Chủ tịch Tôn Đức Thắng - tấm gương sáng ngời của một người cộng sản trọn đời vì nước, vì dân

Thứ bảy - 24/08/2024 22:39 52 0

Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.

Năm 1888, tại cù lao Ông Hổ, tổng Bình Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là làng Mỹ Hoà Hưng, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang), một công dân ưu tú của đất nước, người cộng sản mẫu mực, biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, người chiến sĩ trung kiên của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã ra đời, đó là đồng chí Tôn Đức Thắng - Bác Tôn kính yêu.

Bác Hồ và Bác Tôn.

Trong điếu văn đọc tại lễ truy điệu Bác Tôn, đồng chí Trường Chinh, Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã khẳng định đồng chí Tôn Đức Thắng “là một trong các chiến sĩ lớp đầu của phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta, là một trong những người bạn chiến đấu thân thiết lâu năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.

Truyền thống quật cường của quê hương đã hun đúc tinh thần yêu nước của người thanh niên Tôn Đức Thắng. 18 tuổi, Tôn Đức Thắng rời quê hương Long Xuyên lên Sài Gòn học nghề thợ. Năm 1912, Tôn Đức Thắng tham gia cuộc bãi công của học sinh Trường bá nghệ Sài Gòn và công nhân nhà máy sửa chữa tàu thuỷ Ba Son.

Những ngày bị bắt đi lính trong một đơn vị hải quân Pháp - năm 1919, trên Biển Đen, Tôn Đức Thắng đã kéo lá cờ phản chiến chống lại cuộc can thiệp của đế quốc Pháp vào nhà nước Xô-viết non trẻ và trở thành một trong những người Việt Nam đầu tiên trực tiếp tham gia đấu tranh để ủng hộ nhà nước Xô-viết.

Trở về Sài Gòn những năm 20 của thế kỷ XX, Tôn Đức Thắng trực tiếp lãnh đạo và xây dựng những cơ sở Công hội bí mật. Cuộc bãi công của công nhân Ba Son những ngày tháng 8.1925 nổ ra do chính Tôn Đức Thắng lãnh đạo.

Tôn Đức Thắng là một trong những công nhân đầu tiên nhận ra chân lý của con đường cách mạng vô sản. Bước ngoặt lớn trong cuộc đời Bác Tôn chính là năm 1926, nhận được chỉ thị của Nguyễn Ái Quốc, Người đã gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và chỉ một năm sau được bầu vào Ban Chấp hành Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam kỳ và trực tiếp phụ trách phong trào công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn.

Trên cương vị này, dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Marx-Lenin tiếp thu được qua sách báo, tài liệu từ nước ngoài gửi về, qua các tài liệu của Nguyễn Ái Quốc, Tôn Đức Thắng đã tích cực tuyên truyền và cùng các đồng chí của mình chuẩn bị cho sự ra đời của chính Đảng Marxist chân chính.

Năm 1929, khi phong trào cách mạng đang phát triển mạnh thì Tôn Đức Thắng bị giặc bắt. Trải qua bao cực hình tra tấn nhưng kẻ thù đã thất bại trước khí phách kiên cường bất khuất của người cộng sản. Chế độ lao tù hà khắc của kẻ thù đã không giam được lòng nhiệt huyết và trái tim của những người cộng sản đã quyết chí chọn con đường đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc và hạnh phúc của đồng bào.

Tôn Đức Thắng đã cùng các đồng chí của mình thành lập chi bộ đặc biệt trong nhà tù để lãnh đạo các đồng chí mình tiếp tục đấu tranh và gửi trọn niềm tin vào Đảng quang vinh, vào ngày thắng lợi của dân tộc. Cách mạng tháng Tám thành công, cùng những đồng chí sống sót qua ngục tù Côn Đảo, Tôn Đức Thắng được đón về đất liền và từ đây “cánh chim bằng” ấy lao ngay vào cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ của nhân dân ta chống lại cuộc xâm lăng lần thứ hai của thực dân Pháp.

Là đại biểu Quốc hội khoá đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (1946), trên đoàn Chủ tịch Quốc hội, người chiến sĩ Tôn Đức Thắng đã nhân danh Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trịnh trọng tuyên bố tín nhiệm hoàn toàn Cụ Hồ Chí Minh đứng ra thành lập Chính phủ mới.

Đây là lời tuyên bố của lịch sử, của đồng bào cả nước tin tưởng tuyệt đối vào lãnh tụ Hồ Chí Minh và sẵn sàng cho một cuộc trường kỳ kháng chiến để giành lại những quyền thiêng liêng cơ bản của con người.

Người thợ máy Tôn Đức Thắng kéo cờ phản chiến trên chiến hạm Pháp ở Biển Đen.

Gánh trên vai nhiều trọng trách, trải qua rất nhiều cương vị nhưng dù ở cương vị nào, Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng luôn luôn nêu cao phẩm chất trung thành với Tổ quốc, với dân tộc, với Đảng, hết lòng, hết  sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.

Không muốn sống khác đồng bào, đồng chí nên cuộc sống đời thường của Bác Tôn giản dị, thanh bạch đến lạ thường. Là Chủ tịch nước nhưng Bác vẫn mặc áo cũ nối thêm tay, bởi theo Bác: “Chủ tịch nước mặc áo nối thì dân mới có đủ cơm ăn”.

Ngoài giờ làm việc, Bác vẫn chân đất, quần cộc bên đống đồ nghề tự chữa đồ đạc, xe đạp cho con cháu và cả những người phục vụ của mình. Đi công tác nước ngoài Bác chỉ mua tặng vợ một chiếc cối xay tiêu. Khi mất Bác dặn con cháu trả lại nhà cho Nhà nước để chuyển đến chỗ ở đúng với tiêu chuẩn của mình...

Là người Việt Nam đầu tiên được nhận Giải thưởng Lenin “Vì hoà bình và hữu nghị giữa các dân tộc” với số tiền thưởng  kèm theo giải thưởng vô cùng lớn, nhưng Bác trao lại toàn bộ số tiền này cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để xây dựng các cơ sở phúc lợi vui chơi giải trí cho thiếu nhi.

Khi viết về sự kiện binh biến ở Hắc Hải năm nào để ủng hộ nước Nga Xô-viết - hành động được toàn thể nhân dân Liên Xô, nhân dân yêu chuộng hoà bình và công lý trên thế giới ngợi ca, nhưng Bác khiêm tốn cho rằng: “Tôi tin rằng, bất kỳ người Việt Nam yêu nước nào, nhất là công nhân, được tham gia vào những giờ phút lịch sử đó tại Biển Đen, không thể hành động khác tôi”.

Để ghi nhận những công lao đóng góp xuất sắc của Bác Tôn đối với dân tộc, Bác Hồ đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét phê chuẩn trao tặng Bác Tôn Huân chương  Sao vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam.

Và Chủ tịch Tôn Đức Thắng là người Việt Nam đầu tiên được nhận phần thưởng cao quý này. Ngày 19.8.1958, nhân dịp Bác Tôn tròn 70 tuổi, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà đã quyết định trao tặng Bác Tôn Đức Thắng Huân chương Sao vàng.

Trong buổi lễ trao tặng huân chương cho Bác Tôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chúc mừng đồng chí Tôn Đức Thắng: “Thưa lão đồng chí, hôm nay, chúng tôi rất sung sướng chúc mừng đồng chí 70 tuổi. Đồng chí Tôn Đức Thắng là một người con rất ưu tú của Tổ quốc, suốt 50 năm đã không ngừng hoạt động cách mạng.

17 năm bị thực dân Pháp cầm tù, 9 năm tham gia lãnh đạo kháng chiến, 4 năm phấn đấu để gìn giữ hoà bình thế giới và đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất nước nhà. Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.

Thay mặt nhân dân và Chính phủ, tôi trân trọng trao tặng đồng chí Tôn Đức Thắng Huân chương Sao vàng là Huân chương cao  quý nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mà đồng chí Tôn Đức Thắng là người đầu tiên và người rất xứng đáng được tặng Huân chương ấy”.

Bác Tôn xúc động đáp từ: “Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh hôm nay sẽ mãi mãi khuyến khích tôi đến phút cuối cùng trong cuộc đấu tranh cho hoà bình và thống nhất của đất nước thân yêu, cho chủ nghĩa xã hội, cho hạnh phúc và yên vui của toàn thể nhân loại”.

Đối với phong trào công nhân và phong trào cách mạng ở Sài Gòn những năm đầu thế kỷ XX, Tôn Đức Thắng đã gắn bó và có công lao to lớn đối với phong trào công nhân. Tôn Đức Thắng trở lại Sài Gòn đúng vào thời kỳ thực dân Pháp đang tiến hành khai thác thuộc địa lần thứ hai.

Sài Gòn là một thành phố mới và đang phát triển, đội ngũ công nhân ngày càng đông đảo. Tuy nhiên, đa phần các phong trào đấu tranh khi ấy đều mang tính tự phát và đòi quyền lợi. Một yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải có tổ chức để lãnh đạo đội ngũ công nhân ở đây và người công nhân Tôn Đức Thắng đã nhận lãnh trách nhiệm này trước lịch sử.

Năm 1920, Tôn Đức Thắng đã vận động thành lập Công hội bí mật đầu tiên tại thành phố. Đây cũng là tổ chức Công hội đầu tiên ở Việt Nam. Cuộc bãi công của công nhân Ba Son tháng 8.1925 dưới sự lãnh đạo của Công Hội Đỏ do Tôn Đức Thắng đứng đầu là một móc son chói lọi ghi dấu ấn về sự trưởng thành của phong trào công nhân Sài Gòn nói riêng, Việt Nam nói chung. Với cuộc bãi công này, giai cấp công nhân Việt Nam bắt đầu bước lên con đường đấu tranh tự giác.

Trưởng thành qua phong trào đấu tranh của công nhân Sài Gòn nên sau này, nhiều hội viên của Công hội đã được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên mà những người đầu tiên chính là Tôn Đức Thắng và Đặng Văn Sâm.

Tôn Đức Thắng cũng đã giáo dục, giác ngộ hội viên Công hội của mình và kết nạp một loạt vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và lựa chọn người đi Quảng Châu dự các lớp huấn luyện của Nguyễn Ái Quốc.

Công hội Sài Gòn là cơ sở cho việc hình thành và phát triển của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở đây và ở cả Nam Bộ. Việc hợp nhất các tổ chức Đảng để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 ở Sài Gòn diễn ra thuận lợi chắc chắn có sự hoạt động tích cực của Tôn Đức Thắng và Công hội.

Cả cuộc đời sáng trong như gương, cả cuộc đời không màng phú quý, lợi danh. Đó là cuộc đời chỉ có ở những bậc đại trí, đại nhân, đại dũng; chỉ có ở những con người mà trái tim, khối óc đã hoà cùng nhịp đập, cùng suy nghĩ trong niềm vui và nỗi đau của dân tộc mình. Cuộc đời Chủ tịch Tôn Đức Thắng là như thế. Đó là hiện thân của một người cộng sản mẫu mực suốt đời hy sinh, phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân, là hiện thân của đạo đức “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”.

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Online

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây