Không luận điệu nào có thể xuyên tạc công tác cán bộ của Đảng

Thứ hai - 23/12/2024 06:41 21 0

Công tác cán bộ của Đảng, nhất là từ sau Đại hội XII của Đảng, đã có nhiều đổi mới. Đảng đã ban hành rất nhiều các chỉ thị, nghị quyết về công tác cán bộ.

Gần đây, khi Đảng Cộng sản Việt Nam xử lý kỷ luật nhiều cán bộ vi phạm, trong đó có cả những đồng chí đã từng giữ các cương vị rất cao của Đảng và Nhà nước, các thế lực thù địch đã liên tục đăng các bài viết, bài nói xuyên tạc công tác cán bộ của Đảng. Họ cho rằng thực chất công tác cán bộ của Đảng là sai lầm nên mới sinh ra nhiều cán bộ hư hỏng như vậy (!?)…

Những luận điệu xuyên tạc đầy ác ý

Những luận điệu xuyên tạc về công tác cán bộ rêu rao rằng thực chất đội ngũ cán bộ hiện nay sai phạm nhiều là do sai lầm của Đảng trong lựa chọn cán bộ. Họ cho rằng việc lựa chọn cán bộ của Đảng chủ yếu là theo “cánh hẩu”, phe nhóm, con ông cháu cha mà đưa lên chứ không phải vì tài năng hay đạo đức. Các quan điểm sai trái, xuyên tạc ấy cho rằng để khắc phục tình trạng sai lầm này thì Đảng Cộng sản Việt Nam hãy để cho mọi người tranh cử công khai và không cần Đảng phải thực hiện công tác cán bộ…

Khi Đảng xử lý hàng loạt các cán bộ sai phạm, các luận điệu xuyên tạc lại rêu rao cho rằng đó chỉ là “phe cánh triệt hạ lẫn nhau”, là “thanh trừng phe phái”, là “loại người của bên thua cuộc” để đưa những người của bên “thắng cuộc” lên, vân vân và vân vân.

Họ cũng trắng trợn xuyên tạc cho rằng thực chất Đảng dung dưỡng cho cán bộ tham nhũng để chính những người ấy sẽ bảo vệ sự tồn tại cho chế độ. Đặc biệt, khi một số cán bộ ở cơ sở có các biểu hiện hách dịch, cửa quyền, tham nhũng bị báo chí phanh phui, các luận điệu xuyên tạc lại cho thực chất cán bộ- nhất là cán bộ cơ sở vô tài, bất đức, chỉ lo cho bản thân mình, phe nhóm mình mà không quan tâm đến người dân…

Trước những bất cập, yếu kém của một số cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở, họ tung ra những bài viết, bài nói để khoét sâu vào những bức xúc của người dân nhằm quy chụp, đánh giá phiến diện khi cho rằng tất cả những yếu kém, hạn chế ấy là do cán bộ. Và nguyên nhân của các yếu kém đó là công tác cán bộ của Đảng sai lầm với mục đích cuối cùng là đổ tất cả các hạn chế, bất cập ấy là tại… Đảng.

Sự thật không phải như vậy

Một sự thật là công tác cán bộ của Đảng trong những năm qua đã thu được nhiều kết quả rõ nét, một trong những kết quả rõ nét nhất chính là việc Đảng đã xây dựng được đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, ngày càng trưởng thành, lớn mạnh.

Trong thực tiễn hoạt động sôi động của hệ thống chính trị, thông qua công tác, mỗi cán bộ đã bộc lộ cả những điểm tốt và xấu, trong đó rõ ràng những điểm tốt vẫn là chủ đạo. Chúng ta vẫn thấy báo chí đưa tin về người cán bộ chỗ này chỗ kia tham nhũng, trục lợi, hành dân…

Thế nhưng, tất cả những câu chuyện buồn ấy chỉ đủ đếm trên một hoặc vài bàn tay, cao hơn hết thảy vẫn là tinh thần, trách nhiệm của đại bộ phận cán bộ, đảng viên của Đảng. Đại bộ phận trong số họ vẫn đang hằng ngày, hằng giờ tận tâm với công việc, với chức trách được giao. Thử hỏi, nếu tất cả họ đều tệ hại như những luận điệu xuyên tạc thì liệu chúng ta có thể có những thành tựu như hiện nay?

Công tác cán bộ của Đảng, nhất là từ sau Đại hội XII của Đảng, đã có nhiều đổi mới. Đảng đã ban hành rất nhiều các chỉ thị, nghị quyết về công tác cán bộ. Việc đánh giá cán bộ đã gắn chặt với chức trách, nhiệm vụ được giao, được thực hiện liên tục, xuyên suốt, nhiều chiều, theo những tiêu chí và bằng các sản phẩm cụ thể. Đặc biệt, công tác kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền lần đầu tiên đã đưa ra được các tiêu chí cụ thể trong Quy định 205-QĐ/TW và nay là Quy định 114-QĐ/TW. Công tác nhân sự được chỉ đạo chặt chẽ, kỹ lưỡng, bài bản. Từ Quy định 105-QĐ/TW của Đảng, nay là Quy định số 80-QĐ/TW, các cấp uỷ đã cụ thể hoá cho phù hợp với đặc điểm tình hình từng địa phương, đơn vị, song vẫn bảo đảm quy trình chặt chẽ theo đúng quy định, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch. Công tác tạo nguồn cán bộ đã được thực hiện từ rất sớm và theo những lộ trình bài bản, khả thi.

  Đánh giá về những thành tựu trong công tác cán bộ, Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Công tác cán bộ có nhiều đổi mới, được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ và đạt một số kết quả quan trọng; về tổng thể, đội ngũ cán bộ đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới (…) từng bước hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ; xây dựng, bổ sung, sửa đổi và ban hành mới nhiều quy định, quy chế về đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền…”. Tuy nhiên, Đại hội cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập của công tác này, đó là: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, mặc dù đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn còn không ít trường hợp chưa phản ánh đúng thực chất. Việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử có nơi chưa bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, cá biệt có nơi bố trí người nhà, người thân chưa đủ uy tín. Chính sách cán bộ chưa thực sự tạo động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc. Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều; nhiều cán bộ thiếu tính chuyên nghiệp…”.

Thế nhưng rõ ràng những hạn chế, khuyết điểm, thậm chí sai phạm của một số tập thể, cá nhân chỉ là cá biệt. Không thể chủ quan, phiến diện dựa vào thiếu sót, khuyết điểm của một vài tập thể, cá nhân mà phủ nhận sạch trơn vai trò của đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ của Đảng.

Công tác cán bộ là “then chốt” của “then chốt”

Nếu xây dựng Đảng được xem là “then chốt” thì công tác cán bộ của Đảng là “then chốt” của “then chốt”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên”. Như vậy, công tác tổ chức mà nòng cốt là công tác cán bộ có vai trò quan trọng và là một phương thức lãnh đạo của Đảng.

Vì tầm quan trọng của cán bộ và công tác cán bộ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc nên những nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh đều đánh giá cao vai trò của cán bộ và công tác cán bộ. Ngay từ năm 1844, Karl Marx đã khẳng định: “Muốn thực hiện tư tưởng thì cần có những con người sử dụng lực lượng thực tiễn” .

Trong thời kỳ lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền, V.I. Lênin khẳng định: “Trong lịch sử, chưa hề có một giai cấp nào giành được quyền thống trị nếu nó không đào tạo ra được trong hành ngũ của mình những lãnh tụ chính trị, những đại biểu tiên phong có đủ khả năng tổ chức và lãnh đạo phong trào”. Sau khi giành được chính quyền, nước Nga tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, Người tiếp tục khẳng định: “Nghiên cứu con người, tìm những cán bộ có bản lĩnh. Hiện nay đó là then chốt; nếu không thì tất cả mọi mệnh lệnh và quyết định sẽ chỉ là mớ giấy lộn”.

Hai năm sau khi giành được chính quyền, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” ; “công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” ; “cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng”. Nói về vai trò của công tác tổ chức cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Tuyển chọn, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng để có thể sử dụng tốt đội ngũ cán bộ có chất lượng cao là điều kiện cơ bản cho bộ máy tổ chức Đảng và các cơ quan công quyền vận hành tốt, có hiệu quả và ít bệnh tật”.

Rất nhiều các nghị quyết, chỉ thị của Đảng- nhất là từ khi Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước đều chỉ ra tầm quan trọng của công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khoá VIII khẳng định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng đảng”. Kết luận của Hội nghị Trung ương 9 khoá X khẳng định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng”.

Công tác tổ chức, trong đó bao hàm công tác cán bộ là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng nên có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Là đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, việc tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (HTCT), việc giới thiệu đảng viên cho các cơ quan của HTCT, việc đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ là công việc hệ trọng của Đảng. Vì vậy, kể từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất quán nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Không thể vì sự sai lầm, yếu kém hay hạn chế của một bộ phận cán bộ, đảng viên mà có thể buông lỏng công tác này.

Vì vậy, việc kêu gọi Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ vai trò lãnh đạo toàn diện công tác cán bộ là đòi hỏi vô lý, vừa không hiểu nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam, vừa mang dụng ý xấu.

Rõ ràng, cứ khi nào Đảng càng coi trọng và thực hiện hiệu quả công tác cán bộ thì các thế lực thù địch lại gia tăng các hoạt động xuyên tạc, chống phá. Chắc chắn các luận điệu xuyên tạc này sẽ khó mà tác động được đối với những cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, am hiểu sâu sắc vấn đề. Tuy nhiên, những luận điệu xuyên tạc này sẽ tác động không nhỏ đến tư tưởng, lòng tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ của Đảng. Vì vậy, việc tiếp nhận thông tin, nhìn nhận, đánh giá, phân tích vấn đề một cách khoa học, chính xác, khách quan sẽ giúp mỗi người nhận thức rõ vấn đề để đề cao cảnh giác, chỉ rõ những luận điệu xuyên tạc và đấu tranh phản bác trước các luận điệu xuyên tạc về đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ của Đảng.

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây