“Kết quả và thành công của Đại hội là rất quan trọng, tuy nhiên đó cũng mới chỉ là bước mở đầu. Còn làm được hay không, mai kia có biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không; có làm ra của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân hay không, đấy mới là thành công thực tế của đại hội”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự phiên bế mạc Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ. (Ảnh: PC)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh lại điều này và đề nghị các đại biểu “hết sức lưu tâm” phát biểu bế mạc Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu trên tại bài phát biểu khai mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra từ ngày 15-17/5.
Có thể nói sự nhắc nhở này có ý nghĩa rất quan trọng trong thời điểm giữa nhiệm kỳ đối với mỗi cấp ủy Đảng từ Trung ương đến cơ sở để hướng tới mục tiêu thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhìn nhận “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Tình hình đất nước từ đầu nhiệm kỳ đến nay càng chứng tỏ nhận định này. Mặc dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức mới xuất hiện, gay gắt, nặng nề hơn so với dự báo, cũng như so với cùng kỳ của một số nhiệm kỳ gần đây. Đại dịch COVID-19 kéo dài, gây hậu quả nặng nề; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga - U-crai-na diễn biến phức tạp…
Trong bối cảnh tình hình đó, với ý chí, quyết tâm cao và tinh thần "Tiền hô hậu ủng", "Nhất hô bá ứng", "Trên dưới đồng lòng", "Dọc ngang thông suốt", Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đảng ta, Đất nước ta vẫn vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện và đáng mừng trên nhiều lĩnh vực.
Cụ thể, năm 2022, cả nước đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã nhận định: Việt Nam là một điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 2,56%, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm; tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch 6 - 6,5%, và là mức tăng cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh kết quả ấn tượng trong phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội vẫn tiếp tục được quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, rõ rệt. Các cấp, các ngành và toàn hệ thống chính trị ngày càng nhận thức đúng đắn hơn và hành động tích cực, có hiệu quả hơn đối với vấn đề phát triển văn hoá, xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế và xã hội; kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng chính sách, từng bước đi…
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được chỉ đạo một cách mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả rõ rệt; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng đã được chỉ đạo và thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, và "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; và không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào"…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều. Trong quý I/2023, tăng trưởng GDP cả nước chỉ đạt mức 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực công nghiệp, xây dựng giảm 0,4%. Lần đầu tiên sau nhiều năm, cả nước ghi nhận 5 tỉnh tăng trưởng âm; 3 tỉnh, thành phố khác tăng trưởng dưới 1%. Chưa hết, báo cáo của các bộ, ngành còn cho thấy, nhiều doanh nghiệp lớn phải bán tài sản với giá chỉ 50% so với giá trị thật cho nhà đầu tư khác. Đời sống người dân nhiều nơi còn khó khăn; không ít công nhân, lao động mất việc làm, giảm giờ làm…
Đáng chú ý, phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã chỉ ra: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí sợ trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn là vấn đề rất đáng lo ngại, diễn biến phức tạp, không thể chủ quan, lơ là….
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đồng chí Uỷ viên Trung ương, các đại biểu tham dự Hội nghị và các cấp uỷ, chính quyền, đồng bào, chiến sĩ cả nước tiếp tục phát huy những thành tích, kết quả và bài học kinh nghiệm đã đạt được; khắc phục bằng được những hạn chế, yếu kém còn tồn tại; lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hoạt động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả hơn nữa, hoàn thành xuất sắc trọng trách được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin cậy giao phó.
Thực tế này cho thấy, lời nhắc nhở, đề nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đòi hỏi từng cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị, cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu trước hết phải nhận thức rõ những thách thức để không có tư tưởng chủ quan, tự mãn, mà phải tập trung cao độ, có ý chí quyết tâm, khát vọng, dồn sức hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII đã đề ra. Vì có nhận thức rõ điều này, mỗi tổ chức, cá nhân mới chú tâm thực hành cho tốt lời căn dặn của Bác Hồ: “Kế hoạch 10 phần thì biện pháp phải 20 phần và quyết tâm 30 phần”, khắc phục bằng được khâu yếu là tổ chức thực hiện nghị quyết.
Và đặc biệt để nhận thức trở thành hành động, mỗi cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, nói đi đôi với làm, đã nói là làm. Bản thân mỗi cán bộ cần nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân, trách nhiệm trước công việc, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu; chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, tránh tư duy khuôn mẫu; phân công, giao nhiệm vụ rõ người, rõ việc, rõ tiến độ; không đùn đẩy trách nhiệm, không né tránh công việc; lãnh đạo, chỉ đạo đi liền với kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ bằng hiệu quả công việc và sản phẩm thực hiện... với đích đến là “sự giàu có và hạnh phúc của nhân dân” - Điều mà cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đuổi và là vấn đề tiếp tục được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng .../.
Thu Hà
Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )
Nguồn tin: Báo điện tử ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Ý kiến bạn đọc