Bảo vệ trẻ em trước những mối nguy trên không gian mạng

Thứ tư - 31/05/2023 11:30 312 0

Thông tin của trẻ em nói riêng và thông tin cá nhân nói chung được chia sẻ tràn lan trên mạng và rất dễ tiếp cận. Việc bảo vệ trẻ em trước những thông tin độc hại trên không gian mạng cần sự vào cuộc của toàn xã hội.

Cảnh báo nhiều vụ lộ lọt thông tin trẻ em

Tại tọa đàm “Bảo vệ dữ liệu cá nhân và phòng chống thông tin độc hại đối với trẻ em trên mạng: Từ nhận thức đến chính sách và công nghệ” do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch VNISA Ngô Tuấn Anh cho hay, theo một nghiên cứu, độ tuổi trung bình trẻ em Việt Nam sở hữu điện thoại là 9 tuổi, sớm hơn thế giới 4 năm, trong khi độ tuổi trung bình trẻ có hiểu biết ban đầu về an toàn thông tin mạng là 13 tuổi.

“Hầu hết các em chưa được trang bị các kiến thức để bảo vệ thông tin cá nhân cũng như an toàn của bản thân khi tham gia môi trường mạng và vô hình chung, dữ liệu của các trẻ em cũng trở thành những miếng mồi của những kẻ xấu”, ông Ngô Tuấn Anh lưu ý.

Các vị khách mời chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: ĐT

Nhận định tình trạng lộ lọt, đánh cắp dữ liệu cá nhân, trong đó có dữ liệu của trẻ em khá phổ biến, bà Đinh Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho biết, hiện nay xảy ra nhiều vụ lộ lọt thông tin cá nhân. Việc lộ lọt không chỉ ở Việt Nam. Thực tế thông tin cá nhân là loại thông tin có nhiều giá trị nhất, là “mỏ vàng” kẻ xấu luôn nhắm tới. Kẻ lừa đảo khai thác nhiều thông tin cá nhân của người dùng, cha mẹ (CCCD, số tài khoản, điện thoại…) và trẻ em.

Theo bà Hoa, có một số nguyên nhân chính dẫn đến thông tin, dữ liệu của trẻ em bị lộ lọt. Nguyên nhân đầu tiên là do các hệ thống thông tin thu thập, lưu trữ dữ liệu người dùng nhưng chưa phê duyệt cấp độ và chưa được triển khai đầy đủ các phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ tương ứng dẫn đến dễ bị tấn công, khai thác.

Bên cạnh đó, thông tin của trẻ còn bị lộ lọt do nhận thức của người dùng chưa tốt, bất cẩn, cung cấp thông tin dễ dàng trên mạng. Nhiều bậc cha mẹ, nhiều trường học chưa lưu ý nhiều khi chia sẻ thông tin. “Vào dịp cuối năm học, việc chia sẻ thông tin tràn lan khi bố mẹ khoe bảng điểm, thành tích của con em sau một năm học rất thoải mái trên mạng. Từ đây, kẻ xấu có thể tiếp cận việc con bao nhiêu tuổi, học lớp nào và được bao nhiêu điểm học tập”, bà Hoa lấy ví dụ.

Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thu thập nhiều dữ liệu nhưng không bảo vệ an toàn; chia sẻ trái phép cho bên thứ ba; lộ lọt từ nhân viên quản lý dữ liệu. Cùng với đó, lừa đảo trực tuyến gia tăng, nhiều website được lập ra để thu thập thông tin cá nhân.

Chuyên gia Bùi Duy Thành, đại diện World Vision Việt Nam cho biết, từ dữ liệu cá nhân đánh cắp được, kẻ xấu có thể lợi dụng để tiếp tục xâm hại, bắt nạt, lừa đảo hướng tới đối tượng trẻ em.

Ở góc độ của tổ chức tham gia nhiều hoạt động bảo vệ trẻ em, chuyên gia Bùi Duy Thành cho rằng, khi đề cập đến tác động, ảnh hưởng của mất an toàn thông tin với trẻ em, chúng ta cần hiểu rằng hành vi đánh cắp thông tin cá nhân trẻ chỉ là bước đầu tiên, sau đó những kẻ xấu/kẻ phạm tội sẽ lợi dụng những thông tin đánh cắp được để tiếp tục xâm hại trẻ em, dẫn đến các hệ quả khác.

Ảnh minh họa. Ảnh: ITN 

“Nghiên cứu được Disrupting Harm thực hiện tại Việt Nam cũng như các nước khác trong khu vực đã chỉ ra rằng, rất nhiều vụ xâm hại bóc lột tình dục trẻ em trên mạng, bắt nạt trên mạng bắt đầu từ việc trẻ bị đánh cắp thông tin cá nhân như tên tuổi, địa chỉ, hình ảnh cá nhân, các bí mật đời tư”, ông Bùi Duy Thành thông tin.

Cũng theo đại diện World Vision Việt Nam, báo cáo hàng năm của kênh báo cáo quốc tế Cyber Tipline đã phần nào cho mức độ nghiêm trọng của tình trạng mất an toàn thông tin và xâm hại trẻ em trên mạng tại Việt Nam. “Đặc biệt, để nói về tác động, ảnh hưởng tiêu cực với trẻ em, tôi nghĩ rằng không có chia sẻ nào thật hơn chia sẻ đến từ chính các nạn nhân. Những cảm xúc được thể hiện thường xuyên và lặp đi lặp lại trong những câu chuyện mà các nạn nhân trẻ chia sẻ trong báo cáo của Disrupting Harm là: sợ hãi, bất lực, ghê tởm, xấu hổ, nhục nhã, bị bỏ rơi và cô đơn…”, ông Bùi Duy Thành nói.

Đồng quan điểm trên, chia sẻ tác động của những thông tin độc hại trên môi trường mạng đối với trẻ em, ông Đỗ Dương Hiển (Childfund Việt Nam) cho biết trong quá trình làm việc và thực hiện các khảo sát đánh giá cho thấy có những bằng chứng rõ ràng về việc ảnh hưởng tâm lý của trẻ khi tiếp xúc với thông tin không phù hợp. Có số liệu cho thấy 20% trẻ em có những cảm giác sợ hãi, ghê tởm khi xem các clip bạo lực và hành vi tình dục trong 1 tháng sau khi tiếp cận thông tin.

Cũng theo ông Hiển, đã có một báo cáo của quốc tế năm 2022 cho biết có 1 triệu báo cáo của các công ty công nghệ đến từ Việt Nam liên quan đến hình ảnh xâm hại tình dục trẻ em trên mạng, tăng 20% so với 2021.

Cần phải có biện pháp để xác thực định danh trẻ em và giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội cho trẻ. Ảnh minh hoạ: TL

Phòng ngừa vẫn là việc quan trọng nhất

Phó Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Thị Nga cũng cho rằng, tổn thương mà trẻ phải đổi mặt khi thông tin cá nhân bị chia sẻ lên mạng, bị kẻ xấu lợi dụng là rất lớn. Ảnh hưởng đầu tiên là gây khó chịu với trẻ, nguy hại hơn là liên quan đến lừa đảo, lạm dụng. Từ việc lộ lọt thông tin cá nhân, còn có thể đưa đến việc trẻ bị bắt nạn, lạm dụng trên mạng.

“Chúng tôi cho rằng, công tác phòng ngừa vẫn là quan trọng nhất. Rất cần sự quan tâm thực sự của cha mẹ cùng trẻ em trên môi trường mạng. Nếu trẻ bị lừa gạt thông qua việc lộ lọt các thông tin trên mạng, cha mẹ và thầy cô cần phải luôn bên cạnh để đồng hành cùng con”, bà Nga nêu quan điểm.

Bà Nguyễn Thị Nga nhấn mạnh: Hệ thống pháp luật tại Việt Nam đến thời điểm này quy định quyền riêng tư, bí mật của trẻ em đã có. Từ quy định cần phải chuyển thành kiến thức kỹ năng của trẻ em, cha mẹ.

Bà Đinh Thị Như Hoa, Cục An toàn Thông tin cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã bổ sung các quy định về xử lý vi phạm thu thập thông tin cá nhân. Mức phạt có thể lên đến 40 - 60 triệu đồng. Điều cần làm là chúng ta nâng cao nhận thức của các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân. Bộ TT&TT cũng đang triển khai đánh giá sản phẩm, dịch vụ số bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, trong đó sẽ tiến hành đánh giá 2 nhóm sản phẩm gồm bảo vệ trẻ em; hỗ trợ trẻ em trong học tập vui chơi giải trí.

Bên cạnh hành lang pháp lý về thanh tra, kiểm tra, bà Hoa cho rằng cần nâng cao nhận thức tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp, cá nhân.

Ông Trần Quang Đạt, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, chương trình giáo dục phổ thông đã quy định Tin học là môn bắt buộc. Tuy nhiên, chương trình học, thời lượng giới hạn và chỉ đào tạo các kiến thức cơ bản nên việc phòng ngừa thông tin xấu mới chỉ mang tính lồng ghép. Bộ GD&ĐT chủ trương sẽ triển khai tổ chức các diễn đàn để đào tạo kỹ năng cho học sinh nhằm xử lý các vấn đề gây nguy hại trên mạng.

Theo Thượng tá Chu Đại Thông, Phó trưởng Phòng 7, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao - Bộ Công an, thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tiến hành kiểm tra việc thi hành Nghị định về bảo vệ thông tin cá nhân nhằm bảo vệ thông tin của người dùng nói chung và thông tin về trẻ em nói riêng. Qua đó, sẽ hạn chế các thông tin cá nhân, các thông tin trẻ em được rao bán và sử dụng bất hợp pháp trên mạng./.

Đỗ Thoa

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo điện tử ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây