Hướng đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11: Những người chèo đò trên dòng sông tri thức

Thứ tư - 15/11/2023 15:39 163 0

Không phải bây giờ, từ ngàn đời nay, nghề dạy học được nhìn nhận là một nghề cao quý

Cô giáo Nguyễn Thị Oanh trên lớp 

“Con người luôn nằm ở trung tâm của mọi chính sách và hoạch định tương lai. Sức mạnh của một dân tộc không phải nằm ở tài nguyên trong lòng đất, lòng biển mà là ở nguồn nhân lực chất lượng cao, có trí tuệ, tri thức và phẩm giá. Bác Hồ từng nhấn mạnh: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc”. Quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta luôn coi “giáo dục và đào tạo cùng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”. Trí thức và nguồn nhân lực chất lượng cao là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.

 Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu khi về thăm trường cũ, ngày 13.11.2023.

Trước khi đến với nghề dạy học, một người học sư phạm theo ước nguyện của cha, người còn lại từng muốn trở thành cảnh sát hình sự. Nhưng, nghề chọn người, sau hàng chục năm gắn bó với phấn trắng bảng đen, họ cho biết không có gì nuối tiếc và bản thân cũng không thay đổi nếu được chọn lại từ đầu.

Họ đến với nghề giáo như thế

“Khi còn học phổ thông, tôi muốn sau này trở thành một cảnh sát hình sự, góp phần vào sự bình yên của cuộc sống. Hết phổ thông, tôi làm hồ sơ thi vào trường công an nhưng không thành công nên thi vào trường sư phạm. Thấm thoắt đã mười ba năm đứng trên bục giảng”- thầy giáo Nguyễn Việt Long, giáo viên dạy thể dục Trường tiểu học Hoàng Lê Kha, huyện Châu Thành mở đầu câu chuyện.

Thầy Long trong tiết dạy thể dục

Tốt nghiệp sư phạm, thầy giáo trẻ về công tác tại một trường tiểu học thuộc xã Tân Phong, huyện Tân Biên. Ba năm công tác ở vùng sâu vùng xa, điều thầy giáo trẻ nhớ nhất, trân trọng nhất đến hôm nay, là được sự động viên, giúp đỡ, hướng dẫn của lãnh đạo nhà trường. Chuyển công tác về Trường tiểu học Hoàng Lê Kha, huyện Châu Thành, thầy giáo Long vẫn chưa quên thời gian dạy học tại ngôi trường đầu tiên và những lần dẫn học sinh đi thi đấu các môn thể thao, thầy trò thắng lớn trong môn cờ vua.

Trong chuyên môn, theo thầy Long, để thành công, cần học tập, tập luyện nghiêm túc, thậm chí khổ luyện. “Mười ba năm trong nghề dạy học, tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm, từ đó huấn luyện học sinh đạt nhiều kết quả khá ấn tượng”- thầy Long cho biết. "Dạy thể dục thể thao, thi đấu các giải cấp huyện, tỉnh, không phải lúc nào cũng thành công, những lúc thất bại, tôi động viên học sinh không nên buồn, mỗi lần thất bại cho ta thêm bài học kinh nghiệm để lần sau đạt kết quả tốt hơn. Tôi cũng dạy học sinh rằng, một trí tuệ tốt cần cơ thể khoẻ mạnh, không được đánh giá thấp môn học này”- thầy Long nói về môn học anh đang dạy.

Dưới con mắt chuyên môn, thầy Long mong muốn Nhà nước đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, điều kiện dạy học cho tất cả các môn học, không riêng gì môn Thể dục. “Niềm vui lớn nhất của tôi- một giáo viên dạy giáo dục thể chất, là nhìn học sinh em nào cũng khoẻ mạnh. Tôi chẳng có gì tiếc nuối về lựa chọn nghề nghiệp của mình, tôi cũng chưa từng có ý nghĩ thay nghề đổi nghiệp”- thầy Long chia sẻ.

Cũng có nét tương đồng trong lựa chọn nghề nghiệp ban đầu với thầy giáo Nguyễn Việt Long ở Châu Thành, cô giáo Nguyễn Thị Oanh- giáo viên Trường tiểu học Bùi Thị Xuân, TP. Tây Ninh từng ấp ủ trở thành một quân nhân. “Có một chuyện riêng tư của gia đình khiến tôi thay đổi ý định thi vào trường quân đội. Cha tôi là một giáo viên. Đất nước có chiến tranh, ông phải rời bục giảng để cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Ngày lên đường vào quân ngũ, cha nói với mẹ tôi, ông muốn con gái của mình tiếp bước sự nghiệp giáo dục. Tôi thi vào trường sư phạm vì lý do đó”- cô Oanh chia sẻ về câu chuyện riêng của mình.

Tốt nghiệp sư phạm, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Oanh về dạy học ở một trường tiểu học vùng sâu thuộc huyện biên giới Tân Biên. “Kỷ niệm đáng nhớ trong thời gian dạy học ở vùng biên giới Tân Biên là, Ngày Nhà giáo 20.11, năm đầu tiên đứng lớp, một em học sinh tặng cô giáo trẻ bó hoa rừng hái ở ven đường”- cô Oanh nhớ lại. Hơn 20 năm đứng lớp, theo cô Oanh, không phải không có những nốt trầm, bởi thu nhập chính của người giáo viên tiểu học- cả trước đây và hiện nay- cơ bản chỉ có đồng lương, không phải ai cũng dạy thêm.

“Khó khăn, nhưng tôi chưa bao giờ có ý định tìm một công việc khác. Bằng nỗ lực cá nhân, cộng với sự giúp đỡ của lãnh đạo, hỗ trợ của đồng nghiệp, tôi đạt được thành công nhất định trong chuyên môn. Tôi được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, được UBND tỉnh tặng bằng khen. Nhưng, chắp cánh ước mơ cho nhiều thế hệ học sinh mới là điều khiến tôi vui nhất. Chỉ muốn nói thật lòng mình, rằng nghề nào cũng có điều này điều khác, nhưng đã chọn nghề dạy học, thì mỗi giờ lên lớp phải hết mình vì học sinh, bởi phụ huynh, xã hội đã gửi gắm niềm tin cho nhà trường, cho thầy cô”- cô Oanh bày tỏ cảm xúc cá nhân.

Sống được nhiều cuộc đời

Dù còn đó những bất cập, hạn chế và cả tiêu cực, song dạy học vẫn là một nghề được xã hội trân trọng. Không phải bây giờ, từ ngàn đời nay, nghề dạy học được nhìn nhận là một nghề cao quý. Do đặc trưng của nghề nghiệp, người thầy giáo giỏi phải là người có thể đóng được nhiều vai: một diễn viên, một nhà hùng biện, một người kể chuyện và đồng thời là một nhà tổ chức.

Đứng trên bục giảng, người thầy cần biết truyền cảm hứng cho học sinh, vì nếu không làm được điều ấy, tiết học sẽ trở nên nhàm chán, nặng nề. Nếu chỉ dạy kiến thức trong sách vở, đó chỉ là những người “thợ dạy” chứ chưa thể gọi là “kỹ sư tâm hồn”. Ngoài kiến thức trong bài học, giáo viên còn dạy cho các em lẽ sống ở trên đời.

Dạy học có thể coi là một nghề đặc biệt, bởi nghề này đòi hỏi những yêu cầu trong khi nhiều nghề khác không bắt buộc phải có. Một trong những yêu cầu đó là thầy cô giáo phải thật sự gắn bó với học trò. Nếu không làm được điều này, mối quan hệ giữa thầy và trò sẽ trở nên xa lạ, bởi khi đó, người thầy chỉ như một người bán chữ, một anh "thợ dạy" hay một người cung cấp dịch vụ không hơn không kém.

Một giáo viên kể, anh chỉ biết được hoàn cảnh đáng thương của một học trò trong lớp anh đang làm chủ nhiệm khi em học trò đó xuất hiện trên báo chí. Trước đó, biết được hoàn cảnh đặc biệt của em, một nhà báo đã viết bài kêu gọi sự ủng hộ cho nữ sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống một mình trong căn nhà tồi tàn. Hoàn cảnh của em học sinh đó như thế nhưng thầy giáo chủ nhiệm hoàn toàn không biết. Thầy chỉ biết rằng, mỗi khi thầy nhắc đóng tiền, em học sinh đó chỉ cúi đầu. Nếu không quan tâm, không tìm hiểu, người thầy không thể biết được những khó khăn học trò của mình đang phải chịu đựng. Người thầy, như một ai đó đã nói, phải "sống được nhiều cuộc đời" mới thấu hiểu đối tượng mình đang dạy.

Việt Đông - Hoàng Yến

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây