đó tập trung phát triển một số ngành, lĩnh vực ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao, trong đó có du lịch số. Tuy nhiên, thực hiện chuyển đổi số trong du lịch một cách hiệu quả, có giá trị thiết thực, đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị ngành Du lịch.

Toàn cảnh diễn đàn. (Ảnh: Chi Mai)

Ngày 7/9, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn cấp cao “Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch”. Đồng chí Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia về chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch quốc tế; vai trò liên kết, hợp tác giữa các quốc gia, các thành phố lớn trong chuyển đổi số du lịch; vai trò của chuyển đổi số quốc gia trong kết nối du lịch với các ngành liên quan; Giải pháp phát triển nguồn nhân lực số phục vụ ngành du lịch; ứng dụng chuyển đổi số trong phân tích nhu cầu, hành vi du khách, nâng cao trải nghiệm của khách du lịch...

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, chuyển đổi số trong du lịch đã đạt được một số kết quả tích cực như: Nhận thức và hành động về chuyển đổi số có nhiều chuyển biến; Xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm chỉ đạo; Các giải pháp nền tảng để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam, ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh được tăng cường đầu tư, phát triển; Cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam, kết nối hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý ở Trung ương, địa phương và doanh nghiệp được tập trung xây dựng; truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch kỹ thuật số được đẩy mạnh; Dịch vụ công trực tuyến triển khai ngày càng hiệu quả; Nguồn lực về tài chính và nhân lực dành cho chuyển đổi số được tăng cường.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc. (Ảnh: Chi Mai)

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thông tin, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” và Kế hoạch phát triển du lịch số 2021-2025, nhằm thể hóa các chủ trương, định hướng của Nhà nước và chương trình, đề án của Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia. Tháng 2/2023, đã ra mắt Tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số trong ngành Du lịch, cung cấp khung hướng dẫn các giải pháp tổng thể và hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch, vai trò của các bên liên quan và lộ trình, bước đi, công cụ cụ thể để triển khai chuyển đổi số; hướng dẫn kết nối tích hợp vào các nền tảng số của Ngành. Mục tiêu nhằm hỗ trợ các cơ quan quản lý, địa phương, điểm đến, doanh nghiệp du lịch thực hiện chuyển đổi số thống nhất, đồng bộ, giúp tối ưu hóa kết quả, tiết kiệm nguồn lực và tăng cường tính liên kết trong toàn Ngành. Tổ chức nhiều chương trình tập huấn, hướng dẫn chuyển đổi số du lịch tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Đưa ra ý kiến về xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, Giải pháp then chốt để hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh thống nhất, đồng bộ là cần phát triển các nền tảng số tầm quốc gia về du lịch gồm có: hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch quốc gia; trang thông tin du lịch quốc gia; ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”; Thẻ Việt - thẻ du lịch quốc gia; nền tảng số “Quản trị và kinh doanh du lịch”.

“Việc phát triển các nền tảng số du lịch ở tầm quốc gia phù hợp với chủ trương chung hiện nay của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là: Chuyển đổi số cần có trọng tâm, trọng điểm, thực chất, hiệu quả, tránh tình trạng "trăm hoa đua nở", chồng chéo, lãng phí, và nhất là dữ liệu phải "đúng, đủ, sạch, sống".”- Ông Nguyễn Trùng Khánh nói.

Về phía doanh nghiệp, Giám đốc Tiếp thị Truyền thông Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist Đoàn Thị Thanh Trà chia sẻ, với định hướng chiến lược và bước đi phù hợp, đến nay, công tác chuyển đổi số tại Lữ hành Saigontourist đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Công ty đã thực hiện chuyển đổi và quy chuẩn hoàn chỉnh các trình tự nhập liệu, theo dõi số liệu và quy trình công việc tại tất cả các bộ phận thông qua việc vận hành các công cụ, phần mềm kinh doanh mới. Toàn bộ hệ thống Lữ hành Saigontourist đã xây dựng được nguồn dữ liệu khách hàng có độ chính xác cao, thông tin dữ liệu đầy đủ và đáp ứng được yêu cầu phân tích thị trường và chiến lược tiếp thị; Định hướng khách hàng sử dụng các kênh tư vấn, mua tour có kết nối tập trung, nhận diện và chăm sóc khách hàng trên một nền tảng số duy nhất; Điều chỉnh quy trình làm việc và công cụ làm việc toàn bộ bằng các ứng dụng kinh doanh, áp dụng rộng rãi cho tất cả các thị trường du lịch nội địa, du lịch nước ngoài, du lịch quốc tế và các bộ phận kinh doanh chuyên biệt như dịch vụ vé máy bay, thuê xe, du học, bộ phận chăm sóc khách hàng và bộ phận kế toán.

Giám đốc Tiếp thị Truyền thông Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist Đoàn Thị Thanh Trà trình bày tại Diễn đàn. (Ảnh: Chi Mai)

Theo Phó Giám đốc Thương mại, Công ty CP hàng không Vietjet Phạm Hùng Việt, thời gian qua, đối mặt với những thách thức và sự bất định của bối cảnh toàn cầu, các doanh nghiệp du lịch, hàng không đều nhận ra tầm quan trọng của chuyển đổi số. Chỉ có chuyển đổi số mới giúp các doanh nghiệp nắm bắt được xu hướng tiêu dùng mới, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của khách hàng, mang tới những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, đồng thời chuyển đổi số cũng giúp các doanh nghiệp tối ưu chi phí, tối ưu các nguồn lực của mình.

Phát biểu chỉ đạo Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Hồng Hà phân tích, chuyển đổi số chuyển đổi số là một chủ trương lớn trong đó tập trung phát triển một số ngành, lĩnh vực ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao, trong đó có du lịch số. Tuy nhiên, thực hiện chuyển đổi số trong du lịch một cách hiệu quả, có giá trị thiết thực, đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị ngành Du lịch. Do đó một số trọng tâm mà Việt Nam đang thúc đẩy, triển khai, cụ thể là:

Một là, ban hành chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm đối với ngành du lịch như xây dựng và tổ chức triển khai nền tảng dữ liệu số về các di sản văn hóa, danh thắng, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, thị trường du lịch Việt Nam mở để người dung có thể làm giàu tài nguyên; thiết lập nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch kết nối cung, cầu; mạng lưới hệ thống bảo tàng số; đào tạo chuyên ngành về du lịch thông minh, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch tại các cơ sở đào tạo đại học, sau đại học trong ngành du lịch....

Hai là, xây dựng và hoàn thiện thể chế, môi trường pháp lý đồng bộ cho thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong du lịch; thiết lập các chuẩn mực pháp lý, quy tắc ứng xử trên môi trường số hình thành xã hội số. Cùng với xây dựng các chính sách cởi mở về đầu tư, tiếp cận đất đai, tài nguyên, tín dụng để thu hút đầu tư vào du lịch.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: PV) 

Ba là, phát triển hạ tầng số và các ứng dụng số như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC). Khai thác các lợi thế của 123 triệu thuê bao di động; có 77,93 triệu người dùng Internet, 70 triệu số lượng người dùng mạng xã hội để phát triển xã hội số. Đây là lợi thế lớn không chỉ cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam mà cả các doanh nghiệp đầu tư, hay liên kết phát triển chuỗi du lịch với Việt Nam.

Bốn là, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực bởi nếu không có nhân lực số thì không có du lịch số. Hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi, thích ứng với các xu thế mới, giảm thiểu các tác động do chuyển dịch, thay thế lao động quy mô lớn. Có các chính sách thu hút chuyên gia, nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ trong ngành Du lịch. Và Việt Nam sẽ khai thác ưu thế về người dùng internet, thiết bị di động để hình thành xã hội số.

Năm là, thúc đẩy các hoạt động đầu tư công tập trung vào hạ tầng khung, hạ tầng thiết yếu, xúc tiến, quảng bá các sản phẩm dịch vụ du lịch; liên kết, kết nối du lịch quốc tế. Lấy đầu tư công, thu hút dẫn dắt đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài.Với vị trí, vai trò của mình trong nền kinh tế, du lịch thông minh, du lịch số phải là một trong những động lực chính của nền kinh tế số Việt Nam. Chính phủ mong muốn và hy vọng rằng Du lịch sẽ thuộc nhóm ngành đi đầu về chuyển đổi số quốc gia, tạo sự phát triển mới cho Ngành và mang lại cảm hứng cho cả đất nước về chuyển đổi số./.

Chi Mai

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo điện tử ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây