Nguyễn Ái Quốc và cuộc “gặp” lịch sử

Thứ tư - 28/02/2024 15:22 403 0

Tác phẩm của Lenin đã đề cập đến những vấn đề mà Người đang khao khát tìm hiểu và giúp Người nhìn rõ hướng đi của nhân dân các nước thuộc địa.

Những ngày cuối năm 1923, đầu năm 1924, Nguyễn Ái Quốc lên đường đến Liên Xô - đất nước của Lenin vĩ đại. Đến Liên Xô, Người đã không gặp được Lenin vì ông đã từ trần. Báo Sự Thật ngày 27.1.1924 đăng bài viết của Nguyễn Ái Quốc với tiêu đề “Lenin và các dân tộc thuộc địa”.

Trong bài viết này, Nguyễn Ái Quốc đã dành những tình cảm vô cùng kính trọng đối với Lenin: “Khi còn sống, Người là cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa”.

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc (thứ 2 từ phải sang) tham gia đại hội đoàn kết quốc tế ở Liên Xô năm 1923.

Cuộc “gặp” đầu tiên

Thực ra, Nguyễn Ái Quốc đã “gặp” Lenin từ năm 1920 sau khi Người đọc được “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lenin. Theo sách “Hồ Chí Minh - những sự kiện” thì sau ngày 17.7.1920, Nguyễn Ái Quốc đọc tác phẩm này đăng trên báo L’Humanité (tức báo Nhân Đạo) ra ngày 16 và 17.7.1920.

Sau này, có lần Người đã kể lại sự kiện trọng đại này: “Luận cương của Lenin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên, như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đoạ đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta! Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lenin, tin theo Quốc tế thứ ba”.

Tác phẩm của Lenin đã đề cập đến những vấn đề mà Người đang khao khát tìm hiểu và giúp Người nhìn rõ hướng đi của nhân dân các nước thuộc địa. Trong bài viết “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lenin” (năm 1960), Người viết: “Điều mà tôi muốn biết hơn cả - và cũng chính là điều mà người ta không thảo luận trong cuộc họp là: Vậy thì cái quốc tế nào bênh vực nhân dân các nước thuộc địa?...

Có mấy đồng chí đã trả lời: Đó là Quốc tế thứ ba, chứ không phải Quốc tế thứ hai. Và một đồng chí đã đưa cho tôi đọc Luận cương của Lenin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa đăng trên báo Nhân đạo”. Kể từ khi đọc được tác phẩm này của Lenin, trong các cuộc họp, Người đã đáp trả mạnh mẽ những lời lẽ chống lại Lenin với lập luận và lý lẽ duy nhất là: “Nếu đồng chí không lên án chủ nghĩa thực dân, nếu đồng chí không bênh vực cho các dân tộc thuộc địa thì đồng chí làm cái cách mạng gì?”.

Theo con đường của Lenin

Tháng 12.1920, Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp họp tại thành phố Tours, 370 đại biểu và khách mời tới dự, trong đó có 285 đại biểu đại diện cho 89 đảng bộ của toàn nước Pháp và các nước thuộc địa của Pháp. Nguyễn Ái Quốc là người bản xứ duy nhất trúng cử đại biểu của đại hội.

Tại đại hội này, Nguyễn Ái Quốc chính thức ngồi vào hàng ghế của phe “tả”, một bên Người là Paul Vaillant-Couturier (người sau đó không lâu đã cùng Nguyễn Ái Quốc và một số đồng chí đứng ra thành lập Đảng Cộng sản Pháp), một bên là đồng chí Marcel Cachin, nhà hoạt động chính trị và văn hoá nổi tiếng của Pháp và là Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp sau này.

Marcel Cachin chính là người đã giới thiệu Nguyễn Ái Quốc vào Đảng Xã hội Pháp. Khi Marcel Cachin làm Giám đốc tờ báo Nhân Đạo, ông đã khuyến khích và ủng hộ Nguyễn Ái Quốc viết các bài đăng trên tờ báo này. Báo Nhân Đạo cũng chính là một tờ báo mà Lenin vẫn đọc một cách thích thú.

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc (thứ ba từ trái sang, hàng ngồi) với một số đại biểu dự Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản tại Moscow, Nga, năm 1924

Tại Đại hội này, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ ba của Lenin. Sau cuộc bỏ phiếu, nữ đồng chí Rose, người ghi biên bản tốc ký của đại hội đã hỏi Nguyễn Ái Quốc: “Tại sao đồng chí lại bỏ phiếu cho Quốc tế thứ ba?”.

Nguyễn Ái Quốc trả lời: “Tôi hiểu rõ một điều, Quốc tế thứ ba rất chú ý đến giải quyết vấn đề giải phóng thuộc địa… Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, là tất cả những điều tôi hiểu”.

Ngày 30.12.1920, Nguyễn Ái Quốc cùng những người chủ trương gia nhập Quốc tế thứ ba tuyên bố thành lập Phân bộ Pháp của Quốc tế Cộng sản. Kể từ lúc này, Nguyễn Ái Quốc trở thành người cộng sản và là người cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Chính nhờ học thuyết của Lenin mà Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường đấu tranh giành độc lập cho dân tộc Việt Nam, một công việc mà các bậc tiền bối dù vô cùng yêu nước, vô cùng dũng cảm song đã chưa hoàn thành.

Sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” cho biết, khi Người đến Leningrad năm ấy, sau một thời gian, chính hai người bạn là Paul Vaillant-Couturier và Marcel Cachin đã tới “nhận mặt” Nguyễn Ái Quốc và đưa Người về Moscow. Nhà Sử học người Pháp Charles Fourniau nhận xét: “Nguyễn Ái Quốc đã có đóng góp quan trọng vào việc hình thành truyền thống chống chủ nghĩa thực dân, một truyền thống làm vẻ vang cho Đảng Cộng sản Pháp...

Vậy thì hẳn rằng, người sáng lập Đảng Cộng sản Đông Dương và lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam sau đó phải được coi là một trong những người thầy của Đảng Cộng sản Pháp về những vấn đề thuộc địa”.

Nhớ ơn Lenin

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi các phong trào yêu nước nổ ra và thất bại, Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Nhớ lại sự kiện này, sau này Người đã viết: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta”. Kể từ năm 1920, khi bắt gặp chủ nghĩa Lenin thì câu hỏi Việt Nam nên đi theo con đường cứu nước nào đã được giải đáp, đó là con đường của Cách mạng tháng Mười Nga, con đường cách mạng của Lenin.

Tiếp thu chủ nghĩa Marx - Lenin, Nguyễn Ái Quốc đã xúc tiến việc thành lập một chính đảng của giai cấp công nhân, chuẩn bị những tiền đề về lý luận và tổ chức cho sự ra đời của Đảng. Trong tác phẩm “Đường kách mệnh” viết năm 1927 dùng để đào tạo những người cách mạng lớp đầu tiên tại Quảng Châu, Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam.

Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ, rồi lại ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới.

Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng, muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa… Lenin”.

Là một dân tộc với truyền thống và đạo lý “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, 31 năm sau khi Lenin qua đời, Bảo tàng Phòng làm việc và nơi ở của Lenin chính thức mở cửa và người nước ngoài đầu tiên đến thăm Bảo tàng là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Hồ Chí Minh.

Trên trang đầu của cuốn Sổ ghi cảm tưởng của Bảo tàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Lenin, người thầy vĩ đại của cách mạng vô sản. Cũng là một vị đạo đức rất cao, dạy chúng ta phải thực hiện cần kiệm, liêm, chính. Tinh thần Lenin muôn đời bất diệt”. 13.6.1955, Hồ Chí Minh”.

Vũ Trung Kiên

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây