Đánh giá đúng nguyên nhân, tồn tại để phòng ngừa và đấu tranh hiệu quả với tội phạm

Thứ hai - 11/12/2023 14:27 138 0

Ngày 11/12, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ do Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP làm trưởng đoàn, đã làm việc với Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Tây Ninh về công tác phòng, chống tội phạm.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Đại tá Lý Hồng Sinh, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Tây Ninh, cho biết: Thời gian qua, Công an tỉnh Tây Ninh – Thường trực Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đã làm tốt vai trò nòng cốt; chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời dự báo, chủ động tham mưu UBND tỉnh Tây Ninh ban hành các kế hoạch, công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể phối hợp trong công tác phòng, chống tội phạm, không để tình hình ANTT diễn biến phức tạp.

Các đại biểu đóng góp ý kiến tại buổi làm việc.

Trong 11 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng đã tiếp nhận 1.180 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trong đó, tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng xảy ra 256 vụ, đã làm rõ, 239 vụ, 413 đối tượng (đạt tỷ lệ 93,3%)…

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đã biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao công tác phòng, chống tội phạm của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Tây Ninh trong suốt thời gian qua.

Đồng chí Thứ trưởng nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Tây Ninh cần đánh giá nguyên nhân, tồn tại sát với thực tế công tác , đề ra các giải pháp, phân công lực lượng, thời gian thực hiện cụ thể. Trong đó, chú ý đến dự báo về tình hình tội phạm, phải đánh giá chung, đánh giá đặc thù riêng để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm. Đáng lưu ý, việc chuyển đổi nghề nghiệp do khó khăn của kinh tế đã ảnh hưởng đến tình hình thất nghiệp, tội phạm ma túy làm phát sinh tội phạm; tội phạm công nghệ cao lợi dụng tâm lý “việc nhẹ, lương cao” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Công an tỉnh Tây Ninh cần căn cứ tình hình thực tế, thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, đảm bảo ANTT trên tuyến biên giới theo quy chế phối hợp; tiếp tục tập trung thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa cơ quan điều tra, VKSND, TAND trong điều tra, xét xử vụ án; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các thành viên trong chỉ đạo, phối hợp các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm; tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh, phòng chống tội phạm…

Nguyễn Đức Mừng

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Công An Nhân Dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây