Cảnh giác khi được nhờ vận chuyển, cầm giữ đồ

Thứ ba - 07/11/2023 14:50 100 0

Nhiều ý kiến cho rằng, việc có người nhờ vận chuyển hay cầm hộ hàng hoá qua biên giới hoặc tại sân bay, bến tàu, bến xe là bình thường. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, giúp người khác cầm hộ, vận chuyển hàng hoá có thể sẽ phải đối mặt với trách nhiệm pháp lý rất nặng nề.

Người dân cần cẩn thận khi được nhờ vận chuyển, cầm giữ đồ để tránh rủi ro pháp lý có thể xảy ra (ảnh minh họa)

Chị Phạm Thị Nhãn (ngụ xã Hòa Hội, huyện Châu Thành) cho biết, có lần khi đang xếp hàng chờ làm thủ tục tại sân bay, chị được một người đi cùng chuyến bay nhờ xách hộ hành lý. Tuy nhiên, chị đã từ chối, vì e ngại những thứ họ nhờ có hàng cấm thì sẽ gặp hệ lụy khó lường.

“Mọi người cần phải cẩn thận, không được chủ quan trong trường hợp người khác nhờ cầm giùm, giữ hộ đồ, xách giúp hành lý. Đó là cách để tự bảo vệ bản thân. Đừng để lòng tốt bị kẻ xấu lợi dụng để vận chuyển ma túy, văn hóa phẩm độc hại” - chị Nhãn nói.

Tương tự, anh Hồng Phúc (ngụ huyện Dương Minh Châu) cho biết, đã từng được người lạ nhờ xách giùm đồ tại bến xe. “Họ nhờ tôi xách giùm một túi màu đen, do mang theo nhiều đồ, không cầm hết được lên xe. Họ phân trần, giải thích đủ điều, nhưng tôi từ chối. Tôi sợ trong những thứ họ nhờ cầm giùm lỡ có hàng cấm thì tôi có nguy cơ trở thành tội phạm” - anh Phúc bày tỏ.

Thực tế, lực lượng chức năng đã từng bắt giữ nhiều trường hợp vô tình vận chuyển, cầm giữ hộ hàng hóa mà trrong đó có hàng cấm, ma túy. Qua điều tra, các đối tượng khai rằng họ được nhờ trông, xách đồ giúp từ người thân hoặc người không quen biết tại khu vực công cộng. Khoảng 20 giờ ngày 8.6.2017, trên đường Võ Văn Truyện, đoạn thuộc phường 2, TP. Tây Ninh, lực lượng Công an đã kiểm tra và phát hiện T.T.N (sinh năm 1982, ngụ quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) có hành vi vận chuyển 2 bịch nylon bên trong là ma túy, loại Methamphetamine, trọng lượng 34,0099 gam.

Qua điều tra xác định, tháng 4.2017, thông qua mối quan hệ bạn bè, N đã quen biết với một người tên Sơn (chưa rõ lai lịch). Ngày 8.6.2017, Sơn điện thoại hẹn gặp N tại ngã tư chợ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh). Tại đây, Sơn bảo N điều khiển xe mô tô lên Bến xe Tây Ninh để giao cho một người tên Trung (không rõ lai lịch) với số tiền công 300.000 đồng.

Trước khi đi, N thấy trên xe có treo hai túi nylon nên hỏi Sơn là đồ gì? Sơn cho biết đó là đồ của Trung nên đem trả lại. Sau khi N điều khiển xe mô tô đến Bến xe Tây Ninh để giao xe cho Trung thì bị Công an kiểm tra, bắt giữ cùng tang vật.

Tại phiên tòa, N khai do quen biết với Sơn, được Sơn nhiều lần cho tiền xài nên tin tưởng và vận chuyển hàng giùm Sơn… nhưng không biết trong bịch nylon đó có ma túy. Với hành vi trên, TAND TP.Tây Ninh đã tuyên phạt T.T.N 10 năm tù giam về tội vận chuyển trái phép chất ma túy.

 Theo một luật gia thuộc Hội Luật gia tỉnh, nguyên nhân có thể do chủ quan, thiếu sự cảnh giác, không nắm rõ những quy định pháp luật hay chỉ vì lòng tốt mà nhiều người giúp vận chuyển, cầm hộ hàng hóa qua biên giới hoặc tại sân bay, bến tàu, bến xe. Tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm, hành vi giúp người khác cầm hộ, vận chuyển hàng hoá sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

Cụ thể, theo khoản 4 Điều 5 Luật Phòng chống ma tuý năm 2021, việc giao, nhận chất ma túy, tiền chất ma túy trái quy định của pháp luật là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Khoản 1 Điều 250 Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào vận chuyển trái phép chất ma túy không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị phạt tù từ 2 - 7 năm. Trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; vận chuyển qua biên giới… có thể bị phạt tù từ 7 - 15 năm. 

Theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 4 Điều 250 Bộ luật Hình sự năm 2015, trường hợp vận chuyển nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên; vận chuyển hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, trong đó có Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy).

Ngoài ra, cũng theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, việc vận chuyển hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái quy định của pháp luật, tuỳ mức độ, giá trị hàng hoá có thể phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm.

Để tránh rủi ro khi xách hộ hành lý tại sân bay, nơi công cộng, Bộ Công an đề nghị người dân khi được nhờ cầm hộ hàng hoá, nhất là cầm hộ qua biên giới, cần phải kiểm tra, xác định rõ hành vi đó có trái quy định của pháp luật không. Trường hợp di chuyển tại sân bay, bến tàu, bến xe, nơi công cộng cần cảnh giác với những hành vi lạ, bất thường; không nên xách đồ hộ người lạ khi chưa biết rõ về hành lý; giữ hành lý và giấy tờ tuỳ thân của mình cẩn thận; có trách nhiệm thông báo với nhân viên an ninh hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất khi phát hiện hoặc bị phát hiện hành lý của mình nghi có chứa “chất cấm”, “hàng cấm” và hợp tác để xác minh, điều tra làm rõ các yếu tố “cố ý” hoặc “vô ý” của hành vi vận chuyển hàng cấm, chất cấm.

Bộ Công an sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những hành vi vận chuyển trái phép ma tuý, hàng hoá bị nghiêm cấm, nhất là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức vận chuyển ma tuý trái phép qua biên giới.

Thiên Di

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây