Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Nhiệm vụ, giải pháp đối với Tây Ninh

Thứ tư - 13/12/2023 16:02 122 0

Phần 1 - Quét sạch chủ nghĩa cá nhân

Giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, xét đến cùng là đấu tranh chống, quét sạch chủ nghĩa cá nhân.

Giữa tháng 11 vừa qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và Trường Chính trị tỉnh vừa tổ chức hội thảo khoa học “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí”. Tại cuộc hội thảo, PGS - TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) có bài tham luận được viết rất công phu, tâm huyết gửi ban tổ chức (ông không có mặt tại hội thảo) về vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng và gợi ý một số giải pháp đối với Tây Ninh.

Tác giả viết, các hội nghị chuyên đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XI, XII, XIII đã trình bày khá toàn diện, hệ thống nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, trong đó có nhiều nội dung liên quan tới đấu tranh phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Muốn chữa bệnh, quyết tâm chữa lành bệnh thì phải tìm ra căn nguyên và nguy cơ của bệnh.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bệnh quan liêu ấp ủ, dung túng, che chở, đẻ ra nạn tham ô, lãng phí. Muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu. Nhưng “mẹ đẻ” của bệnh quan liêu và hàng trăm thứ bệnh khác lại là chủ nghĩa cá nhân, “giặc nội xâm”. Như vậy, giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, xét đến cùng là đấu tranh chống, quét sạch chủ nghĩa cá nhân.

Nhóm giải pháp về giáo dục chính trị, tư tưởng

Trước hết, phải nhận thức rõ tầm quan trọng, vai trò, ý nghĩa của việc giáo dục chính trị, tư tưởng. Tính tốt hay xấu của con người phần nhiều là do giáo dục mà nên. Giáo dục chính trị, tư tưởng có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt; là “việc quan trọng nhất của Đảng, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta mạnh vì tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí.

Trước hết là tư tưởng, “lãnh đạo quan trọng nhất là lãnh đạo tư tưởng, phải hiểu tư tưởng của mỗi cán bộ để giúp đỡ thiết thực trong công tác; vì tư tưởng thông suốt thì làm tốt, tư tưởng nhùng nhằng thì không làm được việc gì”. Tư tưởng thống nhất thì hành động mới thống nhất, và khi đã thống nhất tư tưởng và thống nhất hành động thì nhiệm vụ tuy nặng nề, công việc tuy khó khăn phức tạp, ta cũng nhất định thắng lợi.

Bản thân trong mỗi con người chúng ta hoặc nhiều hoặc ít không tránh khỏi có cái ác. Cho nên, cùng với tự giác cố gắng học tập và cải tạo thì sự giáo dục chính trị, tư tưởng của Đảng là rất quan trọng và cần thiết, để cái ác ngày càng bớt, cái thiện ngày càng tăng. Mặt khác, cách mạng là một nghề. Làm nghề gì cũng phải học. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nếu không giáo dục cho đảng viên làm cách mạng mà cứ yêu cầu họ làm cách mạng thì họ không làm tròn được nhiệm vụ”.

Nội dung giáo dục chính trị, tư tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên”. Đảng phải giáo dục cán bộ của mình hiểu rõ “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”.

Đẩy mạnh học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trước hết phải hiểu thấu bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó nhận thức rõ, sâu sắc giá trị trường tồn tư tưởng của Người. Không hiểu thấu không thể làm đúng. Một trong những giá trị căn cốt trong di sản Hồ Chí Minh là giá trị dân tộc, vai trò lãnh đạo của Đảng và mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng không phải chỉ cần con số cho nhiều, tuy nhiều là tốt, nhưng phải có cái chất của người đảng viên. Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới phải hiểu rằng mình vào Đảng để làm đày tớ cho nhân dân, Bác nhấn mạnh, làm đày tớ nhân dân chứ không phải làm “quan” nhân dân. Lãnh đạo là làm đày tớ nhân dân và phải làm cho tốt”.

Đó là nhiệm vụ, đạo đức của người đảng viên. Trước đây, hiện nay và sau này đều như vậy. Trên cơ sở đó mà giáo dục nhiệm vụ, phẩm chất đạo đức cho cán bộ, đảng viên hiện nay như thực hiện mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; nêu cao trách nhiệm phụng sự và đặt lợi ích của Tổ quốc và nhân dân lên trên hết, trước hết; thực hành chí công vô tư, chống chủ nghĩa cá nhân.

Giáo dục cho cán bộ, đảng viên thấy rõ nguy cơ, tác hại của tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham ô, lãng phí là có tội với Tổ quốc với đồng bào, là kẻ thù của nhân dân. Người chỉ rõ: “Vết tích xấu xa và nguy hiểm nhất của xã hội cũ là chủ nghĩa cá nhân.

Chủ nghĩa cá nhân là trái với đạo đức cách mạng; là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt. Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra nhiều cái xấu, thiên hình vạn trạng. “Chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cho nên thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”. “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí…

Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân... Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”.

Đại hội XIII chỉ rõ: “Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”. Cán bộ, đảng viên phải hiểu rằng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là tha hoá về quyền lực, về văn hoá, làm giảm, mất lòng tin của nhân dân. Mà mất lòng tin là mất tất cả. Văn hoá lâm nguy còn đáng sợ hơn Tổ quốc lâm nguy. Văn hoá mất là dân tộc mất. Văn hoá còn thì dân tộc còn.

Nhóm giải pháp về xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách

Đầu tiên, xây dựng, hoàn thiện và đưa chính sách, quy định, văn bản quy phạm pháp luật vào cuộc sống. Lúc sinh thời, Hồ Chủ tịch rất quan tâm và thực hiện nghiêm việc này. Ngày 23.11.1945, Người ký Sắc lệnh 64-SL về việc thành lập Ban Thanh tra đặc biệt và một Toà án đặc biệt có nhiệm vụ giám sát và xét xử các sai phạm của các nhân viên từ trong các Uỷ ban nhân dân các cấp đến các bộ. Ngày 26.1.1946, trong Quốc lệnh 10 điểm thưởng và 10 điểm phạt, trong đó các tội “phản quốc”, “hại dân”, “trộm cắp” sẽ bị xử tử.

Trước đó, ngày 21.1.1946, khi trả lời các nhà báo, Người coi kẻ tham ô và phản quốc như nhau, đều không được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới, Người khẳng định Chính phủ mới là một Chính phủ liêm khiết. Ngày 2.11.1946, Bác Hồ ký Sắc lệnh 223 ấn định hình phạt đối với tội đưa và nhận hối lộ, biển thủ công quỹ, tài sản công cộng. Riêng tội đưa và nhận hối lộ, sẽ bị phạt từ 5 đến 20 năm khổ sai và phải nộp phạt gấp đôi số tiền nhận hối lộ.

Từ thực tiễn phong phú của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua, người đứng đầu Đảng ta nêu lên nhiều nội dung liên quan tới thể chế, chính sách để bảo đảm “bốn không”: “Phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám” tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hoá liêm chính để “không muốn” tham nhũng, tiêu cực và một cơ chế bảo đảm để “không cần” tham nhũng, tiêu cực”.

Tiếp theo, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Trong lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ bảo sửa chữa sai lầm cần dùng cách giải thích thuyết phục, cảm hoá, dạy bảo, song không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. Nếu không xử phạt thì mất cả kỷ luật, sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Hoàn toàn không xử phạt là không đúng. “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”.

Việt Đông

(Còn tiếp)

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây