Đưa dịch vụ công trực tuyến đến với người lớn tuổi

Thứ hai - 07/08/2023 10:20 143 0

Tiện lợi, dễ hiểu, dễ sử dụng, dung lượng nhỏ, cung cấp nhiều thông tin, dịch vụ tiện ích... Chỉ sau hơn 3 tháng ra mắt, ứng dụng app Tây Ninh Smart trên Zalo đã thu hút đông đảo người dùng, đặc biệt là người lớn tuổi.

Nhờ vào các ứng dụng và nền tảng trực tuyến, người dân có thể tiếp cận và sử dụng dịch vụ công một cách nhanh chóng và thuận tiện.

Người trên 45 tuổi tiếp cận tăng 387%

“Ngay khi được hướng dẫn mở ứng dụng nhỏ Tây Ninh Smart trên Zalo, ngoài các thông tin phản ánh, tôi còn được các bạn trẻ hướng dẫn cập nhật các thông tin, thủ tục hành chính và nộp hồ sơ ngay tại nhà, không cần đi lại. Hồi chưa biết cứ nghĩ cái gì cũng khó, khi biết rồi thấy cũng dễ và đơn giản!”- ông Nguyễn Hồng Lạc, 53 tuổi, ngụ xã Thái Bình, huyện Châu Thành nhận xét.

Công tác tại Chi bộ ấp Bình Phong nhiều năm, với ông Lạc, mini app Tây Ninh Smart trên Zalo là ứng dụng dễ dùng nhất. Ông cho biết, nhóm Zalo của Chi bộ ấp hoạt động từ năm 2020 đến nay. Trước đây, ai rành công nghệ hơn thì dán liên kết, gửi tệp tin, ai ít rành thì tự soạn thông báo rồi gửi lên.

Từ khi có mini app Tây Ninh Smart, thông tin mới nhất từ chính quyền được cập nhật liên tục, một số công tác tại Chi bộ ấp Bình Phong như hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính; công tác thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước có chuyển biến tích cực. Ngoài việc sử dụng Zalo gọi thoại, video call cho con cháu, bạn bè, ông Lạc còn đọc báo điện tử để cập nhật tình hình thời sự trong tỉnh, trong nước và quốc tế ở mọi lúc, mọi nơi.

Sau khi về hưu, ông Nguyễn Văn Hùng, 62 tuổi, ngụ ấp Cây Ổi, xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành tiếp tục công tác ở Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin của xã. Do thường xuyên đi tuyên truyền, vận động, phải gặp nhiều đối tượng khác nhau, nên ông dùng ứng dụng Zalo trên điện thoại để tiện liên hệ công tác.

Ông cho biết mình tự tin khi sử dụng phiên bản mini App vì nhanh, tiện dụng. “Được con cháu hướng dẫn, app mini trên Zalo đã giúp tôi rất nhiều việc. Tôi có thể tìm các văn bản, nộp thủ tục hành chính hay phản ánh hiện trường mà không cần đến cơ quan, phần vì tôi đã quen dùng Zalo nên không gặp khó khăn”- ông Hùng chia sẻ.

Không chỉ riêng ông Lạc và ông Hùng, trên 30.800 người dùng trên 45 tuổi khắp địa bàn tỉnh Tây Ninh đã và đang sử dụng phiên bản mini app của Tây Ninh Smart trên Zalo, chiếm 26% tổng số người sử dụng. Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đến nay, số lượng người trên 45 tuổi tiếp cận với mini app Tây Ninh Smart đã tăng 387%.

Mini app Tây Ninh Smart trên Zalo ra đời từ kỳ vọng đổi mới công tác chuyển đổi số dịch vụ công.

Lan toả, hướng đến trọng tâm chuyển đổi số

Thực tế sau hơn 3 tháng triển khai, ứng dụng nhỏ này đã giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến của tỉnh nhà, với gần 200.000 người dùng. Theo nhận định, đây là thành tích ấn tượng của tỉnh Tây Ninh trong công cuộc chuyển đổi số, đặc biệt đối với các đối tượng yếu thế về công nghệ.

Thống kê toàn tỉnh Tây Ninh có trên 70% người dân trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh, trên 80% hộ gia đình có kết nối internet băng rộng cáp quang, 100% ấp, khu phố phủ sóng di động. Đây là điều kiện cần để Tây Ninh phổ cập kỹ năng số và tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số của tỉnh, trọng tâm hướng đến 3 trụ cột: Xã hội số, Kinh tế số, Chính quyền số.

“Chỉ cần mở Tây Ninh Smart trên Zalo lên là mọi thủ tục hành chính đều được giải quyết. Mới đây thôi, gia đình tôi vừa đăng ký giấy khai sinh cho cháu gái, nhà hàng xóm xin giấy phép sửa nhà, cứ mở Tây Ninh Smart trên Zalo, mọi giấy tờ hay thủ tục đều được hướng dẫn”- ông Lạc hào hứng chia sẻ.

Ông Nguyễn Tấn Đức- Giám đốc Sở TT&TT cho biết, với việc bám sát quan điểm khi thực hiện chuyển đổi số là phải lấy người dân làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau, lãnh đạo và công chức, viên chức Sở TT&TT không ngừng nghiên cứu, tìm tòi các thành tựu của công nghệ số để cải tiến, hoàn thiện hơn các nền tảng ứng dụng số dùng chung của tỉnh.

Qua kinh nghiệm triển khai các ứng dụng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 ở địa phương, nhận thấy việc triển khai các ứng dụng trên nền tảng mạng xã hội, nhất là mạng Zalo sẽ thu hút được người dùng do sự tiện lợi, đơn giản, dễ sử dụng, sự tương tác cao nên đã triển khai mini app Tây Ninh Smart trên nền tảng mạng Zalo.

Thời gian tới, tỉnh Tây Ninh sẽ nâng cao chất lượng phục vụ người dân bằng những tính năng mới, đa dạng. Tuy nhiên, quá trình này cần có sự nghiên cứu và phân tích để xác định tính năng mới phù hợp với nhu cầu của người dùng và mục tiêu phục vụ. Trong đó, bao gồm việc thu thập ý kiến, góp ý từ người dân, doanh nghiệp và các bên liên quan. Đồng thời, đòi hỏi có sự phân bổ nguồn lực thực hiện như con người, tài chính, thiết bị.

Bên cạnh đó, việc triển khai ứng dụng dùng chung cũng như mini app, trong tương lai tỉnh Tây Ninh triển khai các chương trình, dự án về chuyển đổi số, trong đó có thể kể đến một số nền tảng, dự án, nhiệm vụ điển hình như: Hoàn thiện chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số; Phát triển hạ tầng internet vạn vật (IoT) phục vụ các ứng dụng nghiệp vụ, chuyên ngành trong tỉnh gắn kết với phát triển đô thị thông minh tại các huyện, thị xã, thành phố; Xây dựng kho dữ liệu của công dân;

Xây dựng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp của tỉnh nhằm lưu trữ tập trung, tổng hợp, phân tích, xử lý dữ liệu về phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới việc hình thành kho dữ liệu dùng chung của tỉnh; Triển khai các kênh tương tác trực tuyến để người dân tham gia, giám sát hoạt động xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật, ra quyết định của cơ quan nhà nước.

Đồng thời, phát triển kinh tế số, xã hội số trong các lĩnh vực trọng điểm như: nông nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, lao động, công nghiệp và thương mại, xây dựng, văn hoá, thể thao và du lịch... tạo ra các giá trị mới phục vụ phát triển kinh tế số và xã hội số.

“Chuyển đổi số là một trong các trụ cột của chương trình cải cách hành chính. Việc chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực góp phần chuyển biến nhanh chóng các trụ cột khác của CCHC. Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong cải cách hành chính, giúp tăng cường sự tiện lợi và tiếp cận thông tin cho người dân. Nhờ vào các ứng dụng và nền tảng trực tuyến, người dân có thể tiếp cận và sử dụng dịch vụ công một cách nhanh chóng và thuận tiện, đem lại sự tin cậy cho người dân và tính minh bạch, hiệu quả của dịch vụ công”- Giám đốc Sở TT&TT nhấn mạnh.

Có thể nói, người dân là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay. Việc triển khai hiệu quả các tiện ích hoặc ứng dụng công nghệ đòi hỏi chính quyền địa phương cần hành động quyết liệt, chủ động nắm bắt kịp thời nhu cầu của người dân. Từ đó nâng cao mức độ hài lòng của người dân, góp phần thúc đẩy hoàn thiện Chính quyền số- một trong những trụ cột của công tác Chuyển đổi số quốc gia.

Tâm Giang - Phương Thuý

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây