Xây dựng môi trường văn hóa, gia đình hạnh phúc ở Tây Ninh

Thứ sáu - 25/10/2024 14:09 44 0

Trên cơ sở việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2024 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, công tác xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng gia đình hạnh phúc được đẩy mạnh với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác phối hợp nhịp nhàng của các sở, ban, ngành, UBND các địa phương trong việc triển khai thực hiện.

Qua 10 năm triển khai thực hiện, Tây Ninh cơ bản đã đạt được một số thành quả nhất định. Các chuẩn mực giá trị văn hóa, nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật của lực lượng nhân lực làm công tác văn hóa được nâng cao; tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc thấm nhuần và phát huy; vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm của con người được coi trọng phát huy hơn. Chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hoá từng bước được nâng cao; xây dựng môi trường văn hoá đã được chú trọng, nhiều giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc và của từng vùng, miền được kế thừa. Nhiều di sản văn hoá được bảo tồn, phát huy. Đời sống văn hoá của nhân dân không ngừng được cải thiện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; giải quyết hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội... góp phần đảm bảo an ninh trật tự, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

Về xây dựng môi trường văn hóa

Để đạt các mục tiêu trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Tây Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, thì công tác xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh là nhiệm vụ trọng tâm được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên thông qua việc triển khai thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh thông qua việc xây dựng, triển khai thực hiện các tiêu chí và xét công nhận các danh hiệu: “Gia đình văn hóa”, “Ấp, khu phố văn hóa”; “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”; “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”; “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”. Chỉ đạo hướng dẫn, tập huấn đến cơ sở trong công tác tuyên truyền, thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trong đó chú trọng đến nội dung đăng ký, bình xét các danh hiệu của phong trào.

Công tác xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được lồng ghép, đưa vào trong các tiêu chí, tiêu chuẩn bình xét các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “ấp, khu phố văn hóa”, “xã, phường, thị trấn văn hóa”, “đơn vị văn hóa”, “điểm sáng văn hóa biên giới”, đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh vào quy ước khu dân cư…; qua đó tuyên truyền các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đến tổ dân cư tự quản, đến các lực lượng trong xã hội một cách hiệu quả thiết thực, từng bước đẩy lùi tiêu cực, lạc hậu trong các lễ nghĩa, nghi thức khi tổ chức việc cưới, việc tang. Những nét đẹp truyền thống trong việc cưới, việc tang được giữ gìn và phát huy; vận động các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tham gia tích cực phong trào, phát huy các giá trị đạo đức tôn giáo, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, không để xảy ra mất đoàn kết nội bộ, thực hiện phương châm tốt đời, đẹp đạo.

Chiến sĩ lực lượng vũ trang thị xã Hòa Thành chăm sóc cảnh quan môi trường trong doanh trại sáng, xanh, sạch, đẹp.

Chiến sĩ lực lượng vũ trang thị xã Hòa Thành chăm sóc cảnh quan môi trường trong doanh trại sáng, xanh, sạch, đẹp.

Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được thực hiện mang tính thường xuyên. Hàng năm, đầu tư kinh phí thực hiện kế hoạch kiểm kê, lập hồ sơ khoa học đối với các loại hình tiếng nói, chữ viết dân tộc Chăm, dân tộc Khmer; tiếng nói tộc người Tà Mun. Các lễ hội văn hóa của đồng bào các dân tộc ít người, các tôn giáo ở địa phương được thống kê, gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống, góp phần làm phong phú, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, gắn kết, định hướng phát triển du lịch. Các hoạt động về biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, phục vụ sách bảo, trưng bày triển lãm, thông tin cổ động được quan tâm thực hiện, góp phần đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của các tầng lớp nhân dân.

Công tác bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa ở địa phương gắn với phát triển du lịch. Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh tăng khá rõ rệt, từ 83 di tích lịch sử văn hoá được xếp hạng vào năm 2013, đến nay có 96 di tích đã được xếp hạng (trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 27 di tích quốc gia và 68 di tích cấp tỉnh) được phân bố ở 9 huyện, thị xã, thành phố; các loại hình di sản văn hóa phi vật thể không ngừng tăng, từ 2 loại hình di sản văn hóa phi vật thể được công nhận vào năm 2013, đến nay đã có 8 loại hình di sản văn hóa phi vật thể được công nhận. Đó là: Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ; Lễ hội Kỳ Yên đình Gia Lộc Trảng Bàng; Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa trống Chhay- dăm; Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu - Núi Bà Đen; Lễ hội Quan lớn Trà Vong; Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng; Nghệ thuật chế biến món ăn Chay và Nghề làm muối ớt Tây Ninh), chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa đặc trưng vùng đất và con người Tây Ninh, là một lợi thế vô cùng to lớn để khai thác, phát huy giá trị, thu hút, phát triển du lịch.

Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa được đảm bảo, ngoài việc triển khai thực hiện các văn bản pháp luật quy định, Tây Ninh đã chủ động cụ thể hóa các văn bản của cấp trên để công tác quản lý được thuận lợi hơn, cùng với đó xây dựng một số văn bản quản lý các hoạt động văn hóa mang tính đặc thù riêng của địa phương, qua đó tạo điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước, phát triển sự nghiệp văn hóa đối với các hoạt động và dịch vụ văn hóa; hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc kết hợp với hoạt động phát triển du lịch.

Hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư hoàn thiện từ xây dựng cơ sở vật chất đến bộ mày tổ chức và kinh phí hoạt động. Đến nay, tỉnh đã có tổng cộng 424 thiết chế văn hóa, thể thao công lập với 578 câu lạc bộ, đội nhóm văn hóa văn nghệ quần chúng và hơn 300 câu lạc bộ, đội, nhóm thể thao được thành lập, hoạt động thường xuyên; Hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh được phát triển đồng bộ, được phủ kín từ tỉnh đến cơ sở, 100% thư viện cấp huyện đều được trang bị máy vi tính được kết nối mạng Internet; 94/94 xã, phường, thị trấn đều có tủ sách phục vụ nhu cầu nghiên cứu và học tập của người dân.

Hoạt động dịch vụ văn hóa được các tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư phát triển, hoạt động rộng khắp trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa của người dân. Bên cạnh, thông qua các chính sách xã hội hóa, bình quân hằng năm các địa phương đã vận động các nguồn tài trợ kinh phí nhằm nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động tại hệ thống thiết chế văn hóa, trong đó bình quân từ 50 đến 100 triệu đồng/năm/01 trung tâm đối với các hoạt động văn hóa, văn nghệ cấp huyện và từ 20 đến 50 triệu/năm/01 trung tâm đối với cấp xã, phường, thị trấn, ngoài ra còn vận động kinh phí đầu tư tổ chức các hoạt động lễ hội tại địa phương như lễ kỳ yên tại các dinh, đình bình quân từ 70 đến 100 triệu/01 lễ hội; vận động các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng, sửa chữa, tôn tạo di tích các cấp, bình quân trên 1 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh, việc xây dựng môi trường văn hóa trong chính trị và kinh tế được xác định là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, được triển khai gắn liền với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về công tác xây dựng Đảng và việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI và nay là Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trên lĩnh vực văn hóa, làm cho nội bộ thật sự đoàn kết, thống nhất; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tuỵ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thực dụng trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên.

Lễ hội Nghề làm Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

Lễ hội Nghề làm Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

Công tác xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, tiến bộ

Công tác triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam ở địa phương được xác định là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình hoạt động của các cấp ủy Đảng và chính quyền, đoàn thể, tổ chức đoàn thể và đã đạt được một số kết quả nhất định thông qua việc triển khai và thực hiện hiệu quả Quyết định số 629/QĐ-TTg ngày 29/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Thông qua công tác chỉ đạo và thực hiện, từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức Chính trị - Xã hội và đông đảo tầng lớp nhân dân đối với việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh và thực hiện các nhiệm vụ về công tác gia đình. Việc thực hiện bình đẳng giới trong gia đình; công tác tuyên truyền, giáo dục về cách ứng xử trong gia đình, phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong hoạt động tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam được sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư một trong những nhân tố tích cực góp phần thực hiện có hiệu quả mô hình phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) góp phần kéo giảm tình trạng bạo lực gia đình theo hằng năm, cụ thể: theo thống kê, năm 2014 xảy ra 140 vụ BLGĐ; năm 2018 xảy ra 90 vụ; năm 2022 xảy ra 20 vụ và đến cuối năm 2023 không có xảy ra vụ BLGĐ nào.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách cư xử tốt đẹp trong gia đình Việt Nam, Ban Chỉ đạo Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và công tác Gia đình tỉnh duy trì tổ chức Liên hoan gia đình văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh hằng năm nhằm tôn vinh các gia đình văn hóa tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, góp phần cho các gia đình nhận thức rõ hơn trong việc giữ gìn hạnh phúc và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

Tính đến cuối năm 2023, Tây Ninh có: 9/9 Trung tâm văn hóa huyện, thành phố hoạt động có hiệu quả đạt tỷ lệ 100%; 9/9 Thư viện cấp huyện đều được trang bị máy vi tính được kết nối mạng Internet; 94 xã, phường, thị trấn đều có tủ sách phục vụ nhu cầu nghiên cứu và học tập của người dân đạt tỷ lệ 100% (vượt 10% so với chỉ tiêu CTHĐ 41-CTr/TU); 94/94 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng, đạt 100%; 301/401 số ấp có Nhà văn hóa ấp, liên ấp và 12 Nhà văn hóa dân tộc, đạt 75% (vượt 15% so với chỉ tiêu CTHĐ 41- CTr/TU).
Toàn tỉnh có 96 di tích được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa được tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí đầu tư hơn 250 tỷ đồng; 269.165/296.084 gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 90,91% (vượt 21,91% so với chỉ tiêu CTHĐ 41-CTr/TU); 532/535 ấp, khu phố đạt chuẩn danh hiệu ấp, khu phố văn hoá, đạt tỷ lệ 99,44% (vượt 29,44%% so với chỉ tiêu CTHĐ 41-CTr/TU); Số bản sách trong hệ thống thư viện công cộng đạt 0,7 bản/người; 1.229/1.315 cơ quan, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá, đạt tỷ lệ 93.4% (vượt 3,4% so với chỉ tiêu CTHĐ 41-CTr/TU).

Qua công tác xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng gia đình hạnh phúc trên địa bàn tỉnh Tây Ninh trong những năm qua, nhận thức xã hội về văn hóa tiếp tục nâng lên; nhiệm vụ “xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân -thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học” là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và nhiệm vụ trọng tâm của ngành văn hóa, thể thao và du lịch từ tỉnh đến cơ sở. Vai trò văn hóa tiếp tục được coi trọng; kế hoạch phát triển văn hóa được các ngành các cấp quan tâm triển khai thực hiện. Các tầng lớp nhân dân tự nguyện, tự giác tham gia các hoạt động xây dựng và phát triển văn hóa, đời sống văn hóa cơ sở phong phú, đa dạng.

ác tập thể được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có Thành tích xuất sắc trong thực hiện Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và công tác gia đình trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2023

Các tập thể được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có Thành tích xuất sắc trong thực hiện Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và công tác gia đình trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2023.

Giải pháp trong thời gian tới

Trên cơ sở các thành quả đạt được, để tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng gia đình hạnh phúc trên địa bàn tỉnh, Tây Ninh đã xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

Thứ nhất, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở và người dân ở nông thôn về nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa. Hàng năm đưa nội dung chỉ tiêu, nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa vào Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, chương trình, kế hoạch của chính quyền các cấp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả; phát huy tinh thần chủ động, tích cực, nỗ lực của người dân và vai trò tự quản của cộng đồng trong quá trình xây dựng, phát triển văn hóa cơ sở.

Tiếp tục xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường sự phối hợp, hỗ trợ của các ban, ngành và đoàn thể ở các cấp thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa nói chung và xây dựng môi trường văn hóa nói riêng. Đổi mới phương thức chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ cũng như đa dạng hóa các phương thức, hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp người dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa; huy động sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực cho sự phát triển văn hóa tại các địa phương.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện các Nghị định, Quyết định và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về văn hóa tại các địa phương; hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở nhằm nâng cao hiệu quả công tác triển khai, tổ chức thực hiện.

Đa dạng hóa nội dung, phương thức triển khai thực hiện, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, sự linh hoạt, chủ động, sáng tạo triển khai, thực hiện nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tế các địa phương nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các Nghị định, Quyết định và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về văn hóa.

Thứ hai, tăng cường nguồn lực phát triển văn hóa cơ sở.

Gắn các mục tiêu, chỉ tiêu của từng lĩnh vực văn hóa với các cuộc vận động, các phong trào thi đua khác nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực cho sự phát triển và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa.

Thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích xã hội hóa và huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư cơ sở vật chất cho phát triển văn hóa, đặc biệt ưu tiên các vùng nông thôn, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục triển khai và đẩy mạnh việc thực hiện Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao ở cơ sở, tạo sự đột phá trong phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trên lĩnh vực văn hóa cơ sở.

Thứ ba, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa.

Đẩy mạnh hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Kết hợp hài hòa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững. Tiếp tục thực hiện đạt hiệu quả việc phân cấp quản lý di tích, qua đó huy động sức mạnh của toàn xã hội tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc. Chú trọng công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ đã được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, di sản phi vật thể được công nhận cấp quốc gia.

Xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở; trong đó quan tâm nâng cấp, xây dựng mới thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn các xã khu vực nông thôn, vùng sâu, biên giới.

Đổi mới nâng cao số lượng và chất lượng nghệ thuật các chương trình biểu diễn phục vụ nhân dân các vùng nông thôn, vùng sâu, biên giới theo Quyết định 170/2003/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2003 của Thủ tướng chính phủ về “Chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa”, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng cơ sở, khơi dậy khát vọng tiềm năng sáng tạo của nhân dân địa phương nâng cao đới sống tinh thần, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Thứ tư, việc xây dựng môi trường văn hóa phải được gắn kết và nằm trong công tác xây dựng văn hóa, xã hội lành mạnh làm nền tảng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; rà soát, bổ sung, điều chỉnh các tiêu chí đi vào thực chất, đúng quy định; thông qua các cuộc vận động của phong trào xây dựng nếp sống văn hóa trong gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về trí tuệ, phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, coi trọng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý, văn hóa trong kinh doanh, văn hóa trong ứng xử; làm cho giá trị văn hóa tốt đẹp thấm sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội; gia đình văn hóa, ấp, khu phố văn hóa, xã văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn văn minh, đơn vị văn hóa thật sự là danh hiệu thi đua thúc đẩy phong trào thi đua ở cơ sở.

Tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành về vị trí, vai trò, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội; kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển; nâng cao năng lực của gia đình trong xây dựng môi trường văn hóa trong cộng đồng, khu dân cư và phát triển kinh tế./.

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Tạp chí Tuyên giáo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây