Kỷ niệm 112 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước: “Người đã sống một cuộc đời oanh liệt”

Thứ hai - 05/06/2023 06:40 275 0

Trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tác giả nhiều lần nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 5.6.1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đặt chân lên con tàu Amiral Latouche Treville tại bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước

Tác giả viết: “Người là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng; kết tinh giá trị đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại.

Trọn vẹn cuộc đời, Người đã hiến dâng cho Tổ quốc, đồng bào, cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Một cuộc đời đầy gian khổ hy sinh, nhưng vô cùng oanh liệt, cao thượng; vô cùng phong phú, trong sáng và đẹp đẽ. Một vĩ nhân đã đi vào lịch sử và trở thành huyền thoại ngay từ khi Người còn sống.

Cuộc đời và sự nghiệp của Người đã trở thành biểu tượng cách mạng, khơi dậy khát vọng và niềm tin cho nhân dân Việt Nam và nhân dân tiến bộ thế giới trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hoà bình, dân chủ và tiến bộ xã hội. “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.

Đề cập đến cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong các Hồ Chí Minh được thực hiện trong nhiều năm qua, tác giả cuốn sách nêu câu hỏi: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là gì? Đạo đức Hồ Chí Minh là gì? và Phong cách Hồ Chí Minh là gì” và trả lời (khái quát): Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm, nhận thức, tư tưởng chỉ đạo rất cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cách mạng và con đường đi lên của cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay.

Đó là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại. Người nhiều lần khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, “sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.

“Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

“Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, nước ta có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế. “Nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Vì vậy, độc lập phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội; giải phóng dân tộc phải gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, tức là phải tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, điều quan trọng là phải phát huy được sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc, tập hợp được mọi lực lượng, dân tộc, tôn giáo, mọi người dân Việt Nam yêu nước: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”.

Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của một đảng cách mạng chân chính. Đảng có mạnh thì dân tộc mới mạnh, vì Đảng là đội tiên phong, là người lãnh đạo của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn dân tộc.

Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức cách mạng, là những phẩm chất cao quý của một người cách mạng. Đó là: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng.

Người thường nói: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Phong cách Hồ Chí Minh là lối sống, tác phong khiêm tốn, giản dị, cầu thị, gần dân, trọng dân, tin dân, học dân, làm việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân; là đầy tớ của dân chứ không phải “làm quan nhân dân”, không được lên mặt “làm quan cách mạng”. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác học tập, ra sức tu dưỡng, rèn luyện để không ngừng nâng cao trình độ nhận thức, trở thành những con người có văn hoá, có liêm sỉ, “trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Người thường nói: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.

Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, cần hiểu rõ, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.

Do vậy, phải đặc biệt chú trọng công tác giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng được nhiều tấm gương người tốt, việc tốt. Người căn dặn: “Người tốt việc tốt” như hoa nở mùa xuân, lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.

Phát biểu trước một hội nghị lớn về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tác giả chỉ rõ, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được Đảng chỉ đạo từ rất sớm, bằng nhiều chỉ thị, nghị quyết, qua nhiều thời kỳ.

Gần đây nhất là Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khoá XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.

Sau 35 năm đổi mới, đất nước đạt được nhiều thành tựu nhưng “sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã cảnh báo vẫn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn.

Các thế lực thù địch tìm mọi cách tăng cường chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, chia rẽ Đảng với nhân dân, hòng lật đổ Đảng ta, chế độ ta.

Tình hình này tác động mạnh, nhiều chiều đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới”- tác giả cuốn sách đồng thời là người lãnh đạo cao nhất của Đảng chỉ rõ.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưỏng, đạo đức, tổ chức và cán bộ” “kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”.

Tổng Bí thư yêu cầu thúc đẩy việc học tập Bác trở thành lối sống, nếp nghĩ, cách làm của từng cán bộ, đảng viên và người dân. Làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự thấm sâu vào đời sống xã hội, thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, cội nguồn sức mạnh to lớn, để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành mọi nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thực sự thấm nhuần tư tưởng của Bác, thống nhất giữa tư tưởng và hành động, giữa lời nói và việc làm. Ai cũng tìm thấy ở đó những chuẩn mực đạo đức cần học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trở thành nhu cầu, lẽ sống tự nhiên, mong muốn vươn lên, hoàn thiện chính bản thân mình: Bản lĩnh, kiên định, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; gần dân, tin dân, yêu dân, học dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Qua đó, bồi đắp tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, làm cho đất nước ngày càng phát triển, dân tộc ngày càng cường thịnh, trường tồn.

Việt Đông

Tác giả bài viết: Long Sơn ( Tổng hợp )

Nguồn tin: Báo Tây Ninh Điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây