Chỉnh đốn để xây dựng

Thứ bảy - 29/07/2023 22:27 182 0

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, có những lúc Đảng ta đã công khai thừa nhận sai lầm, khuyết điểm, công khai nói rõ những mặt yếu kém, tiêu cực trong Đảng. Điều đó thể hiện bản lĩnh, sự cầu thị, tính lành mạnh của một đảng cách mạng chân chính.

Ngày 10.7 tại Hà Nội, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương tổ chức hội nghị toàn quốc sơ kết công tác kiểm tra, giám sát 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Trần Văn Rón cho biết, từ đầu năm đến nay, cấp uỷ các cấp kiểm tra theo Điều 30 của Điều lệ Đảng đối với gần 20 ngàn tổ chức đảng và hơn 100 ngàn đảng viên. Kết luận 505 tổ chức đảng, hơn 1.700 đảng viên có vi phạm, khuyết điểm, phải thi hành kỷ luật 3 tổ chức đảng, trong đó đã thi hành kỷ luật 3 tổ chức đảng và 13 đảng viên.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư thành lập 10 đoàn kiểm tra do các Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng làm trưởng đoàn kiểm tra đối với 30 tổ chức đảng về việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 26 ngày 19.5.2018 củaBan Chấp hành Trung ương khoá XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Yêu cầu khách quan

Trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tác giả khẳng định và nhấn mạnh, xây dựng Đảng luôn luôn phải đi đôi chỉnh đốn Đảng.

Nói cách khác, đổi mới, chỉnh đốn Đảng là một bộ phận không tách rời của công tác xây dựng Đảng. Đây là một yêu cầu khách quan, tự nhiên, một việc làm thường xuyên của bất cứ một đảng cách mạng chân chính nào, ở bất kỳ giai đoạn nào.

Trong suốt quá trình phát triển và trưởng thành, Đảng luôn luôn tự đấu tranh, tự chỉnh đốn, loại bỏ những tiêu cực, khắc phục những khuyết điểm, sai lầm nhằm không ngừng làm trong sạch đội ngũ của mình. Có những lúc chúng ta phải “tự chỉ trích”, để củng cố, chỉnh đốn Đảng.

Tháng 7.1939, trong thời kỳ Đảng còn hoạt động bí mật, trong tác phẩm “Tự chỉ trích”, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ cho rằng, đối với một đảng chính trị, việc mắc phải khuyết điểm, thậm chí sai lầm là khó tránh khỏi. Điều quan trọng là phải biết tự phê bình, “công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi... để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng càng được thống nhất và củng cố, để đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mạng tới thắng lợi...”.

Vấn đề đấu tranh chống những thói hư tật xấu, xây dựng đạo đức cách mạng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Năm 1927, Người viết cuốn Đường cách mệnh, trong đó nêu rõ yêu cầu về tư cách của người cách mạng. Năm 1969, Người viết bài báo cuối cùng “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Người cho rằng, một đảng mà không tự nhận thấy khuyết điểm, yếu kém của mình và không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm là “một đảng hỏng”.

Chỉ tính riêng từ khi đổi mới đến nay, Đảng đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, nhiều cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, có những lúc Đảng ta đã công khai thừa nhận sai lầm, khuyết điểm, công khai nói rõ những mặt yếu kém, tiêu cực trong Đảng. Điều đó thể hiện bản lĩnh, sự cầu thị, tính lành mạnh của một đảng cách mạng chân chính.

Ngày nay, trong điều kiện mới, đứng trước yêu cầu cách mạng với quy mô, tầm vóc lớn lao, có nhiều khó khăn, phức tạp mới, hơn bao giờ hết chúng ta càng cần phát huy truyền thống anh hùng và bản chất tốt đẹp của Đảng, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện thoái hoá, tiêu cực, chăm lo xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, đủ sức lãnh đạo đất nước ngày càng phát triển.

“Chúng ta không sợ nói ra khuyết điểm, tiêu cực; đồng thời cũng không cho phép ai lợi dụng việc đấu tranh khắc phục khuyết điểm, tiêu cực để bôi nhọ, kích động chống phá Đảng, chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”- tác giả viết.

Tác giả - Tổng Bí thư yêu cầu “nắm vững những nội dung cơ bản, tư tưởng cốt lõi của Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII để tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện một cách có hiệu quả. “Như các đồng chí đã biết, điểm mới trong nghị quyết là đã chỉ ra một cách có hệ thông những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, nhấn mạnh tính chất nguy hiểm và hậu quả khôn lường của nó, vì vậy tập trung vào việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”.

Tổng Bí thư chỉ rõ, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ là cuộc chiến đầy cam go, nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến vận mệnh của Đảng và chế độ.

“Quan điểm chỉ đạo của Đảng là kiên quyết, kiên trì thực hiện, khó mấy cũng phải thực hiện, thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, tiến hành thường xuyên, liên tục ở các cấp, các ngành, đồng bộ cả ở Trung ương và cơ sở.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình với Đảng, với Tổ quốc để thực hiện nghị quyết một cách nghiêm túc và có hiệu quả, tránh tình trạng thờ ơ, vô cảm, đứng ngoài cuộc hoặc có tư tưởng chỉ trông chờ, phán xét người khác”. Không “đóng cửa” để xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Cấp uỷ, tổ chức đảng và người đứng đầu các cấp phải thật sự đoàn kết, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, phải có những giải pháp đủ mạnh, những việc làm cụ thể để làm chuyển biến rõ rệt tình hình. Kết hợp hài hoà giữa “xây” và “chống”; tập trung giải quyết dứt điểm những vụ việc bức xúc đã được chỉ ra.

Phải đề cao kỷ cương, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kết hợp với sự giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm; chú trọng phát huy vai trò của báo chí và công luận trong quá trình thực hiện Nghị quyết. Kết hợp công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình với việc xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách; kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội.

Không dao động, mơ hồ

“Các cấp uỷ, tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở phải nắm chắc tình hình, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện nghị quyết ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Định kỳ sơ kết rút kinh nghiệm và có các hình thức khen thưởng kịp thời đối với những tổ chức, cá nhân làm tốt và xử lý kỷ luật đối với những nơi làm không tốt. Tránh tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, khi quán triệt, triển khai nghị quyết thì rầm rộ nhưng khi thực hiện thì tắc trách, không có tập thể, cá nhân nào chịu trách nhiệm”.

Trong điều kiện kinh tế thị trường, mở cửa giao lưu với các nước, trước những tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường, trước sự tiến công của các thế lực thù địch, một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống.

Đó là những biểu hiện dao động, mất niềm tin vào chủ nghĩa xã hội và sự lãnh đạo của Đảng, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí phấn đấu, kém tính đảng, chạy theo lối sống cơ hội, thực dụng, làm giàu bất chính, lợi dụng chức quyền và những sơ hở trong cơ chế, chính sách để ăn cắp của công, thu vén cá nhân, ăn chơi hưởng lạc.

Một số vụ tham nhũng, buôn lậu phát triển thành những “đường dây” có tổ chức. Sự phân hoá giàu nghèo diễn ra ngay trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; số giàu không bình thường đang tăng lên, ở không ít nơi lợi ích cá nhân lấn át lợi ích tập thể, lợi ích cục bộ lấn át lợi ích toàn cục.

Có không ít người giàu lên rất nhanh, đang bị dư luận đặt vấn đề nghi vấn hoặc lên án. Trong khi đó, Đảng thiếu sự chuẩn bị cho bước chuyển biến mới, không chú ý đúng mức vấn đề giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức. Nhiều tổ chức đảng buông lỏng công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý cán bộ, đảng viên; có phần nhấn mạnh một chiều vấn đề lợi ích vật chất, xem nhẹ việc giáo dục lý tưởng, tinh thần hy sinh. Bản thân người cán bộ, đảng viên không chú ý rèn luyện.

Trong bối cảnh môi trường xã hội mới, một bộ phận sống buông thả, chạy theo lợi ích vật chất, lao vào làm giàu, kể cả làm giàu phi pháp, hưởng lạc, không rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức. Một số bộc lộ rất lộ liễu tham vọng cá nhân, kèn cựa địa vị, cục bộ địa phương, gia trưởng, độc đoán, ý thức tổ chức kỷ luật kém, phát ngôn tuỳ tiện, bất chấp các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng.

Cá biệt có những người do bất mãn mà đi đến phản bội lại lý tưởng của Đảng và lợi ích của nhân dân. Số thoái hoá về chính trị rất ít nhưng hoạt động của họ gây hậu quả xấu. Chính những biểu hiện tiêu cực trên đây đang làm xói mòn thanh danh, uy tín của Đảng - Tổng Bí thư chỉ rõ.

Việt Đông

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây