Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Nhiệm vụ, giải pháp đối với Tây Ninh

Thứ tư - 13/12/2023 21:02 65 0

Phần II: Kiểm soát quyền lực

Phát huy vai trò giám sát thực thi quyền lực bằng công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; thanh tra, kiểm toán của Nhà nước, giám sát của các cơ quan dân cử.

» Phần 1 - Quét sạch chủ nghĩa cá nhân 

Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đạị hội XIII và Tổng Bí thư Đảng ta nhấn mạnh kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao, hành động mạnh mẽ, triệt để, hiệu quả với tinh thần “không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai”.

Dựa vào sức mạnh của nhân dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở muốn chống các bệnh, muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không, ai ra sức làm, ai làm qua chuyện thì phải kiểm soát một cách hệ thống, thường xuyên từ trên xuống và từ dưới lên, nhưng dưới lên - tức quần chúng kiểm soát sự sai lầm của lãnh đạo - là cách tốt nhất. Người viết: “Phải luôn luôn do nơi quần chúng mà kiểm soát những khẩu hiệu và chỉ thị đó có đúng hay không”.

Đảng phải “luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hoá ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”.

Nét đặc sắc về kiểm soát quyền lực trong di sản Hồ Chí Minh là xây dựng và thực hành cơ chế dân chủ, nhân dân tham gia giám sát công việc của Đảng và Chính phủ. Người chỉ rõ chống tham ô, lãng phí, quan liêu là dân chủ, vì đồng bào có quyền đòi hỏi cán bộ làm tròn nhiệm vụ Đảng và Chính phủ giao cho, có quyền chỉ trích cán bộ nào không làm tròn nhiệm vụ đó. “Dân chủ là dựa vào lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng. Cho nên phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải gây nên một phong trào quần chúng gớm ghét, bao vây lũ giặc tham nhũng như Lênin đã chỉ ra: “Chúng ta phải phát động tư tưởng của quần chúng, làm cho quần chúng khinh ghét tội tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”.

Xuyên suốt, nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh là vai trò, sức mạnh của nhân dân trong đấu tranh chống sự hư hỏng, hủ bại của cán bộ: “Phải động viên quần chúng, phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia thì mới chắc chắn thành công. Quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng”.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; phải “nhốt” quyền lực vào “lồng” cơ chế với cách hiểu quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải được truy cứu trách nhiệm.

Đồng thời, nhiều lần người đứng đầu Đảng ta nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đảng ta là một Đảng cầm quyền, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Đảng phải dựa vào dân, lắng nghe dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm và làm cho bằng được; ngược lại, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh.

Ông nhấn mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải cổ vũ, động viên sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của toàn dân như lời Bác Hồ đã dạy “gây nên một phong trào quần chúng gớm ghét, bao vây lũ giặc ấy. Biện pháp ấy là gây nên một cuộc vận động trong công nông chống trộm cắp; làm cho lũ trộm cắp “đường hoàng” cũng như trộm cắp kín đáo không sống còn được”.

Nhận thức rõ vai trò quyết định của con người

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả”. Tư tưởng Hồ Chí Minh, nói ngắn gọn, đúc kết là do con người và vì con người.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết: “Cuối cùng, xét đến ngọn ngành mọi sự trên đời này là vấn đề con người, do con người, vì con người mà ra”. Nhận thức như vậy để thấy mối liên hệ và tính đồng bộ của các giải pháp, nhưng xét đến cùng, đúc kết ngắn gọn thì đó là hệ giải pháp “hai chân”: Cơ chế và con người, nhưng con người tốt, cán bộ tốt đóng vai trò quyết định.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải biết vượt lên chính mình, chống tha hoá quyền lực. Tham nhũng là hành vi của người có quyền, lợi dụng quyền đó để trục lợi riêng. Nói cách khác, tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực theo nghĩa có quyền mà “nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”.

Thói thường “khi nắm được chút quyền hành trong tay vẫn hay lạm dụng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, “cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư””. Như vậy, có quyền nhưng không có đạo đức là quyền lực bị tha hoá, và phải tập trung “chống tha hoá quyền lực” như Đảng ta nêu lên trong Đại hội XIII.

Người đảng viên phải đấu tranh chống cái xấu để cải tạo xã hội, cải tạo thế giới và tự cải tạo mình, để luôn tiến bộ, nâng cao tư cách của người cách mạng của một đảng chân chính cách mạng.

Việc tự cải tạo bao gồm sự rèn luyện trong đấu tranh thực tế và sự tu dưỡng trong tư tưởng, về mọi mặt, cả trong khó khăn gian khổ, trong lúc thất bại, cả trong lúc thuận lợi, thành công. Rèn luyện và tu dưỡng phải luôn đi đôi với nhau.

Chống tha hoá quyền lực phải thật sự thấm nhuần và thực hành đạo đức cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Trong đổi mới, Đảng ta và Tồng Bí thư khi bàn đến “bảo đảm quyền lực được vận hành đúng đắn, không bị “tha hoá” thường nhấn mạnh việc hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình, bảo đảm công dân được quyền tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luật.

Phát huy vai trò giám sát thực thi quyền lực bằng công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; thanh tra, kiểm toán của Nhà nước, giám sát của các cơ quan dân cử. Kiểm soát quyền lực, thực hành liêm chính, chống tham nhũng phải được tiến hành có hiệu quả trong các cơ quan làm công tác phòng, chống tham nhũng.

"Chính tâm, tu thân"

Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo, đứng đấu cấp uỷ, chính quyền phải tự phê bình, nêu gương, tự nâng cao mình, “tiên trách kỷ”. Bàn về tư cách của người cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường đặt “đối với tự mình” lên hàng đầu.

Một lẽ tự nhiên là “tự mình không đánh thắng được khuyết điểm của mình mà muốn đánh thắng kẻ địch, tự mình không cải tạo được mình mà muốn cải tạo xã hội, thì thật là vô lý”. Muốn đánh thắng kẻ thù bên ngoài, kẻ thù trên thế giới, thì trước hết phải đánh thắng lòng tà là kẻ thù trong mình.

Phải “chính tâm, tu thân” thì mới “trị quốc, bình thiên hạ”. “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý”. Tự mình lại phải gắn với phong trào quần chúng bởi có cán bộ không tự mình nêu gương, không còn tính liêm sỉ thì phải dựa vào quần chúng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Muốn xây dựng xã hội trong sạch mà tự mình không kỳ rửa để không tham ô, lãng phí, thì không làm được. Tự mình còn bẩn thì xây dựng xã hội trong sạch thế nào được. Vì vậy phải gây một phong trào trong sạch. Muốn trong sạch thì phải gây một phong trào chống tham ô, lãng phí. Pháp luật không trị hết được. Tự mình phải gây ra cái pháp luật để trị mình”.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô, bất liêm, vấn đề không phải là nói miệng, hô khẩu hiệu, tuyên truyền suông mà là thực hành; nói phải đi đôi với làm, gương mẫu thực hiện. “Nếu miệng thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm, mà tự mình thì ăn trưa, ngủ trễ; bảo người ta tiết kiệm, mà tự mình thì xa xỉ, lung tung, thì tuyên truyền một trăm năm cũng vô ích”.

Điều quan trọng là mỗi cán bộ, đảng viên phải tự mình vun bồi đạo đức như chăm bón cho gốc của cây. “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hoá, xấu xa, thì còn làm nổi việc gì”.

Nói đến “tự mình” tức là Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn đến một khía cạnh căn cốt của con người đảng viên cộng sản là danh dự, lương tâm, tư cách làm người, nhân tính, thể diện. Chỉ ra tham ô, lãng phí là có tội với nhân dân và Tổ quốc, Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải tự thấy đó là tội lỗi đối với nhân dân, với Tổ quốc; phải biết hổ thẹn với chính bản thân mình vì “trong bụng các cô, các chú có toà án lương tâm trong đó”.

Việt Đông

(còn tiếp)

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây