Xây dựng và phát triển con người tỉnh Tây Ninh hướng đến chân - thiện - mỹ

Thứ tư - 12/06/2024 15:52 30 0

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (Nghị quyết 33-NQ/TW) và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận về văn hóa, văn nghệ của Đảng, nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân Tây Ninh về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người đã được nâng lên, nhất là những nhiệm vụ mới xây dựng văn hóa trong chính trị, trong kinh tế, phát triển công nghiệp văn hóa; tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, ổn định chính trị, phát triển kinh tế, giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tây Ninh tổng kết Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác gia đình năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

GÓP PHẦN XÂY DỰNG CON NGƯỜI VIỆT NAM PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN

Thiết thực triển khai Nghị quyết 33-NQ/TW, Tỉnh uỷ Tây Ninh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách; xây dựng con người phát triển theo hướng toàn diện về năng lực, trí tuệ, nhân cách... gắn với việc định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cụ thể, tỉnh đã tổ chức hội thảo khoa học “Nhận diện bản sắc văn hóa và truyền thống gia đình tỉnh Tây Ninh” (năm 2022) nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa và truyền thống gia đình tốt đẹp, hạn chế cái xấu, góp phần xây dựng và phát triển con người tỉnh Tây Ninh hướng đến chân - thiện - mỹ.

Các chuẩn mực trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được xây dựng, đưa vào vào quy chế, quy định, nội dung, quy tắc của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đầu năm, mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức đều đăng ký học tập và làm theo Bác.

Công tác văn hoá, giáo dục đạo đức, lối sống, khoa học gắn với giáo dục tri thức đã được cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện. Trong đó, ngành Giáo dục đã tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất, chăm sóc sức khỏe cho học sinh, sinh viên; phối hợp triển khai có hiệu quả các mô hình về xây dựng xã hội học tập, như: “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người, mọi nhà được học tập thường xuyên, liên tục và học tập suốt đời, đáp ứng yêu cầu phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trong đó, chú trọng việc giảng dạy và học tập đạo đức, giáo dục công dân trong trường học; giáo dục lịch sử Đảng bộ địa phương trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng trong các tổ chức của hệ thống chính trị.

Việc xây dựng và phát triển lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người” đã được các địa phương cụ thể hóa thông qua các tiêu chí xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, công tác gia đình hằng năm như: xây dựng Quy ước khu dân cư, khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái đẹp, tích cực, cao thượng; xây dựng gia đình văn hóa, ấp, khu phố văn hóa, cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa”, cơ sở tín ngưỡng tôn giáo văn minh,… thường xuyên bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Gắn xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Phát huy giá trị, nhân tố tích cực trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng với phương châm “tốt đời, đẹp đạo”; thực hiện tốt các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn,… và các giá trị truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc.

Song song với đó, tỉnh quan tâm giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên. Chú ý đầu tư sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật về sân khấu truyền thống, nhạc tài tử cải lương, ca khúc tân nhạc mang âm hưởng làn điệu dân ca, về đề tài truyền thống cách mạng, xây dựng nông thôn mới, về xây dựng những đức tính tốt đẹp của con người như lòng nhân ái, nghĩa tình, dũng cảm, giúp đỡ cộng đồng, hy sinh vì nghĩa lớn,… Tích cực, năng động đổi mới hình thức, phương thức các hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm, giới thiệu đưa tác phẩm đến với công chúng. Tổ chức các hoạt động văn hoá, vui chơi giải trí; liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng, hội diễn liên hoan khu vực và toàn quốc. Tổ chức giao lưu nghệ thuật quần chúng qui mô lớn với sự tham gia của các đội Nghệ thuật quần chúng các dân tộc Kinh, Chăm, Khmer, Hoa… chào mừng “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4”; khuyến khích các địa phương có người dân tộc thiểu số gìn giữ các tiết mục ca múa dân gian, hòa tấu nhạc cụ nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc.

Để nâng cao thể lực, tầm vóc con người Việt Nam, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống, các ngành, các cấp đã thường xuyên phối hợp tổ chức các phong trào thể thao quần chúng từ tỉnh đến cơ sở. Đến nay, phong trào thể dục thể thao đã có những chuyển biến, phát triển mạnh mẽ, thu hút sự tập luyện của các tầng lớp nhân nhân thông qua các cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, “Tháng hoạt động Thể dục thể thao cho mọi người và Ngày chạy Olympic vì sức khoẻ toàn dân”, “Lễ Khai mạc hè, Ngày Olympic trẻ em và Phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước” được tổ chức hằng năm thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, học sinh tham gia.

Công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, làm tha hoá con người đã được Tỉnh uỷ chỉ đạo các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội chú trọng. Cụ thể, thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước, ý nghĩa các ngày lễ lớn, tuyên truyền về biển đảo, phân giới cắm mốc, xây dựng nông thôn mới, các sự kiện chính trị quan trọng; các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội trên tinh thần thực hiện tốt Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư khoá X về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hoá độc hại gây huỷ hoại đạo đức xã hội” và Kế hoạch số 123-KH/TU, ngày 18/8/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tổ chức thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW; Thông báo Kết luận số 213-TB/TW của Ban Bí thư (khóa X) về Đề án “Đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật”.

Công tác lý luận, phê bình, phản bác với những quan điểm sai trái hành vi tiêu cực ảnh hưởng xấu đến nền văn hóa được các cấp, các ngành, đảng viên quán triệt thực hiện. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 94 tỉnh, nay là Ban Chỉ đạo 35-57) chủ động tham mưu, hướng dẫn các phương pháp đấu tranh phù hợp; kịp thời định hướng dư luận xã hội và xây dựng lực lượng (trên các trang mạng xã hội thông qua các kênh Zalo, Facebook…) từ tỉnh đến cơ sở tập trung đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn hoá, văn học, nghệ thuật. Đến nay, việc thực hiện đấu tranh trên mạng xã hội Internet, Tây Ninh được Trung ương đánh giá cao, có nhiều thành tích nổi bật.

Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Tây Ninh lần thứ IX năm 2022

CHÚ TRỌNG XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG VĂN HÓA LÀNH MẠNH

Các cơ quan, đơn vị ở Tây Ninh đã xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; thực hiện nghiêm các quy định về văn hóa công sở, văn hóa công vụ và các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên. Phát huy tính gương mẫu, tự giác, tuân thủ pháp luật của cá nhân, cơ quan, đơn vị và trong cộng đồng xã hội; có biện pháp ngăn chặn các hành vi ảnh hưởng tiêu cực đến xây dựng môi trường văn hóa.

Công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, dòng họ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách cư xử tốt đẹp trong gia đình Việt Nam. Qua đó đã góp phần cho các gia đình nhận thức rõ hơn trong việc giữ gìn hạnh phúc và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, góp phần kéo giảm tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh.

Công tác xây dựng môi trường văn hóa đã được triển khai thường xuyên trong từng cộng đồng dân cư, kết quả đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả, tích cực của các cấp, các ngành. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có những chuyển biến tích cực, lồng ghép việc tuyên truyền thực hiện vào trong các tiêu chí, tiêu chuẩn bình xét các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Ấp, khu phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn văn hóa”, “Đơn vị văn hóa”, “Điểm sáng văn hóa biên giới”, đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh vào quy ước khu dân cư… Người dân tích cực tham gia phong trào, trở thành các phong trào thi đua sôi nổi, lan toả đến địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị. Kết quả, tính đến năm 2023, về danh hiệu Gia đình văn hoá là 269.165/296.084, tỷ lệ 90,91%; “Ấp, (khu phố) văn hóa” là 532/535, tỷ lệ 99,44 %; Phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh 17/23, tỷ lệ 73,91%; Cơ sở Tín ngưỡng - Tôn giáo văn minh 380/387 tỷ lệ 98,19%.

Các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước về việc cưới, việc tang, lễ hội, đưa vào quy ước ở khu dân cư, các quy định trong các đơn vị, mang lại hiệu quả thiết thực. Cán bộ, đảng viên nhận thức trách nhiệm và gương mẫu trong việc thực hiện các quy định, đại đa số nhân dân đồng tình, đã góp phần làm hạn chế và từng bước đẩy lùi tiêu cực, lạc hậu trong các lễ nghĩa, nghi thức khi tổ chức việc cưới, việc tang. Những nét đẹp truyền thống trong việc cưới, việc tang được giữ gìn và phát huy.

Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật ngày càng phát triển đã thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh nhất là theo hướng phát triển du lịch. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội tiếp tục có chuyển biến tích cực. Các thiết chế văn hóa ở cơ sở được nâng cao chất lượng, hiệu quả; vai trò chủ thể của người dân trong các hoạt động văn hoá tại cộng đồng được phát huy. Các hoạt động văn hóa, chương trình nghệ thuật kỷ niệm các ngày lễ lớn… góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, đồng thời thúc đẩy cho việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả. Kết quả, đến cuối năm 2023 đã công nhận 65/71 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, đạt tỷ lệ 91,5%; 25/71 xã đạt nông thôn mới nâng cao đạt 33,8%, 3/71 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu đạt tỷ lệ 4,2%.

Tỉnh huy động các nguồn lực, đề cao tính tích cực của xã hội trong xây dựng đời sống văn hóa. Phát huy các giá trị, nhân tố tích cực trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng; hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh luôn gắn bó, đồng hành với sự phát triển của dân tộc, hướng thiện, nhân đạo, nhân văn, tiến bộ, "Tốt đời, đẹp đạo”; hằng năm, các tôn giáo đã vận động, tự nguyện đóng góp với số tiền hàng tỷ đồng để chăm lo, tham gia các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn", từ thiện, nhân đạo, hỗ trợ dịch bệnh, thiên tai, trẻ em mồ côi, người già neo đơn có hoàn cảnh khó khăn...

Hội thánh Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh phối hợp Bộ đội Biên phòng Tây Ninh tặng quà người dân vùng biên giới trong dịch Covid-19.

ĐỀ CAO XÂY DỰNG VĂN HÓA TRONG CHÍNH TRỊ VÀ KINH TẾ

Các tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị ở Tây Ninh đã chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, có ý thức tôn trọng pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương. Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát, việc chấp hành nội quy, thực hiện các tiêu chí xây dựng nếp sống văn minh nơi công sở, quy định nghề nghiệp ở các cơ quan hành chính nhà nước.

Năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Tây Ninh ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh. Cấp uỷ, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức, lối sống, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên trẻ, đội ngũ kế thừa có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới gắn với việc thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII), các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; sinh hoạt bài viết, cuốn sách của Tổng Bí thư về chủ nghĩa xã hội và công tác phòng, chống tham nhũng.

Trong kinh tế, tỉnh phấn đấu nâng cao chuỗi giá trị, tăng tỷ trọng du lịch trong GRDP của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phấn đấu đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Các sản phẩm, dịch vụ văn hoá, thương hiệu của doanh nghiệp ngày càng được nâng cao và phát triển theo hướng đặc trưng, đặc sản của tỉnh. Đầu tư phát triển Khu du lịch Quốc gia Núi Bà Đen thành khu du lịch đặc sắc, mang tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò trung tâm, có sức lan tỏa lớn, dẫn dắt phát triển du lịch của tỉnh. Đặc biệt, phát triển du lịch gắn với văn hoá tâm linh. Năm 2023, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến, từng bước khẳng định chất lượng, thương hiệu của du lịch Tây Ninh trên địa bàn tỉnh mà trọng tâm là Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen, lan tỏa đến các điểm du lịch lân cận. Các khu di tích văn hoá - lịch sử, điểm tham quan du lịch và các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh từng bước được chỉnh trang cơ sở vật chất và dịch vụ, đảm bảo an ninh phục vụ khách du lịch. Tổng doanh thu du lịch cả năm ước đạt 2.000 tỷ đồng, vượt 11,1% so với kế hoạch, tăng 36,5% so cùng kỳ; với hơn 5,1 triệu lượt khách tham quan tại các khu, điểm du lịch, đạt 102% so kế hoạch, tăng 13,2% so cùng kỳ. Lượng khách tham quan tăng đã thúc đẩy tăng trưởng các ngành như dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ khác.

Hằng năm, nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, tỉnh tổ chức tôn vinh các doanh nhân đã có nhiều đóng góp xây dựng, phát triển kinh tế xã hội tỉnh. Triển khai Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam trong cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc. Tập trung phát huy ý thức và tinh thần dân tộc, động viên nhân dân, trước hết là các doanh nghiệp, doanh nhân xây dựng và phát triển các thương hiệu có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế. Các sở, ban, ngành đã từng bước hỗ trợ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tạo dựng thương hiệu sản phẩm phục vụ hoạt động văn hóa. Xây dựng chợ, cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại đạt tiêu chí văn minh thương mại; từng bước chấn chỉnh các hành vi thiếu văn hoá trong kinh doanh.

Lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát tại núi Bà Đen năm 2023.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA

Tỉnh đã thực hiện việc phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh. Công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, di tích lịch sử - văn hóa luôn được quan tâm chỉ đạo thực hiện, trong đó, có nhiều di tích trở thành nơi giáo dục truyền thống, điểm đến tham quan, du lịch, thu hút đông đảo du khách gần xa đến tham quan, học tập, nghiên cứu. Xây dựng và triển khai kế hoạch chăm sóc di tích nhằm tạo điều kiện ngành Giáo dục Đào tạo thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” (có 83 trường học nhận chăm sóc di tích). Gắn kết, khai thác và phát huy hiệu quả giá trị các di sản văn hoá phi vật thể; duy trì, phát triển và nâng cao chất lượng các lễ hội truyền thống đặc sắc gắn với tổ chức thường xuyên, định kỳ các sự kiện thương mại, dịch vụ, ẩm thực - văn hoá: Lễ hội Nghề làm Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, Nghệ thuật chế biến các món ăn chay Tây Ninh.… thu hút đông đảo du khách trong ngoài tỉnh tham dự.

Loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ được gìn giữ, phát huy giá trị trở thành loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống mang tính thường xuyên của người dân (trên địa bàn tỉnh có 114 câu lạc bộ, đội, nhóm Đờn ca tài tử được thành lập, sinh hoạt thường xuyên tại các thiết chế văn hóa và 129 tụ điểm sinh hoạt Đờn ca tài tử do người dân tự thành lập). Các lễ hội văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, các tôn giáo ở địa phương được thống kê, gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống, góp phần làm phong phú, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, gắn kết, định hướng phát triển du lịch. Các hoạt động về biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, phục vụ sách báo, trưng bày triển lãm, thông tin cổ động được quan tâm thực hiện, góp phần đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của các tầng lớp nhân dân.

Tỉnh đã tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 23-NQ/TW về Xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; ban hành “Đề án Phát triển văn học nghệ thuật tỉnh Tây Ninh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh” và Kế hoạch “Phát triển văn học nghệ thuật tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh” và các văn bản có liên quan đến việc xây dựng, bảo tồn, phát triển văn học, nghệ thuật.

Tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí cho Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh hoạt động. Các địa phương: Gò Dầu, Bến Cầu, Dương Minh Châu, Trảng Bàng, Tân Châu hỗ trợ kinh phí cho hội, chi hội văn học nghệ thuật hoạt động, tập hợp lực lượng văn nghệ sĩ tham gia sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật. Hằng năm, tỉnh đều tổ chức gặp gỡ với giới văn nghệ sĩ, trí thức, những người làm công tác văn hóa, văn nghệ, để thể hiện sự quan tâm, động viên, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những kiến nghị, đề xuất của văn nghệ sĩ. Đồng thời, để ghi nhận, tôn vinh công lao của văn nghệ sĩ, từ năm 2011, tỉnh đã thành lập Giải thưởng văn học, nghệ thuật Xuân Hồng, 5 năm tổ chức trao giải thưởng một lần.

Các hoạt động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, tổ chức các cuộc vận động, hội trại sáng tác, các hội thi được thực hiện sôi nổi, tích cực và trách nhiệm. Trong 10 năm qua, đã có 558 tác phẩm đoạt giải thưởng các cấp: Quốc tế, toàn quốc, khu vực, tỉnh và 1.023 tác phẩm được trưng bày triển lãm. Công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật từng bước được nâng cao.

Để tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hoá, các cấp uỷ, chính quyền triển khai thực hiện nghiêm các quy định về tiêu chuẩn, cơ chế lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn hoá, văn học, nghệ thuật. Quan tâm cho ý kiến về việc bố trí cán bộ của các cấp hội, chi hội văn học nghệ thuật và ngành văn hóa các cấp, bảo đảm số lượng và chất lượng, góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác quản lý lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật, giáo viên giảng dạy chuyên ngành tại các trường trung học; thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho hội viên thông qua tổ chức các trại sáng tác, các chuyến giao lưu thâm nhập thực tế, tham dự hội thảo; cử nhiều lượt cán bộ hội tham gia lớp tập huấn do Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương tổ chức hằng năm, góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Toàn tỉnh có 297 hội viên (đảng viên: 127; trẻ, dưới 40 tuổi: 64; hội viên các chuyên ngành Trung ương: 62), sinh hoạt tại 06 chi hội chuyên ngành văn học, văn nghệ dân gian, nhiếp ảnh, mỹ thuật, sân khấu, âm nhạc và múa và các hội, chi hội địa phương.

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tây Ninh duy trì việc giao ban báo chí, giao ban an ninh tư tưởng của tỉnh, được tổ chức mỗi quý một/kỳ và theo dõi, định hướng 3 cơ quan báo chí địa phương gồm: Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh - Truyền hình và Tạp chí Văn nghệ Tây Ninh; phối hợp 2 cơ quan báo chí Trung ương có văn phòng đại diện và phóng viên thường trú gồm: Thông tấn xã Việt Nam và Báo Nhân Dân; chỉ đạo ban tuyên giáo huyện, thị, thành uỷ theo dõi, định hướng 9 đài truyền thanh về công tác thông tin, tuyên truyền. Toàn tỉnh hiện có 9 đài truyền thanh huyện, 94 đài truyền thanh xã và khoảng 1.000 trạm, cụm loa truyền thanh ấp, khu phố.

Tây Ninh nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”; triển khai, phát động phong trào theo Bộ tiêu chí về cơ quan báo chí văn hóa, văn hóa của người làm báo do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành. Các cơ quan báo chí tổ chức cho các đơn vị trực thuộc ký kết giao ước thi đua; quán triệt để cán bộ, phóng viên, biên tập viên và người làm báo trong cơ quan nhận thức sâu sắc về phong trào thi đua "Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí". Từ đó, hưởng ứng và tham gia tích cực, hiệu quả vào việc xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, ứng xử văn hóa trong tác nghiệp, hình thành các sản phẩm báo chí giàu chất văn hóa. 

Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW, Tỉnh uỷ Tây Ninh đã xây dựng Chương trình hành động số 41-CTr/TU, ngày 18/8/2014, trong đó, đặt ra mục tiêu về hạ tầng, thiết chế văn hoá.
Kết quả, tính đến cuối năm 2023 việc triển khai, thực hiện đã đạt và vượt các chỉ tiêu cơ bản đề ra, cụ thể:
- 100% trung tâm văn hóa huyện, thị, thành phố hoạt động có hiệu quả;
- 100% thư viện cấp huyện, thị, thành phố đều được trang bị máy vi tính được kết nối mạng Internet; 94/94 xã, phường, thị trấn đều có tủ sách phục vụ nhu cầu nghiên cứu và học tập của người dân;
- 94/94 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng, đạt 100%;
- 301/401 Nhà văn hóa ấp, liên ấp và 13 Nhà văn hóa dân tộc, đạt 75% (mục tiêu đặt ra là đạt 60%);
- Toàn tỉnh có 96 di tích được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa được tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí đầu tư hơn 250 tỷ đồng;
- 269.165/296.084 Gia đình văn hóa, đạt 90,91% (mục tiêu đặt ra là đạt 70%);
- 532/535 ấp, khu phố văn hoá (đạt tỷ lệ 99,44%) (mục tiêu đặt ra là đạt 70%).
- 1.229/1.315 cơ quan, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá, đạt 93,4% (mục tiêu đặt ra là đạt 80%).
- Số bản sách trong hệ thống thư viện công cộng đạt 0,7 bản/người (chỉ tiêu này đạt thấp hơn so chỉ tiêu Chương trình hành động số 41-CTr/TU đặt ra là 1 bản sách/người). Nguyên nhân do việc thực hiện chuyển đổi số từng bước tăng cường tài liệu điện tử, tài liệu số và do thanh lọc, thanh lí tài liệu cũ, lạc hậu vì vậy số lượng bản sách giảm.

 PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA ĐI ĐÔI VỚI XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN THỊ TRƯỜNG VĂN HÓA

Để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, tỉnh Tây Ninh ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa, du lịch. Đến nay, bước đầu tỉnh đã thu hút được một số nhà đầu tư chiến lược tham gia các hoạt động dịch vụ, du lịch, nghỉ dưỡng.

Hoạt động sáng tác đạt được những kết quả đáng khích lệ. Một số tác phẩm trên các lĩnh vực truyền hình, nhiếp ảnh, âm nhạc, sân khấu của các văn nghệ sĩ đã đạt giải cao tại các cuộc thi, liên hoan trong nước góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người Tây Ninh với bạn bè trong và ngoài nước. Đẩy mạnh tuyên truyền các quy định về quyền tác giả và quyền liên quan trong cộng đồng, đặc biệt là đối với các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan.

NHIỀU HÌNH THỨC ĐA DẠNG, PHONG PHÚ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ, TIẾP THU TINH HOA VĂN HÓA NHÂN LOẠI

Công tác hội nhập quốc tế và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại luôn được tỉnh quan tâm gắn liền với việc triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 210/QĐ-TTg, ngày 08/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030”, Quyết định số 1909/QĐ-TTg, ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của tỉnh về văn hóa đối ngoại với nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa nói chung, văn hóa đối ngoại nói riêng, các quan điểm, mục tiêu của Chiến lược văn hóa đối ngoại Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Các hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa được quan tâm nhằm quảng bá giới thiệu hình ảnh, vùng đất, văn hóa con người Tây Ninh đến bạn bè trong nước và quốc tế. Ví dụ như quảng bá du lịch Tây Ninh trên tạp chí Herigate và màn hình TVC của Tổng Công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), qua đó, thu hút đầu tư, phát triển du lịch bền vững. Hàng năm, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh tổ chức đoàn đến thăm và chúc Tết cổ truyền dân tộc Khmer tại tỉnh Svay Rieng, Prey Veng, Tboung Khmum Vương quốc Campuchia; tổ chức thường niên các hoạt động giao lưu văn hóa, thể dục thể thao với các tỉnh bạn giáp biên của Vương quốc Campuchia nhân các dịp lễ, Tết cổ truyền của 2 dân tộc. Từ năm 2016, UBND tỉnh Tây Ninh đã xây dựng kế hoạch ký kết hợp tác với thành phố Gimhae và thành phố Chungju (Hàn Quốc); tham gia Lễ hội Văn hóa Gaya tại thành phố Gimhae, Hàn Quốc. Cấp uỷ, chính quyền địa phương biên giới quan tâm hoạt động giao lưu văn hóa nhân dân ở vùng biên giới, góp phần giữ gìn an ninh chính trị.

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Tạp chí Tuyên giáo

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây