Quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình qua tổng đài

Thứ hai - 01/01/2024 13:09 149 0

Ngày 1.11.2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Nghị định quy định về quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình qua tổng đài. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 25.12.2023.

Hành vi bạo lực gia đình được Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. Cá nhân khi phát hiện hành vi bạo lực gia đình có trách nhiệm báo tin, tố giác ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để giải quyết theo quy định.

Địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình bao gồm: UBND cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; Cơ quan Công an, Đồn Biên phòng gần nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; Cơ sở giáo dục nơi người bị bạo lực gia đình là người học; Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; Người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình. Việc báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình thực hiện theo các hình thức gọi điện, nhắn tin, gửi đơn, thư, trực tiếp báo tin.

Quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình qua tổng đài được thực hiện như sau:

Người bị bạo lực gia đình hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện hành vi bạo lực gia đình thì gọi đến số điện thoại của tổng đài để báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình. Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình sử dụng số điện thoại ngắn có ba chữ số để tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình. Tổng đài hoạt động 24 giờ tất cả các ngày để tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động. Tổng đài thực hiện ghi âm tự động và chi trả phí viễn thông đối với tất cả các cuộc gọi đến, gọi đi. Tổng đài được quảng bá số điện thoại theo quy định của pháp luật.

Người tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình qua số điện thoại của tổng đài thực hiện ghi chép nội dung thông tin tiếp nhận theo mẫu đồng thời thực hiện tư vấn tâm lý, cung cấp kỹ năng ứng phó với hành vi bạo lực gia đình.

Ngay sau khi kết thúc việc tiếp nhận tin báo, tố giác hành vi bạo lực gia đình, người tiếp nhận phải thông báo cho chủ tịch UBND cấp xã nơi được thông tin xảy ra hành vi bạo lực gia đình để giải quyết theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

Chủ tịch UBND cấp xã tiếp nhận thông báo nơi được thông tin xảy ra hành vi bạo lực gia đình phải có trách nhiệm xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình như: thực hiện phân loại tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình; báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự đối với trường hợp tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình có dấu hiệu tội phạm; phân công Công an xã, phường, thị trấn xử lý trong trường hợp người bị bạo lực là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc hoặc hành vi bạo lực gia đình đã hoặc có khả năng gây nguy hiểm đến sức khoẻ, tính mạng của người bị bạo lực. Đồng thời xử lý theo thẩm quyền ngay khi tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình hoặc nhận được báo cáo về hành vi bạo lực gia đình của tổ chức, cá nhân quy định tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 1 Điều 19 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Trong quá trình xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình, theo thẩm quyền, chủ tịch UBND cấp xã căn cứ thực tiễn mời đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến người bị bạo lực gia đình tham gia để bảo vệ, hỗ trợ, tư vấn tâm lý và cung cấp các kỹ năng ứng phó với bạo lực gia đình; phối hợp với cơ quan, người có thẩm quyền xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này. Trường hợp tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình mà người bị bạo lực gia đình là trẻ em thì việc xử lý theo quy định của pháp luật về trẻ em.

Nghị định cũng quy định rõ tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình có nhiệm vụ: tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân; hướng dẫn người bị bạo lực gia đình tới cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để được bảo vệ, hỗ trợ. Đồng thời chuyển tin báo, tố giác tới chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình. Trường hợp có dấu hiệu tội phạm phải báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự; cung cấp thông tin khi có đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc cơ quan, tổ chức, người trực tiếp báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình và lưu trữ, phân tích, tổng hợp thông tin, dữ liệu; thực hiện báo cáo theo quy định của pháp luật.

LG. Ngọc Linh

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây